Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 230/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 27 tháng 09 năm 2011

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC SƠ KẾT 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2011, THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1956/QĐ-TTG NGÀY 27 THÁNG 11 NĂM 2009 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ ĐỀ ÁN DẠY NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2020

Ngày 29 tháng 8 năm 2011, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, qua mạng trực tuyến, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị toàn quốc sơ kết một năm thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương, đại diện lãnh đạo của các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Giao thông vận tải, Quốc phòng và các Bộ liên quan; đại diện lãnh đạo các cơ quan: Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Văn phòng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Dân tộc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Hội Dạy nghề Việt Nam, Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Hội Làm vườn Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Kênh truyền hình Nông nghiệp - Nông thôn VTC16 thuộc Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC…; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng đại biểu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở liên quan, một số huyện, thị, xã và cơ sở dạy nghề.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực Đề án báo cáo tình hình thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2011 và ý kiến của các Bộ, các đại biểu tham dự cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có ý kiến kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Qua 6 tháng đầu năm 2011, là năm thứ hai thực hiện Đề án, trên cơ sở phát huy những kết quả đã được trong năm 2010, các Bộ, ngành trung ương và các địa phương đã chủ động, tích cực triển khai, tạo được những chuyển biến cơ bản trong việc thực hiện các hoạt động và chính sách của Đề án:

Đã hoàn thiện cơ bản các văn bản hướng dẫn thực hiện Đề án theo quy định, đã có 50 tỉnh/thành ban hành Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo của Đảng trong triển khai thực hiện Đề án; 100% tỉnh/thành; 84% huyện và 52% xã đã tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Đề án tới cán bộ chủ chốt; 52 tỉnh/thành đã phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn cấp tỉnh; 53 tỉnh/thành đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án. Đã kiện toàn bộ máy Ban Chỉ đạo Trung ương; 59 tỉnh/thành đã thành lập phòng dạy nghề thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và nhiều huyện đã bổ sung biên chế theo dõi dạy nghề cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và biên chế giáo viên cho Trung tâm dạy nghề huyện.

Công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm tiếp tục được triển khai sâu rộng; các cơ quan thông tin của các ngành có ấn phẩm, chuyên đề, chuyên trang, chuyên mục đưa tin về triển khai Đề án; 100% tỉnh/thành huy động sự tham gia của các phương tiện thông tin truyền thông, tổ chức đoàn thể để tuyên truyền, tư vấn học nghề với nhiều hình thức phong phú.

Triển khai thí điểm các mô hình dạy nghề triển khai nối tiếp năm 2010 ở các làng nghề, vùng chuyên canh, huyện điểm, xã xây dựng nông thôn mới,… đã hoàn thành, một số mô hình được tổng kết và có thể ứng dụng rộng; đã xuất hiện và tiếp tục thực hiện thí điểm những mô hình mới. Việc phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan với các địa phương, với các cơ quan, các Hội có tham gia trong một số hoạt động của Đề án: Hội Nông dân Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Kênh truyền hình Nông nghiệp - Nông thôn VTC16 thuộc Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC… đã có hiệu quả thiết thực.

Chỉ tiêu dạy nghề 6 tháng đạt kết quả khá; tỷ lệ lao động học nghề gắn với việc làm và có việc làm mới ở nhiều địa phương đạt mức cao; một bộ phận lao động nông thôn chuyển sang lĩnh vực phi nông nghiệp, một số hộ đã thoát nghèo… Các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức xã được chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả nhằm đáp ứng tiêu chuẩn quy định.

Tuy nhiên, vẫn còn một số Bộ, ngành, địa phương chưa đi sâu, đi sát chỉ đạo, quản lý, giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm cả số và chất lượng theo yêu cầu Đề án. Việc triển khai vẫn còn chậm, chưa phê duyệt Đề án của tỉnh, chưa phê duyệt quy hoạch nguồn nhân lực, chưa phổ biến Đề án tới cấp xã và tuyên truyền tới người học nghề; chưa tập trung phát triển mạng lưới trung tâm dạy nghề cấp huyện, chưa hoàn thành bố trí biên chế quy định trong Đề án. Tỷ lệ học nghề gắn với việc làm và có việc làm mới phù hợp với nghề đào tạo còn hạn chế, đặt hàng đào tạo chưa thật sát với yêu cầu đặt ra đối với chức danh, vị trí việc làm của cán bộ, công chức xã... Việc thông tin tuyên truyền cần phải định hướng đúng hơn, khách quan hơn.

II. MỘT SỐ CÔNG VIỆC CẦN HOÀN THÀNH TRONG 6 THÁNG CUỐI NĂM 2011

1. Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2011 đã đề ra (dạy nghề cho khoảng 500.000 lao động nông thôn; trong đó ít nhất 70% có việc làm sau đào tạo; xây dựng các mô hình thí điểm; nâng tỷ lệ đào tạo, bồi dưỡng cho 07 chức danh chuyên môn ở xã). Khẩn trương hoàn thành Thông tư hướng dẫn thực hiện Đề án. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện Đề án để báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương và chuẩn bị tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Đề án.

Tập trung hoàn thành những công việc chưa thực hiện đúng theo chỉ đạo và hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương tại Hội nghị toàn quốc sơ kết một năm thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg (Thông báo số 106/TB-VPCP ngày 05 tháng 5 năm 2011 của Văn phòng Chính phủ) trong đó hoàn thành phê duyệt Đề án cấp tỉnh, thực hiện tốt việc gắn kết 3 bên (người dạy, người học và chính quyền địa phương); thực hiện đủ 4 có (Ban Chỉ đạo; quy hoạch nguồn nhân lực; danh sách cơ sở dạy nghề; giới thiệu chương trình dạy nghề trên truyền hình địa phương) đối với địa phương và 4 biết (địa chỉ làm sau khi học nghề; địa chỉ dạy nghề gắn với việc làm tốt; các chính sách hỗ trợ, địa chỉ cơ sở dạy nghề trên địa bàn) đối với người dân thực hiện Đề án; hoàn thành việc kiện toàn tổ chức, bộ máy và biên chế thực hiện Đề án ở các cấp.

2. Về cơ chế triển khai Đề án, lưu ý một số điểm sau:

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực của Đề án, chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai việc dạy nghề cho các đối tượng lao động ở nông thôn: Học nghề để làm việc phi nông nghiệp, học nghề để làm nông nghiệp, học để làm công chức xã; là đầu mối lập kế hoạch tài chính của Đề án, phối hợp với Bộ Tài chính trong phân bổ tài chính cho việc dạy nghề theo 3 loại đối tượng trên ở các tỉnh, thành phố. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc dạy nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, Bộ Nội vụ trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về đào tạo, bồi dưỡng cho công chức xã.

3. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan và địa phương

a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Trong tháng 9 năm 2011, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thay thế, bổ sung lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ tham gia là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án.

- Trong tháng 9 năm 2011 ban hành tiêu chí giám sát, đánh giá thực hiện Đề án; trên cơ sở đó hướng dẫn các Bộ, ngành liên quan và các địa phương đánh giá mức độ triển khai thực hiện Đề án đến hết tháng 8 năm 2011, tổng hợp kết quả và xếp hạng sơ bộ từng địa phương gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành biết để tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Đề án.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính để cụ thể hóa việc thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg, trong đó có việc xây dựng quy chế phối hợp triển khai dạy nghề làm nông nghiệp ở các địa phương theo tinh thần phân công trách nhiệm đã nêu ở Điểm 2 nói trên, báo cáo Ban Chỉ đạo trước ngày 15 tháng 10 năm 2011.

- Hướng dẫn tổng kết các mô hình dạy nghề đã triển khai; sơ kết các mô hình mới để chuẩn bị Hội nghị sơ kết xây dựng mô hình điển hình tiên tiến toàn quốc, chuẩn bị sơ kết 02 năm thực hiện Đề án.

- Chỉ đạo Tổ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Đề án.

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính xây dựng quy chế phối hợp triển khai dạy nghề làm nông nghiệp.

- Chỉ đạo Tổ dạy nghề nông nghiệp, có trách nhiệm xác định nhu cầu số lượng và kinh phí đào tạo các nghề trong lĩnh vực nông nghiệp để tổng hợp vào kế hoạch thực hiện Đề án hàng năm và 5 năm; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thống nhất danh mục nghề nông nghiệp, chỉ đạo xây dựng chương trình dạy nghề các nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên dưới 03 tháng; chỉ đạo các cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo và hệ thống trung tâm khuyến nông của ngành tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn; kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm về tình hình thực hiện dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

- Tiếp tục tổ chức tốt việc thí điểm hình thức cấp thẻ học nghề nông nghiệp tại Thanh Hóa và Bến Tre, chuẩn bị tổng kết, báo cáo kết quả tại Hội nghị sơ kết xây dựng mô hình điển hình toàn quốc.

c) Bộ Nội vụ:

Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và cơ quan liên quan hoàn thành quy định, hướng dẫn việc tổ chức và nhân sự thực hiện Đề án; phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan hoàn thành chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng công chức xã.

d) Các Bộ: Giáo dục vào Đào tạo, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải Quốc phòng:

Chỉ đạo hệ thống dạy nghề và cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ tham gia Đề án, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ liên quan xây dựng danh mục, chương trình dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, gắn học nghề với việc khởi nghiệp, sản xuất, kinh doanh.

đ) Bộ Tài chính:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ liên quan bố trí đủ kinh phí theo kế hoạch thực hiện Đề án; hoàn thành hướng dẫn về cơ chế quản lý tài chính đối với các hoạt động của Đề án, trong đó có việc thí điểm thanh toán qua thẻ học nghề.

- Chỉ đạo Tổ công tác tài chính rà soát thực hiện phân bổ kinh phí theo quy định và đáp ứng nhu cầu vốn thực hiện Đề án của các cơ quan liên quan. Trong tháng 9 năm 2011 xem xét bổ sung đủ vốn sự nghiệp thực hiện Đề án theo kế hoạch năm 2011; chỉ đạo hệ thống Kho bạc Nhà nước các cấp tạo điều kiện thuận lợi cho giải ngân kinh phí thực hiện Đề án theo quy định; chủ trì phối hợp với các Bộ có liên quan rà soát các chính sách của Đề án xong trước tháng 10 năm 2011, trên cơ sở đó chuẩn bị báo cáo chuyên đề về nội dung này tại Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Đề án.

e) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề năm 2011, sớm bố trí vốn đầu tư năm 2011 thực hiện Đề án theo kế hoạch để đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề theo chính sách của Đề án.

Hoàn thành xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia có cấu phần dạy nghề cho lao động nông thôn, trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

g) Bộ Thông tin và Truyền thông

- Chỉ đạo các cơ quan thông tin, tuyên truyền thực hiện tốt trách nhiệm xã hội trong công tác tuyên truyền cho Đề án.

- Chỉ đạo Tổ thông tin cần tăng cường hoạt động, trách nhiệm của Tổ công tác thông tin để chỉ đạo đưa tin kịp thời, có hiệu quả phù hợp với từng giai đoạn triển khai Đề án; bổ sung cán bộ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tham gia vào tổ thông tin.

h) Đề nghị Hội Nông dân Việt Nam chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân tham gia học nghề; chỉ đạo các cơ sở dạy nghề của Hội tham gia dạy nghề; giám sát thực hiện Đề án ở các địa phương.

i) Ngân hàng Chính sách Xã hội tiếp tục thực hiện chính sách cho lao động nông thôn vay học nghề, được hỗ trợ 100% lãi suất vay tín dụng học nghề và làm việc ổn định ở nông thôn; vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm sau học nghề.

4. Trách nhiệm của chính quyền các địa phương

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện  Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các phương tiện thông tin tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm, bố trí đủ nhân sự theo quy định, triển khai thí điểm, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn, thực hiện giải ngân vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia có hiệu quả trên địa bàn. Các địa phương rà soát thực hiện nhiệm vụ đã phân công để thực hiện đúng kế hoạch, chuẩn bị báo cáo các điển hình tiên tiến và sơ kết hai năm thực hiện Đề án.

III. KẾ HOẠCH PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG VÀ KIỂM TRA CỦA BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG

- Trong tháng 9 năm 2011 hoàn thành thay thế, bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo, theo chức năng nhiệm vụ chỉ đạo các tổ công tác về dạy nghề nông nghiệp, tài chính và thông tin để giúp việc Ban Chỉ đạo đồng thời chủ động đi kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện ở ít nhất 1 tỉnh/thành phố trước ngày 31 tháng 12 năm 2011.

- Trong tháng 10 năm 2011 hoàn thành quy chế phối hợp dạy nghề làm nông nghiệp.

- Tháng 11 năm 2011 tổ chức Hội nghị sơ kết xây dựng mô hình điển hình tiên tiến toàn quốc.

- Tháng 01 năm 2012, sơ kết hai năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến hết năm 2011.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Các Ban chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty 91;
- Tổng cục Dạy nghề;
- Hội Nông dân Việt Nam;
- Hội Làm vườn Việt Nam;
- Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Chương trình VTC16 - Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Hữu Vũ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 230/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2011, thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg về Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 230/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 27/09/2011
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Hữu Vũ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 519 đến số 520
  • Ngày hiệu lực: 27/09/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản