Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 408/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 01 tháng 9 năm 2017

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRƯƠNG HÒA BÌNH TẠI CUỘC HỌP LẦN THỨ IX BAN CHỈ ĐẠO VỀ CÁC GIẢI PHÁP ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG VÀ SẢN XUẤT, KINH DOANH CHO NHÂN DÂN 04 TỈNH MIỀN TRUNG BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG

Ngày 21 tháng 8 năm 2017, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp lần thứ IX Ban Chỉ đạo về các giải pháp ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 04 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường (Ban Chỉ đạo) về tình hình xử lý sự cố môi trường biển và kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Quốc phòng, Ngân hàng Chính sách xã hội; đại diện các cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao; đại diện lãnh đạo các cơ quan báo đài: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình có ý kiến kết luận như sau:

I. CÁC NHIỆM VỤ CẦN HOÀN THÀNH NGAY

Qua 9 cuộc họp Ban Chỉ đạo, các cấp các ngành, đặc biệt là các địa phương liên quan đã tập trung chỉ đạo các giải pháp nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh của nhân dân 04 tỉnh miền Trung để sớm ổn định đời sống. Cho đến nay, các công việc đã đi vào giai đoạn kết thúc. Đời sống nhân dân 04 tỉnh đã ổn định; Môi trường biển đã sạch trở lại như thông báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường; du lịch tăng trưởng nhanh, các hoạt động sản xuất kinh doanh của nhân dân đã ổn định và hiệu quả. Tình hình an ninh trật tự được bảo đảm. Nhân dân tin tưởng vào chính sách, điều hành của cơ quan các cấp. Để sớm kết thúc công tác chi trả bồi thường, hỗ trợ, thiệt hại yêu cầu thực hiện ngay các nhiệm vụ sau:

1. Về công tác chi trả bồi thường, hỗ trợ thiệt hại

a) Với số tiền đã tạm ứng nhưng chưa chi trả:

Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân 04 tỉnh chủ động xử lý các khó khăn, vướng mắc, hoàn thành dứt điểm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho các đối tượng đã được quy định tại Quyết định số 1880/QĐ-TTg và Quyết định số 309/QĐ-TTg (còn khoảng 5% trong tổng số tiền thiệt hại đã được tạm cấp).

b) Đối với hàng tồn kho ngoài khối lượng 5.369 tấn:

Giao Bộ Công Thương chủ trì thành lập đoàn công tác gồm các Bộ: Tài chính, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra để kiểm chứng, tập trung vào các tỉnh có số lượng vượt cao so với đã báo cáo ban đầu (5.369 tấn) theo các tiêu chí đã nêu tại Thông báo số 349/TB-VPCP ngày 10 tháng 8 năm 2017, cụ thể:

+ Hàng hải sản xác thực hiện đang tồn trong kho, chưa tiêu thụ được.

+ Có bằng chứng chứng minh nguồn gốc, được thu mua, tạm trữ trên địa bàn địa phương trong thời gian xảy ra sự cố môi trường biển.

+ Có sự giám sát, xác nhận của đại diện cộng đồng dân cư khu vực.

c) Các đối tượng còn tồn đọng, thực sự bị thiệt hại được quy định trong Quyết định số 1880/QĐ-TTg và Quyết định số 309/QĐ-TTg nhưng còn sót chưa được kê khai bồi thường.

Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân 04 tỉnh rà soát, báo cáo rõ đối tượng, dự kiến kinh phí bồi thường và chịu trách nhiệm về tính xác thực của các trường hợp này, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp.

d) Trên cơ sở báo cáo của Bộ Công Thương về kết quả kiểm tra hải sản tồn kho và báo cáo của 04 tỉnh về các trường hợp còn sót, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương rà soát, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phân bổ kinh phí đối với các trường hợp tồn đọng nêu trên.

Sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cấp kinh phí cho các địa phương. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân 04 tỉnh chịu trách nhiệm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ; hoàn thành trong tháng 9 năm 2017.

2. Về tổng hợp kinh phí bồi thường thiệt hại

a) Giao Ủy ban nhân dân 04 tỉnh tổng hợp, báo cáo toàn bộ kinh phí bồi thường, hỗ trợ thiệt hại tại địa phương mình (kể cả phần kinh phí tại khoản 1 nêu trên), gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp. Trên cơ sở báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giao Bộ Tài chính chủ trì thẩm định báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

b) Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan dự toán tổng số kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, chính sách quy định tại Quyết định số 12/QĐ-TTg , gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và tạm cấp kinh, phí để thực hiện.

c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổng hợp toàn bộ kinh phí bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, chính sách quy định tại Quyết định số 12/QĐ-TTg (các điểm a, b nêu trên), đề xuất phương án phân bổ tổng thể kinh phí do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh bồi thường, gửi Bộ Tài chính thẩm định, phân bổ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả.

3. Về chuẩn bị công khai kết quả sử dụng kinh phí bồi thường, hỗ trợ thiệt hại (500 triệu đô la Mỹ đã được chuyển đổi thành 11.150 tỷ đồng)

Sau khi có các kết quả nêu tại khoản 2 trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân 04 tỉnh và các Bộ, ngành, địa phương liên quan thống nhất đề xuất kịch bản, nội dung để tiến hành công bố công khai kết quả sử dụng kinh phí bồi thường của Công ty TNHH Hưng nghiệp Gang thép Formosa Hà Tĩnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

II. VỀ TIẾP TỤC TRIỂN KHAI QUYẾT ĐỊNH SỐ 12/QĐ-TTg

1. Về xác định thiệt hại và bồi thường tại Mục II Phần D Điều 1 Quyết định số 12/QĐ-TTg

Các Bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 12/QĐ-TTg , Quyết định số 1880/QĐ-TTg và Quyết định số 309/QĐ-TTg ; quán triệt nghiêm nguyên tắc không mở rộng đối tượng được đền bù, hỗ trợ thiệt hại như quy định tại Quyết định số 1880/QĐ-TTg và Quyết định số 309/QĐ-TTg ;

2. Về chính sách bảo đảm an sinh xã hội tại Mục III Phần D Điều 1 Quyết định số 12/QĐ-TTg

a) Về bảo đảm sức khỏe người dân và an toàn thực phẩm

Bộ Y tế tiếp tục lấy mẫu giám sát chất lượng hải sản tầng đáy tại 04 tỉnh, tham khảo thêm ý kiến của chuyên gia nước ngoài (nếu cần).

b) Về bảo hiểm y tế, hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề nghiệp; tạo việc làm và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế chủ động hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề, bảo hiểm y tế theo hướng đảm bảo hỗ trợ đủ thời gian 02 năm cho từng đối tượng được hưởng. Trường hợp cần thiết, đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định số 12/QĐ-TTg .

3. Về khôi phục sản xuất tại Mục IV Phần D Điều 1 Quyết định số 12/QĐ-TTg

Đồng ý dừng triển khai chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá đã được giao tại Quyết định số 12/QĐ-TTg để chuyển kinh phí sang thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá (tập trung vào cảng cá, bến cá). Phân bổ cho mỗi địa phương 300 tỷ đồng.

Trên cơ sở, giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân 04 tỉnh chủ động đề xuất các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá tại địa phương gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, cân đối trên cơ sở đảm bảo phù hợp với phương án phân bổ kinh phí (tại điểm c khoản 2 Mục I nêu trên) đã được phê duyệt và nhu cầu của địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ủy ban nhân dân 04 tỉnh xây dựng và phê duyệt dự án đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá tại địa phương sau khi có văn bản thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với từng dự án.

4. Về phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường tại Mục V Phần D Điều 1 Quyết định số 12/QĐ-TTg

a) Về dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản

Đồng ý với đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định Viện Nghiên cứu Hải sản chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẩn trương tổ chức khảo sát bổ sung để đánh giá mức độ phục hồi của hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản tại các khu vực trọng điểm ở 04 tỉnh miền Trung; trên cơ sở đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về sự cần thiết triển khai Dự án nêu trên. Thời gian thực hiện trong tháng 9 năm 2017.

b) Về Dự án xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát và cảnh báo môi trường biển 04 tỉnh miền Trung

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương triển khai Dự án xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát và cảnh báo môi trường biển 04 tỉnh miền Trung ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

III. CÁC NHIỆM VỤ KHÁC

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định số 12/QĐ-TTg báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Bộ Tài chính: Cấp kinh phí để các Bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ được giao và cấp kinh phí theo tiến độ chi trả của các tỉnh; theo dõi, giám sát, kiểm tra việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại của các tỉnh đảm bảo đúng quy định.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục theo dõi, đánh giá môi trường biển 04 tỉnh miền Trung. Tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Hưng nghiệp Gang thép Formosa Hà Tĩnh, không để xảy ra sự cố.

4. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch truyền thông về đời sống của bà con ngư dân 04 tỉnh miền Trung, tình hình kinh tế, xã hội, trật tự an toàn xã hội của 04 tỉnh, tình hình chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại. Chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc xây dựng kịch bản, nội dung để tiến hành công bố công khai kết quả sử dụng kinh phí bồi thường của Công ty TNHH Hưng nghiệp Gang thép Formosa Hà Tĩnh nêu tại khoản 3 Mục I trên. (Các bộ ngành chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo, đài để làm tốt công tác thông tin truyền thông).

5. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tiếp tục nắm chắc tình hình, bám sát địa bàn để đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn 04 tỉnh miền Trung.

6. Đề nghị Ban dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục làm tốt công tác dân vận, công tác tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ và thực hiện đường lối chủ trương, chính sách của Nhà nước, xây dựng lực lượng nòng cốt chính trị, chủ động phòng ngừa thông tin sai sự thật, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Đ/c Tổng Bí thư (để b/c);
- Đ/c Thường trực Ban Bí thư (để b/c);
- Đ/c Chủ tịch UBTWMTTQVN (để b/c);
- TTg, các PTTg;
- Văn phòng TW Đảng;
- VP Chủ tịch nước;
- Ban Tuyên giáo TW;
- Ban Dân vận TW;
- UBTW MTTQ VN;
- Thành viên Ban Chỉ đạo về các giải pháp ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 04 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường;
- Các Bộ: Quốc phòng, GD&ĐT;
- Ngân hàng NN VN;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ban Tôn giáo Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- VTV, TTXVN, VOV, Truyền hình Quốc hội.
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP, Các Vụ: KTTH, NC, QHĐP, TKBT, TH, TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, NN (03), VLA.

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Mai Tiến Dũng

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 408/TB-VPCP năm 2017 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc họp lần thứ IX Ban Chỉ đạo về giải pháp ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 04 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 408/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 01/09/2017
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Mai Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/09/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản