Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/TB-BGDĐT

Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2011

 

THÔNG BÁO

KẾT QUẢ HỘI NGHỊ GIAO BAN LẦN THỨ NHẤT NĂM HỌC 2010-2011 KHỐI CÁC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Hội nghị giao ban lần thứ nhất năm học 2010-2011 đã được tổ chức tại 7 vùng từ ngày 2/12 đến ngày 24/12/2010, theo nội dung công văn số 7306/BGDĐT - VP ngày 1/11/2010 hướng dẫn về công tác chuẩn bị, tổ chức và nội dung hội nghị giao ban. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, các Thứ trưởng đã đến dự và chỉ đạo hội nghị giao ban tại các vùng. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Chánh Văn phòng Sở, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục các địa phương. Đại diện UBND một số tỉnh, thành phố đăng cai đã tham dự và chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có đại điện lãnh đạo các đơn vị thuộc cơ quan Bộ, Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Các báo, đài Trung ương và địa phương đã tham dự và đưa tin về hội nghị.

Tại hội nghị, ở từng vùng, trưởng vùng đã đọc báo cáo chung. Các đại biểu đã tham gia thảo luận sôi nổi. Đại biểu các đơn vị thuộc Bộ và Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã phát biểu, giải thích, trao đổi một số vấn đề cụ thể của từng vùng. Bộ trưởng và các Thứ trưởng đã kết luận và chứng kiến giao ước thi đua của từng vùng tại các hội nghị.

I. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ 3 THÁNG ĐẦU NĂM 2010-2011

Tại 7 vùng, Lãnh đạo Bộ đã ghi nhận, biểu dương các Sở GDĐT đã tích cực, chủ động triển khai có kết quả các nhiệm vụ năm học với chủ đề: “Năm học tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, cụ thể như sau:

1. Công tác tham mưu mưu và ban hành văn bản chỉ đạo

Thực hiện Chỉ thị số 3399/CT-BGDĐT ngày 16/8/2010 về nhiệm vụ trọng tâm năm học 2010-2011 và quyết định số 2091/QĐ-BGD ĐT ngày 25/5/2010 về việc ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2010-2011 của Bộ GDĐT, các Sở GDĐT đã tham mưu với UBND các tỉnh, thành phố ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục và Kế hoạch thời gian năm học 2010-2011 của địa phương. Hiện nay, Bộ GDĐT đã nhận được báo cáo của 43/63 sở tham mưu để tỉnh ban hành Chỉ thị nhiệm vụ năm học, 48/63 sở đã có Kế hoạch thời gian năm học riêng cho tỉnh. Các cấp ủy Đảng, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương đã tiếp tục quan tâm và tích cực hỗ trợ cho ngành giáo dục và đào tạo.

2. Việc khắc phục tình trạng học sinh bỏ học

Tỷ lệ học sinh bỏ học nhìn chung giảm so với cùng kỳ năm học trước. Nhằm khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, ngay từ đầu năm học, các Sở thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm nắm tình hình học sinh bỏ học, làm rõ nguyên nhân và xây dựng giải pháp khắc phục. Việc giúp đỡ học sinh yếu kém được quan tâm hơn nhờ sự nỗ lực của các nhà trường, các thầy cô giáo, đặc biệt sự quan tâm phối hợp của các tổ chức, của cha mẹ học sinh.

3. Việc tổ chức thực hiện “3 công khai”

Các Sở đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế “3 công khai”; xây dựng và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, trường học triển khai thực hiện nghiêm túc Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT về việc “Ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân”. Các Sở tổ chức công khai xây dựng dự toán ngân sách giáo dục; tổ chức thực hiện đồng bộ việc hạch toán, cập nhật số liệu, báo cáo quyết toán; công khai kế hoạch dự toán chi thường xuyên; chương trình mục tiêu quốc gia, về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm đầu tư trang thiết bị dạy học; chỉ tiêu tuyển sinh, điều động, tuyển dụng cán bộ quản lý, giáo viên; về chính sách đối với giáo viên, học sinh; tiêu chuẩn, điều kiện, đánh giá, xếp loại, khen thưởng, công nhận các danh hiệu thi đua tập thể, cá nhân ở các trường học...

Thực hiện công văn số 5956/BGD-ĐT-KHTC ngày 20/9/2010 của Bộ về việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục và Công văn số 6890/BGDĐT – KHTC ngày 18/10/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Hướng dẫn quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện cho các cơ sở giáo dục và đào tạo, các Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các trường, các đơn vị trực thuộc tổ chức thu các khoản đầu năm học đúng nội dung, định mức theo quy định, trong đó, việc thu học phí và thực hiện chế độ miễn, giảm được thực hiện theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ và Quyết định của UBND tỉnh về mức thu học phí.

4. Công tác quản lý dạy thêm, học thêm

Nhìn chung, tình hình dạy thêm, học thêm tại các tỉnh, thành phố đã được chỉ đạo, quản lý và thực hiện một cách nghiêm túc.

Để tăng cường quản lý và chấn chỉnh những hạn chế, sai phạm của người dạy trên địa bàn, đầu năm học 2010 - 2011, các Sở tiếp tục ban hành văn bản quy định về công tác dạy thêm, học thêm. Trong đó, có việc giao cho hiệu trưởng các trường học chịu trách nhiệm cấp giấy phép và quản lý trực tiếp việc dạy thêm học thêm trong nhà trường. Bên cạnh đó, các Sở tiến hành kiểm tra việc dạy thêm học thêm trong toàn tỉnh theo định kỳ hoặc đột xuất.

5. Thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và thực hiện “3 đủ”

Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” tiếp tục được triển khai. Toàn ngành tổ chức “Tháng Khuyến học”, tổ chức tuyên dương các gia đình, các xã đạt danh hiệu gia đình khuyến học, xã khuyến học. Các Sở GDĐT đã tổ chức thi đua xây dựng lớp đẹp, trường đẹp, an toàn. Triển khai giáo dục kỹ năng sống theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xây dựng văn hóa học đường, phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng, hành vi bạo lực trong trường học; phòng ngừa tác động xấu của trò chơi điện tử trực tuyến (game online);

Thực hiện chủ trương “3 đủ”, các sở đã tích cực chỉ đạo việc rà soát, kiểm tra trên địa bàn từng tổ dân phố, từng xóm thôn các trường hợp học sinh con hộ đặc biệt nghèo, học sinh con thương, gia đình liệt sĩ để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ học bổng, áo quần, sách vở, đồ dùng học tập; do vậy, từ đầu năm học đến nay, không có học sinh nào bỏ học vì thiếu ăn, thiếu áo quần, sách vở.

Năm học này, các Sở GDĐT vùng lũ lụt (các tỉnh Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ) đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục bố trí cho học sinh nghỉ học để tránh bão lụt, có nhiều giải pháp chủ động khắc phục thiên tai và nhanh chóng ổn định các hoạt động dạy và học. Lãnh đạo Bộ đã kịp thời đến các tỉnh lũ lụt kiểm tra và chỉ đạo toàn ngành tổ chức cuộc vận động quyên góp, cứu trợ các tỉnh vùng lũ lụt. Các tỉnh trong toàn quốc, thực hiện việc quyên góp tiền, sách vở, đồ dùng học tập và cử các đoàn đến thăm và ủng hộ, trao tặng tiền, hàng cho giáo viên và học sinh các tỉnh vùng khó theo sự phân công của Bộ GDĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

6. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục

Các sở GDĐT tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan Sở; phối hợp với UBND các quận, huyện trên địa bàn kiện toàn cơ quan phòng GD, gắn việc củng cố tổ chức bộ máy với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý giáo dục, triển khai hình thức tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, họp, trao đổi công tác qua mạng Internet, tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong ngành và ứng dụng trong hoạt động quản lý học sinh, quản lý giáo viên, hỗ trợ sắp xếp thời khoá biểu, quản lý thư viện trường học, phổ cập giáo dục, hoạt động dạy và học ở các trường học.

Tăng cường các hoạt động thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành ở các cấp học, ngành học; kiểm tra, quản lý các cơ sở giáo dục và đào tạo ngoài công lập. Tiếp tục thực hiện công tác tài chính, cải cách thủ tục hành chính; tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, thực hiện nghiêm túc việc đăng ký, kiểm tra, bình xét công nhận danh hiệu thi đua tập thể, cá nhân.

7. Phát triển mạng lưới trường, lớp, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục

Mạng lưới trường, lớp và quy mô học sinh các cấp học tiếp tục ổn định và phát triển. Các Sở GDĐT tham mưu tỉnh và thành phố bố trí đất xây dựng mới nhiều trường học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất trường, lớp học. Các công trình nhà đa năng, giáo dục thể chất; phòng giáo dục nghệ thuật, thư viện, phòng bộ môn, thực hành, các công trình vệ sinh, nước sạch phục vụ cho học sinh được bổ sung. Ngoài ngân sách nhà nước, các Sở đã tổ chức huy động nhiều nguồn lực tăng cường đầu tư nâng cấp và xây dựng phòng học, các công trình phục vụ. Các Sở GDĐT tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012; tiếp tục đầu tư mua sắm thiết bị phục vụ dạy và học, khai thác sử dụng thiết bị dạy học, đồ dùng dạy học; đẩy mạnh phong trào tự làm trong các trường học và đội ngũ cán bộ, giáo viên. Đầu tư cơ sở vật chất cho các trường Trung cấp chuyên nghiệp, hệ thống Trung tâm GDTX; phát triển trường dạy 2buổi/ngày, trường bán trú, trường chuẩn quốc gia.

8. Việc xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục

Việc xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được thực hiện trên cả 3 mặt: đánh giá, xếp loại; đào tạo, bồi dưỡng; sử dụng, đãi ngộ. Trong đó tập trung tăng cường bồi dưỡng tư tưởng chính trị, tuyển dụng, sắp xếp, điều động, luân chuyển, quy hoạch, đào tạo. Đầu năm học 2010 - 2011, các Sở GDĐT đã có biện khắc phục tình trạng thiếu thừa giáo viên, điều hoà được chất lượng và giải quyết được chính sách điều chuyển đối với giáo viên giữa các trường, các vùng; đảm bảo đủ số lượng, tỷ lệ giáo viên trên lớp đáp ứng được yêu cầu công tác giảng dạy tại các trường học. Các Sở GDĐT tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên về chính trị, pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ; quản lý nhà nước, quản lý giáo dục; chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp; phát triển và ứng dụng công nghệ thông trong các hoạt động quản lý và dạy học; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên mầm non và phổ thông giai đoạn 2010-2015 theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

9. Một số khó khăn, hạn chế

Tuy các sở có nhiều cố gắng nỗ lực thực hiện nhiệm vụ năm học 2010-2011, song vẫn còn những hạn chế sau:

a) Tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định ở một vài nơi vẫn chưa được khắc phục; vẫn còn hiệu trưởng một số nơi chưa quan tâm đến công tác này, chưa thường xuyên kiểm tra, xử lý đối với những giáo viên có sai phạm.

b) Tình hình học sinh bỏ học tuy có giảm so với năm trước, song ở một số tỉnh vẫn còn ở mức cao, nhất là cấp THCS và THPT.

c) Đội ngũ giáo viên một số tỉnh còn thiếu và chưa đồng bộ.

d) Tuy các tỉnh đã triển khai mức thu học phí ngay từ đầu năm học, nhưng do các ngành liên quan chậm thống nhất ban hành hướng dẫn cụ thể đối tượng học sinh được miễn, giảm nên việc thực hiện còn gặp khó khăn.

e) Một số trường học, một số Ban Đại diện cha mẹ học sinh các trường vẫn tổ chức thu các khoản đầu năm học trái quy định, tổ chức huy động sự đóng góp của phụ huynh học sinh chưa được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh và gây sự bất bình trong dư luận xã hội.

g) Tình trạng học sinh đánh nhau, bạo lực trong học đường vẫn còn xảy ra ở một số tỉnh, thành phố.

h) Tình hình triển khai Thông tư số 35/2008/TTLT-BGD ĐT- BNV ngày 14/7/2008 về Quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở GDĐT và Phòng GDĐT ở một số địa phương vẫn còn gặp khó khăn.

i) Nhận thức về việc phổ cập giáo dục ở một số tỉnh chưa rõ, ảnh hưởng đến việc định hướng phát triển giáo dục ở địa phương.

II. CHỈ ĐẠO CỦA LÃNH BỘ TẠI CÁC VÙNG

Để thực hiện tốt Chỉ thị nhiệm vụ của năm học 2010-2011, Lãnh đạo Bộ yêu cầu toàn ngành cần tiếp tục triển khai thực hiện những nhiệm vụ sau:

1. Đối với các Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Xây dựng Chương trình hành động của ngành GDĐT triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của các tỉnh/ thành phố, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Nâng cao hơn nữa vai trò chủ động tham mưu của Sở GDĐT với các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo toàn diện, chỉ đạo thường xuyên đối với giáo dục ở mỗi địa phương.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” ở tất cả các đơn vị, trường học. Chú trọng rèn luyện phẩm chất, đạo đức nhà giáo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp học, ngành học.

b) Chú trọng việc đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao kỷ cương - tình thương - trách nhiệm của thầy giáo, cô giáo. Quan tâm đến các em học sinh nghèo, học sinh học yếu. Phối hợp tốt với chính quyền và các đoàn thể ở địa phương để tăng cường huy động học sinh đến trường, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Bên cạnh đó, các Sở GDĐT cần chú ý thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ GDĐT về ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, ngăn chặn các tác hại xấu của trò chơi điện tử; giữ an toàn cho học sinh trên đường đi học.

Đối với các tỉnh bị ảnh hưởng nhiều của lũ lụt, các Sở cần chủ động tháo gỡ khó khăn, tiếp tục khắc phục hậu quả do bão lũ vừa qua; Quan tâm đến việc thực hiện bố trí học bù để thực hiện đủ chương trình theo kế hoạch thời gian năm học; đảm bảo vệ sinh môi trường; phòng dịch bệnh; quản lý chặt chẽ cơ sở vật chất trong các trường học. Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ và địa phương đảm bảo "3 đủ" cho học sinh. Các địa phương thống kê chi tiết về thiệt hại, lập báo cáo cụ thể đề nghị mức hỗ trợ, gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp và có kế hoạch hỗ trợ cụ thể cho các địa phương.

c) Các cơ sở giáo dục tăng cường các biện pháp quản lý dạy thêm, học thêm; Cần quan tâm nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ, quan tâm giải quyết đầy đủ các chế độ chính sách cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt quan tâm đến đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý Giáo dục đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Việc luân chuyển đội ngũ, đề nghị các tỉnh/thành phố xây dựng đề án luân chuyển cán bộ, giáo viên trong tỉnh sao cho phù hợp với điều kiện thực tế, kinh phí của địa phương và đáp ứng nhu cầu về giảng dạy, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Bộ sẽ tiếp tục kiến nghị điều chỉnh các chế độ, chính sách hỗ trợ việc luân chuyển cho đối tượng có nhu cầu luân chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác.

d) Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện “3 công khai”; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, thường xuyên kiểm tra chặt chẽ việc thu, chi tài chính, việc sử dụng kinh phí nhà nước; công khai các khoản đóng góp tự nguyện của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp để người học và xã hội giám sát.

e) Cần tập trung nguồn lực để triển khai các đề án phát triển giáo dục đã được Chính phủ phê duyệt, trong đó đặc biệt chú ý đến việc phổ cập mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi theo Quyết định số 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 – 2020 theo Quyết định số 959/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời phải quan tâm hơn nữa đến phát triển giáo dục ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào còn nhiều khó khăn; triển khai tốt việc kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên để học sinh có điều kiện tốt nhất để học tập, các thầy cô giáo có chỗ ở ổn định, yên tâm công tác.

g) Cần phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi địa phương, bám sát chủ đề năm học, tăng cường công tác quản lý chỉ đạo để thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra; nhìn thẳng vào những yếu kém của mình cũng như những rào cản vốn có để tìm cách khắc phục những hạn chế về chất lượng giáo dục, đào tạo ở mỗi địa phương. Đồng thời, cần tăng cường việc khai thác, trao đổi thông tin, văn bản trên mạng với Bộ, với các Sở GDĐT trong vùng và trên toàn quốc để học tập những kinh nghiệm tốt trong công tác chỉ đạo cũng như thực hiện các chủ trương, chế độ chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên ngành giáo dục. Các Sở GDĐT cần nghiên cứu kỹ nội dung các văn bản chỉ đạo của Bộ để triển khai có hiệu quả; cần thể hiện trách nhiệm cao trong việc góp ý kiến cho các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ soạn thảo và xin ý kiến góp ý.

2. Đối với các đơn vị thuộc Bộ

a) Giao Văn phòng Bộ tập hợp, phân loại các kiến nghị, đề xuất của các vùng, chuyển đến các đơn vị thuộc Bộ trong tuần đầu tháng 1/2011. Tiếp tục tập hợp các thông tin về việc xử lý trả lời của các đơn vị gửi các Sở, các vùng trong tháng 2/2011. Báo cáo lãnh đạo Bộ về việc xử lý, trả lời kiến nghị của các đơn vị thuộc cơ quan Bộ.

b) Các đơn vị thuộc Bộ tập trung nghiên cứu, xử lý, trả lời các kiến nghị của các vùng (theo kế hoạch của Văn phòng). Đối với những vấn đề lớn, có thể chỉ đạo chung trong toàn quốc cần tham mưu cho Lãnh đạo Bộ xử lý hoặc đưa vào kế hoạch công tác năm 2011 để triển khai đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục của các địa phương.

Trên đây là thông báo kết quả Hội nghị giao ban lần thứ nhất năm học 2010-2011 tại 7 vùng. Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo để các Sở GDĐT, các vùng và các đơn vị thuộc cơ quan Bộ triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để báo cáo);
- Các Sở GD-ĐT;
- Các đơn vị thuộc cơ quan Bộ;
- Lưu: VT, TH.

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Phạm Mạnh Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 26/TB-BGDĐT về Kết quả Hội nghị giao ban lần thứ nhất năm học 2010-2011 khối các Sở Giáo dục và Đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 26/TB-BGDĐT
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 18/01/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Phạm Mạnh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/01/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản