Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 395/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 2014 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN SƠ KẾT 3 NĂM THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH CHI TRẢ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG (2011-2013)
Ngày 20 tháng 9 năm 2014, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tham dự Hội nghị tại đầu cầu Trung ương có đại diện Lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam; tại đầu cầu các địa phương có Lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng 36 Tỉnh có tham gia thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo, ý kiến của đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương và địa phương, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận như sau:
I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TRONG 3 NĂM (2011- 2013)
1. Kết quả thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng:
Từ năm 2011 đến nay, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; tạo ra sự chuyển biến tích cực trong việc huy động nguồn lực xã hội, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020, Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, cụ thể như sau:
a) Chỉ đạo điều hành:
- Ban hành được trên 20 văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, trong đó có 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 05 Thông tư hướng dẫn thi hành của các Bộ, ngành;
- Chỉ đạo các địa phương thành lập được hệ thống Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng từ trung ương đến địa phương. Đến nay, đã có 36 tỉnh thành lập Quỹ cấp tỉnh đi vào hoạt động, bước đầu thực hiện có hiệu quả Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
b) Kết quả thu, chi:
Sau hơn 3 năm, toàn quốc đã triển khai ký kết được 351 hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng, trong đó: Trung ương ký 41 hợp đồng, địa phương ký 310 hợp đồng; thu được trên 3.329 tỷ đồng và giải ngân trên 75 %, góp phần tăng thu nhập và cải thiện điều kiện sống cho người làm nghề rừng; tạo nguồn thu mới cho một số công ty lâm nghiệp trong bối cảnh ngừng khai thác gỗ từ rừng tự nhiên. Hàng năm, tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần bổ sung một phần vốn đầu tư cho ngành lâm nghiệp (chiếm tỷ lệ 22,3%), góp phần bảo vệ từ 2,8 cho đến 3,37 triệu ha/13,8 triệu ha rừng/năm (chiếm tỷ lệ từ 20-24% tổng diện tích rừng hiện có).
c) Một số đánh giá, nhận xét:
- Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là một thành công bước đầu trong việc hiện thực hóa, vận dụng chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về việc xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng. Hàng năm đã động viên được nguồn lực hàng nghìn tỷ đồng từ xã hội để đầu tư thêm cho công tác bảo vệ và phát triển rừng;
- Hoạt động cung ứng và chi trả dịch vụ môi trường rừng phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế sản xuất hàng hóa ở Việt Nam và xu thế chung của thế giới trong việc bảo vệ môi trường;
- Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần quan trọng trong việc quản lý, khai thác có hiệu quả, bền vững tài nguyên đất đai trong lâm nghiệp, tài nguyên đa dạng sinh học (lâm sản các loại), phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế đất nước;
- Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần cải thiện điều kiện sống, giải quyết việc làm cho hàng triệu người sống trên địa bàn rừng núi, góp phần thực hiện thành công chính sách giảm nghèo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội;
- Người tham gia trồng và bảo vệ rừng được đánh giá đúng mức, được động viên để nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
2. Một số tồn tại, vướng mắc:
Qua hơn 3 năm thực hiện, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc chủ yếu sau:
- Việc giao rừng ổn định lâu dài cho tổ chức hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn ở một số địa phương chưa hoàn thành, nên chưa xác định được chủ sử dụng rừng cụ thể, do đó việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng chưa đến các đối tượng nhận khoán;
- Việc huy động nguồn thu vẫn còn hạn chế: Ngoài 3 đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng (thủy điện, nước sạch, du lịch) đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010, một số đối tượng sử dụng dịch vụ khác (cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở nuôi trồng thủy sản) hoặc các nguồn thu khác được đề cập tại Nghị định số 05/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2008 vẫn chưa được quy định, hướng dẫn cụ thể, nên chưa triển khai thực hiện được tại các địa phương. Một số cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng, đặc biệt là các cơ sở thủy điện vừa và nhỏ chưa thực hiện nghiêm túc việc ký kết hợp đồng, chi trả tiền đầy đủ, kịp thời;
- Việc giải ngân, chi trả tiền dịch vụ môi trường tại một số địa phương còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp, gây ảnh hưởng tới việc huy động các chủ rừng, người dân tham gia vào công tác bảo vệ và phát triển rừng. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác chỉ đạo, điều hành còn chưa quyết liệt; tổ chức bộ máy quản lý tại một số Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh chậm được kiện toàn; Hội đồng quản lý quỹ cấp tỉnh chưa phát huy vai trò chủ động trong quá trình ra quyết định và chỉ đạo; một số tỉnh chưa hoàn thành công tác giao khoán bảo vệ rừng đến các hộ gia đình, cá nhân; không bố trí kinh phí để thực hiện việc rà soát xác định chủ rừng; chậm phê duyệt kế hoạch thu chi và chưa chú trọng tới công tác tuyên truyền, phổ biến để tạo sự đồng thuận chung trong toàn xã hội;
- Một số quy định, hướng dẫn đến nay đã bộc lộ những hạn chế: Quy định về mức thu tiền dịch vụ môi trường rừng đối với thủy điện (20 đồng/kwh), nước sạch (40 đồng/m3) không phù hợp với mức độ biến động giá; chưa có quy định cụ thể về tiêu chí thành lập, phân cấp quản lý và tổ chức bộ máy Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh; chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về công tác giám sát, đánh giá và chế tài xử lý vi phạm trong thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; quy định về phương thức chi trả theo từng lưu vực của từng nhà máy thủy điện, nước sạch đã tạo ra sự chênh lệch rất lớn về mức chi trả cho một hecta rừng giữa các lưu vực; quy định, hướng dẫn về trích lập, quản lý, sử dụng quỹ dự phòng và sử dụng nguồn thu dịch vụ môi trường rừng của chủ rừng là tổ chức còn chưa cụ thể, chưa đảm bảo tính thống nhất khi áp dụng trên thực tiễn tại các địa phương.
II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
1. Một số nhiệm vụ trọng tâm
a) Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trong cả nước để tăng nguồn thu cho công tác bảo vệ và phát triển rừng có hiệu quả hơn nữa.
b) Hoàn thiện hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
2. Nhiệm vụ cụ thể
a) Đối với các Bộ, ngành Trung ương:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì:
+ Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất cụ thể các vấn đề cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các Nghị định số 05/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2008 và số 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định;
+ Phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, tiếp thu các vấn đề vướng mắc hiện nay tại các địa phương để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định tại Thông tư liên tịch số 62/TTLT-BNNPTNT-BTC ngày 16 tháng 11 năm 2012 hướng dẫn cơ chế quản lý sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.
+ Phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền Thông tư liên tịch quy định về tiêu chí, thành lập, mô hình tổ chức và phân cấp quản lý Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng các cấp;
- Phối hợp với Bộ Công Thương rà soát, kiểm tra lại các quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan và các công ty thủy điện vừa và nhỏ, tiến hành rà soát lại hợp đồng đã ký về mua bán điện có tiền dịch vụ môi trường rừng trong cơ cấu giá điện để xử lý, chỉ đạo, hướng dẫn các thủy điện thực hiện nghiêm túc việc nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng theo quy định;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở các địa phương, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc đề xuất giải pháp xử lý, nâng cao hiệu quả thực thi chính sách.
b) Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
- Chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh lập phương án sử dụng nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2011, 2012 chưa có đối tượng chi trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét theo thẩm quyền và quy định của pháp luật hiện hành, đối với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng;
- Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, đôn đốc các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng chấp hành nghiêm túc việc thu nộp tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định, để thực hiện nghĩa vụ của mình. Kiện toàn tổ chức bộ máy Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh; quan tâm, tạo điều kiện về chế độ và nguồn lực (kinh phí, trang thiết bị, phương tiện) để Quỹ tỉnh tổ chức thực hiện;
- Lồng ghép thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng gắn với thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng và Chương trình Biến đổi khí hậu. Bổ sung nguồn ngân sách thông qua các chương trình, dự án, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng để hỗ trợ, đảm bảo đơn giá tối thiểu đến chủ rừng là 200.000 đồng/ha rừng/năm;
- Trước Quý II năm 2015, bố trí nguồn lực và hoàn thành dứt điểm việc rà soát ranh giới diện tích rừng đến các chủ rừng trong các lưu vực có cung ứng dịch vụ môi trường rừng; phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sớm hoàn thành dự án tổng điều tra, kiểm kê rừng, làm cơ sở thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng;
- Địa phương chủ động phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Công Thương để tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, bảo đảm chất lượng rừng ngày càng tăng bền vững; chỉ đạo giải ngân tiền dịch vụ môi trường rừng kịp thời, đầy đủ đến các chủ rừng.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, ngành, các địa phương và cơ quan có liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Công văn số 2698/VPCP-KTN về tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 10 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Công văn số 4153/VPCP-KTN về việc triển khai thực hiện Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 10 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Nghị định 05/2008/NĐ-CP về việc quỹ bảo vệ và phát triển rừng
- 2Công văn số 2698/VPCP-KTN về tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 10 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Công văn số 4153/VPCP-KTN về việc triển khai thực hiện Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 10 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Nghị định 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
- 5Thông tư liên tịch 62/2012/TTLT-BNNPTNT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Thông báo 395/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (2011-2013) do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 395/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 03/10/2014
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Cao Lục
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra