Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 447/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 21 tháng 09 năm 2017

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI TỈNH HÀ TĨNH

Ngày 24 tháng 7 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh về tình hình kinh tế - xã hội thời gian qua, định hướng phát triển trong thời gian tới và một số kiến nghị, đề xuất. Cùng dự làm việc với Thủ tướng Chính phủ có lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương; Bộ trưởng các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan: Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Y tế, Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an, Bộ Tư lệnh Quân khu IV và Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV). Sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh báo cáo tình hình kinh tế - xã hội thời gian qua, định hướng phát triển trong thời gian tới và một số kiến nghị, đề xuất; phát biểu của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan; phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Trong giai đoạn 2011 - 2015, Tỉnh triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thuận lợi, đạt được những kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bình quân đạt trên 17%. Tuy vậy, bước sang năm 2016, do sự cố môi trường biển, thiên tai lũ lụt... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, tăng trưởng kinh tế giảm sâu (-16,87%), các ngành thủy sản, dịch vụ và du lịch bị ảnh hưởng nặng nề; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Tỉnh diễn biến phức tạp.

Bước sang năm 2017, mặc dù tình hình vẫn tiếp tục khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, thống nhất của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của toàn Đảng, toàn dân nên kinh tế 6 tháng đầu năm 2017 của Tỉnh đã có bước phục hồi, tăng trưởng trở lại, đạt 5,16%. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai với nhiều cách làm sáng tạo, đặc sắc, được các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh bạn đánh giá cao. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2017 tăng 30,05% so với cùng kỳ năm trước; môi trường kinh doanh được cải thiện, thu hút nhiều dự án lớn đầu tư vào địa bàn Tỉnh; các hoạt động thương mại, du lịch đã bước đầu phục hồi.

Đặc biệt Tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung chỉ đạo công tác bồi thường do sự cố môi trường biển gây ra, bảo đảm khách quan, minh bạch, dân chủ, đúng quy định. Đến nay, Tỉnh cơ bản hoàn thành công tác hỗ trợ, bồi thường với tỷ lệ cao. Đồng thời, Tỉnh cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan giám sát thực hiện khắc phục được 52/53 lỗi vi phạm của Công ty Formosa, tạo điều kiện để Công ty vận hành lò cao số 1 bảo đảm đúng quy định và kịp thời.

Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội được quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả tích cực, có nhiều em đạt kết quả cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế. Tỉnh đã kịp thời thành lập và đưa Trung tâm hành chính công đi vào hoạt động, bước đầu phát huy hiệu quả; các chỉ số như: Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nội bộ, dịch vụ công trực tuyến được đánh giá cao. Công tác đào tạo lao động, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm được quan tâm, thực hiện tốt.

Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội thời gian qua có nhiều diễn biến mới phức tạp. Tuy vậy, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể đã chủ động, tuyên truyền, vận động, kịp thời xử lý các vụ việc; bảo đảm ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; nội bộ đoàn kết, thống nhất, đồng thuận cao.

Những kết quả Tỉnh đạt được trong thời gian qua là rất lớn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn như: Quy mô kinh tế còn nhỏ, số lượng doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn còn ít, tỷ lệ thấp so với bình quân chung cả nước (Tỉnh có 310 người dân/1 doanh nghiệp, cả nước có 190 người dân/1 doanh nghiệp); tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vẫn còn nhiều tiềm ẩn phức tạp.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao sự đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn và những thành tích đạt được trong thời gian qua của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI

Hà Tĩnh hãy nắm bắt cơ hội, phát triển nổi bật lên, đột phá trong nâng cao chất lượng cuộc sống và môi trường cho mọi người dân. Chỉ có thể mới yên lòng dân, mới bền vững tiến lên. Phát huy kết quả đạt được, để phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2017 và những năm tiếp theo, Tỉnh cần tập trung làm tốt một số công việc sau:

1. Tỉnh cần định hướng phát triển kinh tế theo hướng nhanh nhưng phải bền vững, tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, lựa chọn những lĩnh vực phát triển kinh tế phù hợp để chủ động trong chỉ đạo, bảo đảm kiến tạo, đổi mới và phát triển. Hà Tĩnh phải biết khát vọng và có khát vọng lớn trong quá trình phát triển.

2. Tập trung rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó cần đánh giá toàn diện, phân tích các lợi thế, khó khăn từ đó định hướng phát triển kinh tế - xã hội phù hợp. Xác định Khu kinh tế Vũng Áng là động lực phát triển, hạt nhân là các dự án sản xuất công nghiệp nặng trọng điểm và cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương.

3. Triển khai kịp thời, nghiêm túc và quyết liệt Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm mới đạt được 5,16%, để đạt được mục tiêu cả năm là 10,6% thì Tỉnh cần tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành có giải pháp quyết liệt, sáng tạo. Cần bám sát và tập trung triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 02 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017.

4. Tiếp tục đổi mới, cải cách mạnh mẽ, toàn diện trong công tác, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan chính quyền các cấp, huy động sức mạnh tổng hợp phát triển kinh tế - xã hội. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tiếp cận, triển khai dự án; phát triển sản kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

5. Rà soát, phát triển cụm ngành công nghiệp nặng thép, nhiệt điện ven biển ở quy mô vừa phải, bảo đảm sức chịu tải về môi trường. Thu hút đầu tư các dự án đầu tư có thiết bị đồng bộ, công nghệ cao, tính khả thi cao, bảo đảm môi trường bền vững.

6. Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thực chất, hiệu quả, gắn với đô thị văn minh; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; tổ chức liên kết sản xuất, phát triển trang trại vùng bán sơn địa; thu hút đầu tư vào chế biến sâu nông sản, thủy sản.

7. Đầu tư nguồn lực tương xứng cho giáo dục, đào tạo, văn hóa, y tế, khoa học công nghệ bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Quan tâm thực hiện tốt an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, các hộ nghèo.

8. Chủ động có biện pháp phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn, nhất là các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao.

9. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan theo dõi, quan trắc, giám sát hoạt động vận hành và bảo vệ môi trường của Công ty Formosa theo quy định của pháp luật.

10. Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, giảm tai nạn giao thông; phòng chống cháy nổ, tệ nạn xã hội, không để xảy ra điểm nóng.

III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT CỦA TỈNH

1. Đối với kiến nghị cho thuê đơn vị tư vấn nước ngoài, rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 với lập Quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hỗ trợ kinh phí: Đồng ý về chủ trương, Bộ Tài chính chủ trì, xem xét hỗ trợ một phần cho Tỉnh kinh phí để triển khai thực hiện.

2. Đối với kiến nghị dừng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tỉnh nghiên cứu kỹ Dự án, khẩn trương đề xuất các phương án phù hợp đối với dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 05 tháng 10 năm 2017. Nghiên cứu cả khả năng cung cấp nguyên liệu cho Formosa Hà Tĩnh. Không xây dựng nhà máy thép ở đây.

3. Về phát triển Khu Kinh tế Vũng Áng và Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo

a) Đối với kiến nghị hỗ trợ Nhà đầu tư đẩy nhanh thủ tục pháp lý, sớm ký kết hợp đồng mua bán điện (PPA), cấp Giấy chứng nhận đầu tư và khởi công dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 đầu Quý IV/2017: Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan và Chủ đầu tư dự án khẩn trương hoàn thiện các thủ tục liên quan của Hợp đồng BOT và PPA để tiến tới cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định;

b) Đối với khoản tiền 30 triệu USD ứng trước của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa để bồi thường, giải phóng mặt Khu kinh tế Vũng Áng: Tỉnh thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 9146/VPCP-KTTH ngày 05 tháng 11 năm 2015 và Văn bản số 100/TB-VPCP ngày 25 tháng 5 năm 2016;

c) Đối với kiến nghị thành lập Khu hợp tác kinh tế biên giới Hà Tĩnh - Bolykhamxay (Lào): Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa vào Chương trình nội dung này thảo luận với phía Bạn tại Kỳ họp 40 của Ủy ban hợp tác Lào - Việt; khẩn trương hoàn chỉnh phương án tổng thể, phối hợp với phía Bạn sớm triển khai Khu hợp tác kinh tế biên giới Hà Tĩnh - Bolykhamxay;

d) Đối với kiến nghị bổ sung tuyến Quốc lộ 8A, Quốc lộ 12C (trên lãnh thổ Việt Nam và Lào) tham gia Hiệp định vận tải xuyên biên giới các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS-CBTA): Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc với phía Lào, Thái Lan và các nước GMS và ADB về việc bổ sung tuyến quốc lộ 8A, 12C tham gia Hiệp định vận tải xuyên biên giới các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.

4. Về cơ chế, chính sách về cảng biển, xuất nhập khẩu

a) Đối với kiến nghị bổ sung bến cảng Vũng Áng vào danh sách cảng biển được phép nhập khẩu mặt hàng ô tô: Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, xử lý kiến nghị của Tỉnh;

b) Đối với kiến nghị sửa đổi Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ: Bộ Tài chính khẩn trương hoàn chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa đổi Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2013 quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu;

c) Đối với kiến nghị có cơ chế vay, giải ngân nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Chương trình kiên cố hóa kênh mương và đường giao thông nông thôn (hiện Tỉnh còn nợ 261,534 tỷ đồng của đợt 2): Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Ngân hàng Phát triển Việt Nam khẩn trương triển khai thực hiện theo kế hoạch đã được phê duyệt; trường hợp khó khăn, vướng mắc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

d) Đối với kiến nghị hỗ trợ Tỉnh kinh phí đào tạo cán bộ, học viên Lào (hiện có hơn 3.000 cán bộ, học viên Lào đang học tại các trường trên địa bàn Tỉnh): Đồng ý về chủ trương, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

5. Về hỗ trợ đầu tư một số dự án trọng điểm trên địa bàn Tỉnh

a) Đối với kiến nghị hỗ trợ 219 tỷ đồng còn lại cho dự án hệ thống cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất nguồn vốn hỗ trợ Tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 547/TTg-KTN ngày 24 tháng 4 năm 2013;

b) Đối với kiến nghị bổ sung 836 tỷ đồng từ nguồn kết dư trái phiếu Chính phủ giai đoạn 1 và các nguồn khác từ ngân sách Trung ương để hỗ trợ cho dự án Hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (giai đoạn 2): Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định;

c) Đối với kiến nghị ưu tiên, bố trí vốn để hoàn thành tuyến Quốc lộ 8A (đoạn Km37-Km85+300): Bộ Giao thông vận tải cân đối trong số vốn đã được phân bổ thuộc kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ để triển khai thực hiện Dự án; trước mắt tổ chức việc sửa chữa, cải tạo các hư hỏng, xuống cấp, bảo đảm thuận lợi, an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 8A;

d) Đối với kiến nghị hỗ trợ 120 tỷ đồng để đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đảo Sơn Dương: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định khi có nguồn lực phù hợp;

đ) Đối với kiến nghị bố trí vốn để triển khai Dự án Tăng cường khả năng tiêu thoát lũ vùng hạ du công trình thủy lợi Kẻ Gỗ (tổng mức đầu tư 995,6 tỷ đồng): Tỉnh chủ động sử dụng nguồn vốn được Trung ương hỗ trợ, cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện Dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ Tỉnh khi có nguồn vốn phù hợp;

e) Đối với kiến nghị bổ sung nguồn vốn còn thiếu (600 tỷ đồng) của dự án tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng: Tỉnh chủ động sử dụng nguồn vốn được Trung ương hỗ trợ, cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện Dự án;

g) Đối với kiến nghị cho phép sử dụng nguồn còn thừa (khoảng 50 tỷ đồng) của dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Bắc và Nam thành phố Hà Tĩnh (bổ sung cải tạo mặt đường, bó vỉa, tấm thu nước và sơn kẻ mặt đường đoạn qua trung tâm thành phố Hà Tĩnh, từ Km509+900÷Km514+435 đang đấu nối với dự án này): Bộ Giao thông xem xét, xử lý; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

h) Đối với kiến nghị hỗ trợ nguồn vốn đầu tư Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện y học cổ truyền Hà Tĩnh (giai đoạn 2); Khoa Ung bướu - y học hạt nhân; Khoa Truyền nhiễm; Trung tâm sản - nhi thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh; nâng cấp hệ thống y tế tuyến huyện: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, theo hướng ưu tiên bố trí nguồn vốn ODA;

i) Đối với kiến nghị bố trí vốn giúp Tỉnh sớm khởi công Dự án tu bổ, tôn tạo các di tích gốc và xây dựng cơ sở hạ tầng Khu di tích quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du (giai đoạn 1): Tỉnh khẩn trương thực hiện các thủ tục phê duyệt đầu tư theo quy định để sớm khởi công Dự án trong năm 2018.

6. Về các nội dung liên quan đến sự cố môi trường biển

a) Đối với bổ sung các đối tượng bồi thường, bồi thường hải sản tồn kho:

- Về bổ sung các đối tượng bồi thường: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp các đối tượng của địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Về bồi thường hải sản tồn kho: Bộ Công Thương khẩn trương xác định, thống kê, tổng hợp số lượng hải sản tồn kho, tham mưu phương án xử lý theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 263/TB-VPCP ngày 13 tháng 6 năm 2017, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;

b) Đối với kiến nghị giao các bộ, ngành, địa phương xây dựng chiến lược phát triển du lịch biển, kinh tế ven biển các tỉnh miền Trung:

- Về xây dựng chiến lược phát triển du lịch biển: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương xây dựng Chiến lược phát triển du lịch biển các tỉnh miền Trung trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

- Về xây dựng chiến lược phát triển kinh tế ven biển: Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển kinh tế ven biển các tỉnh miền Trung trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt;

c) Đối với kiến nghị nguồn vốn đầu tư xây dựng giai đoạn hai dự án Âu neo đậu tránh trú bão Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh): Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, bố trí nguồn vốn dự phòng để thực hiện dự án; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

7. Về hỗ trợ Tỉnh tổ chức Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và Tỉnh triển khai các hoạt động xúc tiến nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực mà Tỉnh muốn kêu gọi.

8. Đối với kiến nghị hỗ trợ Tỉnh khắc phục hậu quả sau cơn Bão số 2: Đồng ý hỗ trợ Tỉnh 50 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cơn Bão số 02. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Văn phòng Chính phủ thông báo Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và các bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Ban Tổ chức Trung ương;
- Các bộ: Kế hoạch và Đầu Tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công Thương, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Công an, Quốc phòng;
- Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống thiên tai;
- Bộ tư lệnh Quân khu IV;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Tĩnh;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: CN, KTTH, KGVX, NN, QHQT, TH, TKBT, V.I;
- Lưu: VT, QHĐP (3b), Hải.

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Mai Tiến Dũng

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 447/TB-VPCP năm 2017 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với tỉnh Hà Tĩnh do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 447/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 21/09/2017
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Mai Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/09/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản