Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 182/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 29 tháng 04 năm 2014

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI CUỘC HỌP THỨ NHẤT CỦA BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA CHÍNH PHỦ

Ngày 17 tháng 4 năm 2014, tại trụ sở làm việc của Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo. Sau khi nghe Bộ Nội vụ báo cáo về công tác cải cách hành chính trong thời gian qua, dự thảo quy chế và kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo trong năm 2014, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:

Trong thời gian qua, công tác cải cách hành chính đã đạt những kết quả quan trọng. Hệ thống thể chế, luật pháp tiếp tục được đổi mới và từng bước hoàn thiện. Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước được điều chỉnh, sắp xếp phù hợp hơn. Thủ tục hành chính được đơn giản hóa tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được các địa phương tổ chức thực hiện.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng, ban hành văn bản còn chậm, chưa bảo đảm tốt yêu cầu triển khai thi hành luật, pháp lệnh. Tình trạng nợ đọng văn bản có xu hướng tăng; một số văn bản chưa bảo đảm chất lượng, nội dung còn thiếu tính khả thi, chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật. Việc kiện toàn tổ chức các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện chưa kịp thời. Chậm tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 08/2004/NQ-CP về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; việc phân cấp chưa tính hết điều kiện, khả năng thực hiện của địa phương. Kế hoạch cải cách chế độ công chức, công vụ không bảo đảm về tiến độ và chất lượng, một số đề án chưa đạt yêu cầu. Thủ tục hành chính mặc dù được cải cách nhưng vẫn còn rườm rà, phức tạp, tạo kẽ hở trong quá trình thực hiện; việc niêm yết, công bố, công khai quy định thủ tục hành chính chưa kịp thời; nhận thức của cán bộ, công chức về cải cách thủ tục hành chính còn hạn chế, một số nơi triển khai còn hình thức, đối phó; cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính còn nhũng nhiễu, tiêu cực.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, để tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong thời gian tới, yêu cầu các cơ quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

1. Về các nhiệm vụ chung:

- Các Bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính, cần xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của năm nay và những năm tiếp theo. Người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp phải chịu trách nhiệm về hiệu quả tổ chức thực hiện công tác này.

- Tập trung cải cách thể chế, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc triển khai Hiến pháp năm 2013.

- Đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức”, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ cấp bách: Triển khai xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong thi tuyển công chức; đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo cấp Vụ, cấp phòng; thực hiện thí điểm chế độ thực tập, tập sự quản lý; tinh giản biên chế; đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ.

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả nhóm giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tiếp tục rà soát và quyết liệt triển khai các nhiệm vụ về cải cách thủ tục hành chính, chú trọng cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan... Bảo đảm tiến độ triển khai Đề án tổng thể về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tạo cơ chế quản lý dân cư hiệu quả hơn.

2. Về các nhiệm vụ cụ thể:

a) Bộ Nội vụ:

- Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng các đề án trong chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, trọng tâm là các đề án quan trọng liên quan đến hoàn thiện thể chế bộ máy hành chính theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, chính sách lớn đổi mới công vụ, công chức.

- Trình Thủ tướng Chính phủ văn bản sửa đổi Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

b) Bộ Tư pháp:

- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ chuẩn bị tốt dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương; thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật kịp thời, bảo đảm chất lượng.

- Tiếp tục tăng cường kiểm soát thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng thể chế, cắt giảm gánh nặng hành chính cho cá nhân và tổ chức; công khai minh bạch quy trình thực hiện thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước.

c) Các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền giới thiệu các gương tốt, mô hình tốt về việc thực hiện cải cách hành chính đặc biệt là về cải cách thủ tục hành chính; phê phán những hành vi quan liêu, cửa quyền, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

3. Về hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ:

- Ban Chỉ đạo cần phải bám sát Chương trình tổng thể cải cách hành chính của Chính phủ giai đoạn 2011 - 2020 để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, đúng tiến độ, chất lượng; thúc đẩy một số vấn đề đột phá trong cải cách hành chính, đặc biệt cần lựa chọn những vấn đề trọng tâm, cấp bách để ưu tiên triển khai; phát hiện mô hình mới, cách làm hay của các bộ, ngành, địa phương để đề xuất với với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện thí điểm, nhân rộng hoặc thể chế hóa để áp dụng chung trong cả nước.

- Đổi mới phương thức hoạt động của Ban Chỉ đạo theo hướng tăng cường kiểm tra thực tế theo chuyên đề, thành lập các đoàn kiểm tra do thành viên Ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn để kiểm tra, đôn đốc công tác cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương; lựa chọn và nhân rộng những mô hình tốt, phê phán những bất cập, hạn chế; thúc đẩy mạnh mẽ việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính nhà nước; tăng cường chức năng phản biện của Ban Chỉ đạo đối với một số vấn đề về thể chế, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công chức, công vụ và thủ tục hành chính.

- Thành viên ban Chỉ đạo đề cao tinh thần trách nhiệm, làm tốt công tác tham mưu, giúp việc cho Thủ trưởng cơ quan đẩy mạnh cải cách hành chính đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành mình.

- Trên cơ sở ý kiến của Thành viên Ban Chỉ đạo tại cuộc hợp này, Bộ phận giúp việc Ban Chỉ đạo sớm hoàn thiện Quy chế và Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo, trình Trưởng Ban Chỉ đạo ký ban hành để triển khai thực hiện.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan, cá nhân có liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó TTg;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các Thành viên Ban Chỉ đạo;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, Các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: Văn thư, TCCV (3). LHN

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Kiều Đình Thụ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 182/TB-VPCP năm 2014 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ

  • Số hiệu: 182/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 29/04/2014
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Kiều Đình Thụ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/04/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản