Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 477/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2023 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN HỒNG HÀ VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ THEO PHƯƠNG THỨC PPP NĂM 2022
Ngày 10 tháng 11 năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp về tình hình thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức PPP năm 2022. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ và đại diện các Bộ, cơ quan: Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo và ý kiến phát biểu của các Bộ, ngành, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã kết luận như sau:
1. Đánh giá chung
Tại Việt Nam, việc triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã được thực hiện từ năm 1997 theo các Nghị định của Chính phủ, khi chưa có Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Chủ trương thu hút nguồn lực từ khu vực tư, huy động vốn xã hội để đầu tư những lĩnh vực mà nhà nước có trách nhiệm cung cấp dịch vụ công là rất quan trọng và cần thiết. Thực tiễn cho thấy nhiều nước trên thế giới đã triển khai thành công cơ chế này và quá trình triển khai tại Việt Nam thời gian qua cơ bản đạt được kết quả tốt, thu hút được nhiều nguồn lực xã hội, đóng vai trò rất lớn trong việc phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, điện….
Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư được Quốc hội thông qua tháng 6 năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 và Chính phủ, các Bộ đã ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn chi tiết. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện hiệu quả phương thức đầu tư PPP. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay cả nước mới có 24 dự án đang triển khai các thủ tục theo Luật đầu tư (01 dự án đã lựa chọn nhà đầu tư, 02 dự án đã phê duyệt dự án, 7 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư và 14 dự án đang thực hiện thủ tục lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi), chủ yếu là dự án BOT giao thông; các lĩnh vực và loại hợp đồng khác hầu như không có dự án nào.
Luật PPP mới triển khai gần 3 năm, do vậy, cần có thời gian để tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, bài bản, khoa học, thận trọng để sơ kết, tổng kết, trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Yêu cầu trước mắt là rà soát, sửa đổi ngay các những quy định tại các văn bản dưới luật và khâu tổ chức thực hiện để khơi thông những vướng mắc, bất cập thu hút được tối đa nguồn lực xã hội tham gia đầu tư theo phương thức PPP, phù hợp với các lĩnh vực nhà nước kêu gọi đầu tư.
2. Ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc tổng hợp, báo cáo về tình hình thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức PPP năm 2022 theo nhiệm vụ được Chính phủ giao. Để thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư, cần đánh giá đúng, sát hơn nữa về tình hình triển khai, nhận diện chính xác những tồn tại hạn chế, nguyên nhân và đề xuất cụ thể từng giải pháp…
Đối với Báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức PPP, yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Bổ sung đầy đủ, toàn diện về tình hình thu hút 07 loại hợp đồng (BOT, BTO, BOO, O&M, BLT, BTL và loại Hợp đồng hỗn hợp) và tình hình thực hiện các dự án của các lĩnh vực: giao thông vận tải, lưới điện, nhà máy điện, thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải, y tế, giáo dục - đào tạo và hạ tầng công nghệ thông tin);
- Làm rõ lý do một số lĩnh vực có rất ít dự án hoặc không có dự án nào đầu tư theo PPP, trong đó có lĩnh vực năng lượng, trong khi giai đoạn trước khi có Luật PPP đã thực hiện được 17 dự án, hợp đồng BOT điện;
- Xác định rõ nguyên nhân (do bất cập về pháp luật; thiếu hướng dẫn, cụ thể về chính sách pháp luật; do sự chồng chéo quy định giữa Luật PPP với các Luật khác; vướng mắc tại các Nghị định của Chính phủ? do thiếu văn bản hướng dẫn có tính kỹ thuật của các Bộ quản lý ngành và hay vướng mắc do khâu tổ chức thực hiện?... ).
- Đề xuất giải pháp để bổ sung hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là phải sửa đổi ngay các Nghị định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các Bộ. Chỉ rõ các nội dung, chính sách tại các điều khoản cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ. Đối với Nghị định của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo sự cần thiết, cơ sở pháp lý, thực tiễn để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét đưa vào Chương trình công tác xây dựng 01 Nghị định để sửa nhiều Nghị định.
3. Về các dự án đã và đang triển khai trước khi Luật PPP có hiệu lực
a) Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tổng hợp, báo cáo về các dự án theo phương thức đối tác công tư đã triển khai trước ngày Luật PPP có hiệu lực nhưng đang còn vướng mắc, tồn tại (theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư), gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 25 tháng 11 năm 2023. Bộ, ngành, địa phương nào không gửi báo cáo hoặc gửi không đúng thời hạn thì hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu xảy ra vấn đề pháp lý hay thiệt hại về kinh tế...
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tổng hợp danh mục dự án và tổng hợp những vấn đề vướng mắc, khó khăn, tồn tại, nguyên nhân và giải pháp theo các nhóm như sau:
- Nhóm thứ nhất liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật trước đây: quy định pháp luật đã có nhưng do khâu tổ chức thực hiện chưa thống nhất, chưa hiểu rõ, còn lúng túng chưa rõ về thẩm quyền, cấp quyết định, quy định chuyển tiếp... Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phân công trách nhiệm rõ cho từng bộ, ngành chủ trì làm việc với các nhóm dự án; trên cơ sở đó, có văn bản (không phải là văn bản quy phạm pháp luật) hướng dẫn chung cả nước (địa phương, các bộ, ngành) trong việc thống nhất về nhận thức, thống nhất về áp dụng quy định pháp luật; thống nhất về cách xử lý những vấn đề tổ chức thực hiện...
- Nhóm thứ 2 liên quan việc vận dụng, áp dụng các văn bản pháp luật khác nhau của các lĩnh vực khác nhau (đất đai, đầu tư công, công sản và đầu tư theo phương thức đối tác công tư... ): Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra những khó khăn, vướng mắc cụ thể; để giải quyết được thì phải ban hành cơ chế chính sách gì? xác định rõ cấp có thẩm quyền để quyết định những vướng mắc (Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay Quốc hội...).
- Về các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT chuyển tiếp: Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện văn bản số 6992/VPCP- CN ngày 12 tháng 9 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ để sửa đổi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 69/2019/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng BT và Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP, bảo đảm toàn diện, giải quyết dứt điểm vướng mắc của các dự án theo hình thức hợp đồng BT chuyển tiếp, đang triển khai dở dang, trong đó tăng cường phân cấp và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền ký kết hợp đồng BT.
4. Về tiến độ báo cáo: Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 11 năm 2023.
5. Văn phòng Chính phủ tổng hợp, trình Chính phủ xem xét đưa vào Chương trình công tác năm 2024 về việc xây dựng 01 Nghị định sửa nhiều Nghị định để giải quyết các vấn đề có tính liên ngành liên quan đến đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, đơn vị liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Công văn 1169/BKHĐT-QLĐT năm 2023 về báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức PPP năm 2022 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 2Công văn 1707/VPCP-CN năm 2023 về báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức PPP do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 949/QĐ-TTg năm 2023 về thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) theo phương thức đối tác công tư (PPP) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Công văn 940/VPCP-CN năm 2024 tình hình thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015
- 2Luật Đầu tư 2020
- 3Nghị định 69/2019/NĐ-CP quy định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao
- 4Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020
- 5Nghị định 35/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư
- 6Công văn 1169/BKHĐT-QLĐT năm 2023 về báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức PPP năm 2022 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 7Công văn 1707/VPCP-CN năm 2023 về báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức PPP do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 949/QĐ-TTg năm 2023 về thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) theo phương thức đối tác công tư (PPP) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Công văn 940/VPCP-CN năm 2024 tình hình thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) do Văn phòng Chính phủ ban hành
Thông báo 477/TB-VPCP năm 2023 Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về tình hình thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2022 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 477/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 20/11/2023
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Sỹ Hiệp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra