VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 216/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 16 tháng 09 năm 2011 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI PHIÊN HỌP LẦN THỨ 43 CỦA HỘI ĐỒNG THI ĐUA - KHEN THƯỞNG TRUNG ƯƠNG
Ngày 29 tháng 8 năm 2011 tại Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã họp phiên họp thường kỳ để đánh giá kết quả tình hình thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng 6 tháng đầu năm và bàn biện pháp triển khai nhiệm vụ công tác những tháng cuối năm 2011.
Sau khi nghe báo cáo của Thường trực Hội đồng và ý kiến của các thành viên Hội đồng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương có ý kiến kết luận như sau:
Trong 8 tháng qua, với sự nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đất nước ta tiếp tục vượt qua những khó khăn, thách thức to lớn và đạt được những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế vĩ mô được kiểm soát và tạo được những chuyển biến tích cực, lạm phát giảm dần, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm khá toàn diện, đạt 5,57%, bảo đảm an ninh lương thực; an sinh, phúc lợi xã hội và các chính sách xã hội tiếp tục được quan tâm; cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng có bước chuyển biến; quốc phòng, an ninh được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Những thành tựu nêu trên, có sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua yêu nước. Việc tổ chức triển khai phong trào thi đua yêu nước của các bộ, ban, ngành, địa phương đều gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, thiết thực, hiệu quả.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2011, nhiệm vụ những tháng còn lại của năm hết sức nặng nề, phong trào thi đua yêu nước cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ cụ thể sau đây:
1. Tiếp tục duy trì và đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Các Bộ, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần đề ra được mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung thi đua cụ thể, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo được sự chuyển biến rõ nét về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cải cách hành chính ở mỗi cơ quan, đơn vị và từng cá nhân. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải trở thành ý thức tự giác, việc làm thường xuyên ở mỗi cấp, mỗi ngành và toàn xã hội.
2. Về phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, đây là phong trào thi đua có ý nghĩa to lớn, được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch để tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực gắn với việc thực hiện 11 nội dung với 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới để thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và bảo đảm phát triển bền vững. Giao Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan tổ chức triển khai bảo đảm nội dung, yêu cầu, các bước tiến hành theo đúng Kế hoạch phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
3. Rà soát lại các quy định để tiếp tục sửa đổi, bổ sung nội dung, tiêu chí khen thưởng để khen thưởng chính xác, kịp thời, tiêu biểu, đảm bảo ý nghĩa tôn vinh, giáo dục. Đồng thời, tạo sự chuyển biến hơn nữa về khen thưởng cho người lao động, người trực tiếp sản xuất, công tác và khen thưởng đột xuất để bảo đảm động viên kịp thời và có sức lan tỏa.
Đi đôi với việc tổ chức các phong trào thi đua và công tác khen thưởng, phải đặc biệt quan tâm công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục; Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông ở Trung ương và địa phương dành nhiều thời lượng hơn nữa để tuyên truyền các tấm gương điển hình tiên tiến, các nhân tố mới trong các phong trào thi đua yêu nước.
4. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng Đề án đổi mới công tác thi đua, khen thưởng) tham mưu nghiên cứu xây dựng Đề án đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo hướng thi đua phải gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, khen thưởng phải đảm bảo ý nghĩa tôn vinh, giáo dục trong xã hội, tiêu chí, tiêu chuẩn thi đua, khen thưởng phải phù hợp thực tiễn cuộc sống. Từ Đề án đổi mới công tác thi đua, khen thưởng đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, Khen thưởng vào những năm tới.
5. Về kiện toàn Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương: Thống nhất cơ cấu, số lượng thành viên của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương là 18 đồng chí. Các Bộ, ngành, địa phương gửi danh sách các thành viên mới của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương về Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương để thay thế các thành viên đã chuyển công tác, nhận nhiệm vụ mới hoặc nghỉ theo chế độ.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các ban, ngành, đoàn thể Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Luật Thi đua, Khen thưởng 2003
- 2Nghị quyết 11/NQ-CP năm 2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội do Chính phủ ban hành
- 3Thông báo 1421/TB-BTĐKT ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tại phiên họp lần thứ 52 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương
Thông báo 216/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp lần thứ 43 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 216/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 16/09/2011
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Vũ Đức Đam
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 16/09/2011
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định