Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 263/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 27 tháng 09 năm 2010 |
Trong hai ngày 17 và 18 tháng 8 năm 2010, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã chủ trì Hội nghị “Sơ kết chương trình phát triển cây cao su tại các địa phương vùng Tây Bắc”. Dự hội nghị có lãnh đạo và đại diện Ban Chỉ đạo Tây Bắc; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ; Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, các công ty cao su trên địa bàn; Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam; đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số huyện trọng điểm trồng cao su tại các tỉnh vùng Tây Bắc.
Sau khi khảo sát thực tế một số vườn cao su mới trồng tại huyện Điện Biên; nghe các báo cáo tổng hợp và ý kiến của đại biểu dự hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã kết luận như sau:
1. Trong những năm qua, một số địa phương vùng Tây Bắc đã triển khai chương trình phát triển cây cao su với tốc độ khá nhanh, cây trồng phát triển tốt và đạt được kết quả bước đầu, góp phần sử dụng có hiệu quả đất đai, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào, chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, thay đổi tập quán canh tác, gắn tổ chức lại sản xuất với xây dựng nông thôn mới tại các tỉnh vùng Tây Bắc, nhất là các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.
2. Đạt được kết quả bước đầu như trên là do các địa phương đã có sự thống nhất cao giữa cấp ủy và chính quyền; làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên, các đoàn thể quần chúng và đông đảo nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện.
Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam đã đi đầu trong phát triển cây cao su tại Tây Bắc, theo hướng đại điền, doanh nghiệp làm chủ đạo trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình tổ chức sản xuất mới gắn doanh nghiệp với nông dân. Nông dân tham gia góp cổ phần vào doanh nghiệp, trở thành công nhân và cổ đông đã thu hút đông đảo đồng bào dân tộc tham gia;
Nhiều địa phương đã ban hành cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích nhân dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cao su, hình thành quỹ đất tập trung, hỗ trợ đời sống người góp đất trong thời gian chưa có thu nhập, hỗ trợ đào tạo nghề trồng cao su…, tạo thêm động lực để khắc phục khó khăn trong bước đi ban đầu.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh tiếp tục theo dõi và chỉ đạo chặt chẽ việc chăm sóc diện tích cao su đã trồng, đảm bảo đưa vào khai thác (cạo mủ) đúng thời gian; đồng thời phải rà soát, điều chỉnh và xây dựng quy hoạch phát triển diện tích trồng mới cao su của địa phương phù hợp với quy hoạch tại Quyết định 750/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với các tỉnh chưa quy hoạch cần rà soát lại quỹ đất trên địa bàn, phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và cơ quan chuyên môn xây dựng tốt các đề án phát triển đối với vùng có khả năng trồng cao su, đảm bảo phát triển bền vững.
Trên cơ sở diện tích đất đai đã được rà soát, xác định diện tích đã quy hoạch trồng cao su ở các tỉnh vùng Tây Bắc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung Quyết định 750/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn khẩn trương hoàn thành việc đo đạc, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân, công ty cổ phần cao su để có cơ sở xem xét giá trị vốn góp, quản lý, sử dụng đất có hiệu quả.
3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh trong vùng xác định giá trị quyền sử dụng đất của nông dân góp vốn vào doanh nghiệp (công ty cổ phần cao su) đã thành lập trên địa bàn.
4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh có kế hoạch bố trí kinh phí phù hợp của chương trình giống theo Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020, phục vụ việc nghiên cứu, cải tạo, nhập khẩu giống để có bộ giống cao su phù hợp phát triển ở các tỉnh Tây Bắc.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sớm hoàn thành đề án thành lập Trung tâm giống cao su để nhân giống đủ cung cấp cho nhu cầu trồng mới trong vùng.
5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh sớm tổng kết đánh giá mô hình sản xuất hiện có để hoàn chỉnh và nhân ra diện rộng.
6. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh sớm có quy hoạch và chuẩn bị mọi điều kiện để phục vụ cho thu hoạch và chế biến mủ cao su.
7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hướng dẫn thực hiện Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
8. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh rà soát, điều chỉnh các chính sách ưu đãi hiện hành cho đầu tư phát triển tại địa bàn và vận dụng ở mức cao nhất trong khung ưu đãi để áp dụng cho vùng trồng cao su, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
9. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai thực hiện tốt Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
10. Ủy ban nhân dân các tỉnh lồng ghép nguồn vốn đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án trên địa bàn, kết hợp với nguồn vốn của các doanh nghiệp cao su để phát triển kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ, trước hết là hệ thống đường giao thông, hệ thống điện, nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, các công trình phúc lợi xã hội (nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế, nhà văn hóa thôn bản…) cho người dân tham gia phát triển cao su và địa bàn triển khai dự án.
11. Cấp ủy, chính quyền các địa phương cần chủ động, năng động, sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi nhất để các doanh nghiệp cao su phát triển, đạt hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng quan hệ liên kết, hợp tác bền vững giữa doanh nghiệp và hộ nông dân; vừa phát huy động lực của cơ chế kinh tế thị trường, vừa chú ý đúng mức đến phong tục, tập quán canh tác của đồng bào vùng cao để có giải pháp phù hợp.
Định kỳ hàng năm, tiến hành sơ kết để rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình thành công và xử lý các vấn đề nảy sinh, bảo đảm việc triển khai chương trình phát triển cây cao su tại các địa phương đạt hiệu quả.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng Tây Bắc biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Quyết định 750/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 2194/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn
- 4Nghị định 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
- 5Công văn 2868/VPCP-NN năm 2021 về xây dựng Đề án phát triển bền vững cây mắc ca do Văn phòng Chính phủ ban hành
Thông báo 263/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng tại Hội nghị sơ kết chương trình phát triển cây cao su tại các địa phương vùng Tây Bắc do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 263/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 27/09/2010
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra