Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3830/TB-BNN-VP

Hà Nội, ngày 08 tháng 08 năm 2012

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG CAO ĐỨC PHÁT TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MTQG NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2012-2015

Ngày 27 tháng 7 năm 2012, Bộ trưởng Cao Đức Phát- Trưởng ban Chủ nhiệm Chương trình đã chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT) giai đoạn 2012-2015. Tham dự Hội nghị có các thành viên Ban Chủ nhiệm Chương trình, đại diện của các Bộ, Ngành; các Hội, Đoàn thể ở Trung ương; Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Sở: Nông nghiệp & PTNT, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm nước sạch và VSMTNT của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và Hà Nội.

Sau khi nghe báo cáo kết quả thực hiện Chương trình đến năm 2011; kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2012; nhiệm vụ, các giải pháp để thực hiện mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2012-2015 và ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát kết luận như sau:

1. Việc thực hiện Chương trình MTQG nước sạch và VSMTNT có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Quốc hội cũng đã lựa chọn đây là một Chương trình độc lập. Kết quả thực hiện Chương trình năm 2011 đạt được cơ bản các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, năm 2012 việc triển khai Chương trình còn gặp nhiều khó khăn như: kế hoạch giao chậm, một số cơ chế chính sách chưa được ban hành kịp thời phục vụ quản lý điều hành giai đoạn mới… Đồng thời, trong quá trình thực hiện Chương trình còn nhiều vấn đề cần quan tâm hơn như: đảm bảo chất lượng nước, quản lý bền vững, thực hiện các mục tiêu về vệ sinh môi trường,…

2. Từ nay đến năm 2015, mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình còn nặng nề, đòi hỏi cả Trung ương và địa phương phải chỉ đạo quyết liệt để thực hiện, cụ thể:

a) Đối với các Bộ, ngành Trung ương:

- Chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ trong kế hoạch năm 2012, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm phân bổ nguồn kinh phí bổ sung là 478 tỷ đồng từ nguồn vốn hòa đồng ngân sách của các nhà tài trợ cho địa phương để kịp thời giải ngân trong năm 2012.

- Hoàn thiện và ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện Chương trình như: Thông tư liên tịch hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí chi cho CTMTQG; Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 131/2009/QĐ-TTg ngày 02/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý công trình cấp nước sạch nông thôn…

Các Thông tư hướng dẫn cần được quy định theo hướng tăng cường tính chủ động, sáng tạo của địa phương.

- Các Bộ, ngành là thành viên phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện các chỉ tiêu của mình, có hệ thống giám sát, thống kê, báo cáo, đồng thời số liệu công bố của Bộ, ngành là số liệu mang tính chính thống, pháp lý.

b) Đối với UBND cấp tỉnh:

- Khẩn trương rà soát, củng cố các Ban điều hành Chương trình không chỉ ở cấp tỉnh mà còn xuống các địa phương (huyện, xã), trong đó phải có sự phân công rõ ràng trách nhiệm giữa các ngành, nhất là của ngành Y tế, Giáo dục và Đào tạo; đồng thời bố trí nguồn lực tương ứng để các ngành chủ động tổ chức triển khai thực hiện theo nhiệm vụ được phân công.

- Đối với mục tiêu cấp nước sinh hoạt: bố trí vốn để đảm bảo đến năm 2015 giải quyết dứt điểm việc cấp nước cho những vùng khó khăn, không để tình trạng cục bộ, có nơi không có nước sinh hoạt; ưu tiên đầu tư cho trạm y tế, trường học đặc biệt là các trường mầm non, doanh trại quân đội.

- Tăng cường việc nâng cấp và quản lý vận hành, khai thác có hiệu quả các công trình hiện có; đối với những công trình xây dựng mới về quy mô, công nghệ phải tuân theo quy hoạch cụ thể.

- Chú trọng xác định mô hình quản lý phù hợp cho từng công trình, ưu tiên giao cho các tổ chức chuyên nghiệp để quản lý, khai thác đạt hiệu quả cao, bền vững.

- Đối với mục tiêu vệ sinh môi trường: cần chỉ đạo xây dựng nhà tiêu, chuồng trại theo mô hình công nghệ phù hợp với điều kiện từng địa phương.

- Phát huy vai trò của các Hội, Đoàn thể trong công tác Thông tin – Giáo dục – Truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường công cộng.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng ngân sách nhà nước, nguồn vốn tài trợ để đảm bảo Chương trình hoạt động đúng mục đích, nội dung và tuân thủ theo các quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện sai sót trong tổ chức thực hiện; tránh thất thoát lãng phí; hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế trong việc kiểm tra; giám sát trong quá trình thực hiện.

Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo để các cơ quan, đơn vị có liên quan, các địa phương được biết và tổ chức thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Các thành viên BCN chương trình;
- Các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, Y tế, GD – ĐT;
- UBND cấp tỉnh;
- Tổng cục Thủy lợi;
- Các Cục/Vụ liên quan (Bộ NN&PTNT);
- Trung tâm QG nước sạch và VSMTNT;
- Các nhà tài trợ;
- Lưu: VT, TCTL.

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Nguyễn Văn Việt

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 3830/TB-BNN-VP ý kiến kết luận của Bộ trưởng Cao Đức Phát tại Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 3830/TB-BNN-VP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 08/08/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Nguyễn Văn Việt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/08/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản