Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 465/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 12 tháng 10 năm 2024

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY BÌNH DƯƠNG

Ngày 26 tháng 9 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư năm 2024 tỉnh Bình Dương; thăm quan Triển lãm Năng lượng và Tự động hóa năm 2024; khảo sát tiến độ dự án công trình đường bộ cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đã qua và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm. Cùng dự buổi làm việc có Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi; lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Công Thương, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Sau khi nghe báo cáo do đồng chí Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương trình bày; phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi và lãnh đạo, đại diện các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Bình Dương là tỉnh có vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh về địa kinh tế, kết cấu hạ tầng, đô thị và phát triển công nghiệp, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ giao thương với Thành phố Hồ Chí Minh, có các trục lộ giao thông huyết mạch của quốc gia; có nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội, hội tụ nhiều yếu tố để phát triển mạnh về công nghiệp và dịch vụ, địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ, tài nguyên thiên nhiên phong phú, khí hậu ổn định, tập trung khu công nghiệp lớn, tỷ lệ lấp đầy cao, trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho Vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Là vùng đất người dân có truyền thống anh hùng cách mạng, cần cù lao động, cầu thị, ham học hỏi, năng động, không ngừng đổi mới sáng tạo, khát vọng vươn lên làm giàu cho quê hương, đất nước.

2. Những kết quả đạt được của Bình Dương tạo nên những ấn tượng và sự tự hào trong phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, xây dựng Bình Dương theo xu thế là thành phố thông minh của thế giới và không còn hộ nghèo. Những tháng đầu năm 2024, kinh tế tiếp tục đà tăng khá ở cả 3 khu vực. GRDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,19%, cao nhất trong vòng 5 năm qua. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 8 tháng tăng 6,04% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 12,7% ngân sách nhà nước, hơn 50,1 nghìn tỷ. Xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn. Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đạt 41,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Thu hút FDI trong 8 tháng đạt trên 1,36 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ, xếp thứ 7/63. Bình Dương luôn duy trì vị thế trong nhóm 3 tỉnh thu hút FDI tốt nhất. Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực. Trong 8 tháng có gần 5,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, cao hơn nhiều số doanh nghiệp giải thể. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động triển khai hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội; đời sống nhân dân được quan tâm. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, biểu dương nỗ lực của các đồng chí Lãnh đạo, cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Dương, những thành tựu đã đạt được, những đóng góp quan trọng vào kết quả chung của cả nước.

3. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức như: Bình Dương chưa lấy lại đà tăng trưởng sau đại dịch COVID-19. GRDP bình quân giai đoạn 2021-2023 chỉ đạt 5,01%; 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,19%, thấp hơn bình quân chung cả nước (6,42%), xếp thứ 5/6 trong Vùng và thứ 34/63 cả nước. Giải ngân vốn đầu tư công, triển khai một số công trình, dự án quan trọng quốc gia còn chậm. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cần quan tâm để duy trì vị thế “điểm đến hàng đầu” của Bình Dương.

II. BÀI HỌC KINH NGHIỆM, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỜI GIAN TỚI

1. Bài học kinh nghiệm:

a) Tăng cường đoàn kết, thống nhất; quán triệt, triển khai sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận dụng vào điều kiện thực tiễn của địa phương. Phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh và cơ hội nổi trội; đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp thế hệ mới, các doanh nghiệp dân tộc, nhân rộng mô hình hiện đại kiểu mẫu về phát triển công nghiệp.

b) Nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, hóa giải những biến động đột xuất, bất ngờ, các vướng mắc, thách thức. Hội nhập mạnh mẽ, chú trọng vai trò liên kết Vùng, quốc gia, quốc tế chặt chẽ.

c) Phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo, huy động hiệu quả mọi nguồn lực, không trông chờ, ỷ lại, vươn lên bằng sức mạnh nội sinh.

d) Công tác chỉ đạo điều hành phải có tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc trọng tâm, trọng điểm, đầu tư không dàn trải.

đ) Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; phân công nhiệm vụ, giao việc phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả.

e) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chủ động giải quyết công việc với tinh thần: đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là phải có sản phẩm cụ thể, cân đong đo đếm được; làm việc nào dứt điểm việc đó; không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

2. Bình Dương vững bước phát triển với 3 tiên phong:

a) Tiên phong kết nối nền kinh tế với Vùng, khu vực, quốc gia, quốc tế, nhất là kết nối giao thông xanh, số hóa với Campuchia, với Tây Nguyên qua Bình Phước, với Tây Nam Bộ qua Thành phố Hồ Chí Minh, với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, với Cảng Cái Mép - Thị Vải.

b) Tiên phong trong chủ động phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và kinh tế ban đêm, đặc biệt chú trọng số hóa và xanh hóa nền kinh tế.

c) Tiên phong trong chủ động, tích cực xây dựng các khu công nghiệp thế hệ mới, tập trung đổi mới sáng tạo, lập nghiệp, khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ 4.0, phát triển khu công nghiệp thế hệ mới theo hướng xanh, số, công nghệ cao, thông minh; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

3. Nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:

a) Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch; xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong Quy hoạch.

b) Thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, kiểm soát lạm phát; tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân và doanh nghiệp, hướng tín dụng vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, có tiềm năng lớn và hạ tầng giao thông.

- Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống: về đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm; về xuất khẩu, nghiên cứu và phát triển khu phi thuế quan, khu thương mại tự do, hướng đến xuất khẩu và thu hút đầu tư; về tiêu dùng, xây dựng chương trình, kế hoạch kích cầu tiêu dùng trên địa bàn, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.

- Khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm; đẩy mạnh liên kết Vùng.

c) Phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển; quyết liệt triển khai chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu. Triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí.

d) Phát triển hệ sinh thái công nghiệp kiểu mới; thúc đẩy chuyển đổi các khu công nghiệp sang mô hình khu công nghiệp sinh thái, công nghệ cao; ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ.

Phát triển mạnh các ngành dịch vụ mũi nhọn, hỗ trợ công nghiệp như: thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng, logistics, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Phát triển nông nghiệp để bảo đảm lương thực, thực phẩm, ổn định đời sống người dân, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái.

đ) Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; trọng tâm là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng thông tin, viễn thông, hạ tầng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu; đặc biệt là phát triển hạ tầng giao thông kết nối Vùng, quốc gia, khu vực và quốc tế.

e) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường kinh doanh, xóa bỏ cơ chế xin - cho; tăng cường đối thoại, đồng hành và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

g) Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong ngành, lĩnh vực tiềm năng, ưu tiên; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đồng thời có cơ chế, chính sách hiệu quả thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyển từ truyền đạt kiến thức sang giáo dục toàn diện. Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội theo các hình thức thuê và thuê mua, yếu tố quan trọng thu hút nhân lực, thu hút đầu tư.

h) Triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội. Chú trọng quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu. Quản lý môi trường sinh thái, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống tốt đẹp, các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu của tỉnh.

i) Giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tập trung đấu tranh, trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội.

k) Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; chuẩn bị tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp, hoàn thành các công trình chào mừng 50 năm giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Từ những bài học kinh nghiệm, nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, Bình Dương cần tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa hào hùng, anh dũng, các kết quả nổi bật trên tất cả lĩnh vực trong những năm qua, tập trung phát triển bứt phá, đột phá, mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn trong giai đoạn tới. Với vị trí, vai trò chiến lược là cực tăng trưởng của vùng động lực phía Nam, trong nhóm 3 địa phương có quy mô nền kinh tế lớn nhất cả nước, với đà phát triển những năm qua cùng khát vọng, quyết tâm của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh, mục tiêu thời gian tới tỉnh cần tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, không ngừng phát huy vị thế là thủ phủ công nghiệp hiện đại, phấn đấu đạt vị thế thủ phủ công nghiệp hàng đầu Việt Nam, có những sản phẩm mới thông minh hơn, hiện đại hơn, sớm trở thành đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

III. CÁC KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH

1. Về việc sử dụng nguồn thu từ khai thác quỹ đất và được giữ lại nguồn vượt thu ngân sách Trung ương giao hàng năm:

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương làm việc với Bộ Tài chính để xử lý theo nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng giữa các địa phương, không phá vỡ nguyên tắc chung, phát huy tính tự chủ, tự lực, tự cường, huy động sức mạnh nội lực, nội sinh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc, những nội dung vượt thẩm quyền.

2. Về việc được vay vốn với lãi suất thấp hoặc tạm sử dụng từ nguồn cải cách tiền lương để bổ sung vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm của Vùng và tỉnh:

Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu kiến nghị về việc sử dụng nguồn vốn, lãi suất vay vốn cho đầu tư các công trình, dự án trọng điểm, quan tâm hướng dẫn tỉnh trong áp dụng thực hiện, báo cáo cấp có thẩm quyền những nội dung vượt thẩm quyền, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương có đề xuất cụ thể đối với từng dự án và hình thức vay.

Giao Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương thực hiện sau khi Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Khóa XV nội dung cho phép địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư các công trình dự án.

3. Về bổ sung các hạng mục (nút giao Tân Vạn và 02 cầu trên phần đường song hành tại Cầu Bình Gởi) vào Dự án Vành đai 3 từ nguồn vốn dự phòng của Dự án:

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, tổng hợp đề xuất, kiến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương và các địa phương khác (nếu có) để trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư theo đúng quy định.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai Dự án.

4. Về hỗ trợ cho tỉnh Bình Dương chi phí giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án đường Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Bình Dương:

Đoạn qua tỉnh Bình Dương đã được Tỉnh tập trung, quyết tâm, nỗ lực triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1263/TTg-CN ngày 29 tháng 9 năm 2021 và Thông báo số 96/TB-VPCP ngày 04 tháng 4 năm 2022. Giao tỉnh Bình Dương tiếp tục triển khai thực hiện và phối hợp với các địa phương cập nhật chính sách chung của toàn Dự án trong quá trình triển khai theo đúng quy định.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, thống nhất với các địa phương liên quan nghiên cứu kiến nghị của tỉnh Bình Dương về hỗ trợ tỉnh kinh phí giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án đường Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án tổng thể.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu có văn bản thống nhất việc giao Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh (Dự án tổng thể đi qua 5 tỉnh, thành phố), gửi Bộ Giao thông vận tải tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan chủ trì lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trên cơ sở đó hoàn thiện Báo cáo để trình phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định (trên cơ sở dự án chung và có các dự án thành phần do các tỉnh làm chủ đầu tư).

5. Về thực hiện Dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng:

Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, các Bộ, cơ quan liên quan đánh giá, phân tích, báo cáo rõ việc đề nghị dừng thực hiện Dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng (BRT) và chuyển nguồn vốn vay ODA sang thực hiện Dự án tuyến đường sắt nhẹ (LRT) nếu hiệu quả hơn, đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

6. Về lập, thẩm định, trình phê duyệt xây dựng Đề án huy động nguồn lực thực hiện các Dự án tuyến đường sắt đô thị Suối Tiên - thành phố mới Bình Dương và tuyến đường sắt Bàu Bàng - Dĩ An:

Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương lập Đề án huy động nguồn lực và Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 02 Dự án, trong đó lưu ý làm rõ phương thức thực hiện, nguồn vốn, công nghệ, các cơ chế chính sách (vay vốn, phát hành trái phiếu công trình...), phấn đấu thông qua chủ trương Dự án vào dịp 30 tháng 4 năm 2025, chào mừng 50 năm giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.

7. Về thành lập Khu thương mại tự do An Bình tại thành phố Dĩ An:

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương trong quá trình triển khai xây dựng Đề án thành lập Khu thương mại hoạt động theo mô hình “khu thương mại tự do”, trong đó đề xuất cụ thể các nội dung như: vị trí, quy mô dự kiến, các hoạt động của Khu thương mại tự do, mô hình tổ chức, quản lý, cơ chế chính sách, trình tự, thủ tục thành lập, thẩm quyền phê duyệt và đánh giá tác động toàn diện trên các mặt kinh tế, thương mại, an ninh quốc phòng, khả năng tuân thủ các cam kết, trên cơ sở đó trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định pháp luật.

8. Về cơ chế, chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các ngành học thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ, chíp bán dẫn, vi mạch điện tử:

Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, tổng hợp, xử lý kiến nghị của tỉnh Bình Dương nói riêng và địa phương khác nói chung về các nội dung liên quan đến vấn đề miễn giảm học phí đối với sinh viên theo học các ngành mà nhà nước cần ưu tiên phát triển trong quá trình đề xuất sửa đổi Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

9. Về hướng dẫn việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên để cải tạo, nâng cấp, mở rộng hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng:

Giao Bộ Tài chính tổng hợp, tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên ngân sách nhà nước để thực hiện mua sắm tài sản, trang thiết bị, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng, trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định.

10. Về điều chỉnh quy định tiêu chí về mật độ dân số toàn đô thị trong phân loại đô thị:

Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu, tổng hợp kiến nghị của tỉnh Bình Dương trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định về phân loại đô thị.

11. Về cơ chế địa phương này được hỗ trợ kinh phí cho địa phương khác trong việc đầu tư hạ tầng giao thông kết nối:

Giao Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia theo đúng quyết nghị của Chính phủ tại Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2024, trong đó có nội dung cho phép các địa phương được sử dụng ngân sách cấp mình tham gia thực hiện các dự án, công trình có tính chất Vùng, liên Vùng và các nhiệm vụ quan trọng khác nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và sự chủ động của các địa phương trong phát triển các công trình, dự án có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn; cho phép địa phương này có thể chi hỗ trợ địa phương khác nếu Hội đồng nhân dân cấp quyết định ngân sách đồng ý để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XV; trên cơ sở đó, Bộ Tài chính chủ trì, hướng dẫn các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan triển khai thực hiện ngay, bảo đảm chặt chẽ, công bằng, công khai, minh bạch, góp phần phát huy vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, tính chủ động của ngân sách địa phương.

12. Về điều chỉnh, bổ sung chính sách huy động các nguồn lực xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục:

Giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, tham mưu đề xuất phương án xử lý, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

13. Về đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao:

Giao Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương thẩm định Đề án thành lập Khu Công nghệ thông tin tập trung Bình Dương, trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Nghị định số 154/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về khu công nghệ thông tin tập trung.

14. Về việc tách dự án giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập:

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xem xét, tham mưu đề xuất đối với kiến nghị của tỉnh, báo cáo Quốc hội các vướng mắc pháp lý. Nhất là việc báo cáo Quốc hội về kết quả thí điểm và đề xuất các địa phương để báo cáo đề xuất Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XV.

(Báo cáo số 464-BC/TU ngày 25 tháng 9 năm 2024 của Tỉnh ủy Bình Dương và Công văn số 4469/UBND-TH ngày 15 tháng 8 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương gửi kèm theo)

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan và địa phương biết, thực hiện, đồng thời theo dõi đôn đốc và tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan: CT, GTVT, GDĐT, KHĐT, KHCN, TC, TNMT, TTTT, XD, YT, NHNNVN;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Dương;
- Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hồ Chí Minh;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Long An;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đồng Nai;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý/Thư ký TTg và các PTTg,
các Vụ: CN, KTTH, KGVX, NN, TH, TKBT, TGĐ Cổng TTĐTCP;
- Lưu: Văn thư, QHĐP (2b).NQ

KT.BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Sỹ Hiệp

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 465/TB-VPCP năm 2024 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 465/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 12/10/2024
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Sỹ Hiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/10/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản