Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 269/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 22 tháng 6 năm 2024 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ QUY HOẠCH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
Ngày 19 tháng 6 năm 2024, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh). Tham dự cuộc họp có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang, Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công Thương, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Xây dựng, Y tế.
Sau khi lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo nội dung Quy hoạch Thành phố, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo nội dung thẩm định hồ sơ Quy hoạch Thành phố, ý kiến của lãnh đạo các Bộ, phát biểu của các Phó Thủ tướng Chính phủ và Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Thường trực Chính phủ kết luận như sau:
I. Đánh giá chung
Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển của Vùng Đông Nam Bộ và khu vực; là cơ sở để điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, lập các quy hoạch cấp dưới; xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch và phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã trên địa bàn Thành phố; xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư và triển khai các dự án của Thành phố theo thứ tự ưu tiên trên địa bàn.
Thường trực Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan và địa phương trong quá trình lập, thẩm định Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh; hồ sơ Quy hoạch tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật về quy hoạch và pháp luật về môi trường, được chuẩn bị công phu, chất lượng, đạt được thành công bước đầu.
II. Nhiệm vụ triển khai
Để sớm hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương rà soát, nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Thường trực Chính phủ và các đại biểu tại cuộc họp, trong đó lưu ý một số nội dung sau:
1. Nội dung Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh cần định hướng kiến tạo phát triển, có tính mở; tư tưởng hiện đại, có tầm nhìn chiến lược, đổi mới sáng tạo; đột phá về cơ chế, chính sách, hạ tầng, nguồn nhân lực; không cầu toàn, nóng vội; quy hoạch theo lộ trình. Tận dụng tối đa các cơ hội, hóa giải những thách thức (thể chế, sập lún, ngập lụt, ùn tắc giao thông); xác định rõ điểm nghẽn, nguyên nhân dẫn đến hạn chế sự phát triển trong thời gian qua để có giải pháp phù hợp, triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ xác định tại Quy hoạch Thành phố.
2. Quan điểm, mục tiêu và định hướng bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng, Chiến lược kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07 tháng 10 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam Bộ, Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.
3. Tiếp tục rà soát, xác định rõ chức năng, vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh đối với Vùng và quốc gia trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại để tìm ra tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Thành phố.
4. Quy hoạch đảm bảo tính chiến lược, lâu dài, toàn diện; định hướng phân bổ nguồn lực phân kỳ đầu tư, ưu tiên trọng tâm trọng điểm, xác định dự án có tính đột phá và tạo động lực cho sự phát triển của Thành phố. Khai thác tối đa không gian ngầm; không gian nước; ưu tiên vị trí không gian có tiềm năng, hiệu quả để quy hoạch phát triển dịch vụ, du lịch, sản xuất kinh doanh; thúc đẩy công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí; tận dụng xu hướng phát triển xanh, thông minh, hiện đại để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, nguồn lực chất lượng cao. Đẩy nhanh việc triển khai Đề án hình thành Trung tâm tài chính quốc tế, Đề án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và Trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghiệp.
5. Về phát triển đô thị, bảo đảm đô thị hóa gắn với thúc đẩy phát triển nông thôn; nghiên cứu mô hình, cấu trúc phát triển “làng trong phố, phố trong làng” phù hợp với giai đoạn phát triển xanh và các huyện ngoại thành.
6. Về phương án phát triển các ngành, lĩnh vực: tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ; nghiên cứu kỹ việc quy hoạch sông Sài Gòn để phát triển du lịch xanh kết hợp đảm bảo an ninh nguồn nước; chú trọng thu hút các dự án đầu tư bảo đảm đầy đủ cả ba yếu tố: công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao,
7. Về phương án phát triển kết cấu hạ tầng: chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông bảo đảm kết nối thông suốt nội thành, liên tỉnh, liên Vùng và quốc tế; chú trọng gắn kết giữa phát triển hạ tầng giao thông với hạ tầng thủy lợi, hạ tầng phòng, chống lũ lụt, thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; sử dụng hiệu quả không gian ngầm; phát triển các tuyến đường sắt đô thị hiện đại kết nối các trung tâm tổng hợp, các đô thị vệ tinh; chú trọng phát triển các tuyến đường giao thông kết nối với sân bay Long Thành, Biên Hòa, Bình Dương; phát triển hạ tầng số. Giải quyết các vấn đề về ùn tắc giao thông, ngập úng, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí.
8. Đẩy mạnh, tăng cường nguồn lực từ hợp tác công tư, xã hội hóa; tập trung khai thác các nguồn lực đất đai, tài nguyên, con người, lấy con người làm chủ thể trung tâm để phát triển.
9. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước chủ động phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh trong việc hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, cho ý kiến đối với Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định pháp luật về quy hoạch; tích cực phối hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề tồn đọng cho các dự án trên địa bàn Thành phố để đảm bảo tính khả thi trong việc thực hiện Quy hoạch.
10. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương rà soát, hoàn thiện Quy hoạch Thành phố theo quy định pháp luật, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát theo quy định pháp luật; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, phấn đấu trình trong tháng 6 năm 2024, muộn nhất trong nửa đầu tháng 7 năm 2024.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Thông báo 148/TB-VPCP năm 2024 kết luận của Thường trực Chính phủ về Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo 154/TB-VPCP năm 2024 kết luận của Thường trực Chính phủ về Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Thông báo 159/TB-VPCP năm 2024 kết luận của Thường trực Chính phủ về Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Thông báo 269/TB-VPCP năm 2024 kết luận của Thường trực Chính phủ về Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 269/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 22/06/2024
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Sỹ Hiệp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 22/06/2024
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra