Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 343/TB-NHNN

Hà Nội, ngày 08 tháng 11 năm 2023

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỐNG ĐỐC NGUYỄN THỊ HỒNG TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TRIỂN KHAI CÔNG ĐIỆN 990/CĐ-TTG NGÀY 21/10/2023 VÀ ĐẨY MẠNH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ LÃI SUẤT THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 31/2022/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ

Ngày 27/10/2023, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ và đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Tham dự Hội nghị có Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú; Đại diện một số Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Lãnh đạo các đơn vị: Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Vụ TDCNKT), Vụ Dự báo, thống kê, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (CQTTGSNH), Vụ Truyền thông, Văn phòng NHNN, Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC); Giám đốc NHNN chi nhánh 63 tỉnh, thành phố; Ban lãnh đạo và cán bộ các phòng, ban liên quan của NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh; Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng; Lãnh đạo 44 NHTM.

Sau khi nghe báo cáo của Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ TDCNKT và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Thống đốc đã kết luận và chỉ đạo như sau:

Trong bối cảnh kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ của kinh tế thế giới, bám sát chủ trương, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã tập trung chỉ đạo ngành Ngân hàng triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân và hấp thụ vốn của nền kinh tế. Nhờ sự nỗ lực, quan tâm của các đơn vị thuộc NHNN và các TCTD, hoạt động cấp tín dụng đối với nền kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực, được các cấp, các ngành và các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân thời gian qua vẫn còn gặp khó khăn, kết quả tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống còn thấp và kết quả triển khai các chương trình, chính sách tín dụng, trong đó có chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP còn hạn chế. Vì vậy, Thủ trưởng các đơn vị thuộc NHNN, TCTD và các hiệp hội trong ngành Ngân hàng cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong việc chỉ đạo và tổ chức triển khai các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo NHNN về tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh khả năng tiếp cận vốn tín dụng và hấp thụ vốn của nền kinh tế, đặc biệt là các Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023 và 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Nhiệm vụ chung:

Tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ, văn bản số 4964/VPCP-KTTH ngày 05/07/2023 của Văn phòng Chính phủ, Thông báo kết luận số 316/TB-VPCP ngày 09/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 01/CT-NHNN, Thông báo kết luận số 247/TB-NHNN ngày 10/8/2023 của Thống đốc và các văn bản chỉ đạo khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo NHNN.

Đẩy mạnh triển khai các giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tăng cường hơn nữa kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thúc đẩy phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động cấp tín dụng (đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro) để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).

2. Một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể:

2.1. Đối với các đơn vị thuộc NHNN Trung ương:

2.1.1. Vụ Chính sách tiền tệ:

(1) Theo dõi sát diễn biến kinh tế trong nước và quốc tế, phối hợp với Vụ Dự báo, thống kê và các đơn vị liên quan thường xuyên phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD; chủ trọng phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất đã đề ra và hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực là động lực tăng trưởng.

Trong đó, khẩn trương phối hợp với CQTTGSNH và các đơn vị liên quan rà soát để đề xuất phương án điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các TCTD có đề nghị và định hướng điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024, báo cáo Ban lãnh đạo NHNN xem xét, quyết định.

(2) Khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư số 03/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp và các văn bản quy định khác có liên quan (nhất là các cơ chế, chính sách hết hiệu lực trong năm 2023) để kịp thời tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định có liên quan cho phù hợp (nếu cần thiết).

(3) Theo dõi tình hình triển khai Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng để kịp thời báo cáo lãnh đạo NHNN khi có vấn đề phát sinh; tiếp tục rà soát, đề xuất chỉnh sửa (nếu cần thiết).

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà phối hợp với các Phó Thống đốc liên quan chỉ đạo.

2.1.2. Vụ TDCNKT:

(1) Theo dõi sát tình hình triển khai các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tại các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo lại chung cư cũ, chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản... để kịp thời tham mưu, đề xuất các biện pháp đẩy mạnh triển khai và xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc không thuộc thẩm quyền giải quyết của NHNN.

(2) Phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, các văn bản quy định khác có liên quan, kiến nghị, đề xuất của các đơn vị trong Ngành, người dân, doanh nghiệp đối với Thông tư số 02/2023/TT-NHNN để kịp thời tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cho phù hợp (nếu cần thiết).

(3) Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp khuyến khích tín dụng đối với các doanh nghiệp phục vụ cho các động lực tăng trưởng, các dự án hiệu quả, khả thi, có khả năng trả nợ ngân hàng, tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.

(4) Tham mưu, đề xuất các giải pháp tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú chỉ đạo.

2.1.3. Vụ Truyền thông phối hợp với các đơn vị thuộc NHNN và các TCTD:

(1) Đẩy mạnh công tác truyền thông về chủ trương, chính sách của Chính phủ, NHNN về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trong đó có vấn đề tiếp cận tín dụng, chương trình, chính sách tín dụng, đảm bảo truyền tải đầy đủ, kịp thời, khách quan, trung thực các thông tin liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Tạo sự kết nối chặt chẽ giữa NHNN Trung ương với NHNN chi nhánh các tỉnh thành, phố và các TCTD để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chung của Ngành.

(2) Thường xuyên theo dõi, đôn đốc và tổng hợp tình hình thực hiện công tác truyền thông của các đơn vị trong Ngành, định kỳ báo cáo lãnh đạo NHNN và gửi các đơn vị liên quan phục vụ công tác đánh giá, xếp loại, xếp hạng, thi đua, khen thưởng hàng năm đối với các đơn vị thuộc NHNN và các TCTD.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú chỉ đạo.

2.1.4. Các đơn vị liên quan thuộc NHNN:

(1) Đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không còn phù hợp.

(2) Chỉ đạo các TCTD rà soát, cắt giảm các quy trình, thủ tục nội bộ không cần thiết, gây phiền hà, tốn kém cho người dân, doanh nghiệp; trong đó cần rà soát, nghiên cứu kỹ thủ tục cho vay để đảm bảo thông thoáng.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú chỉ đạo.

2.2. NHNN chi nhánh các tỉnh, thành ph tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại các Thông báo kết luận số 102/TB-NHNN ngày 03/4/2023, 160/TB-NHNN ngày 26/5/2023, văn bản số 6936/NHNN-TD ngày 05/9/2023 và các văn bản chỉ đạo khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo NHNN để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận tín dụng, trong đó cần tập trung:

2.2.1. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và đẩy mạnh triển khai thiết thực, hiệu quả các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, hiệp hội trên địa bàn để kịp thời nắm bắt, đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh, những khó khăn, vướng mắc, nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn (đặc biệt là các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, ưu tiên, ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, địa phương). Trên cơ sở đó, chỉ đạo, định hướng các TCTD trên địa bàn chủ động cung ứng vốn đầy đủ, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn vay theo quy định của pháp luật.

2.2.2. Tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc triển khai các chủ trương, chính sách về giảm lãi suất, miễn, giảm phí, các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và việc bán, triển khai đại lý bảo hiểm của các TCTD trên địa bàn để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những trường hợp không thực hiện đúng chỉ đạo của NHNN hoặc báo cáo lãnh đạo NHNN chỉ đạo xử lý đối với những trường hợp vượt thẩm quyền.

2.2.3. Phối hợp chặt chẽ với Vụ Truyền thông, các TCTD và các cơ quan truyền thông của Ngành, của địa phương làm tốt công tác truyền thông trên địa bàn về công tác tín dụng, đặc biệt là các chương trình, chính sách tín dụng của Chính phủ, của Ngành. Tập trung tuyên truyền, giải thích và chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tuyên truyền, giải thích, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về các vấn đề người dân, doanh nghiệp, dư luận xã hội và đại biểu quốc hội trên địa bàn quan tâm.

2.3. Các TCTD cần phát huy tinh thần trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh, tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các nhiệm vụ nêu tại các Thông báo kết luận số 102/TB-NHNN ngày 03/4/2023, 160/TB-NHNN ngày 26/5/2023, văn bản số 6936/NHNN-TD ngày 05/9/2023 và các văn bản chỉ đạo khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo NHNN để chủ động tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận tín dụng. Trong đó, cần tập trung:

2.3.1. Tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hoá các quy trình, thủ tục nội bộ và triển khai các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu và tạo thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng. Công khai các loại phí liên quan đến các hoạt động cấp tín dụng, thanh toán, dịch vụ tiền tệ khác và cắt giảm phí, lệ phí không cần thiết, đảm bảo hợp lý, minh bạch.

Đối với các TCTD vẫn đang duy trì lãi suất cho vay bình quân cao và chênh lệch lãi suất đầu vào - lãi suất đầu ra còn khá lớn (đặc biệt là 14 TCTD được nêu tên tại Hội nghị) cần chủ động giảm lãi suất phù hợp với mặt bằng chung của các TCTD, thể hiện trách nhiệm cộng đồng xã hội và tinh thần chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ, vượt qua khó khăn hiện nay.

2.3.2. Chủ động, tích cực hơn trong tham gia thực hiện các chính sách, chương trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó:

(1) Tiếp tục có giải pháp đẩy mạnh giải ngân theo chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo lại chung cư cũ; chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy trình, thủ tục cho vay thông thoáng, linh hoạt. Hướng dẫn kịp thời các thủ tục vay vốn tín dụng đối với các dự án đã được công bố đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn đối với cả chủ đầu tư và người cần mua nhà thuộc chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.

(2) Tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo đúng quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-NHNN.

(3) Chủ động triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

2.3.3. Tăng cường công tác kiểm soát, kiểm toán, kiểm tra nội bộ để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động, đặc biệt là đối với hoạt động cấp tín dụng (bao gồm cả các trường hợp cán bộ gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu khách hàng trong tiếp cận tín dụng), hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp và các hoạt động cung ứng dịch vụ khác có liên quan.

2.3.4. Tích cực tham gia các chương trình, hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của khách hàng vay vốn tại TCTD.

2.3.5. Truyền thông rõ ràng, kịp thời, đầy đủ, minh bạch, chính xác về các chính sách, sản phẩm, dịch vụ của TCTD; tích cực phối hợp với Vụ Truyền thông, các đơn vị liên quan thuộc NHNN làm tốt công tác truyền thông chung của Ngành, trong đó có các chủ trương, chương trình, chính sách tín dụng. Chủ động theo dõi, xử lý kịp thời các vấn đề dư luận quan tâm, không để người dân, doanh nghiệp hiểu chưa chính xác về chủ trương, chính sách của Chính phủ, NHNN và của TCTD.

2.3.6. Chủ động báo cáo và kiến nghị, đề xuất các biện pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền trong quá trình triển khai các cơ chế, chính sách tín dụng. Tham gia ý kiến có trách nhiệm với các đơn vị thuộc NHNN trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách vì mục tiêu chung của đất nước và của Ngành.

Thừa lệnh Thống đốc, Văn phòng NHNN thông báo để các đơn vị liên quan biết và triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Ban lãnh đạo NHNN (để b/c);
- Các đơn vị thuộc NHNN, TCTD, hiệp hội trong Ngành (để thực hiện);
- Lưu: VT, VP2 (C.H.Hạnh).
Đính kèm:
- Công điện 990/CĐ-TTg;
- Công điện 993/CĐ-TTg

TL. THỐNG ĐỐC
KT. CHÁNH VĂN PHÒNG
PHÓ VĂN PHÒNG




Phạm Thị Lan Anh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 343/TB-NHNN năm 2023 về Kết luận của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tại Hội nghị trực tuyến triển khai Công điện 990/CĐ-TTg và đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 343/TB-NHNN
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 08/11/2023
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
  • Người ký: Phạm Thị Lan Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản