VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 2012 |
Ngày 06 tháng 01 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và chỉ đạo Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2012 ngành Xây dựng. Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2011 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm của ngành xây dựng, ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
Năm 2011, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011-2020 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015, tình hình kinh tế xã hội nước ta bên cạnh thuận lợi, chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, khủng hoảng nợ công ở một số nước châu Âu...lạm phát, lãi suất ở trong nước cao, đe dọa ổn định kinh tế vĩ mô, cùng với thiên tai, dịch bệnh và những âm mưu thủ đoạn gây mất ổn định chính trị xã hội và đe dọa chủ quyền quốc gia,... tác động không nhỏ đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Nhìn lại tổng thể thành tựu đạt được của năm 2011 rất đáng trân trọng. Chúng ta đã thực hiện có kết quả việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cơ bản ổn định tỷ giá; xuất khẩu tăng cao trên 33%, nhập siêu giảm mạnh xuống dưới 10% so với kim ngạch xuất khẩu; bội chi ngân sách còn 4,9% so với 5,3% theo kế hoạch, dự trữ ngoại tệ tăng lên; các cân đối khác của kinh tế vĩ mô như năng lượng, lương thực được đảm bảo.
Cùng với ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ tiếp tục được duy trì. Đặc biệt là sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, giá trị sản xuất tăng 5,2%, sản lượng lúa đạt trên 42 triệu tấn, tăng trên 2 triệu tấn, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu trên 7 triệu tấn gạo. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông lâm ngư nghiệp đạt 25 tỷ USD, xuất siêu 9 tỷ USD. Hoạt động dịch vụ tăng khá, riêng khách du lịch quốc tế tăng trên 19%, vượt ngưỡng 6 triệu người. Nhờ đó, trong điều kiện hết sức khó khăn nền kinh tế vẫn đạt mức tăng trưởng 5,9%.
An sinh xã hội được bảo đảm với các chỉ tiêu và nhiệm vụ đề ra từ đầu năm: giảm 2% số hộ nghèo của cả nước (trong đó ở 62 huyện nghèo giảm 4%), tạo ra được 1,6 triệu việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị khoảng 3,6%; chính sách y tế giáo dục được đảm bảo tốt hơn so với các năm trước.
Công tác cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn. Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí tuy chưa ngăn chặn, đẩy lùi được nhưng đã đạt những kết quả cụ thể. Hệ thống chính trị được kiện toàn. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền quốc gia trên vùng biển đảo được bảo đảm; hoạt động đối ngoại đạt nhiều kết quả nâng cao vị thế và tạo thêm môi trường, điều kiện thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ đất nước.
2. Về thực hiện nhiệm vụ năm 2011 của ngành Xây dựng:
Đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và những thành tựu đã đạt được của ngành Xây dựng trong thời gian vừa qua. Ngành đã khắc phục khó khăn, phấn đấu đạt được kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực, cụ thể:
- Ngành Xây dựng đã tập trung nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, từng bước đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước của ngành. Cùng với việc ban hành theo thẩm quyền, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều Chiến lược, qui hoạch về phát triển nhà ở, sản xuất, cung cấp nước sạch, phát triển công nghiệp xi măng, xử lý chất thải rắn, tăng cường quản lý thị trường bất động sản... đồng thời tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định.
- Công tác phát triển đô thị đã có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 31%, phát triển cả về quy mô và hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Hệ thống đô thị trên cả nước đang từng bước đóng vai trò là động lực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương cũng như cả nước.
- Công tác lập quy hoạch xây dựng tại các đô thị và khu kinh tế được tiếp tục đẩy mạnh. Hầu hết các đô thị đều đã có quy hoạch chung được phê duyệt. Nhiều quy hoạch vùng liên tỉnh, quy hoạch ngành cũng đã được phê duyệt và công bố. Quy hoạch xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm.
- Công tác phát triển nhà ở đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân, diện tích nhà ở bình quân trên cả nước đạt 18,3m2 sàn/người. Một số địa phương và doanh nghiệp bước đầu đã quan tâm thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội. Công tác hỗ trợ cho các hộ nghèo khu vực nông thôn cải thiện nhà ở cũng đã đặc biệt được quan tâm và đạt kết quả tích cực, năm 2011 hoàn thành hỗ trợ cho khoảng 160 nghìn hộ, đưa tổng số hộ được hỗ trợ lên 470 nghìn hộ; Chương trình tôn nền vượt lũ và nhà ở đồng bằng sông Cửu Long (giai đoạn 2) tiếp tục được triển khai, góp phần ổn định đời sống cho hàng triệu người dân vùng thường xuyên bị ngập lũ.
- Thị trường bất động sản đã thu hút đáng kể nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy nhiều ngành sản xuất phát triển. Ngoài sản phẩm nhà ở, các sản phẩm hàng hóa bất động sản khác, như văn phòng cho thuê, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu công nghiệp... cũng có bước phát triển đa dạng.
- Các doanh nghiệp ngành Xây dựng có bước phát triển cả về số lượng, quy mô với trang thiết bị và công nghệ từng bước tiên tiến. Ngành vật liệu xây dựng đã sản xuất được hầu hết các chủng loại vật liệu xây dựng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và bước đầu đã xuất khẩu ra nước ngoài.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được nêu trên, một số lĩnh vực của ngành Xây dựng vẫn còn bộc lộ những tồn tại, bất cập, cần sớm tập trung chỉ đạo quyết liệt để khắc phục, đó là:
- Lĩnh vực quản lý phát triển đô thị bước đầu đã được quan tâm nhưng tại một số đô thị vẫn còn tình trạng phát triển tự phát, manh mún, thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Tầm nhìn, chất lượng quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; giao thông tại các đô thị bị quá tải gây ùn tắc,.. môi trường đô thị chưa được kiểm soát chặt chẽ. Tiến độ triển khai lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới còn chậm, mới đạt gần 28% số xã.
- Lĩnh vực phát triển nhà ở và kinh doanh bất động sản còn bất cập. Thị trường bất động sản thiếu ổn định, quan hệ cung - cầu mất cân đối; cơ cấu sản phẩm hàng hóa bất động sản chưa hợp lý, đặc biệt là sản phẩm nhà ở có quy mô vừa và nhỏ; thiếu loại hình nhà ở cho thuê và nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho các nhóm đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp; hệ thống cơ chế tài chính nhà ở chưa hoàn thiện.
- Chất lượng một số công trình xây dựng, đặc biệt là công trình đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, công trình nhà ở tái định cư còn nhiều bất cập, nhiều hạng mục công trình phải sửa chữa do chất lượng kém, nhiều dự án đầu tư xây dựng công trình còn bị chậm tiến độ.
- Năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh của đa số các doanh nghiệp trong ngành Xây dựng còn thấp, đặc biệt là năng lực cạnh tranh quốc tế, số lượng doanh nghiệp xây dựng đủ điều kiện và năng lực để tham gia thị trường xây dựng ở nước ngoài còn rất hạn chế.
3. Nhiệm vụ năm 2012 của ngành xây dựng:
Bước vào năm 2012, năm bản lề của kế hoạch 2011-2015, bên cạnh nhiều thuận lợi, chúng ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Tình hình kinh tế thế giới dự báo còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để thực hiện có kết quả Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, yêu cầu ngành Xây dựng triển khai đồng bộ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu các nhiệm vụ và giải pháp được giao trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ, trong đó, cần thực hiện một số việc sau đây:
Thứ nhất: Cần đặc biệt quan tâm việc nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng và quản lý quy hoạch xây dựng để bảo đảm chất lượng đô thị, nghiêm túc khắc phục tình trạng làm trái quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện.
- Bộ Xây dựng cần chủ động rà soát thể chế luật pháp về công tác quy hoạch xây dựng, khẩn trương sửa đổi, thay thế Nghị định số 02/2006/NĐ-CP của Chính phủ về khu đô thị mới theo hướng tăng cường sự quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương để các đô thị mới xây dựng theo quy hoạch và có đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
- Căn cứ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, Bộ Xây dựng rà soát toàn bộ các quy hoạch chung xây dựng đã được phê duyệt cả cấp Trung ương và địa phương, cập nhật thông tin, kịp thời xem xét bổ sung những vấn đề cụ thể để nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch hiện có và những khu vực chưa có quy hoạch.
- Đối với quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị: Cần quan tâm chủ động lập các quy hoạch này làm cơ sở quản lý đầu tư xây dựng, tránh hiện tượng xin cho, tùy tiện trong quá trình xây dựng và quản lý quy hoạch chi tiết. Bộ Xây dựng cần có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với các đồ án quy hoạch chi tiết nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
Thứ hai: Tiếp tục nâng cao chất lượng công trình xây dựng, kể cả công trình đầu tư cũng như nhà ở của nhân dân và các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn khác. Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng có trách nhiệm bảo đảm các công trình xây dựng đẹp, an toàn, bền vững và không để xảy ra sự cố và bất cứ công trình nào cũng phải được quản lý về chất lượng.
Bộ Xây dựng có kế hoạch rà soát toàn bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy chế bảo đảm an toàn và thanh tra giám sát để xác định trách nhiệm cụ thể của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc bảo đảm chất lượng, an toàn các công trình xây dựng.
Thứ ba: Tập trung triển khai Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; Bộ Xây dựng cần có kế hoạch cụ thể để thực hiện Chiến lược nhà ở, nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách phù hợp hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 8 nhóm đối tượng tại các địa phương.
Cấp ủy và chính quyền địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nôi, thành phố Hồ Chí Minh... cần hết sức quan tâm và quyết liệt để triển khai xây dựng phát triển nhà ở xã hội, coi đây là nhiệm vụ chính trị và chỉ tiêu phát triển hàng năm. Phát huy và nhân rộng các mô hình tốt phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của nhân dân và yêu cầu phát triển bền vững. Sớm đề xuất quy định dành một tỷ lệ hợp lý nguồn thu từ quyền sử dụng đất để đầu tư phát triển nhà xã hội.
Thứ tư: Tiếp tục tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản, bảo đảm đồng bộ trong một chỉnh thể thống nhất với các thị trường khác như thị trường vốn, trái phiếu, nguồn nhân lực,... Tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm soát thị trường bất động sản; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương trong việc kiểm tra, thẩm định, cấp phép đầu tư xây dựng, rà soát, phân loại các dự án đầu tư xây dựng; thực hiện tái cơ cấu hàng hóa bất động sản cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Thứ năm: Trong điều kiện hội nhập quốc tế cần tập trung nâng cao khả năng cạnh tranh, trình độ quản trị của các doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp ngành xây dựng từ tư vấn, thi công, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng cần phải điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu đưa khoa học công nghệ, tái cơ cấu lại để thích ứng với môi trường cạnh tranh ngày càng cao.
Bộ Xây dựng rà soát nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách liên quan đến ngành xây dựng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng, trong điều kiện cạnh tranh nhưng phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam phát triển.
Thứ sáu: Bộ Xây dựng cần chủ động rà soát kế hoạch và mô hình đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực xây dựng như: đào tạo cán bộ chuyên môn trình độ cao, đào tạo theo địa chỉ,... chú ý nguồn nhân lực cho các huyện phục vụ tốt cho công tác quản lý đầu tư và công tác quản lý đô thị.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Thông báo 44/TB-VPCP ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2013 của ngành công thương do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo 310/TB-VPCP năm 2013 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về Kế hoạch xây dựng bệnh viện Trung ương và Vùng do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Nghị định 02/2006/NĐ-CP ban hành Quy chế khu đô thị mới
- 2Thông báo 44/TB-VPCP ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2013 của ngành công thương do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Thông báo 310/TB-VPCP năm 2013 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về Kế hoạch xây dựng bệnh viện Trung ương và Vùng do Văn phòng Chính phủ ban hành
Thông báo 19/TB-VPCP ý kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2012 ngành Xây dựng do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 19/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 17/01/2012
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Văn Trọng Lý
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 17/01/2012
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định