Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 349/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2015

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI CUỘC HỌP KIỂM ĐIỂM TÌNH HÌNH THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1788/QĐ-TTG NGÀY 01 THÁNG 10 NĂM 2013 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH XỬ LÝ TRIỆT ĐỂ CÁC CƠ SỞ GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG NGHIÊM TRỌNG ĐẾN NĂM 2020

Ngày 17 tháng 10 năm 2015, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 (sau đây viết tắt là Quyết định 1788). Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo tình hình thực hiện Quyết định 1788 và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận như sau:

1. Về kết quả thực hiện Quyết định 1788

Các Bộ, địa phương có cố gắng, tích cực triển khai Quyết định 1788 và Thông báo số 378/TB-VPCP ngày 22 tháng 9 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ. Thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, chúng ta đã xử lý triệt để được 89,29% số cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, số cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 1788 được xử lý triệt để đạt 33%.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn thiếu quyết liệt và cụ thể, việc phân công trách nhiệm và phối hợp liên ngành còn hạn chế, kinh phí bố trí còn thiếu, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường chưa đạt yêu cầu...nên kết quả đạt được còn thấp. Khó khăn nhất là việc xử lý ô nhiễm triệt để các bãi rác, bệnh viện; hiện có tới 76 bãi rác chưa được xử lý và con số này còn phát sinh thêm, nhất là ở khu vực nông thôn.

2. Những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện thời gian tới

Để hoàn thành Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, các Bộ, ngành và địa phương cần tập trung làm tốt những nhiệm vụ sau đây:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung làm tốt vai trò cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành, theo dõi, cập nhật sát sao tiến độ xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng cho dư luận biết tình hình xử lý: Danh sách các cơ sở đã hoàn thành xử lý triệt để; các cơ sở chưa hoàn thành; nêu đích danh tên cơ sở chưa xử lý; thời hạn xử lý. Kịp thời thông báo kết luận hoàn thành đối với các cơ sở đã xử lý triệt để ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vai trò giám sát cộng đồng trong bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa môi trường cho nhân dân.

- Rà soát lại chỉ tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho từng năm trong giai đoạn 2016 - 2020, phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Quyết định 1788 là đến năm 2020 không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở chây ỳ, quá thời hạn xử lý phải thực hiện ngay các biện pháp đình chỉ hoặc cấm hoạt động theo quy định của pháp luật. Chủ động tổ chức họp, chọn các dự án điểm đang khó khăn để tập trung tháo gỡ vướng mắc, giải quyết dứt điểm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt quá thẩm quyền. Sáu tháng một lần, Bộ phải có báo cáo về vấn đề này. Tăng cường kiểm tra đột xuất, mời đại diện các Bộ có liên quan: Xây dựng, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Công an tham gia.

- Khẩn trương ban hành trong tháng 12 năm 2015 bộ tiêu chí đánh giá chất lượng môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, làm công cụ để đánh giá, so sánh chất lượng môi trường giữa các địa phương. Năm 2016, tiến hành xếp loại các địa phương về lĩnh vực này, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

- Tích cực, chủ động chuẩn bị phương án xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên biên giới. Tất cả các dòng sông xuyên biên giới (Mêkong, sông Hồng, sông Đà...) phải đặt trạm quan trắc đầu nguồn.

b) Bộ Xây dựng tiếp thu ý kiến của các địa phương, khẩn trương báo cáo về các vấn đề: đốt rác thải tại các nhà máy xi măng; khoảng cách từ khu dân cư đến bãi rác; định mức xử lý rác thải. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị báo cáo Thủ tướng Chính phủ chuyên đề về xử lý triệt để ô nhiễm môi trường 76 bãi rác theo Quyết định 1788.

c) Bộ Y tế chủ trì, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập trung tháo gỡ, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại các bệnh viện. Nghiên cứu, xem xét việc tính chi phí xử lý triệt để ô nhiễm môi trường vào giá dịch vụ y tế.

d) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương rà soát, đánh giá tình hình chi sự nghiệp môi trường 5 năm qua 2011 - 2015. Phải ưu tiên bố trí kinh phí cho nhiệm vụ xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của Bộ, địa phương. Làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương trong việc chậm trễ xử lý các cơ sở này.

đ) Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng hợp, cân đối nhu cầu vốn đầu tư phát triển trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và nguồn ODA, tổng hợp vào Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường thuộc khu vực công ích, khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

e) Ô nhiễm môi trường do chất thải khu vực nông thôn hiện rất nghiêm trọng và đang gia tăng nhanh chóng. Các Bộ: Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với các địa phương tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ xử lý tình trạng này; báo cáo tình hình triển khai Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản; về hiệu quả của lò đốt rác thải khu vực nông thôn.

g) Bộ Công Thương, Bộ Tài chính khẩn trương phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xử lý dứt điểm các vướng mắc của những dự án di dời đã được giao đất quá lâu.

h) Các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV (ngày 30 tháng 9 năm 2015), tập trung triển khai tích cực, hiệu quả Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 thuộc phạm vi quản lý; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan và địa phương biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTTg Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các Ủy ban: TC&NS; KH, CN&MT của QH;
- Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT);
- VPCP: BTCN, PCN Nguyễn Khắc Định, Trợ lý TTg và PTTg Hoàng Trung Hải; các Vụ: KTTH, KTN, ĐMDN, TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KGVX (3), HĐC

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Khắc Định

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 349/TB-VPCP năm 2015 kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện Quyết định 1788/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 349/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 30/10/2015
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Khắc Định
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/10/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản