Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 381/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2013

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI KIỂM TRA CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC ĐỐI PHÓ, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BÃO, LŨ TẠI CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ: THỪA THIÊN HUẾ, ĐÀ NẴNG, QUẢNG NAM, QUẢNG NGÃI

Ngày 16 tháng 10 năm 2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đi thăm và làm việc với Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi về tình hình thiệt hại và ứng phó với cơn bão số 11 năm 2013. Cùng đi với Phó Thủ tướng có lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Công Thương, Thông tin và Truyền thông và Quân khu 5. Sau khi kiểm tra, thị sát tình hình thiệt hại do cơn bão số 11 gây ra; làm việc với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân một số khu vực tại các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo về tình hình thiệt hại và ứng phó với cơn bão số 11 của các địa phương từ Thừa Thiên Huế vào đến Quảng Ngãi; ý kiến của lãnh đạo các Bộ, ngành, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:

1. Bão số 11 là cơn bão rất mạnh đã gây thiệt hại lớn về tài sản, nhà cửa nhân dân các tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng và ảnh hưởng lớn đến tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi. Các cơ quan Trung ương và địa phương đã chỉ đạo kịp thời và tổ chức thực hiện nghiêm túc Công điện số 1616/CĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ và các Công điện của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, với sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả từ trung ương đến địa phương nên đã hạn chế nhiều thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra. Các địa phương đã rất tích cực trong chỉ đạo phòng, chống bão, cụ thể như: thông tin kịp thời về cơn bão đến với người dân, có văn bản chỉ đạo cụ thể các huyện, xã thuộc vùng gió bão nguy hiểm, trọng yếu thực hiện kiên quyết việc di dời dân, kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh trú bão kịp thời, phân công Lãnh đạo bám sát địa bàn để chỉ đạo và giúp dân phòng chống bão, lũ.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, biểu dương và đánh giá cao cố gắng, nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang Quân khu và tinh thần đoàn kết khắc phục khó khăn gian khổ của nhân dân các tỉnh vừa bị cơn bão số 11 đi qua. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi đến các địa phương và đồng bào bị thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

2. Theo báo cáo ban đầu của các địa phương vùng trọng điểm bão số 11 đã gây ra nhiều tổn thất về vật chất, tài sản; nhiều nhà cửa, trường học bị tốc mái, đổ sập; nhiều đoạn đê, kè, sông, kè biển bị hư hỏng nặng, xâm thực biển đã xảy ra; thiệt hại về điện, viễn thông, hạ tầng giao thông vận tải lớn, cây trồng nông nghiệp, nhất là cây trồng vụ đông phần lớn đã bị hư hỏng, cây xanh bị gãy đổ. Tuy nhiên, do chủ động trong công tác phòng chống bão, lũ của chính quyền các địa phương nêu trên nên số người chết và bị thương được hạn chế tối đa. Nhưng thiệt hại do cơn bão số 11 gây ra cho các tỉnh miền Trung là rất lớn và nặng nề, phải mất nhiều thời gian mới có thể khôi phục lại được.

3. Để kịp thời khắc phục hậu quả bão lũ và giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung giải quyết một số việc cấp bách sau đây:

a) Đối với các địa phương:

- Nhiệm vụ trước mắt:

Tỉnh ủy, thành ủy và Ủy ban nhân dân các tỉnh tập trung chỉ đạo, khẩn trương khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra, bao gồm:

+ Hỗ trợ lương thực cho dân, không được để người dân bị đói và sớm giải quyết tình trạng ngoài trời, chiếu đất của người dân; hỗ trợ thuốc phòng, chữa bệnh cho người dân; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để phục hồi sản xuất nông nghiệp;

+ Vận động hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là lực lượng Thanh niên cùng với việc tiếp tục huy động lực lượng vũ trang đến các vùng bị thiệt hại để cùng với nhân dân nhanh chóng sửa chữa lại nhà cửa, trường học, bệnh xá và các công trình công cộng khác để sớm ổn định đời sống, sản xuất cho người dân;

+ Tập trung nguồn lực để sửa chữa các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu: giao thông, thủy lợi, điện, nước, vệ sinh môi trường…; tập trung sửa chữa trường học để đảm bảo học sinh nhanh chóng trở lại học tập bình thường;

+ Về nguồn vốn thực hiện: các địa phương chủ động sử dụng nguồn dự phòng ngân sách địa phương, nguồn vốn ủng hộ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ cho người dân khắc phục thiệt hại do bão, lũ gây ra; chủ động sử dụng nguồn vốn do địa phương quản lý để sửa chữa các công trình kết cấu hạ tầng, công trình công cộng; rà soát, tổng hợp mức độ thiệt hại do bão số 11 gây ra từng tỉnh, gửi Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương để tổng hợp chung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định hỗ trợ cho địa phương khắc phục hậu quả;

- Nhiệm vụ lâu dài:

+ Thực hiện rà soát lại các quy hoạch cây công nghiệp, nhất là quy hoạch đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn để có phương án điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế nơi thường xảy ra bão lũ, nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất khi bão lũ xảy ra.

b) Đối với các Bộ, ngành Trung ương:

- Giao Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương khẩn trương tổng hợp các kiến nghị của các địa phương về hỗ trợ khắc phục hậu quả của bão số 11, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, đề xuất mức hỗ trợ cụ thể cho từng tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28 tháng 10 năm 2013;

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các địa phương rà soát các dự án chống sạt lở bờ sông, bờ biển; các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền bị thiệt hại trong các đợt bão lũ vừa qua, gửi các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Bộ Công Thương cùng Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng bị bão, lũ, rà soát, đánh giá mức độ an toàn của các hồ thủy điện để bảo đảm an toàn tích nước đối với những hồ có lượng xả lũ lớn ảnh hưởng đến ngập lụt dân cư vùng hạ du; phải sớm có biện pháp khắc phục để ổn định đời sống nhân dân;

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: nắm chắc tình hình thiếu đói của các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, đề xuất mức lương thực cần thiết hỗ trợ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;

- Bộ Y tế: chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục cân đối hỗ trợ các địa phương cơ số thuốc chữa bệnh cloraminB, các loại thuốc để xử lý môi trường sau khi lũ rút, không để bùng phát dịch bệnh và ô nhiễm môi trường;

- Bộ Giao thông vận tải: đảm bảo an toàn giao thông thông suốt cả về đường bộ, đường thủy và đường sắt; đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề án xử lý các công trình giao thông hư hỏng nặng nề;

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tổng hợp danh mục các công trình cấp bách theo thứ tự ưu tiên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Sau bão thường xảy ra lũ lớn, các địa phương cần đề cao cảnh giác, có phương án cụ thể để chủ động phòng chống.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, địa phương và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Công Thương;
- Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi;
- Ban Chỉ đạo PCLBTW;
- Quân Khu 5;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg CP, Cổng TTĐT, Các Vụ: KTN, KTTH, V.III, TH, NC, KGVX;
- Lưu: Văn thư, KTN (3).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Cao Lục

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 381/TB-VPCP năm 2013 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi kiểm tra chỉ đạo công tác đối phó, khắc phục hậu quả bão, lũ tại tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 381/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 21/10/2013
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Cao Lục
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản