Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BAN CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 346/TB-BCĐ

Hà Nội, ngày 18 tháng 4 năm 2020

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA CHỦ TỊCH UBND THÀNH PHỐ NGUYỄN ĐỨC CHUNG, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(TẠI PHIÊN HỌP SỐ 36)

09h00 ngày 17/4/2020, tại trụ sở UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo Thành phố) đã tổ chức họp Phiên thứ 36 do Chủ tịch UBND Thành phố - Trưởng Ban Chỉ đạo Thành phố chủ trì nghe các đơn vị báo cáo về tình hình triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn Thành phố. Dự họp có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Thành phố; tại điểm cầu địa phương có Giám đốc các bệnh, viện của Thành phố; Lãnh đạo UBND quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn và các thành viên Ban Chỉ đạo quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.

Sau khi nghe Sở Y tế báo cáo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp. Chủ tịch UBND Thành phố - Trưởng Ban Chỉ đạo Thành phố kết luận chỉ đạo như sau:

I. Thông tin về tình hình dịch bệnh

1. Thế giới

- Thông tin chung về tình hình dịch bệnh đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng; cụ thể đã ghi nhận có hơn 2,1 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 145 nghìn ca tử vong, các ca nhiễm mới và tử vong vẫn tiếp tục tăng. Mỹ vẫn đang đứng đầu về ca nhiễm và số người tử vong do vi rút COVID-19.

- Đã xảy ra các đại dịch vào các năm: 1917, 1918, 1920 và 2003 và hiện nay; đại dịch COVID-19 là chưa có tiền lệ, biện pháp thực hiện chung cho các đại dịch vẫn là cách ly, đã có nhiều mô hình cách ly để phòng, chống dịch bệnh được triển khai thực hiện, tuy nhiên mô hình chung cho đại dịch COVID-19 hiện nay chưa có. Hầu hết các hoạt động sản xuất, giao thương, đi lại, làm ăn, buôn bán, giải trí của người dân trên toàn thế giới bị dừng lại, con số thiệt hại vật chất lên đến hàng chục nghìn tỷ USD và vẫn còn tiếp tục tăng. Dự báo ảnh hưởng của đại dịch lần này sẽ làm thay đổi nhiều mặt trong cuộc sống của con người trên thế giới hiện nay và sau này, sẽ có những biến thể tiếp theo của COVID-19, con người rất có khả năng sẽ phải sống chung với loại vi rút này.

2. Việt Nam: Chiều 16/4/2020 mới có một ca nhiễm tại tỉnh Hà Giang, số lượng người nhiễm COVID-19 trong mấy ngày qua đã có dấu hiệu giảm.

3. Hà Nội

- Trong vòng 36 tiếng vừa qua chưa phát hiện trường hợp dương tính mới. Cơ bản tất cả các trường hợp có yếu tố liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai; thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh và mới nhất hiện nay là tại thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín đều đã được rà soát, cách ly, khoanh vùng lấy mẫu xét nghiệm kịp thời.

- Đến nay đã xét nghiệm được 70.817 mẫu/8 triệu dân, chiếm 0,88% dân số, đây là tỷ lệ cao về xét nghiệm hiện nay trên thế giới.

- Việc thành phố Hà Nội hạn chế tốt việc lây lan dịch bệnh trên địa bàn là do làm tốt công tác xét nghiệm, kịp thời khoanh vùng, cách ly, phân loại.

II. Nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới

Tiếp tục thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo đúng chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, tuyệt đối không chủ quan trước tình dịch bệnh. Thực hiện song song nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế; Cụ thể UBND Thành phố giao:

1. UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn

- Tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Thành ủy, Ban Chỉ đạo Thành phố. Đặc biệt là các Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020, số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tương Chính phủ; Công văn số 2601 ngày 03/4/2020 của Văn phòng Chính phủ; Thông báo số 155/TB-VPCP ngày 15/4/2020 của Văn phòng Chính phủ; Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 03/4/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy; Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 31/3/2020 của Chủ tịch UBND Thành phố và Thông báo số 343/TB-BCĐ ngày 16/4/2020 của Ban Chỉ đạo Thành phố (đã được đăng tải trên Cổng TTĐT Chính phủ và cổng GTĐT Thành phố).

- Tích cực tuyên truyền việc người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch, đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn, sát khuẩn, để hình thành thói quen trong sinh hoạt hàng ngày, hiện tại cũng như sau này. Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng nơi ở; hạn chế dùng tiền mặt, tích cực sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi thực hiện các thủ tục hành chính...

- Tiếp tục thực hiện công tác rà soát, phát hiện các trường hợp có dấu hiệu ho, đau họng, sốt; yêu cầu tất cả các trường hợp đến mua các loại thuốc sốt, thuốc cảm và hạ sốt, thuốc ho, chữa trị đau mỏi người tại các hiệu thuốc phải khai báo y tế và báo ngay cơ sở y tế để được lấy mẫu xét nghiệm miễn phí. Việc xét nghiệm vẫn là tối quan trọng trong tình hình hiện nay.

- Thực hiện việc đánh giá lại thực tế diễn biến dịch bệnh trên địa bàn để sau ngày 22/4 chuẩn bị phương án phòng dịch và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

- UBND huyện Thường Tín chủ động liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố để thực hiện việc xét nghiệm hết cho người dân sống tại thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến.

- Chủ tịch các quận, huyện: Thanh Xuân, Ba Đình, Hoàng Mai, Thường Tín chủ động liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố để lấy mẫu theo xác suất tại các khu chợ Ngã Tư Sở, Long Biên, đầu mối hoa quả tại Hoàng Mai, đầu mối gia cầm Hà Vĩ và một số chợ hải sản trên địa bàn, phấn đấu hoàn thành trong 2 ngày 18 và 19/4/2020.

2. Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố

- Chủ trì phối hợp UBND các quận, huyện: Thanh Xuân, Ba Đình, Hoàng Mai, Thường Tín thực hiện xét nghiệm nhanh COVID-19 theo xác suất cho các tiểu thương và người dân thường đến mua bán tại một số chợ, gồm: Chợ Ngã Tư Sở (Thanh Xuân), chợ Long Biên (Ba Đình), chợ đầu mối hoa quả Hoàng Mai, chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín) và một số chợ hải sản.

- Tiếp tục tập huấn cho các y tá, điều dưỡng, bác sĩ của tất cả các trạm y tế của 579 xã, phường, thị trấn; các trung tâm y tế của các quận, huyện, thị xã và các bệnh viện thuộc Thành phố phải thành thạo cách test nhanh, cách lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR, phấn đấu có thể lấy được 5.000-6.000/ngày; phải hiểu rõ, biết rõ về vi rút COVID-19, cách khử khuẩn, nhận thức rõ về nguyên nhân lây nhiễm...

- Chủ trì, phối hợp UBND quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn; các cơ sở y tế trực thuộc Thành phố rà soát lại toàn bộ trang thiết bị y tế đã mua sắm trong giai đoạn 1, thống kê đầy đủ số lượng đã sử dụng, chưa sử dụng; Tổng hợp, đánh giá chung về năng lực của phòng, chống dịch bệnh và khám chữa bệnh của Thành phố trong thời điểm hiện nay, báo cáo Ban Chỉ đạo Thành phố.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Nghiên cứu mở rộng các hình thức học trực tuyến, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để đánh giá, công nhận thời gian học trực tuyến của học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Cần xây dựng quy định về việc đưa đón học sinh từ nhà đến trường và ngược lại, đảm bảo an toàn, không để lây nhiễm dịch bệnh. Việc đeo khẩu trang, vệ sinh, sát khử khuẩn, giữ khoảng cách tại trường học là bắt buộc. Hướng dẫn, tập huấn cho giáo viên, nhân viên của nhà trường phải thành thạo về biện pháp và quy trình xử lý trong phòng, chống dịch bệnh; xây dựng thói quen hàng ngày việc thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho học sinh trên toàn Thành phố.

- Chuẩn bị tổ chức tốt các kỳ thi, đảm bảo chất lượng giáo dục khi phải giảm số môn thi, bài thi do thời gian học tập, đến trường bị ảnh hưởng trong thời gian vừa qua.

4. Sở Văn hóa và Thể thao: Nghiên cứu các biện pháp, hành vi về phòng, chống dịch bệnh nêu trên để xem xét, bổ sung quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã

- Thực hiện tốt việc sản xuất vụ xuân hè, đảm bảo năng suất, chất lượng; đảm bảo tốt nguồn cung thức ăn phục vụ chăn nuôi trên địa bàn Thành phố, góp phần phục hồi kinh tế trong và sau thời kỳ dịch bệnh.

- Kiểm tra, rà soát toàn bộ các năng lực về ứng phó với thiên tai trong mùa bão, lũ, thiên tai tới, đảm bảo giảm thiểu tối đa thiệt hại.

6. Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính

- Hướng dẫn các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê, khoanh vùng các trường hợp thụ hưởng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố theo quy định. Trong quá trình thực hiện mời đại diện HĐND, Ủy ban MTTQ các cấp cùng tham gia để đánh giá, giám sát đảm bảo công khai, minh bạch, tuyệt đối không để xảy ra thất thoát, tiêu cực.

- Phối hợp Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội thực hiện trả lương cho tất cả người có công, người hưởng lương hưu tại nhà.

7. Công an thành phố Hà Nội, Sở Công Thương tăng cường việc kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đối với việc tăng giá trang thiết bị y tế trái quy định.

8. Các Sở, ngành Thành phố căn cứ Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020, số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 31/3/2020 của UBND Thành phố và thường xuyên cập nhật các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, UBND Thành phố về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố, chủ động có văn bản theo thẩm quyền để kịp thời trả lời, hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động trên địa bàn thuộc lĩnh vực đơn vị quản lý thực hiện giãn cách xã hội theo quy định.

9. UBND Thành phố đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và Thành phố phối hợp các quận, huyện và phường, xã tiếp tục công tác tuyên truyền để tất cả người dân trên địa bàn Thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nêu trên phải trở thành thói quen, một việc làm bắt buộc trong thời gian dài; tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các hình thức giao dịch trực tuyến; hạn chế tham gia các hoạt động tụ tập đông người; khuyến cáo mọi người không nên bắt tay, sử dụng hình thức giao tiếp khác; thường xuyên rửa tay... đảm bảo vệ sinh, thông thoáng phòng làm việc, nhà ở, nơi công cộng; tăng cường thường xuyên kiểm tra sức khỏe...

Giao Tổ thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo Thành phố theo dõi, đôn đốc, báo cáo Ban Chỉ đạo Thành phố kết quả thực hiện các nội dung kết luận trên./.

 

 

Nơi nhận:
- BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch; (để báo cáo)
- Đồng phí Bí thư Thành ủy; (để báo cáo)
- Các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy; (để báo cáo)
- Ban Thường vụ Thành ủy; (để báo cáo)
- Chủ tịch UBND Thành phố; (để báo cáo)
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố; (để báo cáo)
- BCĐ phòng, chống dịch Thành phố;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội;
- Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- Ban Dân vận Thành ủy;
- Văn phòng Thành ủy;
- Văn phòng HĐND Thành phố;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH Hà Nội;
- Cục Quản lý Thị trường Thành phố;
- Các Sở, ngành Thành phố;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Đài PTTH Hà Nộỉ; Báo: Hànộimới, Kinh tế&Đô thị;
- VPUB: CVP; PCVP Đ.H. Giang; Phòng: KGVX, KT, TKBT;
- Lưu: VT, KGVXDg

TL. TRƯỞNG BAN




CHÁNH VĂN PHÒNG
Vũ Đăng Định

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 346/TB-BCĐ năm 2020 kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thành phố Hà Nội (tại phiên họp số 36)

  • Số hiệu: 346/TB-BCĐ
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 18/04/2020
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Vũ Đăng Định
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/04/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản