Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 4157/TB-BNN-VP

Hà Nội, ngày 27 tháng 08 năm 2012

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG DIỆP KỈNH TẦN TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT SẢN XUẤT MÍA ĐƯỜNG NIÊN VỤ 2011-2012

Ngày 10 tháng 8 năm 2012, tại Hà Nội, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần đã chủ trì Hội nghị Tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2011-2012. Tham dự Hội nghị có đại diện của Văn phòng Chính phủ; các Bộ, ngành; Sở Nông nghiệp và PTNT, Hội nông dân các tỉnh có nhà máy đường; Hiệp hội mía đường Việt Nam, Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam; các viện nghiên cứu, quy hoạch; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mía đường và các cơ quan thông tấn báo chí.

Hội nghị đã nghe các báo cáo: Tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2011-2012 và kế hoạch sản xuất niên vụ 2012-2013; Kết quả sản xuất nguyên liệu mía niên vụ 2011-2012, phương hướng, giải pháp phát triển sản xuất mía trong thời gian tới; Tình hình phối hợp trong sản xuất, tiêu thụ mía-đường niên vụ 2011-2012 và chương trình hoạt động vụ 2012-2013; Kết quả nghiên cứu khoa học trong sản xuất mía đường; Đề án phát triển năng lượng điện từ bã mía; Ý kiến của các đại biểu. Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần đã có ý kiến như sau:

Vụ sản xuất 2011-2012, các nhà máy đường gặp nhiều khó khăn, vốn sản xuất phải chịu lãi suất cao, mức tiêu thụ nội địa chậm khiến lượng đường tồn kho lớn, giá đường giảm hơn so với năm trước, nhưng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương, đến nay đỉều hành cân đối cung cầu và tiêu thụ cơ bản đã thành công. Các nhà máy đường không bị thua lỗ, giữ được giá mua mía ổn định cho nông dân và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp chế biến với nông dân. Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề tồn tại như: năng suất, chất lượng mía còn thấp, tổn thất sau thu hoạch lớn; vẫn còn hiện tượng tranh mua mía, mua mía xô; sự phối hợp giữa các nhà máy trong Hiệp hội và Hiệp hội với các cơ quan của Chính phủ còn nhiều hạn chế; quan hệ giữa các nhà máy với các doanh nghiệp dùng đường làm nguyên liệu chưa thật gắn bó; việc ngăn chặn buôn lậu đường vẫn chưa có kết quả.

Vụ sản xuất 2012-2013 sẽ có nhiều thách thức, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm trong điều kiện năng lực sản xuất đã vượt so với nhu cầu tiêu dùng nội địa. Để sản xuất có hiệu quả, các nhà máy đường cần phải phấn đấu hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình. Trong đó, tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

1. Về sản xuất mía nguyên liệu

- Nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, canh tác vào sản xuất mía để nâng cao năng suất chất lượng Giao Viện Nghiên Cứu mía đường có văn bản đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu KHCN cần thiết, đảm bảo chuyển giao vào thực tiễn có hiệu quả để Bộ xem xét, có hướng hỗ trợ.

- Giao Cục Trồng trọt chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo việc chuyển giao, áp dụng đồng bộ các giải pháp để đầu tư thâm canh tạo nên các vùng mía tập trung có năng suất, chất lượng cao, cụ thể:

+ Nghiên cứu, đề xuất việc tổ chức các chính sách khuyến khích, hỗ trợ để xây dựng các cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất mía nguyên liệu.

+ Đề xuất về khả năng ứng dụng các kết quả nghiên cứu việc tưới nhỏ giọt cho cây mía.

+ Chỉ đạo các địa phương xây dựng và áp dụng quy trình thâm canh tổng hợp phù hợp với điều kiện sinh thái đặc thù của địa phương để nâng cao năng suất mía của các vùng nguyên liệu.

- Giao Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai nhanh việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, thu hoạch mía; cùng các địa phương tuyên truyền, phổ biến đến các cơ sở và nông dân về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.

2. Về thời gian vào vụ sản xuất, thu hoạch và thu mua mía:

- Giao Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối phối hợp với Hiệp hội Mía đường Việt Nam, các địa phương quyết định thời gian vào vụ sản xuất của các nhà máy đảm bảo thu hoạch mía cho vùng lũ Hậu Giang.

- Hiệp hội Mía đường Việt Nam phối hợp với các địa phương chỉ đạo, xử lý vấn đề tranh mua, tranh bán và giá mua mía.

- Các nhà máy đường rà soát, thực hiện các biện pháp đồng bộ để giảm tổn thất trong thu hoạch mía; triển khai thực hiện nghiêm Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng mía nguyên liệu QCVN 01-98:2012/BNNPTNT, chấm dứt tình trạng mua mía xô, đảm bảo chất lượng mía đưa vào chế biến.

3. Về sản xuất của các nhà máy

- Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối phối hợp Hiệp hội Mía đường Việt Nam rà soát năng lực của các nhà máy, đề xuất kế hoạch sản xuất các chủng loại đường với cơ cấu hợp lý, phù hợp với thị trường. Các nhà máy thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu suất tổng thu hồi và chất lượng sản phẩm giảm giá thành sản xuất.

- Giao Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối, Hiệp hội Mía đường Việt Nam xây dựng Đề án phát triển năng lượng điện từ bã mía, trình Lãnh đạo Bộ để báo cáo Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan xem xét có các chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất đường mía.

4. Về thương mại

- Thực hiện việc xuất, nhập khẩu đường một cách linh hoạt để ổn định sản ... từng bước điều hành sản xuất theo cơ chế thị trường. Nghiên cứu phương thức thích hợp tiến tới đấu thầu hạn ngạch nhập khẩu đường hàng năm, tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp, đồng thời ổn định mặt bằng giá cả trong nước.

- Kiểm tra, giám sát hệ thống bán lẻ, giảm bớt chi phí trong khâu lưu thông để giảm giá bán lẻ trên thị trường; kiểm soát chặt chẽ đường tạm nhập, tái xuất, không cho phép đường thẩm lậu vào nội địa gây bất ổn thị trường.

- Đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường công tác chống buôn lậu, xử lý từ gốc, tập trung triệt phá các đầu nậu buôn lậu đường. Hiệp hội Mía đường Việt Nam cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác chống buôn lậu đường.

- Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ xem xét về chính sách hỗ trợ tạm trữ đường trong vụ sản xuất theo kiến nghị của Hiệp hội Mía đường Việt Nam.

5. Xây dựng chiến lược phát triển, các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cho ngành đường

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đề xuất với Chính phủ xây dựng Nghị định về sản xuất kinh doanh mía đường trong Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2013; giao Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện; Hiệp hội Mía đường Việt Nam, các địa phương và các doanh nghiệp cần quan tâm phối hợp trong quá trình xây dựng, hoàn thiện văn bản nêu trên.

Văn phòng Bộ xin thông báo để các cơ quan, đơn vị biết và phối hợp chỉ đạo, triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ trưởng Cao Đức Phát (để b/c);
- Thứ trường: Diệp Kỉnh Tần, Bùi Bá Bổng (để b/c);
- Các Bộ: KHBT, Tài chính, Công thương, KHCN; NHNN
- UBND, Sở NN&PTNT các tỉnh có nhà máy đường;
- Tổng cục Thủy lợi;
- Vụ: KH, TC, KHCN, Ban ĐMQLDN;
- Cục: CBTMNLTS, TT, BVTV, KTHT;
- Trung tâm: KNQG, THTK;
- Viện: KHNN, QHTKNN, QHTL, CĐCNSTH
- Hiệp hội MĐVN, Hội CKNNVN;
- Tcty Mía đường I, II  các doanh nghiệp sản xuất đường;
- Lưu VT, TH.

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG
PHÓ VĂN PHÒNG




Trần Quốc Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 4157/TB-BNN-VP ý kiến kết luận của Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần tại Hội nghị tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2011-2012 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 4157/TB-BNN-VP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 27/08/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Trần Quốc Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/08/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản