VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 245/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 10 tháng 09 năm 2010 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI HỘI NGHỊ ĐỊNH HƯỚNG ĐẦU TƯ TRONG LĨNH VỰC DƯỢC
Ngày 26 tháng 7 năm 2010, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã dự và chỉ đạo Hội nghị định hướng đầu tư trong lĩnh vực dược. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ: Y tế, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các Sở Y tế và đại diện các tổ chức, doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu hoạt động trong lĩnh vực dược.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế, ý kiến tham luận của các đại biểu dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có ý kiến như sau:
Năm 2009, ngành dược đã có bước phát triển mới và đạt được những kết quả khả quan: tổng giá trị tiền thuốc sản xuất trong nước đạt 831,250 triệu USD, tăng 16,18% so với năm 2008, đáp ứng được 49,01% nhu cầu sử dụng thuốc của nhân dân. Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất thuốc trong nước đã bước đầu đầu tư sản xuất các thuốc chuyên khoa, đặc trị (thuốc tim mạch, tiểu đường, huyết áp, thần kinh, nội tiết…) và các dạng bào chế hiện đại (thuốc tác dụng kéo dài, các thuốc tiêm đông khô, thuốc sủi bọt…); các nhà sản xuất vắc xin đã có đủ khả năng sản xuất tất cả các chủng loại vắc xin phục vụ Chương trình Tiêm chủng mở rộng; ngày càng nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn thực hành tốt.
Tuy nhiên, công nghiệp dược phát triển còn chậm, nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước chủ yếu vẫn phải nhập khẩu, nguồn dược liệu trong nước chưa được khai thác một cách hiệu quả. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 39 dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dược, trong đó có 26 dự án đi vào hoạt động với tổng số vốn đăng ký 302,6 triệu USD, trong đó có 23 dự án đầu tư sản xuất thuốc, 03 dự án đầu tư vào dịch vụ bảo quản thuốc, đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực dược chủ yếu hướng tới thực hiện quyền nhập khẩu và dịch vụ, chưa có dự án nước ngoài nào đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nguyên liệu hóa dược và dược liệu.
Trong thời gian tới, yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung tổ chức thực hiện các công việc sau:
1. Tiếp tục triển khai và hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển công nghiệp dược theo Quyết định số 43/2007/QĐ-TTg ngày 29 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển công nghiệp dược và xây dựng mô hình hệ thống cung ứng thuốc của Việt Nam giai đoạn 2007 - 2015 và tầm nhìn đến 2020”.
Triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, đề xuất với Chính phủ các biện pháp để khuyến khích sử dụng thuốc sản xuất trong nước có chất lượng tốt, giá thành hợp lý.
2. Triển khai các giải pháp để tăng cường đầu tư, phát triển sản xuất bao bì dược phẩm, thiết bị phục vụ công nghiệp dược:
- Cụ thể hóa và ban hành nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt đối với nhà máy sản xuất bao bì dược phẩm đạt chuẩn quốc tế.
- Ban hành hệ thống tiêu chuẩn bao bì dùng trong dược phẩm giúp các nhà đầu tư xác định tiêu chuẩn bao bì công nghệ cao phù hợp với tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế.
- Đánh giá và công bố thực trạng thị trường bao bì dược phẩm Việt Nam giúp các nhà đầu tư định hướng chiến lược đầu tư của mình trong thời gian tới.
- Trong năm 2010, tổ chức Hội nghị toàn quốc để xây dựng cơ chế, chính sách và chương trình phát triển sản xuất thiết bị trong lĩnh vực dược trong 10 năm tới.
3. Chỉ đạo Viện Kiểm nghiệm thuốc thành phố Hồ Chí Minh và Viện Kiểm nghiệm thuốc Hà Nội nghiên cứu bài học kinh nghiệm, tiếp tục phát triển mô hình hợp tác công tư trong lĩnh vực đánh giá tương đương sinh học, sinh khả dụng của thuốc để có cơ sở khẳng định chất lượng thuốc sản xuất trong nước, tạo điều kiện thúc đẩy cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ các hình thức hợp tác Công - Tư để đẩy mạnh công tác đánh giá tương đương sinh học, sinh khả dụng của thuốc.
4. Tích cực triển khai việc tiêu chuẩn hóa ngành dược Việt Nam thông qua hệ thống nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt. Đặc biệt chú trọng đến lộ trình áp dụng tiêu chuẩn GPP, kết hợp triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp (1) tuyên truyền, (2) hướng dẫn, hỗ trợ triển khai, (3) bắt buộc thực hiện, (4) chế tài xử phạt.
5. Chỉ đạo các cơ sở đào tạo phối hợp với các doanh nghiệp tăng cường đào tạo theo nhu cầu đối với dược sỹ đại học và kỹ sư phục vụ trong lĩnh vực dược.
6. Chủ trì họp với Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Văn phòng Chính phủ, giải pháp dứt điểm việc quản lý phần vốn Nhà nước của Công ty cổ phần dược phẩm - thiết bị y tế Hà Nội (Hapharco) với mục tiêu ổn định và phát triển công ty.
7. Trong Quý IV/2010, Bộ Y tế báo cáo Phó Thủ tướng các Đề án về các nội dung sau:
- Đấu thầu thuốc quốc gia và đặt hàng mua thuốc công do quỹ bảo hiểm y tế chi trả, trước mắt áp dụng thí điểm đối với một số mặt hàng thuốc có tỷ lệ sử dụng cao trong điều trị.
- Giải pháp quản lý giá thuốc theo quy luật cung cầu của nền kinh tế thị trường (Bộ Y tế phối hợp với các trường, viện nghiên cứu về kinh tế xây dựng đường cầu của một số thuốc có tỷ lệ sử dụng cao để làm cơ sở đưa ra các nhóm giải pháp).
- Nghiên cứu, tiếp thu những góp ý xác đáng của các hiệp hội doanh nghiệp dược nước ngoài về các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư nước ngoài như công tác đăng ký thuốc, xuất nhập khẩu, thông tin quảng cáo, quản lý giá thuốc; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lộ trình thực hiện cam kết WTO của Việt Nam trên tinh thần tăng cường đối thoại, công khai, minh bạch và không phân biệt đối xử.
- Kiện toàn công tác đăng ký thuốc: rà soát để cải tiến lại toàn bộ quy trình đăng ký thuốc; ban hành quy trình đăng ký thuốc nhanh trong các trường hợp có nhu cầu cấp bách; công khai kế hoạch xử lý dứt điểm số hồ sơ đăng ký thuốc còn tồn đọng đến nay.
- Cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư trong lĩnh vực dược và xuất khẩu thuốc sản xuất tại Việt Nam.
- Đề án thành lập Viện Khoa học công nghệ dược phẩm quốc gia.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Quyết định 43/2007/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp Dược và xây dựng mô hình hệ thống cung ứng thuốc của Việt Nam giai đoạn 2007 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 2Thông tư 277/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 3Công văn 2616/BYT-QLD năm 2021 về đề xuất hợp tác đầu tư, dự án đầu tư ngành dược do Bộ Y tế ban hành
Thông báo 245/TB-VPCP ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị định hướng đầu tư trong lĩnh vực dược do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 245/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 10/09/2010
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Hữu Vũ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 10/09/2010
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực