VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 15 tháng 02 năm 2023 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TRONG CHUYẾN CÔNG TÁC KIỂM TRA VÀ LÀM VIỆC VỀ TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI CÁC CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM NGÀNH GIAO THÔNG
Từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 01 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi thị sát, kiểm tra tình hình thực hiện và chủ trì cuộc họp về Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; dự Lễ ra quân dự án nâng cấp tuyến đường sắt Nha Trang - Sài Gòn; dự lễ phát lệnh làm hàng xuân Quý Mão tại Cảng Tân cảng Cát Lái; kiểm tra các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án Vành Đai 4 Vùng Thủ Đô Hà Nội, Dự án Vành Đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành và một số công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông. Cùng đi với Thủ tướng Chính phủ có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan; các ban quản lý dự án, chủ đầu tư, các nhà đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn của các dự án, công trình.
Tại các buổi kiểm tra tại hiện trường công trình, dự án và tại các buổi họp với các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, sau khi nghe báo cáo, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị liên quan và ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận chỉ đạo như sau:
A. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Trên toàn bộ các công trường, các dự án được kiểm tra, thị sát đều có khí thế quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân trong việc thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kế cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại; tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không, đặt biệt là cảng hàng không trọng điểm; đến năm 2030 cả nước có khoảng 5 nghìn ki-lô-mét đường bộ cao tốc, trong đó phấn đấu hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào năm 2025). Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ưu tiên bố trí tối đa mọi nguồn lực (vốn đầu tư công, chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; tăng thu tiết kiệm chi, nguồn vốn ngân sách của địa phương) để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có các tuyến đường cao tốc: đầu tư đường cao tốc Bắc Nam phía Đông; các vành đai Vùng Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tuyến đường cao tốc kết nối Tây Bắc; Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Trong suốt những năm qua đến năm 2021 (từ khi có chủ trương đầu tư đường cao tốc), cả nước mới đầu tư được khoảng 1.000 km đường bộ cao tốc, trong giai đoạn 5 năm (từ năm 2021 đến năm 2025) cần phải hoàn thành gấp đôi khối lượng của giai đoạn qua. Đây là nhiệm vụ, trách nhiệm rất lớn trong thời gian tới. Với vai trò, vị trí và tầm quan trọng rất lớn của các dự án giao thông trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, vì vậy toàn hệ thống chính trị cần phải nhận thức và quyết tâm hành động để thực hiện thành công nhiệm vụ này.
Đánh giá cao Bộ Giao thông vận tải, các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố có liên quan đã nỗ lực, huy động tối đa nguồn lực để hoàn thành rất tốt công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai thực hiện các dự án. Trân trọng biểu dương sự nỗ lực phấn đấu, tinh thần quyết tâm vượt khó của cán bộ, công nhân viên, người lao động đã làm việc tích cực, liên tục “3 ca, 4 kíp”, nhiều công trình thi công xuyên Tết Quý Mão. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án đường cao tốc cơ bản đáp ứng yêu cầu, tiến độ thi công được cải thiện rõ rệt, nhiều tuyến đường bộ cao tốc đã từng bước được hoàn thiện.
2. Bài học kinh nghiệm:
Thực tiễn quá trình triển khai các dự án thời gian qua đã chỉ ra một số bài học kinh nghiệm để tập trung chỉ đạo triển khai phù hợp hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới như sau:
- Bám sát thực tiễn, xử lý nhanh chóng, dứt điểm các vướng mắc, tồn tại phát sinh trong quá trình triển khai các dự án; tăng cường công tác quản lý thường xuyên, kiểm tra, đôn đốc và giám sát quá trình thực hiện, lấy kết quả sản phẩm cụ thể làm thước đo, đánh giá tổ chức, cá nhân. Các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án phải làm tốt, chịu trách nhiệm toàn diện quy định pháp luật và trước cơ quan chủ quản.
- Không chia nhỏ gói thầu; xác định các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện để lựa chọn nhà thầu phù hợp với thực tế và quy định pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch, nghiêm túc, hiệu quả, tuân thủ quy định pháp luật để lựa chọn được nhà thầu thực sự có năng lực, uy tín, kinh nghiệm quản lý dự án quy mô lớn, có năng lực vận hành và triển khai hiệu quả.
- Một số dự án đầu tư theo phương thức PPP đang triển khai tốt, nhanh hơn so với dự án đầu tư công nhờ áp dụng khoa học công nghệ, cải tiến kỹ thuật. Vì vậy, cần có chính sách khuyến khích để thu hút được tối đa nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng (nhà nước không thể có đủ nguồn lực để đầu tư được tất cả cơ sở hạ tầng). Các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan liên quan phải có trách nhiệm hướng dẫn, thúc đẩy trên cơ sở bảo đảm lợi ích hài hòa giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp, chia sẻ rủi ro hợp lý giữa các bên.
- Các địa phương phải chủ động, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, “ỉ lại” Trung ương; không đầu tư dàn trải; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; làm việc nào dứt điểm việc đó; tập trung đầu tư các đường kết nối với đường cao tốc tạo không gian phát triển mới (khu công nghiệp, khu chế xuất, dịch vụ, đô thị...)
- Quy hoạch đường cao tốc phải có tầm nhìn dài hạn, tổng thể (tiêu chuẩn hoàn thiện tối thiểu 04 làn xe ô tô, đủ làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 80-100km/h; tuyến thẳng nhất có thể, hạn chế tối đa đi qua khu dân cư, quân sự; tinh thần là qua sông bắc cầu, qua núi, qua đồi thì làm hầm và qua đồng bằng thì đắp đất, đổ cát) và có kế hoạch đầu tư hoàn thiện đúng tiêu chuẩn cao tốc, không đầu tư cao tốc quy mô hạn chế 2 làn xe, gây lãng phí nguồn lực và thời gian nâng cấp, mở rộng.
- Tăng cường phân cấp cho địa phương, đi cùng phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực thực thi cho đội ngũ cán bộ theo chủ trương chung của Đảng, Nhà nước (trước đây các dự án do Trung ương, trực tiếp là Bộ Giao thông vận tải triển khai, nay phân cấp cho địa phương là cơ quan chủ quản, cơ quan có thẩm quyền các dự án cao tốc nhằm phát huy tính chủ động, tính sát thực, nguồn lực của địa phương).
B. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
1. Yêu cầu chung
- Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là vấn đề khó khăn nhất trong triển khai dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án, công trình giao thông. Bí thư, cấp ủy phải làm Trưởng Ban chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, kết hợp ban dân vận, giúp người dân. Mục tiêu Đảng và Nhà nước không có gì khác là bảo đảm cho người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; thực hiện đúng chính sách cho người dân, bảo đảm tốt nhất có thể, nơi ở mới ít nhất cũng phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Phải vận động, giáo dục, tuyên truyền để người dân hiểu, chia sẻ, ủng hộ; kịp thời đối thoại, trao đổi với người dân tránh khiếu kiện kéo dài, mất ổn định chính trị.
- Nâng cao hơn nữa tính chủ động phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan. Khi có vướng mắc thuộc trách nhiệm của Bộ nào thì Bộ trưởng phải chủ trì, phối hợp với các Bộ trưởng liên quan theo Quy chế làm việc của Chính phủ để xử lý ngay, dứt điểm, không để kéo dài.
- Lựa chọn nhà thầu phải nghiêm túc, vô tư, trong sáng, công khai, minh bạch, rõ ràng tuân thủ quy định pháp luật, tuyệt đối không để lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; không chia nhỏ gói thầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 46/TB-VPCP ngày 19/2/2022.
- Các Bộ, cơ quan ban ngành và các đơn vị liên quan phải quán triệt 5 yêu cầu sau trong quá trình triển khai dự án: thứ nhất phải bảo đảm chất lượng; thứ hai phải bảo đảm tiến độ (trong đó công tác xây dựng kế hoạch phải bám sát yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, đồng thời phải sát thực tế, khả thi, không phải điều chỉnh đi, điều chỉnh lại); thứ ba phải bảo đảm an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường, sinh thái; thứ tư không được đội vốn bất hợp lý; thứ năm chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm và đi đôi chăm lo đời sống, an sinh xã hội người lao động, nhân dân.
- Nhà đầu tư, nhà thầu, tư vấn phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, tuân thủ hợp đồng ký kết, bảo đảm chất lượng, tiến độ dự án, đặt lợi ích chung của đất nước lên trên hết.
- Công tác thanh tra, kiểm toán thực hiện theo quy định pháp luật; vừa làm vừa kiểm toán, kiểm tra thông qua các cơ quan thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của Bộ, ngành, địa phương để chủ động phòng ngừa và chống sai phạm trong quá trình triển khai các dự án.
- Nguồn vốn, kế hoạch vốn phải được bố trí đầy đủ; làm đến đâu nghiệm thu, thanh toán đến đó.
2. Đối với các dự án hạ tầng giao thông đường bộ
a) Bộ Giao thông vận tải:
- Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giao ban định kỳ với các địa phương, Ban Quản lý dự án để kiểm điểm tiến độ, kịp thời xử lý vướng mắc, phát sinh liên quan đến giải phóng mặt bằng và triển khai thi công dự án.
- Phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước trong việc xây dựng kế hoạch chi tiết, cung cấp hồ sơ, tài liệu trong quá trình triển khai công tác kiểm toán theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 18/TTg-CN ngày 03/2/2023.
- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thành công tác đánh giá việc sử dụng cát biển cho đường bộ cao tốc. Lưu ý phải làm nhanh nhưng bảo đảm tính khoa học và an toàn môi trường.
- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phân công Thứ trưởng phụ trách để hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương được giao là cơ quan chủ quản hoàn thiện thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu, bảo đảm chặt chẽ đúng pháp luật, phù hợp thực tế; chậm nhất tháng 6 năm 2023 khởi công đồng loạt các dự án.
- Trong tháng 3 năm 2023, tổ chức Hội nghị với các địa phương để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức triển khai dự án của Bộ Giao thông vận tải và các địa phương.
b) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đi qua:
- Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc hoàn thành đúng tiến độ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công. Quán triệt các địa phương, hệ thống chính trị nâng cao tinh thần trách nhiệm, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng; ưu tiên giải quyết các khu vực thuận lợi, khu vực phải xử lý nền đất yếu, xây dựng công trình quy mô lớn, phức tạp (cầu lớn, hầm...). Quá trình thực hiện phải bảo đảm công khai, minh bạch, không để phát sinh khiếu nại, khiếu kiện.
- Thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ giao trực tiếp mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho các nhà thầu thi công, không để xảy ra việc giao không đúng đối tượng, mua đi bán lại các mỏ vật liệu (chủ động rà soát các mỏ vật liệu đã cấp, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục đối với mỏ cấp sai), xử lý nghiêm, kịp thời tình trạng găm giá, liên kết với nhau để nâng giá làm ảnh hưởng thi công dự án. Chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng theo quy định.
- Đẩy nhanh các thủ tục, sớm hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp của các dự án được giao là cơ quan chủ quản, bảo đảm đúng quy định pháp luật; để khởi công đồng loạt trong tháng 6 năm 2023 theo yêu cầu của Chính phủ.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long rà soát, nâng công suất các mỏ cát phục vụ trực tiếp xây dựng các tuyến đường cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đáp ứng đủ về khối lượng và tiến độ; hướng dẫn Chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thiện các thủ tục mở mỏ cát mới.
c) Bộ Tài nguyên và Môi trường:
- Khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; trình tự, thủ tục liên quan đến khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, bãi đổ thải bảo đảm nhà thầu có thể khai thác được ngay vật liệu xây dựng phục vụ thi công;
- Hướng dẫn việc bố trí kinh phí bồi thường các khu đất, công trình Quốc phòng, an ninh bị ảnh hưởng ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng; báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 3 năm 2023 đối với những nội dung vượt thẩm quyền.
- Hướng dẫn việc gia hạn thời gian khai thác các mỏ đất cấp cho các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, hoàn thành trong tháng 2 năm 2023.
- Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu “đánh giá tài nguyên khoáng sản phục vụ khai thác cát biển, phục vụ nhu cầu san lấp tại các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương có liên quan rà soát, điều phối cát đắp cho các dự án đường bộ cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
d) Bộ Quốc phòng
- Tiếp tục tạo điều kiện, đồng thời chỉ đạo các Quân khu, cơ quan, đơn vị phối hợp với các địa phương thống nhất phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với đất, công trình an ninh quốc phòng để bảo đảm tiến độ, đúng quy định pháp luật.
- Chỉ đạo các Tổng công ty, doanh nghiệp quốc phòng đang tham gia các dự án, công trình tiếp tục phát huy, tập trung nhân lực, máy móc trang thiết bị thi công bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu.
3. Về Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành:
Đây là công trình trọng điểm quốc gia, với quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước, được Quốc hội khóa XIII, XIV, XV quan tâm chỉ đạo và ban hành các Nghị quyết để triển khai thực hiện. Tại Quyết định số 1777/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2020 về phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ đã giao đầy đủ nhiệm vụ, trách nhiệm cho từng bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, các cuộc họp kiểm điểm tình hình triển khai dự án, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành chủ động thực hiện các nhiệm vụ. Tuy nhiên, các yêu cầu đề ra về tiến độ đến nay đều chưa đạt được, nguyên nhân phần lớn là do khâu tổ chức thực hiện (trong đó có công tác đấu thầu gói thầu Nhà ga hành khách của Dự án Thành phần 3). Trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư (ACV), đại diện chủ sở hữu của ACV (Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp) và cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Giao thông vận tải). Các cơ quan liên quan phải kiểm điểm trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ và các công việc được phân công, đồng thời chịu trách nhiệm tập trung khắc phục, bù đắp lại thời gian đã bị lãng phí trôi qua. Yêu cầu các cơ quan liên quan xác định lại trách nhiệm của mình để tổ chức thực hiện theo thẩm quyền, trong đó lưu ý:
a) Công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư: Mặc dù Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã cố gắng thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đạt được khối lượng công việc như hiện nay. Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cần rút kinh nghiệm khi chưa hoàn thành mục tiêu đã đề ra, thời gian tới cần cố gắng, nỗ lực hơn nữa để khắc phục. Yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai:
- Khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng dự án giai đoạn 1 (diện tích 1.810 ha) trong Quý I năm 2023 và mặt bằng 2 tuyến đường giao thông kết nối với Cảng hàng không Quốc tế Long Thành (kết hợp làm đường công vụ của dự án) trong Quý II năm 2023.
- Chủ động làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định Nhà nước để hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, phê duyệt tại kỳ họp tháng 5/2023.
- Rà soát các kiến nghị của người dân trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án; điều chỉnh, bổ sung những nội dung hợp lý nhưng chưa đúng cơ chế chính sách hiện có; giải thích, vận động, chia sẻ với người dân về các chính sách đúng đắn của nhà nước, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhân dân, doanh nghiệp; bảo đảm nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
- Nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, điều động đủ giáo viên đáp ứng nhu cầu của Nhân dân trong khu tái định cư; phải ưu tiên hoàn thiện đầy đủ trước khu vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, cây xanh công cộng.
b) Về triển khai Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không:
- Về việc lựa chọn nhà thầu gói thầu Nhà ga hành khách, yêu cầu khẩn trương triển khai các phương án đấu thầu khả thi theo Luật đấu thầu để lựa chọn được nhà thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm thi công công trình đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ và không làm tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính chịu trách nhiệm bố trí đủ vốn cho dự án, không để chậm trễ, không để ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
- Để thúc đẩy tiến độ triển khai dự án, đồng ý thành lập Tổ công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Tổ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải làm Tổ phó, thành viên là lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Quốc phòng và lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Tổ công tác có nhiệm vụ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, kết nối và xử lý các vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.
4. Giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổng hợp, phân loại các đề xuất, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện giao nhiệm vụ cụ thể cho bộ, ngành địa phương chủ trì xử lý theo thẩm quyền.
5. Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương giải quyết dứt điểm theo thẩm quyền, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án thuộc Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Thông báo 304/TB-VPCP năm 2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại cuộc họp lần thứ 2 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 1316/QĐ-TTg năm 2022 bổ sung danh mục dự án và kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Thông báo 368/TB-VPCP năm 2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến lần thứ 3 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Thông báo 78/TB-VPCP năm 2023 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc khảo sát và làm việc về các dự án giao thông trọng điểm: đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh và đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5Công văn 4691/VPCP-CN năm 2023 về tình hình triển khai công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Luật đấu thầu 2013
- 2Quyết định 1777/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Thông báo 304/TB-VPCP năm 2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại cuộc họp lần thứ 2 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 1316/QĐ-TTg năm 2022 bổ sung danh mục dự án và kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Thông báo 368/TB-VPCP năm 2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến lần thứ 3 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6Thông báo 78/TB-VPCP năm 2023 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc khảo sát và làm việc về các dự án giao thông trọng điểm: đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh và đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 7Công văn 4691/VPCP-CN năm 2023 về tình hình triển khai công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải do Văn phòng Chính phủ ban hành
Thông báo 29/TB-VPCP năm 2023 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác kiểm tra và làm việc về tình hình triển khai các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 29/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 15/02/2023
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Sỹ Hiệp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 15/02/2023
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định