Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 40/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 21 tháng 01 năm 2013

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH HÒA BÌNH

Ngày 07 tháng 01 năm 2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, cùng dự với Phó Thủ tướng có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc, Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP và Văn phòng Chính phủ.

- Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, sau khi nghe Lãnh đạo Tỉnh báo cáo kết quả kinh tế - xã hội năm 2012, phương hướng, nhiệm vụ năm 2013 và một số đề nghị của Tỉnh; ý kiến của các Bộ, cơ quan; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Đánh giá cao và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình về những thành tích đã đạt được trong năm 2012: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 10,42%, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ đạt trên 70%; môi trường đầu tư tốt hơn; nộp ngân sách khá, các lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống đồng bào được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 22,65%, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.

Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân Tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 48-CT/TW, tập trung vào 02 nhiệm vụ trọng tâm là huy động cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm và xác định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng đối với công tác phòng, chống tội phạm. Công an tỉnh đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác tham mưu, phối hợp và tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự. Đặc biệt, đã đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động tôn giáo trái phép; xử lý kịp thời các điểm khiếu kiện phức tạp, các loại tội phạm nguy hiểm, các vụ trọng án, nhất là tội phạm về ma túy tại các địa bàn trọng điểm; triển khai có kết quả các kế hoạch, phương án phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ và tổ chức thu gom, vận động quần chúng giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ...

Tuy nhiên, Hòa Bình là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, thách thức; hạ tầng kinh tế, xã hội còn nhiều bất cập; thu hút đầu tư còn hạn chế, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI

1. Về cơ bản đồng ý với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 mà Tỉnh đã đề ra, nhấn mạnh thêm một số việc:

a) Tiếp tục chỉ đạo và thực hiện tốt Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ, Tỉnh cần sắp xếp thứ tự ưu tiên, lựa chọn những dự án, công trình cấp thiết để thực hiện đầu tư và bố trí vốn đầu tư theo đúng Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ; có giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người lao động và bảo đảm an sinh xã hội.

b) Phát huy lợi thế cửa ngõ phía tây, trong vùng vệ tinh của Thủ đô Hà Nội, có thế mạnh về đất đai, các dịch vụ hậu cần phục vụ cho Thủ đô, Tỉnh cần phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội rà soát điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch vùng Thủ đô mới và các quy hoạch ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ...theo hướng hậu cần phục vụ Thủ đô để phát triển nhanh, bền vững và bảo vệ môi trường.

c) Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; chủ động công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh và giảm thiểu tai nạn giao thông; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

d) Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển; tiếp tục đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, đồng thời tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

2. Về công tác phòng, chống tội phạm bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình cần tập trung thực hiện tốt những công tác trọng tâm sau:

a) Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 48-CT/TW, huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực vào công tác phòng, chống tội phạm. Coi đó là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền và Công an đối với công tác này; gắn việc thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW với việc thực hiện các chương trình, mục tiêu kinh tế - xã hội khác của địa phương.

b) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là trên các địa bàn, lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, dễ phát sinh tội phạm; quan tâm giải quyết tốt các mâu thuẫn ngay tại cơ sở, không để phát sinh các điểm khiếu kiện phức tạp; đề cao cảnh giác, chủ động đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch và bọn phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

c) Thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội; bảo đảm trật tự an toàn giao thông nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán Quý Tỵ, phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, các lực lượng Công an, Biên phòng và các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự trong phòng ngừa, điều tra, xử lý tội phạm, nhất là tội phạm ma túy; có phương án, kế hoạch phòng, chống tệ nạn ma túy hiệu quả, bền vững tại các địa bàn phức tạp, trọng điểm.

d) Phát động rộng rãi phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; tăng cường các hình thức, nội dung tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội phù hợp với từng địa bàn, đối tượng. Coi trọng phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm, địa bàn khó khăn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

3. Về công tác phòng chống ma túy qua biên giới: Bộ Công an phối hợp với Bộ Quốc phòng (Bộ đội biên phòng) và tỉnh Hòa Bình hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng của nước bạn Lào để làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới. Sơ kết công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự để nhân rộng.

III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH

1. Về cơ chế, chính sách:

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho việc triển khai thực hiện các dự án có sử dụng đất lúa hiện nay của địa phương; xem xét và có biện pháp giúp Tỉnh tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi và giải quyết theo thẩm quyền, trường hợp vượt quá thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

b) Về kiến nghị tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ: Trước mắt Tỉnh thực hiện theo quy định hiện hành. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 10753/VPCP-KTTH ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Văn phòng Chính phủ về rà soát, đề xuất sửa đổi Chỉ thị 1792 báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 01 năm 2013.

b) Về đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư cho các nhà đầu tư tạo ra giá trị gia tăng cao tại Việt Nam gắn với chính sách vùng, miền và lĩnh vực công nghiệp phụ trợ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư theo Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ.

c) Về đề nghị có cơ chế ngân sách nhà nước cho vay xi măng hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, đặc biệt là đường giao thông nông thôn: Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để thực hiện.

đ) Về đề nghị Chính phủ đưa tỉnh Hòa Bình vào danh mục các Tỉnh trọng điểm phát triển đô thị, kinh tế - xã hội của vùng thủ đô và có cơ chế đầu tư phát triển cho vùng trọng điểm: Giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, xem xét trong quá trình điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô.

e) Về đề nghị tăng ngân sách quốc phòng, an ninh cho địa phương để đảm bảo cơ sở vật chất, trang bị phương tiện hiện đại đáp ứng yêu cầu công tác, bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình hiện nay: Tỉnh làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, và các Bộ, cơ quan liên quan thống nhất giải quyết; nếu vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

g) Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đánh giá, sắp xếp, kiện toàn tổ chức các trường mầm non, tiểu học, các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm hướng nghiệp dạy nghề đảm bảo mục tiêu, yêu cầu của ngành.

2. Về đầu tư các công trình, dự án:

a) Về đầu tư Dự án đường cao tốc Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình: Tỉnh và các Bộ, ngành thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 245/TB-VPCP ngày 10 tháng 7 năm 2012 của Văn phòng Chính phủ.

b) Về đề nghị sử dụng nguồn vốn tín dụng cho Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6, đoạn thị trấn Xuân Mai - thành phố Hòa Bình: Giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Tỉnh thực hiện.

c) Về đề nghị cho ứng vốn 600 tỷ đồng để triển khai một số dự án cấp bách, cần đẩy nhanh tiến độ: Tỉnh làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét nguồn vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

d) Về đề nghị Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn để triển khai thực hiện Đề án phát triển 2 xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định mức vốn, nguồn vốn hỗ trợ Tỉnh thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Riêng đồn Công an tại đây, Chính phủ và Bộ Công an đã có chủ trương, Bộ Công an cần kiểm tra tiến độ và thời hạn hoàn thành trước tiến độ đưa vào sử dụng.

đ) Về việc tiếp tục thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên: Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng rà soát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình này, đề xuất phương án xử lý chung cho các địa phương (trong đó có tỉnh Hòa Bình), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

e) Về một số đề nghị: không triển khai Dự án xây dựng hồ chứa nước Hưng Thi, huyện Lạc Thủy; điều chỉnh vườn Quốc gia Ba Vì thuộc phạm vi tỉnh Hòa Bình; dự án Hệ thống dẫn nước cho huyện Yên Thủy: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 245/TB-VPCP ngày 10 tháng 7 năm 2012 của Văn phòng Chính phủ, báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 02 năm 2013.

g) Về đề nghị đầu tư xây dựng Khu liên hiệp thể thao Tây Bắc tại thành phố Hòa Bình: Tỉnh làm việc cụ thể với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xem xét về mặt quy hoạch và giải quyết theo quy định.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Lao động-Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Ban Chỉ đạo Tây Bắc;
- Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội;
- Ủy ban Dân tộc;
- Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hòa Bình;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT; Các Vụ: TH, KTTH, TKBT, KTN, NC, KGVX;
- Lưu: VT, V.III (3)

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Quang Thắng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 40/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 40/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 21/01/2013
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Quang Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản