BỘ NGOẠI GIAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/2015/TB-LPQT | Hà Nội, ngày 28 tháng 07 năm 2015 |
VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC
Thực hiện quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:
Hiệp định bổ sung cho Hiệp định khung về hợp tác giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Bô-li-vi-a Vê-nê-xu-ê-la về hợp tác trong lĩnh vực thương mại, ký tại Hà Nội ngày 11 tháng 3 năm 2015, có hiệu lực kể từ ngày 17 tháng 7 năm 2015.
Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.
| TL. BỘ TRƯỞNG |
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Bô-li-va Vê-nê-xu-ê-la, sau đây gọi tắt là “các Bên”.
XÉT Hiệp định khung về hợp tác giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Bô-li-va Vê-nê-xu-ê-Ia ký tại thành phố Hà Nội ngày 31 tháng 7 năm 2006;
TÁI KHẲNG ĐỊNH ý chí chung của hai quốc gia trong việc đạt được các mục tiêu và lý tưởng hợp tác kinh tế và thương mại;
VỚI MONG MUỐN tạo điều kiện thuận lợi nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị sẵn có giữa hai nước để đạt được sự phát triển đa dạng và hai hòa trong quan hệ thương mại song phương;
CÔNG NHẬN tầm quan trọng sống còn đối với các Bên về sự phát triển và đa dạng hóa quan hệ thương mại, duy trì đối thoại thường xuyên về các vấn đề liên quan đến trao đổi thương mại nhằm cải thiện quan hệ hợp tác song phương cũng như sự phát triển và tiến bộ kỹ thuật cả hai nước.
KHẲNG ĐỊNH sự nhất trí của các Bên về đối xử bình đẳng và cùng có lợi trong quan hệ thương mại, trên cơ sở các nguyên tắc và quy định của luật pháp quốc tế;
NHẬN THẤY mối quan tâm đặc biệt đối với hai Chính phủ trong việc chung sức nhằm đạt hiệu quả tối đa trong sản xuất, mang lại lợi ích cho nền kinh tế của nhân dân hai nước, dựa trên việc đánh giá các mức độ phát triển khác nhau;
Hai Bên cùng thỏa thuận như sau:
Hiệp định này có mục đích thiết lập một khung pháp lý nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển hợp tác thương mại giữa các Bên, thông qua việc cùng xây dựng và triển khai các chương trình và/hoặc dự án mà qua đó cho phép tạo điều kiện và tăng cường trao đổi thương mại song phương, đáp ứng những ưu tiên đặt ra trong các kế hoạch chiến lược và chính sách phát triển kinh tế xã hội của cả hai nước, dựa trên các nguyên tắc bổ trợ, tôn trọng chủ quyền và quyền tự quyết của mỗi Bên, phù hợp với pháp luật mỗi nước và các quy định của Hiệp định này.
Hợp tác thương mại theo Hiệp định này có thể được triển khai thông qua các hoạt động như:
a) Tổ chức các hội chợ, các đoàn và triển lãm, hội thảo và hội nghị ở mỗi quốc gia;
b) Hỗ trợ và phát triển các đầu mối kinh doanh giữa các tổ chức và doanh nghiệp nhà nước của cả hai nước;
c) Trao đổi thông tin về các luật quốc gia hiện hành đang điều chỉnh các hoạt động thương mại;
d) Thúc đẩy trao đổi thương mại song phương và xác định các cơ hội kinh doanh ở cả hai nước.
Trong phạm vi thực hiện hội chợ, các đoàn và triển lãm thương mại, phù hợp với luật pháp hiện hành của mỗi quốc gia, các Bên sẽ tạo điều kiện việc áp dụng các cơ chế liên quan đến chế độ hải quan đặc biệt với mục đích tạo điều kiện tạm nhập và đối với các hoạt động khác tương tự, đặc biệt liên quan đến:
a) Mẫu các sản phẩm và vật liệu dành cho quảng bá thương mại, bao gồm cả catalogue, bảng giá, tờ rơi, khi và chỉ khi không nhằm mục đích buôn bán;
b) Các dụng cụ, hàng hóa cho các hội chợ và triển lãm thương mại, khi và chỉ khi không nhằm mục đích buôn bán;
Phù hợp với pháp luật quốc gia hiện hành của mỗi nước, hai Bên thống nhất kể từ khi Hiệp định có hiệu lực sẽ áp dụng hoặc duy trì các biện pháp chú trọng đến việc tăng cường và thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai nước ngoại trừ những biện pháp nhằm các mục đích sau:
a) Bảo vệ đạo đức xã hội;
b) Áp dụng các luật và quy định về an ninh quốc gia;
c) Xuất nhập khẩu vàng bạc, kim loại và đá quý;
d) Đảm bảo việc tuân thủ luật pháp hoặc các quy định trong nước mà không mâu thuẫn với các điều khoản của Hiệp định này, bao gồm các nội dung liên quan tới việc áp dụng các biện pháp hải quan, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và phòng ngừa các hành vi lừa đảo, chống gian lận thương mại và chống buôn lậu;
e) Liên quan tới các sản phẩm lao động tù nhân;
f) Bảo vệ di sản quốc gia có giá trị nghệ thuật, lịch sử hay khảo cổ học;
g) Bảo vệ môi trường và gìn giữ các nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái sinh, nếu việc bảo vệ và gìn giữ ấy được gắn liền với những hạn chế có liên quan tới việc sản xuất và tiêu thụ trong nước;
h) Bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của con người, các loài động thực vật.
Mỗi Bên cho phép các doanh nghiệp của Bên kia đổi và chuyển về nước, theo tỷ giá hối đoái hiện hành và tùy thuộc vào sự sẵn có của ngoại hối và phù hợp với pháp luật quốc gia hiện hành của mỗi nước, tất cả các khoản thu địa phương trừ đi chi phí địa phương theo tỷ giá hối đoán.
Phù hợp với pháp luật quốc gia hiện hành của mỗi nước, các Bên có thể thiết lập cơ chế thanh toán bù trừ và các cơ chế tương tự để thanh toán các cam kết thương mại với các công ty tư nhân của Bên kia, với mục đích bảo vệ dự trữ ngoại tệ của mình.
Các Bên đồng ý chỉ định các cơ quan có trách nhiệm điều phối và thực hiện Hiệp định này, gồm Bộ Công Thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Thương mại nước Cộng hòa Bô-li-va Vê-nê-xu-ê-la.
Với mục đích triển khai thực hiện Hiệp định này, các Bên thống nhất thành lập một Nhóm Công tác gồm các đại diện của mỗi Đơn vị thực hiện sẽ họp định kỳ và luân phiên tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Bô-li-va Vê-nê-xu-ê-Ia. Thời gian họp sẽ được các Bên thỏa thuận bằng văn bản.
Nhóm công tác trên sẽ chịu trách nhiệm đánh giá và theo sát các hành động được triển khai nhằm đạt các mục tiêu của Hiệp định này và sẽ báo cáo Ủy ban liên Chính phủ về lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định khung hợp tác giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Bô-li-va Vê-nê-xu-ê-la ký ngày 31 tháng 7 năm 2006.
Các chi phí phát sinh trong việc thực hiện Hiệp định này của mỗi Bên sẽ do các Bên đảm nhiệm phù hợp với ngân sách sẵn có của mỗi Bên.
Các tranh chấp giữa các Bên liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Hiệp định này sẽ được giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp giữa các Bên bằng văn bản và thông qua kênh ngoại giao.
Hiệp định này có thể được sửa đổi theo thỏa thuận chung giữa các Bên. Các bổ sung hoặc sửa đổi sẽ có hiệu lực theo đúng thủ tục quy định đi vào hiệu lực của Hiệp định này.
Hiệp định này có hiệu lực kể từ ngày nhận được thông báo sau cùng, qua đường ngoại giao, về việc các Bên đã hoàn thành thủ tục nội bộ cần thiết theo Hiến pháp và pháp luật của mỗi nước để Hiệp định có hiệu lực. Hiệp định này có hiệu lực trong năm (5) năm, và được gia hạn cho từng thời hạn tương tự trừ khi một Bên thông báo cho Bên kia, bằng văn bản, qua đường ngoại giao ý định không gia hạn Hiệp định ít nhất sáu (6) tháng trước ngày Hiệp định hết hiệu lực.
Các Bên có thể bãi bỏ Hiệp định này bất cứ lúc nào, bằng cách thông báo bằng văn bản thông qua kênh ngoại giao. Việc bãi bỏ Hiệp định sẽ có hiệu lực sau sáu (6) tháng kể từ ngày nhận được thông báo.
Việc bãi bỏ Hiệp định này sẽ không ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình và dự án đang được triển khai thực hiện, mà các chương trình dự án đó sẽ được tiếp tục thực hiện cho đến khi hoàn thành, trừ khi các Bên thỏa thuận khác.
Ký tại thành phố Hà Nội, ngày 11 tháng 03 năm 2015, thành 2 bản, mỗi bản bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh và Tây Ban Nha; có giá trị pháp lý như nhau. Trong trường hợp có sự khác biệt về giải thích hoặc thực hiện Hiệp định này, bản tiếng Anh sẽ được sử dụng làm cơ sở.
THAY MẶT CHÍNH PHỦ | THAY MẶT CHÍNH PHỦ |
- 1Công văn số 5795/VPCP-QHQT về việc ký Hiệp định khung hợp tác với vùng Lombardia (Italia) do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Công văn số 754/TTg-QHQT về việc Hiệp định khung hợp tác với Cộng hòa Trung Phi do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2015 phê duyệt “Hiệp định Bổ sung cho Hiệp định khung về hợp tác giữa Việt Nam và Bô-li-va Vê-nê-xu-ê-la về hợp tác trong lĩnh vực thương mại" do Chính phủ ban hành
- 1Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005
- 2Công văn số 5795/VPCP-QHQT về việc ký Hiệp định khung hợp tác với vùng Lombardia (Italia) do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Công văn số 754/TTg-QHQT về việc Hiệp định khung hợp tác với Cộng hòa Trung Phi do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2015 phê duyệt “Hiệp định Bổ sung cho Hiệp định khung về hợp tác giữa Việt Nam và Bô-li-va Vê-nê-xu-ê-la về hợp tác trong lĩnh vực thương mại" do Chính phủ ban hành
Thông báo 34/2015/TB-LPQT về hiệu lực của Hiệp định bổ sung Hiệp định khung hợp tác giữa Việt Nam và Bô-lô-vi-a Vê-nê-xu-ê-la trong lĩnh vực thương mại
- Số hiệu: 34/2015/TB-LPQT
- Loại văn bản: Điều ước quốc tế
- Ngày ban hành: 11/03/2015
- Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa Bô-li-va Vê-nê-xu-ê-la
- Người ký: Vũ Huy Hoàng, Elías Jaua Milano
- Ngày công báo: 12/08/2015
- Số công báo: Từ số 921 đến số 922
- Ngày hiệu lực: 17/07/2015
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực