VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 313/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2022 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI CUỘC HỌP ĐÁNH GIÁ THIỆT HẠI BAN ĐẦU, RÚT KINH NGHIỆM, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CƠN BÃO SỐ 4 (TÊN QUỐC TẾ LÀ NORU)
Ngày 28 tháng 09 năm 2022, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến với 8 địa phương gồm: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai - Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan - Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các địa phương.
Sau khi nghe báo cáo tổng hợp của Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4, báo cáo về diễn biến và dự báo, cảnh báo thiên tai sau bão số 4 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ý kiến phát biểu của một số đại biểu dự cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kết luận, chỉ đạo như sau:
1. Cơn bão số 4 (tên quốc tế là Noru) có cường độ rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng lớn, kể từ khi hình thành đến khi đổ bộ vào đất liền cường độ bão liên tục thay đổi. Đêm 27 và sáng ngày 28 tháng 9, bão số 4 đã ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương khu vực Trung Bộ, gây gió cấp 10, giật cấp 14 tại đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm; đất liền có gió cấp 6-8, giật cấp 10, lớn nhất tại Tam Kỳ (Quảng Nam) có mạnh gió cấp 9, giật cấp 13. Bão gây mưa lớn từ 150-300mm tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Kon Tum, một số trạm mưa rất lớn như: Khe Tre (TT.Huế) 362mm, Thượng Nhật (TT.Huế) 344mm, Việt An (Quảng Nam) 628mm, An Long (Quảng Nam) 372mm, Lý Sơn (Quảng Ngãi) 337mm.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo sát sao, từ sớm, từ xa, huy động cả hệ thống chính trị của 8 địa phương vào cuộc triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó với bão. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo tiền phương do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm trưởng ban để trực tiếp chỉ đạo ứng phó; ban hành 02 công điện chỉ đạo các địa phương nhất là 8 tỉnh, thành trọng tâm bão đổ bộ (6 tỉnh ven biển từ Quảng Trị đến Bình Định, Gia Lai, Kon Tum) ứng phó với bão. Sáng ngày 27 tháng 9, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp ứng phó với bão trực tuyến tới 1.251 đầu cầu các cấp tỉnh, huyện, xã của 08 tỉnh, thành phố trọng tâm ảnh hưởng của bão. Trong các ngày từ 25 đến 27 tháng 9, Ban Chỉ đạo tiền phương tổ chức 03 đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo ứng phó bão số 4. Đêm 27 tháng 9, Ban chỉ đạo tiền phương đã tổ chức làm việc xuyên đêm liên tục theo dõi sát, họp trực tuyến với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố để nắm rõ tình hình tại từng địa phương, kịp thời chỉ đạo triển khai công tác ứng phó.
2. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã rất chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp ứng phó. Trước khi bão đổ bộ, các địa phương và các lực lượng đã kêu gọi, hướng dẫn cho 57.840 tàu thuyền (299.678 người) di chuyển tránh trú và neo đậu an toàn; trong ngày 27/9/2022 đã tổ chức sơ tán hơn 108.441 hộ dân (340.863 nhân khẩu) đến nơi an toàn. Vận động, tuyên truyền và di dời người dân tại 20.712ha và 4.571 lồng, bè nuôi trồng thủy sản lên bờ, đảm bảo an toàn không để xảy ra rủi ro khi bão đổ bộ. Tập trung gia cố bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, công trình hạ tầng; hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, bảo đảm an toàn tài sản; hạn chế giao thông khi bão đổ bộ.
Nhờ sự chuẩn bị ứng phó quyết liệt khẩn trương, căn bản nên thiệt hại bước đầu đến nay đã được giảm thiểu ở mức tối đa, nhất là không có thiệt hại về người. Cụ thể: về người: 04 người bị thương (Quảng Trị); Về nhà: sập 03 nhà (Quảng Trị: 02, Thừa Thiên Huế: 01), hư hỏng, tốc mái 157 nhà (Quảng trị 118); Tàu thuyền: Chìm 03 ghe nhỏ (Đà Nẵng 02, Quảng Nam 01); Điện lực: 9.427 trạm biến áp bị sự cố mất điện (Quảng Nam: 4369, Đà Nẵng: 3340, Quảng Ngãi: 1718) và 15 xã bị mất điện (Kon Tum: 09 xã, Gia Lai: 06 xã). Hiện đã khắc phục 535 trạm biến áp (Quảng Nam: 372, Đà Nẵng: 163). Thiệt hại khác: Đổ 01 trụ anten Trung tâm truyền thông thành phố Hội An (Quảng Nam); hư hỏng 02 đồn biên phòng (Quảng Nam),... Nhiều cây xanh tại địa bàn các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai bị gãy, đổ.
3. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, khen ngợi, cảm ơn sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền các địa phương, sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cơ quan khí tượng, thủy văn, quân đội, công an, báo chí truyền thông, đặc biệt là sự hưởng ứng, tinh thần trách nhiệm, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau, tương thân tương ái của nhân dân trong công tác phòng chống bão số 4. Nhờ đó, giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của người dân và Nhà nước. Thủ tướng bày tỏ chia sẻ với những người bị thương và các gia đình bị thiệt hại về tài sản.
4. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh 6 bài học kinh nghiệm về công tác ứng phó bão. Thứ nhất, cương quyết, quyết liệt, nhất quán vận động, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm là yếu tố quyết định để không bị thiệt hại về người. Thứ hai, nắm chắc diễn biến, bám sát tình hình, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp để phòng chống bão kịp thời, hiệu quả. Thứ ba, chủ động xây dựng kịch bản, phương án phòng chống bão phù hợp tình hình, thường xuyên tổ chức diễn tập, cập nhật, hoàn thiện và khi xảy ra tình huống thì vận hành các kịch bản, phương án này theo phương châm “4 tại chỗ”. Thứ tư, công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, chủ động, tích cực, bám sát tình hình, từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Thứ năm, thông tin thông suốt, toàn diện, đầy đủ, hướng dẫn kịp thời để các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và người dân chủ động ứng phó. Thứ sáu, các địa phương đã phát huy tinh thần chủ động, luôn đề cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, hay hoang mang, mất bình tĩnh trong ứng phó thiên tai. Các cấp ủy, chính quyền và nhân dân đã chủ động, bản lĩnh, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, kinh nghiệm, hiểu biết của mình, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của nhân dân với tinh thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau để ứng phó với thiên tai.
5. Từ thực tiễn và các bài học kinh nghiệm được rút ra, để nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan và các địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt sau đây:
- Các bộ, ngành và địa phương khẩn trương đánh giá thiệt hại, triển khai ngay các giải pháp khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra, khẩn trương ổn định đời sống người dân; kịp thời tổ chức động viên, thăm hỏi, hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại do mưa bão; tạo mọi điều kiện để học sinh sớm được trở lại trường, nhân dân sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định sản xuất, tuyệt đối không được để dân đói, rét, không có chỗ ở, không để dịch bệnh bùng phát do ô nhiễm môi trường sau mưa bão.
- Các địa phương rà soát, đánh giá, thống kê tình hình thiệt hại, bảo đảm đầy đủ, chính xác, gửi Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; chủ động sử dụng Quỹ phòng chống thiên tai, dự phòng ngân sách của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để sớm khắc phục hậu quả mưa bão.
- Bộ Tài chính sẵn sàng xuất cấp vật tư, lương thực kịp thời hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão số 4 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề nghị của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và quy định của pháp luật.
- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ khẩn trương khắc phục sạt lở các tuyến giao thông trọng yếu, đảm bảo lưu thông thông suốt; bảo vệ các công trình xây dựng giao thông trọng điểm, đặc biệt là các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam đang triển khai.
- Tập đoàn điện lực Việt Nam chỉ đạo Tổng Công ty Điện lực Miền Trung cùng các đơn vị thành viên khẩn trương khôi phục hệ thống truyền tải điện, đảm bảo cung cấp điện trở lại sớm nhất để phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm bảo điều tiết, vận hành hồ thủy điện, thủy lợi đúng quy trình, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình và hạ du.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình sau bão và dự báo thời tiết, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống thiên tai với các phương án sẵn sàng hơn, chủ động hơn; quán triệt phương châm “phòng hơn chống”, “4 tại chỗ”, “địa phương và người dân là chính”; đảm bảo an toàn khi triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ nếu có.
- Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai tiếp tục tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Ban chỉ đạo xử lý mọi tình huống thiên tai, không để bị động bất ngờ. Hướng dẫn, tổng hợp thiệt hại do bão số 4 gây ra và nhu cầu hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 4 của các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định kịp thời, hiệu quả, tiết kiệm.
Các Bộ, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước được giao rà soát phương án, chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả do bão số 4 gây ra, hỗ trợ nhân dân nhanh chóng ổn định tinh thần, đời sống, sức khỏe và nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
(Văn bản này thay thế văn bản số 308/TB-VPCP ngày 28 tháng 9 năm 2022 của Văn phòng Chính phủ).
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Quyết định 1336/QĐ-TTg năm 2014 hỗ trợ vốn thực hiện dự án cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 11 tại tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và thành phố Đà Nẵng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo 525/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến về công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 12 năm 2017 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Công điện 1714/CĐ-BYT năm 2020 về triển khai công tác y tế khắc phục hậu quả của cơn bão số 9 do Bộ Y tế điện
- 4Thông báo 308/TB-VPCP năm 2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp đánh giá thiệt hại ban đầu, rút kinh nghiệm, khắc phục hậu quả cơn bão số 4 (tên quốc tế là Noru) do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Quyết định 1336/QĐ-TTg năm 2014 hỗ trợ vốn thực hiện dự án cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 11 tại tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và thành phố Đà Nẵng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo 525/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến về công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 12 năm 2017 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Công điện 1714/CĐ-BYT năm 2020 về triển khai công tác y tế khắc phục hậu quả của cơn bão số 9 do Bộ Y tế điện
Thông báo 313/TB-VPCP năm 2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp đánh giá thiệt hại ban đầu, rút kinh nghiệm, khắc phục hậu quả cơn bão số 4 (tên quốc tế là Noru) do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 313/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 30/09/2022
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Trần Văn Sơn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 30/09/2022
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định