Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 279/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 08 tháng 9 năm 2009 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẠI CUỘC HỌP THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ ĐỒ ÁN QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG THỦ ĐÔ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2030 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 (BÁO CÁO LẦN II)
Ngày 21 tháng 8 năm 2009, tại Trung tâm hội nghị Quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe Báo cáo lần II về đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải; Bí thư Thành ủy Hà Nội; Văn phòng Quốc hội; lãnh đạo các Bộ: Công an, Quốc phòng, Xây dựng, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe Tư vấn báo cáo công tác lập Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và ý kiến của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:
1. Hoan nghênh Ban chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo và sự nỗ lực cố gắng của Liên danh Tư vấn PPJ trong quá trình triển khai lập Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Công tác phối hợp của Tư vấn với các Bộ, ngành và Hà Nội đã được quan tâm và đạt hiệu quả. Báo cáo của Tư vấn về công tác lập Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã bám sát nhiệm vụ Quy hoạch chung, phù hợp với Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp nghe Báo cáo lần I.
Yêu cầu Ban chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo Tư vấn tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, hoàn thiện phương án quy hoạch để báo cáo Chính phủ vào cuối năm 2009 và báo cáo Quốc hội vào tháng 5 năm 2010. Cùng với quá trình triển khai lập Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, khẩn trương lập kế hoạch triển khai các đồ án quy hoạch chi tiết phục vụ kịp thời yêu cầu xây dựng, phát triển của Thủ đô.
2. Mục tiêu công tác quy hoạch Hà Nội là xây dựng Thủ đô của nước Việt Nam có lịch sử nghìn năm văn hiến, Thủ đô văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, Thủ đô của nước công nghiệp phát triển với khoảng 120 triệu dân. Trong quá trình lập quy hoạch, yêu cầu Tư vấn nghiên cứu đề xuất tiêu chí đặc trưng chung phản ánh mục tiêu công tác quy hoạch xây đựng Thủ đô trong tương lai, đồng thời thể hiện được những nét đặc thù riêng có của thành phố Hà Nội.
Quy hoạch Thủ đô gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh được kết nối bằng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, có tỷ lệ không gian dành cho cây xanh phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
3 . Một số nội dung cụ thể
a) Đồng ý tiếp tục nghiên cứu phát triển phương án C, trên cơ sở đánh giá, phân tích kỹ ưu, nhược điểm của phương án A và phương án B. Tư vấn tiếp tục cập nhập dữ liệu, nghiên cứu sâu hơn, đề xuất giải pháp tổ chức không gian một cách khoa học. Trên cơ sở các chỉ tiêu quy hoạch đề xuất, cần nghiên cứu tính toán để đưa ra các phương án sử dựng đất theo từng giai đoạn hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm, khắc phục được những vấn đề tồn tại do quy hoạch mà Thủ đô một số nước đang gặp phải .
b) Để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, đồng ý quy hoạch theo hướng dành khoảng 70% diện tích cho hành lang xanh và khoảng 30% diện tích cho phát triển đô thị. Trong nghiên cứu phương án C, chú ý bảo đảm tính khớp nối của Thủ đô Hà Nội với vùng, với cả nước và khu vực. Chú ý vị trí địa lý của Hà Nội trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là trong không gian phát triển hai hành lang, một vành đai kinh tế. Nghiên cứu Quy hoạch Hà Nội cần chú ý đến vấn đề bảo tồn, tôn tạo các khu trung tâm đô thị cổ, khu đô thị cũ và di sản Hoàng thành Thăng Long.
c) Trong thời gian tới, Tư vấn cần nghiên cứu, xác minh cụ thể phương án xây dựng kết cấu hạ tầng như: giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, công trình ngầm…, bảo đảm yêu cầu đồng bộ, hiện đại, giao thông thông suốt. Cảng hàng không quốc tế Nội Bài được quy hoạch phục vụ cho 50 triệu lượt hành khách/năm đến năm 2030. Tuy nhiên, cần nghiên cứu phương án xây dựng thêm một sân bay dự phòng, vị trí không nhất thiết phải ở thủ đô.
d) Về phân lũ, tiêu thoát lũ: tính toán theo tần suất 500 năm/lần và khu vực Thủ đô không còn vùng phân lũ, chậm lũ. Các con sông qua Hà Nội cần được tôn tạo, giữ gìn bảo đảm làm đẹp không gian, sạch môi trường, đóng vai trò điều hòa không khí trong đô thị. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội rà soát và có biện pháp giữ gìn hệ thống sông, hồ; không lấp hồ để phát triển đô thị, không đầu tư xây dựng công trình dọc bờ sông.
đ) Về Trung tâm hành chính quốc gia: Tư vấn cần nghiên cứu định hướng vị trí dự phòng cho Trung tâm hành chính mới, có tính chiến lược và tầm nhìn dài hạn, bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô vào năm 2050.
Nghiên cứu lựa chọn địa điểm xây dựng Tượng đài Độc lập ở vị trí thích hợp, gắn với lịch sử Hà Nội, với truyền thống dân tộc Việt Nam.
4. Về phân công nhiệm vụ:
- Bộ Xây dựng chỉ đạo Tư vấn khẩn trương tiếp thu các ý kiến của các Bộ, ngành bổ sung kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch, xây dựng các phương án tài chính, đề xuất danh mục các dự án ưu tiên đầu tư bảo đảm khi Quy hoạch được phê duyệt có thể triển khai được ngay.
- Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thành việc tuyển chọn Tư vấn quốc tế thực hiện công tác phản biện, phục vụ thẩm định Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức triển khai công tác lập mô hình quy hoạch Hà Nội đồng bộ với quá trình lập Quy hoạch chung để trưng bày tại Cung Quy hoạch xây dựng quốc gia.
- Bộ Xây dựng sớm thành lập Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước để thẩm định đồ án Quy hoạch, phục vụ báo cáo và phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng thẩm định Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.
- Yêu cầu các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch hạ tầng đô thị để khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được phê duyệt thì quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch phát triển hạ tầng được thông qua, bảo đảm yêu cầu về đầu tư phát triển.
- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng quy chế quản lý quy hoạch, bảo đảm công tác đầu tư phát triển được thực hiện theo quy hoạch được duyệt; cần chú ý quan tâm bảo tồn khu phố cổ, phố cũ; tập trung đầu tư xây dựng các dự án khu vực vành đai 4, hạn chế đầu tư xây dựng công trình trong khu vực trung tâm.
- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép các đồ án, dự án đầu tư xây dựng phù hợp với định hướng quy hoạch chung được tiếp tục triển khai thực hiện.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Thông báo 279/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp thường trực Chính phủ về đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (báo cáo lần II) do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 279/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 08/09/2009
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Văn Trọng Lý
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 08/09/2009
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra