VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2012 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2011 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH NĂM 2012 NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI
Ngày 07 tháng 01 năm 2012 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự và phát biểu ý kiến tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2011 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2012 của Bộ Giao thông vận tải.
Sau khi nghe đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải báo cáo tổng kết công tác năm 2011 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến như sau:
I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2011
1. Tình hình chung:
Năm 2011, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011-2020 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 - 2015, tình hình kinh tế xã hội nước ta, bên cạnh thuận lợi, chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, khủng hoảng nợ công ở một số nước Châu Âu... lạm phát, lãi suất ở trong nước cao, đe dọa ổn định kinh tế vĩ mô, cùng với thiên tai, dịch bệnh và những âm mưu thủ đoạn gây mất ổn định chính trị xã hội và đe dọa chủ quyền quốc gia,... tác động không nhỏ đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Nhìn lại tổng thể thành tựu đạt được của năm 2011 rất đáng trân trọng. Chúng ta đã thực hiện có kết quả việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cơ bản ổn định tỷ giá; xuất khẩu tăng cao trên 33%, nhập siêu giảm mạnh xuống dưới 10% so với kim ngạch xuất khẩu; bội chi ngân sách còn 4,9% so với 5,3% theo kế hoạch, dự trữ ngoại tệ tăng lên; các cân đối khác của kinh tế vĩ mô như năng lượng, lương thực được đảm bảo.
Cùng với ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ tiếp tục được duy trì. Đặc biệt là sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, giá trị sản xuất tăng 5,2%, sản lượng lúa đạt trên 42 triệu tấn, tăng trên 2 triệu tấn, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu trên 7 triệu tấn gạo. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông lâm ngư nghiệp đạt 25 tỷ USD, xuất siêu 9 tỷ USD. Hoạt động dịch vụ tăng khá, riêng khách du lịch quốc tế tăng trên 19%, vượt ngưỡng 6 triệu người. Nhờ đó, trong điều kiện hết sức khó khăn nền kinh tế vẫn đạt mức tăng trưởng 5,9%.
An sinh xã hội được bảo đảm với các chỉ tiêu và nhiệm vụ đề ra từ đầu năm: giảm 2% số hộ nghèo của cả nước (trong đó ở 62 huyện nghèo giảm 4%), tạo ra được 1,6 triệu việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị khoảng 3,6%; chính sách y tế giáo dục được đảm bảo tốt hơn so với các năm trước.
Công tác cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn. Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí tuy chưa ngăn chặn, đẩy lùi được nhưng đã đạt những kết quả cụ thể. Hệ thống chính trị được kiện toàn. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền quốc gia trên vùng biển đảo được bảo đảm; hoạt động đối ngoại đạt nhiều kết quả nâng cao vị thế và tạo thêm môi trường, điều kiện thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ đất nước.
2. Về thực hiện nhiệm vụ năm 2011 của ngành giao thông vận tải:
Đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực và những kết quả đạt được của ngành giao thông vận tải trong thời gian vừa qua. Ngành giao thông vận tải đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, tích cực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, thực hiện tốt hơn chức năng quản lý nhà nước về giao thông vận tải, góp phần đáng kể vào thành tựu chung của đất nước trong năm 2011. Nhất trí với báo cáo đánh giá năm 2011 của Bộ Giao thông vận tải, có thể nêu một số kết quả sau:
- Hệ thống các quy định pháp luật và quy hoạch, tiêu chuẩn ngành về giao thông tiếp tục được hoàn thiện với chất lượng ngày càng được nâng cao. Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật theo chương trình công tác năm 2011; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải.
- Hạ tầng giao thông tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển. Năm qua, ngành giao thông vận tải là ngành chịu ảnh hưởng mạnh và trực tiếp từ những chính sách thắt chặt tài chính, kiềm chế lạm phát của Chính phủ nhưng Bộ đã tích cực rà soát điều chỉnh kế hoạch đầu tư cho phù hợp, ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm cấp bách, vốn đối ứng các dự án ODA; tăng cường việc chỉ đạo thực hiện, tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Nhiều công trình quan trọng đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng kịp thời phục vụ phát triển kinh tế và đời sống nhân dân.
Bộ Giao thông vận tải đã tích cực tham gia xây dựng Đề án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2020, một trong ba mũi đột phát chiến lược được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
- Vận tải hành khách và hàng hóa cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận tải trong và ngoài nước và tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá hơn năm 2010, nhất là vận tải đường hàng không và đường bộ.
- Ghi nhận những nỗ lực của Bộ Giao thông vận tải trong việc góp phần kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông trong năm 2011. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được tăng cường cả về thể chế và giải pháp đồng bộ. Bộ đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, dự thảo Chiến lược bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đây là những tiền đề quan trọng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2012 - năm An toàn giao thông.
So với cùng kỳ năm 2010, số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương đều giảm là những kết quả đáng khích lệ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2011.
Bên cạnh những thành tích đạt được vừa nêu, ngành giao thông vận tải vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: công tác xây dựng thể chế còn bất cập, một số đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chất lượng chưa cao; công tác bảo đảm an toàn giao thông mặc dù có tiến bộ, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn còn nhiều, tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài tại các thành phố lớn, trên một số tuyến quốc lộ huyết mạch vẫn đang là vấn đề bức xúc; việc triển khai một số dự án hạ tầng lớn về giao thông chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiến độ đề ra; dịch vụ vận tải, tái cơ cấu, sắp xếp các doanh nghiệp trong ngành chưa đáp ứng yêu cầu... Đây là những vấn đề cần được nghiêm túc nhìn nhận và có giải pháp kiên quyết khắc phục trong thời gian tới.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2012
Trong năm 2012, năm thực hiện những nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 - 2015 và năm đầu thực hiện Nghị quyết Trung ương về Xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước vào năm 2020, vì vậy đề nghị toàn thể cán bộ, công nhân viên ngành giao thông vận tải nỗ lực hơn nữa, thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra, trong đó lưu ý những công tác sau:
1. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong ngành giao thông vận tải:
Tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó chú ý các chính sách đối với huy động các nguồn lực xã hội, chính sách với công tác giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu, nâng cao năng lực tư vấn... để đẩy nhanh tiến độ dự án; rà soát sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy định liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, tổ chức tư vấn, nhà thầu nhằm bảo đảm chất lượng công trình; rà soát các quy định về quản lý đơn giá, tổng mức đầu tư nhằm bảo đảm hiệu quả dự án...
2. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch bảo đảm nâng cao chất lượng quy hoạch ngành giao thông vận tải trong 10 năm tới, theo định hướng của Nghị quyết Trung ương về Xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, trong đó xác định các dự án, công trình trọng điểm ngành giao thông cần đầu tư trong 5 năm và 10 năm tới; đồng thời nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện nhanh, hiệu quả các công trình trọng điểm.
3. Về công tác đầu tư xây dựng cơ bản: tập trung chỉ đạo rà soát từng dự án đầu tư, có giải pháp hiệu quả, nhất là xác định rõ nguồn vốn đối với từng dự án để có kế hoạch triển khai, cụ thể:
- Về đường bộ: khẩn trương nâng cấp quốc lộ 1, theo hướng mở rộng 4 làn xe ô tô, 2 làn xe máy (cho từng đoạn quan trọng cần thiết); đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc Nam và các quốc lộ quan trọng theo quy hoạch; nối thông đường Hồ Chí Minh, đẩy nhanh tiến độ dự án đường Nhật Tân – Nội Bài...;
- Về đường sắt: tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có để nâng cao tốc độ chạy tàu; nghiên cứu đầu tư xây dựng mới các tuyến đường sắt, ưu tiên đầu tư trước những đoạn đường sắt có hiệu quả kinh tế;
- Về Hàng không: đẩy nhanh tiến độ xây nhà ga T2 Nội Bài; chuẩn bị đầu tư xây dựng sân bay Long Thành; đầu tư trang thiết bị bay đêm cho những sân bay theo yêu cầu phát triển;
- Về Cảng biển: khẩn trương thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cảng Lạch huyện và cảng Cái Mép – Thị Vải; xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài xây dựng cảng trung chuyển Quốc tế Vân Phong.
4. Tổ chức lại vận tải hành khách và hàng hóa bảo đảm nâng cao chất lượng phục vụ, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt chú ý công tác vận tải hành khách trong dịp Tết Nguyên Đán, kiên quyết không để thiếu xe, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trên các tuyến giao thông.
5. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã được nêu trong các Nghị quyết của Chính phủ, phấn đấu giảm từ 5 đến 10% tai nạn giao thông như mục tiêu của Quốc hội đề ra. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để mỗi người dân chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự an toàn giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp uống rượu bia khi tham giam giao thông; chấn chỉnh công tác đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe, đội mũ bảo hiểm...
6. Thực hiện các giải pháp phát triển doanh nghiệp trong ngành giao thông vận tải. Nghiên cứu, xây dựng doanh nghiệp mạnh trong cả lĩnh vực tư vấn và xây dựng công trình, có năng lực cạnh tranh, có khả năng tham gia đấu thầu quốc tế; thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp, cơ cấu lại doanh nghiệp, xử lý các doanh nghiệp lỗ, làm ăn không hiệu quả.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, địa phương liên quan và cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Nghị quyết 88/NQ-CP năm 2011 về tăng cường thực hiện giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông do Chính phủ ban hành
- 2Thông báo 44/TB-VPCP ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2013 của ngành công thương do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 3328/BTTTT-VP chuẩn bị nội dung kiến nghị tại Hội nghị tổng kết năm 2012 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
Thông báo 26/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2011 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2012 ngành giao thông vận tải do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 26/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 20/01/2012
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Văn Trọng Lý
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 20/01/2012
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định