Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 280/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 07 tháng 9 năm 2016 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH HÀ NAM
Ngày 06 tháng 8 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thăm và làm việc tại tỉnh Hà Nam; tham gia đoàn công tác của Thủ tướng có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tại buổi làm việc, sau khi nghe lãnh đạo Tỉnh báo cáo kết quả kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016 và một số kiến nghị, đề xuất của tỉnh Hà Nam; ý kiến của lãnh đạo các bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
1. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hà Nam về những kết quả đạt được trong thời gian vừa qua. Giai đoạn 2011 - 2015, kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam có những bước phát triển khá toàn diện; tăng trưởng kinh tế bình quân 13%/năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2015 bằng 2,5 lần và thu ngân sách nhà nước bằng 3,8 lần so với năm 2010; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đến cuối năm 2015, tỷ trọng công nghiệp đạt 58,3%, dịch vụ đạt 29,1%, nông nghiệp đạt 12,6%; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 42,3 triệu đồng/năm; giải quyết việc làm mới đạt 16.236 lao động/năm; tỷ lộ hộ nghèo đến cuối năm 2015 còn 2,92%. Trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng trưởng kinh tế đạt gần 11%, trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2,7%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,55%, mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng gần 19%, thu ngân sách nhà nước tăng 29% so với cùng kỳ.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, sâu rộng, xã hội hóa mạnh mẽ và đạt kết quả rõ rệt; đến nay Tỉnh đã có 33,7% số xã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư, hơn 1.800 km đường thôn, xóm được bê tông hóa; kiên cố hóa hơn 45 km kênh mương, gần 300 nhà văn hóa thôn được xây dựng, trên 90% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh... Ứng dụng khoa học, công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi được triển khai khá mạnh mẽ, hiện có hơn 4.500 mô hình nuôi lợn bằng công nghệ đệm lót sinh học, gần 1.000 mô hình trồng và nhân giống nấm ăn, trên 300 ha trồng rau sạch ứng dụng công nghệ cao...
Tỉnh đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, có cách làm năng động, sáng tạo, quyết liệt trong thu hút đầu tư, đề ra và thực hiện 10 cam kết đối với các nhà đầu tư, thể hiện sự quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp; trong 5 năm qua Tỉnh đã thu hút được 155 dự án FDI và 380 dự án đầu tư trong nước, thuộc nhóm 5 tỉnh dẫn đầu toàn quốc về thu hút FDI. Trong 6 tháng đầu năm 2016, thu hút đầu tư thêm 43 dự án, trong đó có 16 dự án FDI, đưa tổng số vốn đăng ký đạt trên 2,1 tỷ USD và trên 73 nghìn tỷ đồng.
Hà Nam đã khai thác tốt lợi thế về vị trí địa lý (thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và là cửa ngõ phía nam Thủ đô Hà Nội) để quy hoạch định hướng phát triển một số lĩnh vực có tính chất cấp vùng như: khu Trung tâm y tế chất lượng cao, khu Đại học Nam Cao..., đáp ứng nhu cầu chuyển dịch, giảm quá tải cho các cơ sở y tế, giáo dục tại Thủ đô Hà Nội; đến nay tại các khu quy hoạch này đã có cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai và 05 trường Đại học đang đầu tư xây dựng; nhiều cơ sở khác đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư.
Các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, chính sách người có công được quan tâm. Trong 6 tháng năm 2016, giải quyết việc làm mới cho trên 8,6 nghìn lao động; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 0,5% so với cuối năm 2015, còn 5,31%.
2. Tuy nhiên, Hà Nam vẫn còn một số tồn tại cần sớm khắc phục. Việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, chế biến chưa nhiều, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh còn thấp. Công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, tiến độ thi công một số dự án, công trình chậm, tỷ lệ giải ngân vốn thấp. Môi trường các làng nghề, cụm công nghiệp còn ô nhiễm; tai nạn giao thông tuy giảm cả 3 tiêu chí nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. An ninh chính trị, trật tự an toàn, xã hội vẫn còn diễn biến phức tạp.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hà Nam cần phát huy những kết quả đạt được, nỗ lực hơn nữa để khai thác thế mạnh về dân trí, nguồn nhân lực và lợi thế vị trí địa kinh tế, có giải pháp sát hơn, phấn đấu đến năm 2018 có đóng góp vào ngân sách Trung ương. Tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Tập trung quán triệt, thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh. Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2016.
2. Làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch ở cả đô thị và nông thôn, gắn với ứng phó biến đổi khí hậu; tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, du lịch. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân đối với các dự án đầu tư; ưu tiên vốn cho các công trình trọng điểm, dự án có khả năng sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.
3. Tập trung chỉ đạo tái cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh việc xúc tiến đầu tư, thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ và sản xuất công nghiệp công nghệ cao, chuỗi giá trị lớn; phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến, đồng thời tiếp tục mở rộng, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.
4. Chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng phát triển mạnh dịch vụ và ngành nghề phi nông nghiệp. Sử dụng tiết kiệm tài nguyên, đất đai; chú trọng bảo vệ môi trường, nguồn nước, nhất là lĩnh vực khai thác đá, cát sỏi, sản xuất xi măng...
5. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện năng lực cạnh tranh và môi trường đầu tư, kinh doanh; quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp. Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; phát triển mạnh số lượng, quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 35 của Chính phủ. Tỉnh cần đề ra mục tiêu số doanh nghiệp thành lập mới đến năm 2020 và các biện pháp cụ thể để thực hiện.
6. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có trình độ cao, đáp ứng chuỗi dịch vụ y tế, giáo dục, công nghiệp công nghệ cao; tạo việc làm cho người lao động; bảo đảm an sinh xã hội; có giải pháp giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân.
7. Làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tội phạm, bảo đảm giữ vững ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tiếp tục phấn đấu giảm và đẩy lùi tai nạn giao thông.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH:
1. Về cơ chế, tạo nguồn lực đầu tư cho các dự án cấp vùng, liên vùng:
a) Cơ chế tạo nguồn lực để các trường Đại học thuộc diện quy hoạch di dời ra khỏi nội thành Thủ đô Hà Nội và các bệnh viện tuyến Trung ương về đầu tư tại khu đại học Nam Cao và khu Trung tâm y tế chất lượng cao Hà Nam: đồng ý chủ trương; giao các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Y tế, Giáo dục và Đào tạo theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, xử lý theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
b) Về quy hoạch đầu tư hạ tầng một số khu đô thị, khu dân cư dọc các tuyến ĐT 495B, đường nối 2 cao tốc, đường Phủ Lý - Mỹ Lộc (tạo nguồn lực từ quỹ đất để thanh toán khối lượng hoàn thành các dự án ĐT 495B, Nhà thi đấu đa năng, khu đại học Nam Cao, khu Trung tâm y tế chất lượng cao..): Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam thực hiện theo quy định hiện hành, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1226/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011), đồng bộ theo Quy hoạch xây dựng, Quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt, bảo đảm tuân thủ hành lang an toàn đường bộ và thỏa thuận đấu nối phù hợp với các tuyến cao tốc, quốc lộ của cơ quan có thẩm quyền trước khi triển khai; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
2. Về bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 cho một số dự án: đồng ý chủ trương đối với tuyến đường Ba Sao (Hà Nam) - Bái Đính (Ninh Bình); Tỉnh rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư các dự án Nạo vét sông Đáy và Đường 495B. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp dự kiến danh mục dự án đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi trình Quốc hội khi có chủ trương đầu tư nguồn trái phiếu Chính phủ.
3. Về bổ sung nguồn hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ cho Dự án tu bổ đê hữu Hồng và một số dự án tuyến kè mỏ, kè lát mái thuộc đê hữu Hồng: đồng ý về chủ trương; Tỉnh đề xuất cụ thể, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Về bổ sung nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ dự án tuyến đường nối 2 cao tốc (Cầu Giẽ - Ninh Bình và Hà Nội - Hải Phòng): giao Bộ Giao thông vận tải xem xét, đề xuất phương án, đưa Dự án vào Danh mục dự án bố trí kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
5. Về sử dụng nguồn vốn ODA để đầu tư các Dự án:
a) Dự án tăng cường môi trường đầu tư (vốn JICA): giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Dự án trang thiết bị bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và Dự án đầu tư xây dựng đập và âu thuyền Vĩnh Trụ - Quan Trung: Tỉnh cân nhắc việc vay ODA để đầu tư trang thiết bị đối với bệnh viện đa khoa; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Tỉnh thực hiện theo quy định về vận động, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA.
6. Về hỗ trợ tăng nguồn vốn ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2016 - 2020 cho 04 dự án:
a) Đối với Dự án Khu du lịch trọng điểm Quốc gia Tam Chúc: đồng ý về nguyên tắc việc chuyển tiếp thực hiện Dự án. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn Tỉnh thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định; xem xét, đề xuất hỗ trợ phần vốn ngân sách Trung ương cho Dự án trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 658/TTg-KTN ngày 11 tháng 5 năm 2015;
Tỉnh phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, có kế hoạch, tiến độ cụ thể, chủ động triển khai thực hiện, bảo đảm đầy đủ các điều kiện phục vụ Đại hội Phật giáo Thế giới 2018 thành công, thiết thực và tiết kiệm.
b) Đối với các Dự án Nhà thi đấu đa năng, hạ tầng khu đại học Nam Cao và khu Y tế chất lượng cao: Tỉnh rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư đối với công trình, hạng mục công trình trọng điểm thực sự cần thiết, cấp bách, căn cứ kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã giao năm 2016; đồng thời chủ động bố trí ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác, trong đó chú trọng nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện.
7. Về hỗ trợ thu hút các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, cảng ICD và các bệnh viện, trường đại học nước ngoài đầu tư tại Tỉnh: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Y tế hỗ trợ xúc tiến đầu tư và giới thiệu các nhà đầu tư trong và ngoài nước về đầu tư tại Tỉnh.
8. Về bổ sung vốn cho Công ty cổ phần hạ tầng khu công nghiệp Đồng Văn III: Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam thực hiện theo đúng quy định tại Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước ở các doanh nghiệp nhà nước và Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015.
9. Về tham gia Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: đồng ý về chủ trương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 5181/VPCP-KTN ngày 27 tháng 6 năm 2016.
10. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xem xét việc điều chỉnh Quy hoạch các khu công nghiệp của tỉnh Hà Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
11. Về hỗ trợ việc lập, trình phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu du lịch trọng điểm Quốc gia Tam Chúc và chấp thuận điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của Tỉnh:
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tỉnh thực hiện theo đúng quy định của Luật Du lịch và các quy định hiện hành có liên quan.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xem xét việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh Hà Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
| BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Thông báo 81/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc với lãnh đạo tại tỉnh Hà Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo 256/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong chuyến khảo sát và làm việc tại tỉnh Hà Nam về ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi và phát triển trồng nấm do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 4346/BNN-KH điều chỉnh danh mục sân golf tại tỉnh Hà Nam vào Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 1Luật du lịch 2005
- 2Quyết định 1226/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Thông báo 81/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc với lãnh đạo tại tỉnh Hà Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Thông báo 256/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong chuyến khảo sát và làm việc tại tỉnh Hà Nam về ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi và phát triển trồng nấm do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5Công văn 4346/BNN-KH điều chỉnh danh mục sân golf tại tỉnh Hà Nam vào Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 6Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014
- 7Công văn 658/TTg-KTN năm 2015 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Tam Chúc, tỉnh Hà Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp
- 9Công văn 5181/VPCP-KTN năm 2016 điều chỉnh quy hoạch và thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Văn phòng Chính phủ ban hành
Thông báo 280/TB-VPCP năm 2016 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc tại tỉnh Hà Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 280/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 07/09/2016
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Mai Tiến Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 07/09/2016
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra