Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 324/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 29 tháng 8 năm 2018

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC VỀ CÔNG TÁC BẢO VỆ TRẺ EM

Ngày 06 tháng 8 năm 2018 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em; các thành viên Ủy ban quốc gia về trẻ em; lãnh đạo Ban Dân nguyện, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban về các vấn đề xã hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành; Hội Nhà báo Việt Nam, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, đại diện các Sở, ngành, lãnh đạo Ủy ban nhân cấp huyện và các phòng, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, các cơ quan báo chí ở Trung ương, địa phương và một số cá nhân.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các tham luận, phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận như sau:

1. Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em thời gian qua được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống chính sách, pháp luật cơ bản đầy đủ. Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiều nơi có cố gắng, sáng tạo, hiệu quả; xuất hiện các mô hình tốt. Đến nay, tất cả trẻ em dưới 6 tuổi được Nhà nước cấp bảo hiểm y tế miễn phí; gần 100% trẻ em dưới 01 tuổi được tham gia tiêm chủng mở rộng; gần 100% trẻ em 5 tuổi được đi học mẫu giáo; Nhà nước không thu học phí đối với học sinh học tiểu học; khoảng 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chính sách trợ giúp xã hội.

Đạt được những kết quả nêu trên là nhờ sự quan tâm vào cuộc tích cực, kịp thời, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các ban, bộ, ngành, địa phương, các cơ quan tư pháp, các cơ quan báo chí, các tổ chức xã hội, đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em trong cả nước. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Bên cạnh những kết quả, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em vẫn còn một số hạn chế: tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn ở mức cao (khoảng 24%); tỷ lệ trẻ em đi nhà trẻ vẫn còn thấp (khoảng 28%); tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa bàn khác nhau, gây bức xúc trong xã hội; mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, gần 2.000 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông; có những trẻ em còn bất hạnh trong gia đình, làng xóm; nhận thức của một bộ phận cán bộ, người dân chưa đầy đủ; Công tác giáo dục kiến thức, kỹ năng sống cho trẻ em (phòng chống tai nạn, thương tích, đuối nước, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại) chưa được chú trọng đúng mức. Nhiều địa phương chưa có cán bộ làm công tác về trẻ em và bố trí nguồn lực còn rất hạn chế; công tác phối hợp giữa các cơ quan thực hiện công tác bảo vệ trẻ em chưa hiệu quả; chưa có giải pháp hữu hiệu phòng ngừa các vụ việc xâm hại trẻ em, nhất là bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em; nhiều vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có vụ việc xử lý kéo dài hoặc chưa được xử lý.

2. Về định hướng, giải pháp thời gian tới:

a) Cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, đặc biệt các cấp địa phương, cơ sở thực hiện ngay việc quán triệt, tiếp tục nâng cao nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc và quan tâm đúng mức về công tác bảo vệ trẻ em; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ 25 quyền trẻ em theo quy định của pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em; tạo lập cuộc sống an toàn cho trẻ em bằng các hình thức phù hợp, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành ở địa phương, cơ sở giáo dục trong việc bảo vệ phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Kiên quyết xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường thay đổi phương pháp giáo dục trẻ em; hướng dẫn các thành viên trong gia đình, giáo viên, học sinh kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, kỹ năng bảo vệ trẻ em; phòng, chống bạo lực gia đình, học đường; thực hiện trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

Quan tâm xây dựng, bố trí, tạo thêm không gian vui chơi cho trẻ em (công viên, cây xanh, sân chơi và các thiết chế văn hóa phù hợp).

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải bố trí ngay người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong số các công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách thuộc quyền quản lý.

Ủy ban nhân dân các cấp nghiên cứu, triển khai mô hình tổ chức, hoạt động của các nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đứng đầu với thành phần gồm người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, công an xã, Đoàn thanh niên xã, Hội phụ nữ xã, nhân viên y tế thôn bản nếu có.

Các địa phương chú trọng công tác tập huấn, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, kỹ năng cho cán bộ làm công tác trẻ em; bố trí nguồn lực bảo đảm cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

c) Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền rà soát các chính sách bảo đảm phù hợp với Luật trẻ em; đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng nâng cao hiệu lực trong việc bảo vệ quyền trẻ em, hướng dẫn cụ thể quy trình xử lý những vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em một cách nhanh chóng, thân thiện, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng tài liệu giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em phù hợp với lứa tuổi, giới tính.

d) Đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu và đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; giám sát việc bố trí nhân lực và ngân sách để thực hiện công tác này ở địa phương.

Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức trong công tác bảo vệ trẻ em, không để tình trạng có nhiều cơ quan bảo vệ trẻ em mà không ai chịu trách nhiệm. Triển khai phong trào: “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em” gắn với cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và nghiên cứu đưa tiêu chí về công tác bảo vệ trẻ em vào trong đánh giá xã nông thôn mới, đô thị văn minh.

đ) Ủy ban quốc gia về trẻ em định kỳ thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá các bộ, ngành, địa phương về thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em.

e) Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư và gia đình cùng các cấp chính quyền tạo lập cuộc sống an toàn, phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần cho trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại; phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em.

g) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên, mỗi cộng đồng dân cư, mỗi người dân cần giám sát, phát hiện, phản biện xã hội và chung tay giải quyết những vấn đề nóng về trẻ em, đặc biệt bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, tai nạn thương tích trẻ em, đuối nước trẻ em.

h) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án vận động nguồn lực xã hội để hỗ trợ chăm sóc trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia gia đoạn 2016 - 2020 phát động phong trào hỗ trợ đồ ấm cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nhân Ngày Vì người nghèo Việt Nam 17 tháng 10 năm 2018.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, ngành, cơ quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các thành viên Ủy ban quốc gia về trẻ em;
- Các bộ, cơ quan: Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu Tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban Dân tộc;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các Ủy ban của Quốc hội: Tư pháp, Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, về các vấn đề xã hội, Pháp luật;
- Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN;
- Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản HCM;
- Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
- Hội Nhà báo Việt Nam;
- Đài Truyền hình Việt Nam;
- Đài Tiếng nói Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, NC, QHĐP, TH, TKBT;
- Lưu: VT, KGVX (3b) PL.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Văn Tùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 324/TB-VPCP năm 2018 kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 324/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 29/08/2018
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Văn Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/08/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản