Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BAN CHỈ ĐẠO TUẦN LỄ QUỐC GIA AT-VSLĐ-PCCN TRUNG ƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2652/TB-BCĐTLQG | Hà Nội, ngày 19 tháng 07 năm 2013 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA BAN CHỈ ĐẠO TUẦN LỄ QUỐC GIA AN TOÀN - VỆ SINH LAO ĐỘNG - PHÒNG CHỐNG CHÁY NỔ TRUNG ƯƠNG TẠI CUỘC HỌP TỔNG KẾT TUẦN LỄ QUỐC GIA AN TOÀN - VỆ SINH LAO ĐỘNG - PHÒNG CHỐNG CHÁY NỔ LẦN THỨ 15 (NĂM 2013)
Ngày 02/7/2013, Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia An toàn - Vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ Trung ương (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đã tổ chức họp tổng kết, rút kinh nghiệm về tổ chức Tuần lễ quốc gia An toàn - Vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ (sau đây gọi tắt là Tuần lễ quốc gia) lần thứ 15 (năm 2013) và bàn phương hướng đổi mới tổ chức Tuần lễ quốc gia trong những năm tiếp theo.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia Trung ương về đổi mới tổ chức Tuần lễ quốc gia từ năm 2014 theo hướng gọn nhẹ, đảm bảo thiết thực, hiệu quả; sau khi nghe ý kiến của đại diện các cơ quan là thành viên Ban chỉ đạo; ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp, Thường trực Ban chỉ đạo thông báo kết luận một số nội dung chính như sau:
I. Về công tác tổ chức Tuần lễ quốc gia lần thứ 15 (năm 2013)
1. Các kết quả đạt được:
- Tuần lễ quốc gia lần thứ 15 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực và đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trên cả nước; sự quan tâm, chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội tại Lễ phát động quốc gia vào sáng ngày 17/3/2013 tại Bắc Giang.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với vai trò là cơ quan thường trực đã chủ động tham mưu kịp thời cho Ban Chỉ đạo trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn các Bộ, ban, ngành, địa phương.
- Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang - địa phương tổ chức Lễ phát động Tuần lễ đã phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với Ban Chỉ đạo; chủ động cao trong công tác xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện, phương án xử lý kịp thời, hợp lý khi điều kiện thời tiết không thuận lợi.
- Các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia lần thứ 15 được tổ chức phong phú, đa dạng, có sự đổi mới, thiết thực hơn.
- Một số kết quả cụ thể: các cơ quan báo, đài phát thanh và truyền hình ở Trung ương và địa phương đã đăng, phát hơn 2.000 tin, bài, tọa đàm phỏng vấn, phóng sự; gần 14.500 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được thanh tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động; hơn 380.000 người lao động được khám sức khỏe định kỳ; 1.564 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất được tiến hành đo và giám sát môi trường lao động; 98.312 cơ sở, hộ kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao đã ký và thực hiện cam kết đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.
- Về dự thảo Báo cáo kết quả tổ chức Tuần lễ quốc gia lần thứ 15: Về cơ bản, các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo thống nhất với nội dung bản dự thảo.
2. Một số hạn chế, tồn tại:
- Công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ (AT-VSLĐ-PCCN) đã được tăng cường trong thời gian diễn ra Tuần lễ quốc gia nhưng chưa được duy trì thường xuyên. Tình trạng cháy nổ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vẫn còn xảy ra nhiều.
- Mặc dù Lễ phát động và các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia đã diễn ra thành công song trong quá trình tổ chức vẫn còn một số sơ suất, sai sót xảy ra.
- Tại một số bộ, ngành, địa phương, việc xây dựng kế hoạch Tuần lễ còn mang tính chung chung, chưa có chương trình hành động cụ thể.
- Công tác tổng kết, báo cáo còn chậm, một số địa phương chỉ gửi bảng tổng hợp số liệu, không có báo cáo, tổng kết đánh giá công tác thực hiện.
II. Định hướng đổi mới Tuần lễ quốc gia AT-VSLĐ-PCCN năm 2014 và những năm tiếp theo
Việc tổ chức Tuần lễ quốc gia về AT-VSLĐ-PCCN trong 15 năm qua đã thu được những kết quả đáng khích lệ, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, doanh nghiệp và đông đảo người lao động; kiềm chế được số vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ xảy ra; công tác AT-VSLĐ-PCCN đã nhận được sự được quan tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội.
Trong những năm qua, Ban chỉ đạo Trung ương đã rút kinh nghiệm, đổi mới qua từng giai đoạn để nâng cao hiệu quả của Tuần lễ; giảm bớt các hoạt động phô trương, tốn kém như diễu hành, xe hoa, triển lãm dài ngày; tập trung hướng vào cơ sở, doanh nghiệp...
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức Tuần lễ cũng còn tồn tại một số bất cập, hạn chế. Nhiều hoạt động còn mang tính hình thức, lãng phí, ít có sự đổi mới nên hiệu quả chưa cao; công tác thông tin, tuyên truyền đã được tăng cường nhưng chưa được duy trì liên tục trong năm; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ nghiêm trọng còn xảy ra nhiều.
Ban Chỉ đạo thống nhất tiến hành đổi mới việc tổ chức Tuần lễ quốc gia AT-VSLĐ-PCCN năm 2014 và những năm tiếp theo phải đảm bảo yêu cầu, mục tiêu tiết kiệm, hiệu quả, tập trung, hướng về cơ sở, doanh nghiệp, tránh hình thức, lãng phí; tạo sự chuyển biến thật sự của mọi cấp, mọi ngành, người sử dụng lao động, người lao động cùng chung tay hành động bảo đảm AT-VSLĐ-PCCN trong lao động sản xuất. Cụ thể như sau:
1. Đổi mới tổ chức Lễ phát động Tuần lễ quốc gia AT-VSLĐ-PCCN của Ban chỉ đạo trung ương
- Ban Chỉ đạo Trung ương chọn một địa phương trọng điểm để phát động Tuần lễ (năm 2014, tỉnh Thừa Thiên - Huế là địa phương trọng điểm được lựa chọn). Địa phương chủ động tổ chức thực hiện, Ban chỉ đạo Trung ương tham gia hướng dẫn, hỗ trợ địa phương trong quá trình tổ chức Tuần lễ. Ngoài ra, Ban chỉ đạo Trung ương sẽ phân công các thành viên Ban Chỉ đạo tham dự hưởng ứng tại một số bộ ngành, địa phương khác.
- Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Trưởng ban chỉ đạo Trung ương sẽ tham dự và phát động Tuần lễ tại địa phương được chọn. Ngoài ra, tùy theo điều kiện thực tế, sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông (VTV1 hoặc VTC1, VOV) thực hiện đặt bài phỏng vấn, phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ để phát sóng trên truyền hình.
- Thành phần mời tham dự Lễ phát động: Khối các bộ, ngành, các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo (chỉ khoảng 50 đại biểu); còn lại chủ yếu là đại diện các ban, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn địa phương; khối doanh nghiệp, người lao động, khối các trường nghề, sinh viên, học sinh trên địa bàn địa phương tham gia, đảm bảo tính thiết thực, tiết kiệm (quy mô trên 1500 người)
- Chủ đề tổ chức Tuần lễ cần đổi mới theo hướng ngắn gọn, dễ nhớ, tập trung vào những vấn đề nổi cộm, cấp bách của công tác AT-VSLĐ-PCCN từng năm. Năm 2014, tiếp tục tập trung vào chủ đề tăng cường văn hóa phòng ngừa về tai nạn lao động, cháy nổ.
- Không truyền hình trực tiếp Lễ phát động trên sóng VTV1; chỉ thực hiện ghi hình lại, làm phóng sự đưa tin trên đài truyền hình Trung ương (VTV1, VTC1) và một số đài địa phương với thời lượng, tần suất dày hơn nhằm giảm chi phí mà vẫn đạt hiệu quả tuyên truyền.
- Trung ương không tổ chức khen thưởng tại Lễ phát động Tuần lễ; vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết quy mô toàn quốc về công tác ATVSLĐ và Tuần lễ quốc gia AT-VSLĐ-PCCN, kết hợp tổ chức khen thưởng về công tác ATVSLĐ. Hội nghị do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức, quy mô từ 120 - 150 đại biểu từ các bộ, ngành, địa phương. Cục An toàn lao động phối hợp với bộ phận thi đua khen thưởng của Bộ và các ngành liên quan xây dựng tiêu chí khen thưởng trình Bộ trưởng duyệt.
- Không tổ chức thao diễn/thực hành phòng cháy chữa cháy tại Lễ phát động Tuần lễ. Các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thao diễn/thực hành phòng cháy chữa cháy tại đơn vị trong thời gian diễn ra Tuần lễ nhưng phải đổi mới về cách thức, quy mô tổ chức cho thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức.
- Một số hoạt động khác: tùy theo điều kiện của địa phương sẽ tổ chức các hoạt động như tổ chức các đoàn thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; thăm kết hợp kiểm tra tại doanh nghiệp; tổ chức ký cam kết thi đua trong các doanh nghiệp...
2. Tại các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh và duy trì thường xuyên các hoạt động sau:
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài phát thanh và truyền hình, trên internet); tăng cường tuyên truyền tới các đài quận, huyện, xã, phường;
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, liên ngành về ATVSLĐ; tổ chức các đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo về công tác triển khai tổ chức Tuần lễ tại nhiều điểm, khu vực trọng điểm;
- Tăng cường tổ chức các hoạt động thiết thực, hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, cơ sở và người lao động như tổ chức tư vấn, hướng dẫn về AT-VSLĐ-PCCN; tổ chức giao lưu các mô hình, điển hình thực hiện tốt công tác AT-VSLĐ, tổ chức các cuộc tọa đàm, đối thoại về AT-VSLĐ-PCCN...
- Thực hiện giảm bớt các hoạt động mít tinh, diễu hành, triển lãm; các hội nghị, hội thảo cần đổi mới về cách thức, nội dung đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
- Xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể về ATLĐ-VSLĐ-PCCN (từng tháng, quí, năm); tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, nhắc nhở, đôn đốc thực hiện; Có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, tuyên dương các mô hình, điển hình làm tốt trong công tác ATVSLĐ;
- Các doanh nghiệp chú trọng đẩy mạnh các hoạt động huấn luyện, thực hành, cải thiện điều kiện làm việc tại doanh nghiệp; tổ chức ký cam kết thi đua thực hiện tốt công tác ATVSLĐ tới các phân xưởng, tổ đội; tăng cường công tác kiểm tra và tự kiểm tra trong doanh nghiệp; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ Trung ương thông báo để các thành viên Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ - PCCN Trung ương và các cơ quan biết để chủ động triển khai xây dựng kế hoạch./.
| KT. TRƯỞNG BAN |
- 1Quyết định 06/2003/QĐ-BCN thành lập Ban chỉ đạo Năm an toàn Công nghiệp 2003 và Tuần lễ Quốc gia về an toàn - vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành
- 2Báo cáo 84/BCĐTLQG-BC về kết quả tổ chức tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ lần thứ 12 do Ban Chỉ đạo Tuần lễ quốc gia An toàn, vệ sinh lao động và Phòng chống cháy nổ Trung ương ban hành
- 1Quyết định 06/2003/QĐ-BCN thành lập Ban chỉ đạo Năm an toàn Công nghiệp 2003 và Tuần lễ Quốc gia về an toàn - vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành
- 2Báo cáo 84/BCĐTLQG-BC về kết quả tổ chức tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ lần thứ 12 do Ban Chỉ đạo Tuần lễ quốc gia An toàn, vệ sinh lao động và Phòng chống cháy nổ Trung ương ban hành
Thông báo 2652/TB-BCĐTLQG kết luận của Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia An toàn - Vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ Trung ương tại cuộc họp tổng kết Tuần lễ quốc gia An toàn - Vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ lần thứ 15 (năm 2013)
- Số hiệu: 2652/TB-BCĐTLQG
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 19/07/2013
- Nơi ban hành: Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia An toàn - Vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ Trung ương
- Người ký: Bùi Hồng Lĩnh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 19/07/2013
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra