Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 242/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 09 tháng 07 năm 2012 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI CUỘC HỌP VỀ CÔNG TÁC ĐẢM BẢO AN TOÀN HÀNG KHÔNG
Ngày 02 tháng 7 năm 2012, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp về công tác đảm bảo an toàn hàng không. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Công an, Quốc phòng; Văn phòng thường trực Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn; các Tổng Công ty: Hàng không Việt Nam, Cảng hàng không Việt Nam, Quản lý bay Việt Nam; các Cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng. Sau khi nghe Bộ Giao thông vận tải báo cáo, ý kiến của đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận như sau:
Năm 2012, ngành hàng không Việt Nam đã nỗ lực trong việc hoàn thiện hệ thống bảo đảm an toàn hàng không theo tiêu chuẩn ICAO, không để xảy ra tai nạn tàu bay, sự cố hàng không 6 tháng đầu năm 2012 giảm so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, sự cố uy hiếp an toàn và sự cố nghiêm trọng vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2011, trong đó có 02 sự cố nghiêm trọng phải tiến hành điều tra theo nghị định 75/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Nguyên nhân chủ yếu của những sự cố uy hiếp an toàn bay vẫn do con người, sự nhận thức về an toàn hàng không từ cán bộ, nhân viên hàng không, đến hành khách và cộng đồng xã hội vẫn còn hạn chế; việc tuyên truyền pháp luật về công tác này chưa được sâu rộng.
Để bảo đảm an toàn hàng không trên các lĩnh vực hoạt động của ngành, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, thực hiện các nội dung sau:
a) Kiện toàn công tác quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải đối với ngành hàng không nói chung và công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không nói riêng, để nâng cao hiệu lực của các cơ quan quản lý nhà nước; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
b) Kiên quyết khắc phục những tồn tại của hệ thống bảo đảm an toàn hàng không, duy trì tốt chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất; khắc phục, xử lý, giảng bình sự cố hàng không; thực hiện các biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn, phòng ngừa xảy ra các sự cố, tai nạn hàng không; nâng cao trình độ, kỹ năng và ý thức kỷ luật của nhân viên hàng không, đặc biệt là phi công, thợ kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, kiểm soát viên không lưu, nhân viên điều khiển phương tiện mặt đất tại sân bay. Xử lý nghiêm minh các tổ chức và cá nhân vi phạm các quy định của ngành về công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không.
c) Tổ chức Hội nghị giao ban an toàn hàng không định kỳ hàng tháng, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các đơn vị trong ngành hàng không và đại diện cơ quan liên quan của Bộ Giao thông vận tải và các Bộ ngành có liên quan. Cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa như việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình khai thác tàu bay, sân bay, trong quản lý và điều hành bay; phối hợp tốt giữa các cơ quan, đơn vị trong mọi hoạt động hàng không dân dụng.
d) Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực giám sát an toàn hàng không; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và quản lý công tác này; có kế hoạch kiểm tra định kỳ hàng tháng, tăng cường kiểm tra đột xuất tại các cơ quan, đơn vị về công tác an toàn hàng không; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là các lỗi của hệ thống quản lý khai thác, đảm bảo kỹ thuật và an toàn chất lượng, lỗi do ý thức của nhân viên hàng không. Khẩn trương hoàn thành việc điều tra sự cố, tổng hợp, phân tích dữ liệu, đánh giá và đưa ra kết luận nguyên nhân sự cố, ban hành các chỉ lệnh, khuyến cáo an toàn cần thiết, ngăn ngừa việc tái diễn. Hoàn thành dự án đầu tư "Thiết bị giải mã và đọc ghi âm buồng lái", để nâng cao năng lực điều tra sự cố, tai nạn hàng không, phù hợp với các quy định của ICAO và yêu cầu thực tiễn đối với công tác điều tra sự cố, tai nạn tàu bay tại Việt Nam.
đ) Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác an toàn hàng không như an toàn đường cất hạ cánh, kế hoạch ứng phó không lưu và chương trình khung huấn luyện cơ bản về an toàn hoạt động bay (hoàn thành trong quý IV/2012). Triển khai toàn diện việc thiết lập và vận hành hệ thống quản lý an toàn (SMS) theo mô hình và kinh nghiệm xây dựng hệ thống quản lý này của Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn để triển khai cho các hãng hàng không Việt Nam, doanh nghiệp bảo dưỡng tàu bay, Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty quản lý bay Việt Nam (hoàn thành trong năm 2012); tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm và nhận thức về an ninh, an toàn hàng không trong ngành hàng không và cộng đồng xã hội.
e) Giải quyết ngay và dứt điểm các vi phạm bề mặt giới hạn chướng ngại vật sân bay, việc can nhiễu tần số liên lạc hàng không; chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống khai thác cảng hàng không, sân bay trong điều kiện mới; xác định cụ thể người khai thác cảng hàng không, sân bay của 20 cảng hàng không hiện đang khai thác. Rà soát, kiện toàn công tác bảo đảm an toàn khai thác sân bay; thực hiện các biện pháp xua đuổi chim và động vật hoang dã tại sân bay; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng sân bay bảo đảm an toàn bay và công tác khẩn nguy sân bay; đầu tư mới, nâng cấp hệ thống ra đa thời tiết, cảnh báo gió đứt; cải tạo, nâng cấp, tối ưu hóa quy trình khai thác, bố trí mặt bằng nhà ga, khu bay góp phần nâng cao năng lực khai thác, giải phóng hành khách, hành lý, hàng hóa.
g) Làm tốt công tác đào tạo, huấn luyện về chuyên môn nghiệp vụ, bao gồm cả huấn luyện ban đầu, định kỳ, bổ sung và nâng cao và huấn luyện về chính sách an toàn, chất lượng của doanh nghiệp.
h) Chỉ đạo Tổng công ty quản lý bay Việt Nam hoàn thiện ngay trong năm 2012 hệ thống tài liệu hướng dẫn của các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu (ANS).
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải bố trí vốn xây dựng hệ thống hàng rào tại các cảng hàng không, sân bay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 6725/VPCP-KTTH ngày 22 tháng 9 năm 2011 của Văn phòng Chính phủ; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ứng vốn để thực hiện ngay trong năm 2012.
3. Ủy ban nhân dân các địa phương chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan, làm tốt công tác tái định cư, đền bù, giải phóng mặt bằng; đồng thời hỗ trợ về mọi mặt để các dự án đầu tư và xây dựng của ngành hàng không Việt Nam trên địa bàn tỉnh được triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và đạt hiệu quả cao. Bộ Giao thông vận tải trực tiếp làm việc với các địa phương để triển khai nội dung này.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan biết, thực hiện.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Thông báo 242/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về công tác đảm bảo an toàn hàng không do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 242/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 09/07/2012
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Văn Trọng Lý
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 09/07/2012
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra