Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 345/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 11 tháng 09 năm 2013

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ VĂN NINH TẠI HỘI NGHỊ SƠ KẾT 5 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 7 KHÓA X VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Ngày 16 tháng 8 năm 2013, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Phó Ban Chỉ đạo Trung ương về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã tới dự Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Giao thông vận tải. Tại Hội nghị, sau khi nghe lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết, ý kiến tham luận của các đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Biểu dương và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Bộ Giao thông vận tải và các địa phương trong công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là về công tác phát triển giao thông nông thôn. Trong 5 năm qua, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương đã chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X, Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó, có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.

Về quán triệt, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết: Bộ đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp Bộ do đồng chí Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng làm Trưởng Ban; phân công một đồng chí Thứ trưởng trực tiếp theo dõi, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết; xây dựng và ban hành Chiến lược phát triển giao thông nông thôn đến 2020, tầm nhìn đến 2030; đồng thời ban hành các cơ chế chính sách, tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn chỉ đạo các địa phương xây dựng quy hoạch phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh, quy hoạch phát triển giao thông nông thôn; phối hợp với các địa phương thực hiện công tác đào tạo, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông. Công tác phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trung ương được đẩy mạnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, trong đó có vùng nông thôn; khả năng tiếp cận của vùng nông thôn với cả nước, với các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn được cải thiện rõ rệt, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương.

Các địa phương đã tích cực thực hiện phong trào "Toàn dân xây dựng giao thông nông thôn, dân làm là chính, nhà nước hỗ trợ"; cùng với hỗ trợ ngân sách trung ương, trong giai đoạn từ năm 2008-2012 các địa phương đã huy động ngân sách địa phương, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đóng góp của người dân về vốn, công lao động xây dựng giao thông nông thôn; đã huy động được 19.410 tỷ đồng từ ngân sách địa phương, nhân dân đóng góp 9.869 tỷ đồng, huy động các nguồn vốn khác 5.321 tỷ đồng và huy động 165,4 triệu ngày công lao động; xây dựng mở mới 15.185 km đường; sửa chữa, nâng cấp 74.329 km đường các loại; xây dựng 7.102 cầu/120.268 mét dài cầu bê tông cốt thép; thay thế 873 cầu/16.449 mét dài cầu khỉ...; đến nay, đã có 9051 xã/9200 xã có đường ô tô đến trung tâm xã; phấn đấu đến hết năm 2013 huy động khoảng 17.540 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn theo đề án, quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Kết quả trên đây thể hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với thực tiễn, hợp lòng dân, với sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Bộ Giao thông vận tải, của cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương và sự đồng thuận rất cao của nhân dân các dân tộc trên phạm vi cả nước trong việc thực hiện xây dựng giao thông nông thôn, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tuy đã đạt được kết quả rất đáng khích lệ nêu trên, nhưng nhìn chung hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn cần được quan tâm đầu tư hơn nữa để đáp ứng nhu cầu phát triển, trong đó có phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. Đến nay, còn nhiều tuyến quốc lộ, đường tỉnh chưa được nâng cấp, nhiều dự án phải đình hoãn; các tuyến quốc lộ chính quy mô nhỏ đang bị xuống cấp, gây ùn tắc và gia tăng tai nạn giao thông; các tuyến đường sắt lạc hậu, chưa được nâng cấp; hệ thống sân bay, cảng biển ở một số địa phương có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu đi lại và vận tải hàng hóa. Hệ thống đường tỉnh, đường huyện còn thiếu so với nhu cầu, quy mô nhỏ, chất lượng thấp, nhất là vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Hiện còn 149 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã, hệ thống đường liên xã, liên thôn, đường thôn xóm, giao thông nội đồng chất lượng rất thấp, chủ yếu là đường đất. Vốn cho công tác bảo trì thiếu; ngoài hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trung ương, hệ thống đường giao thông địa phương, đặc biệt là giao thông nông thôn chưa được tổ chức, quản lý bài bản nên nhanh xuống cấp, giảm hiệu quả đầu tư.

II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI:

Về cơ bản, nhất trí với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết đến 2020 của Bộ Giao thông vận tải đã đề ra, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Bộ Giao thông vận tải:

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình lớn, trọng điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 (Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2012), quan tâm bố trí vốn đầu tư các tuyến, công trình giao thông, tạo kết nối với nông thôn, các tuyến, công trình trên địa bàn nông thôn, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống cho nông dân;

- Cần ưu tiên vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đối với các vùng trung du, miền núi, ven biển, các xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Chỉ đạo các địa phương phấn đấu thực hiện đến hết 2015 hoàn thành 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã.

- Phối hợp chặt chẽ với các địa phương, giữa các địa phương trong vùng nhằm tạo đồng bộ trong đầu tư, tạo được liên kết vùng, giữa các lĩnh vực để khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiệu quả.

- Tăng cường cán bộ hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương, nhất là các địa phương còn nhiều khó khăn để xây dựng giao thông nông thôn phù hợp với điều kiện từng xã, từng vùng miền.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá, sơ kết mô hình tốt về xây dựng giao thông nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới tại các tỉnh: Hà Nam, Lào Cai, Đồng Tháp, Đồng Nai...; mô hình về huy động sự giúp đỡ của các doanh nghiệp như việc hỗ trợ kinh phí vận tải xi măng đến các thôn, xóm của Công ty Xi măng Bút Sơn, tỉnh Hà Nam. Thông qua việc đánh giá, sơ kết để xây dựng cơ chế chính sách huy động nguồn lực đầu tư xây dựng giao thông nông thôn theo hướng: “Nhà nước hỗ trợ xi măng, sắt thép, một số vật liệu khác và dân tự tổ chức thực hiện”; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cơ chế, chính sách để thực hiện trên diện rộng.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh nghiên cứu, đề xuất hình thức tôn vinh (tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc tặng bảng vàng danh dự...,) những hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp có đóng góp lớn cho việc xây dựng giao thông nông thôn tại các xã, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương trong việc phân cấp nguồn thu để lại 100% cho xã để đầu tư xây dựng các công trình tại xã, trong đó có công trình giao thông, gồm các nguồn thu từ đất đai, phí bảo trì đường bộ, chính sách hỗ trợ cho địa phương và người sản xuất lúa quy định tại Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ...; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Đối với các địa phương:

- Các Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục quán triệt quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có nội dung về xây dựng giao thông nông thôn. Phải xác định xây dựng giao thông nông thôn là sự nghiệp của dân, do dân làm, trung ương hỗ trợ, tỉnh, huyện hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn xã tổ chức thực hiện và phải thực hiện kiên trì, thường xuyên, liên tục, bền bỉ, không nóng vội; vừa triển khai thực hiện điểm, đồng thời với triển khai thực hiện trên diện rộng.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan:

+ Hoàn thành quy hoạch giao thông nông thôn; đối với xã đã được phê duyệt quy hoạch thực hiện rà soát lại cho phù hợp điều kiện thực tế từng xã; trong đầu tư xây dựng cần sắp xếp thứ tự ưu tiên, thực hiện trước các tuyến giao thông có lưu lượng vận chuyển lớn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của từng xã, từng thôn bản. Phấn đấu đến hết năm 2015 số xã còn lại (149 xã) có đường ô tô đến trung tâm xã và số xã thực hiện theo kế hoạch hàng năm của địa phương phải đạt tiêu chí về giao thông theo Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

+ Tích cực huy động mọi nguồn lực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông địa phương; thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn với nguồn vốn xây dựng giao thông nông thôn thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới để phát huy hiệu quả đầu tư. Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền các tầng lớp nhân dân để người dân tự nguyện ủng hộ và tham gia xây dựng giao thông tại các xã; quản lý chặt chẽ trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng giao thông nông thôn, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí, tham nhũng làm mất niềm tin của nhân dân.

III. VỀ CÁC KIẾN NGHỊ CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

1. Về đề nghị tăng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước, phát hành trái phiếu Chính phủ, chính sách thu hút các nhà đầu tư và huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó cần ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông nông thôn:

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất biện pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Về xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, nhà tài trợ và các địa phương trong quản lý, đầu tư phát triển giao thông nông thôn đảm bảo lồng ghép được nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình dự án khác để phát huy hiệu quả đầu tư:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các Bộ liên quan hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương thực hiện cơ chế phối hợp, lồng ghép nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác trên địa bàn với dự án đầu tư xây dựng giao thông nông thôn và đầu tư xây dựng các công trình khác theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại văn bản số 57/CT-BCĐTWXDNTM ngày 04 tháng 4 năm 2013.

3. Nguồn vốn đầu tư cho phát triển giao thông hiện nay do nhiều Bộ, ngành chủ trì quản lý dẫn đến việc tổng hợp chung về vốn đầu tư cho phát triển giao thông gặp khó khăn, chưa cập nhật được số liệu phục vụ kịp thời cho công tác quản lý điều hành của Chính phủ:

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án cơ sở dữ liệu về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông (trong đó có dữ liệu về vốn đầu tư) để phục vụ công tác quản lý nhà nước về giao thông từ trung ương đến địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Về đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu sớm có phương án kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý giao thông nông thôn từ trung ương đến địa phương (tỉnh, huyện, xã):

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương xây dựng phương án theo hướng: Tăng cường năng lực cho công tác quản lý nhà nước về giao thông nông thôn; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có năng lực, trình độ, có phẩm chất đạo đức tốt để hoàn thành nhiệm vụ được giao; phù hợp đặc điểm, điều kiện từng địa phương, đồng thời không làm tăng biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các thành viên BCĐ sơ kết NQTW 7 khóa X;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, Cổng TTĐT, các Vụ: TKBT, KTTH, KGVX, TH, V.III, ĐMDN;
- Lưu: Văn thư, KTN (3).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Hữu Vũ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 345/TB-VPCP năm 2013 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 345/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 11/09/2013
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Hữu Vũ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản