Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 345/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2016

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO TÂY NAM BỘ TẠI HỘI NGHỊ CHUYÊN ĐỀ VỀ THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, QUẢN LÝ TỔNG HỢP TÀI NGUYÊN NƯỚC VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Ngày 26 tháng 9 năm 2016, tại tỉnh Cà Mau, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã chủ trì Hội nghị chuyên đề về thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tổng hợp tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Nguyễn Tấn Dũng - nguyên Thủ tướng Chính phủ, Trương Vĩnh Trọng - nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Bộ, ngành, cơ quan Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ, các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan truyền thông. Sau khi nghe các báo cáo của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế trọng điểm, có vị trí đặc biệt quan trọng về nhiều mặt đối với cả nước. Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng nhất là những tác động của: biến đổi khí hậu dẫn tới nước biển dâng, xâm nhập mặn ngày càng tăng; việc phụ thuộc vào các quốc gia ở thượng nguồn trong việc quản lý khai thác tài nguyên nước (dòng chảy, lượng nước, chất lượng nguồn nước, trầm tích, phù sa, đa dạng sinh học); việc quản lý sử dụng tài nguyên thiếu bền vững làm cạn kiệt tài nguyên đất đai, rừng, nguồn nước; công tác quản lý nhà nước kém hiệu lực, hiệu quả. Những thách thức này đã không còn là những hiện tượng cực đoan, nhất thời mà đã trở thành một xu hướng nghiêm trọng, có khả năng diễn ra thường xuyên và trong thời gian dài sắp tới, trong đó đáng lưu ý nhất là sự thay đổi chế độ lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, xói lở, sụt lún (cả sụt lún tự nhiên và sụt lún do hậu quả của việc khai thác nước ngầm và các tác động khác trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội), gây tác động sâu sắc đến sinh kế, sản xuất, đời sống của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

2. Bên cạnh những thách thức, khó khăn nêu trên, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều cơ hội, khả năng phát triển mới, trong đó môi trường nước mặn cũng sẽ là cơ hội để chuyển đổi, phát triển. Từ đó đòi hỏi phải nhận thức một cách đúng đắn, không hoang mang, bình tĩnh chủ động, nhưng cũng không chủ quan, cần tính đến cả những tình huống xấu nhất để thích ứng với biến đổi khí hậu và những thay đổi tài nguyên nước từ thượng nguồn (các quy hoạch, kế hoạch cần tính tới những tình huống xấu nhất).

II. VỀ GIẢI PHÁP

1. Hội nghị thống nhất cao là cần áp dụng các giải pháp tổng thể, đồng bộ, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương và phải phát huy vai trò của từng địa phương, từng cộng đồng dân cư, đặc biệt là của người dân.

2. Tiếp tục cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu chi tiết cho từng tiểu vùng, từng địa phương; trên cơ sở đó đổi mới công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, từ quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội đến các quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, đô thị, giao thông, quy hoạch sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên nước, khai thác nước ngầm, các quy hoạch phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tích hợp biến đổi khí hậu và các thách thức trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, hàng năm của các ngành, các địa phương. Việc xây dựng các quy hoạch cần có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành để tích hợp được các vấn đề thách thức trong các quy hoạch, nhất là giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Tiếp tục áp dụng các biện pháp ngoại giao, pháp lý, hợp tác quốc tế với các nước thượng nguồn sông Mê Công theo tinh thần hợp tác khai thác, sử dụng hài hòa, hiệu quả, bền vững tài nguyên nước, các bên cùng có lợi, bảo đảm lợi ích quốc gia, theo đúng thông lệ quốc tế đối với dòng sông xuyên quốc gia.

4. Có các giải pháp về thể chế và chính sách trong quản lý tài nguyên nước, đa dạng sinh học, sử dụng đất, khai thác nước ngầm, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, chính sách về tái cơ cấu, chính sách phát triển đô thị, công nghiệp hóa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

5. Đẩy mạnh công tác truyền thông tới các ngành, các cấp, đến tận người dân và doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, chủ động thích ứng với các thách thức trong thời gian tới.

6. Chủ động nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi, quy hoạch lại sử dụng đất lúa để chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể tại mỗi tiểu vùng.

7. Tiếp tục đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng nhằm chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, cũng như các thách thức đặt ra đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Qua thảo luận tại Hội nghị, dù còn ý kiến khác nhau, giải pháp công trình là không thể không tính đến, cần tập trung đầu tư sớm các công trình không thể không làm (kể cả công trình lớn như công trình Cái Lớn - Cái Bé để kiểm soát mặn, trữ ngọt cho vùng bán đảo Cà Mau), công trình cần thiết phải đầu tư, nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật phù hợp để hạn chế các tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, văn hóa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ THỜI GIAN TỚI

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổng hợp kết quả của Hội nghị chuyên đề, xây dựng báo cáo, kèm theo các kiến nghị đề xuất báo cáo Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi các Bộ, ngành liên quan và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xuất bản kỷ yếu của Hội nghị phục vụ công tác quản lý điều hành, đồng thời để các Bộ, ngành, địa phương tiếp thu Hoàn thiện các kịch bản thích ứng của mình.

3. Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công Thương, Khoa học và Công nghệ và các địa phương trong vùng căn cứ kết quả Hội nghị chuyên đề, các ý kiến phát biểu và các kiến nghị đề xuất tại Hội nghị để tiếp tục cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, cập nhật các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng, trong đó chú trọng các quy hoạch về phát triển đô thị, khu công nghiệp, công nghiệp hóa, các quy hoạch phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp,... Xác định các chương trình, dự án, công trình đầu tư sát thực, chủ động ứng phó với những thách thức, tận dụng các cơ hội ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long hướng tới phát triển bền vững cả về kinh tế - xã hội và môi trường.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường căn cứ Luật Tài nguyên nước nghiên cứu, đề xuất tổ chức quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở Đồng bằng sông Cửu Long phù hợp, khả thi, lồng ghép với Quy chế thí điểm liên kết vùng và phát triển kinh tế vùng.

5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ chuyên ngành rà soát, bố trí, phân bổ các nguồn lực (kể cả nguồn vốn đầu tư phát triển tập trung, nguồn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn vay ODA và nguồn vốn biến đổi khí hậu) để bố trí cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu tại các địa phương trong vùng, đặc biệt là các công trình trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và các dự án cấp bách khác.

6. Các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục nghiên cứu, cập nhật những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và các thách thức đối với địa phương mình để đưa vào kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cho phù hợp, đặc biệt là khuyến khích chủ động liên kết tiểu vùng, liên kết vùng.

7. Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng kịch bản truyền thông tổng thể liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

8. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi chặt chẽ, cập nhật, dự báo, đánh giá kịp thời về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2016 - 2017 tại Đồng bằng sông Cửu Long, chủ động hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương ứng phó, hạn chế thiệt hại.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ: TNMT, NN&PTNT, GTVT, XD, CT, YT, KHĐT, TC, KHCN;
- Ban Kinh tế Trung ương;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội;
- Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ;
- Tỉnh ủy, UBND, HĐND các tỉnh, t.phố BĐBSCL;
- VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, TKBT, KTTH, V.III, NC;
- Lưu: VT, KTN (3) Tuynh.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM





Nguyễn Sỹ Hiệp

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 345/TB-VPCP năm 2016 kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã chủ trì Hội nghị chuyên đề về thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tổng hợp tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 345/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 24/10/2016
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Sỹ Hiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản