Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 393/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2022

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN VỀ CHỐNG KHAI THÁC HẢI SẢN BẤT HỢP PHÁP, KHÔNG BÁO CÁO VÀ KHÔNG THEO QUY ĐỊNH (IUU)

Ngày 01 tháng 12 năm 2022 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Tham dự tại điểm cầu Hà Nội có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Ngoại giao, Công an, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ và đại diện lãnh đạo một số Hội, Hiệp hội: Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội cá ngừ Việt Nam, Tham dự tại các điểm cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển có Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển và tại các điểm cầu quận, huyện, xã, phường có Bí thư và Chủ tịch của xã/phường/thị trấn, huyện/quận/thị xã của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển và một số cơ quan, đơn vị liên quan của địa phương. Sau khi nghe Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả triển khai các giải pháp chống khai thác IUU, thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”, đại diện lãnh đạo một số tỉnh, huyện, xã ven biển báo cáo và ý kiến của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Kết quả chống khai thác IUU sau 05 năm bị EC cảnh báo “Thẻ vàng” đã có Sự tiến bộ, được phía EC ghi nhận. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu, nếu không khắc phục sớm thì không những không gỡ được cảnh báo “Thẻ vàng” mà nguy cơ còn diễn biến phức tạp. Các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan cần xác định rõ nhiệm vụ gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” không phải chỉ để đối phó với EC mà vì mục tiêu phát triển ngành thủy sản Việt Nam bền vững, đảm bảo lợi ích của người dân, của quốc gia, nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế trong bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển bền vững.

Vì vậy, các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan; đặc biệt là cấp xã/phường/thị trấn phải nhất quán tư tưởng, quan điểm trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật vừa đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ người dân để cùng thực hiện có kết quả mục tiêu chung gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC; cụ thể như sau:

1. Huy động hệ thống chính trị vào cuộc theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2. Xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân được giao trách nhiệm; kịp thời động viên, khen thưởng và kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm các trường hợp không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao và đưa ra các giải pháp khắc phục kịp thời.

3. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật thủy sản (lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), cấp giấy phép khai thác thủy sản...), đồng thời kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ những khó khăn, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn.

4. Nắm rõ tâm tư, nguyện vọng và tình hình thực tế đời sống, sinh kế của người dân để từ đó đề ra các giải pháp căn cơ tạo sinh kế, công ăn việc làm bền vững cho người dân, chuyển đổi nghề giảm thiểu phụ thuộc vào nghề khai thác thủy sản; tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ pháp luật, không vi phạm khai thác IUU.

5. Thực thi pháp luật phải triển khai đồng bộ, thống nhất và phối hợp chặt chẽ từ trung ương đến địa phương, giữa các tỉnh, huyện, xã, phường và lực lượng chức năng liên quan; tuyên truyền vận động để người dân tuân thủ pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thượng tôn pháp luật, kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt phải xử lý hình sự đối với các hành vi có tổ chức để môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

Trên cơ sở thống nhất với các nội dung được trình bày trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; yêu cầu các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan và các Hội, Hiệp hội, doanh nghiệp thủy sản phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, có kết quả thật, không quan liêu, hình thức, tập trung hành động quyết liệt, thực hiện có kết quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về IUU):

- Khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động 180 ngày thực hiện chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC đến tháng 5 năm 2023, trình Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.

- Tổ chức các Đoàn công tác liên ngành đôn đốc, kiểm tra tình hình triển khai các quy định chống khai thác IUU tại các địa phương, kịp thời hướng dẫn khắc phục các tồn tại, hạn chế; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU kết quả thực hiện.

2. Bộ Quốc phòng:

Chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với các ban, bộ, ngành có liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài trước ngày 31 tháng 3 năm 2023.

3. Bộ Công an:

Điều tra, xử lý dứt điểm các hành vi môi giới, móc nối, tổ chức đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và các hành vi môi giới chuộc tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước trái phép.

4. Bộ Ngoại giao:

- Thực hiện công tác bảo hộ ngư dân về nước; kịp thời, kiên quyết đấu tranh các vụ việc nước ngoài bắt giữ, xử lý trái phép tàu cá, ngư dân ta.

- Chủ trì đàm phán, sớm hoàn thành việc phân định khu vực vùng biển giáp ranh, chồng lấn, chưa phân định giữa Việt Nam và các nước; trước mắt tham mưu, đề xuất ranh giới cho phép tàu cá hoạt động khai thác hải sản tại các khu vực này.

- Tranh thủ sự ủng hộ của các bên có liên quan, tăng cường vận động, đấu tranh với phía EC để xem xét, chia sẻ cùng đồng hành, hỗ trợ giải pháp chống khai thác IUU trong bối cảnh ngành khai thác thủy sản của Việt Nam đang chuyển đổi từ nghề cá truyền thống, quy mô nhỏ sang nghề cá hiện đại, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.

5. Đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương:

Chỉ đạo các cơ quan báo chí trung ương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật thủy sản, đặc biệt là quy định chống khai thác IUU; chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, đấu tranh phản bác các quan điểm xuyên tạc, sai trái về quan điểm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống khai thác IUU.

6. Bộ Thông tin và Truyền thông:

Chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành và địa phương định hướng thông tin tuyên truyền, chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống thông tin cơ sở tăng thời lượng, chất lượng thông tin, tuyên truyền về nỗ lực phòng, chống khai thác IUU của Việt Nam; thông tin, tuyên truyền các tổ chức, cá nhân điển hình trong phòng, chống khai thác lưu.

7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Ưu tiên bố trí, phân bổ đủ nguồn vốn cho các ban, bộ, ngành và địa phương để đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nghề cá, các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ ngư dân.

8. Bộ Tài chính:

- Có giải pháp hiệu quả để kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam.

- Ưu tiên bố trí đủ kinh phí cho các ban, bộ, ngành có liên quan và địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU.

9. Bộ Khoa học và Công nghệ:

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ban, bộ, ngành và địa phương có liên quan đảm bảo các giải pháp công nghệ, kỹ thuật đối với hệ thống giám sát tàu cá, thiết bị giám sát hành trình tàu cá của các đơn vị cung cấp thiết bị hoạt động thông suốt, ổn định theo quy định.

10. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

Chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành và địa phương có liên quan chủ động xem xét phương án khoanh nợ, giãn nợ vay cho chủ tàu cá khai thác thủy sản hợp pháp chưa đủ khả năng trả nợ do hoạt động sản xuất không hiệu quả để tiếp tục duy trì sinh kế, nghề nghiệp.

11. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển:

- Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo chống khai thác IUU; tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các đơn vị, cá nhân không thực hiện đầy đủ chức trách nhiệm vụ trong công tác chống khai thác IUU.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ pháp luật về chống khai thác IUU.

- Tăng cường công tác quản lý tàu cá, xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm quy định về chống khai thác IUU.

- Tăng cường, nâng cao công tác xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác.

- Ưu tiên bố trí đủ nguồn lực (nhân lực, kinh phí, trang thiết bị) cho công tác quản lý, chống khai thác IUU tại địa phương.

- Phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong theo dõi, kiểm soát và xử lý, tàu cá vi phạm chống khai thác IUU.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý đảm bảo hoạt động xuất khẩu sản phẩm thủy sản khai thác không vi phạm quy định chống khai thác IUU.

- Thành lập kiểm ngư địa phương theo quy định của Luật Thủy sản 2017 và các quy định pháp luật liên quan.

12. Các Hội, Hiệp hội thủy sản, Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản:

- Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, các doanh nghiệp thủy sản kiên quyết từ chối thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU. Phối hợp với các cơ quan chức năng để cung cấp thông tin, xử lý nghiêm các doanh nghiệp thủy sản làm ăn phi pháp, hợp thức hóa hồ sơ, tiếp tay, dung túng cho hành vi khai thác IUU.

- Hội nghề cá Việt Nam tích cực vận động hội viên gương mẫu, thực hiện tốt các quy định về phòng, chống khai thác IUU; kịp thời động viên các tấm gương điển hình, người tốt việc tốt.

13. Các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương liên quan:

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm túc, có kết quả ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, các Chỉ thị, Công điện, Kết luận của Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU. Định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU) để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU.

- Khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Phòng, chống khai thác IUU đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1077/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2022, để sớm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” EC.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan, địa phương liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Các Bộ: NNPTNT, NG, TP, KH&ĐT, TC, CT, GTVT,
TT&TT, KH&CN, TN&MT, LĐTBXH, QP, CA;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- UBQG ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
- Hội nghề cá Việt Nam;
- Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam;
- Hiệp hội Cá Ngừ;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP,
các Vụ: NN, QHQT, NC, KTTH, KGVX,
TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, NN (02). Khánh

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Cao Lục

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 393/TB-VPCP năm 2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 393/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 27/12/2022
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Cao Lục
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản