Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 179/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 16 tháng 5 năm 2012

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC VỀ CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Ngày 02 tháng 5 năm 2012, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị toàn quốc (trực tuyến) về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cùng dự có Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh; Lãnh đạo các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi nghe Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ năm 2008 đến năm 2011 và giải pháp trong thời gian tới; Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo tình hình và giải pháp nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; Bộ Công an báo cáo công tác bảo đảm an ninh, trật tự liên quan đến khiếu nại, tố cáo; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam báo cáo về việc Hội nông dân tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo và ý kiến của Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hưng Yên, Sơn La, Lâm Đồng, Quảng Nam, Thanh Hóa, Đồng Nai, Hải Phòng, An Giang và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến kết luận như sau:

Những năm vừa qua, quán triệt Chỉ thị số 09/CT-TW ngày 06 tháng 3 năm 2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số vấn đề cấp bách cần thực hiện trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; Thông báo kết luận số 130-TB/TW ngày 10 tháng 01 năm 2008 của Bộ Chính trị về tình hình, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo; các Luật của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Quyết định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cả hệ thống chính trị và các cấp chính quyền đã có bước chuyển biến tích cực, xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và đạt những kết quả nhất định, góp phần làm nên thành tựu chung của cả nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp, tồn đọng, kéo dài chưa giải quyết dứt điểm; tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân ở nhiều nơi vẫn còn phức tạp do có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó có nguyên nhân khách quan là phải thu hồi đất để phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, công trình công cộng, khu công nghiệp, khu kinh tế và phát triển đô thị. Do đó, nếu không chủ động, tích cực tiếp tục xem xét, giải quyết thì sẽ là mầm mống gây mất ổn định chính trị - xã hội. Vì vậy, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và các cấp chính quyền phải cùng vào cuộc, tham gia giải quyết những vụ việc khiếu nại phức tạp, tồn đọng, kéo dài, hạn chế tối đa việc các công dân kéo lên các thành phố lớn, ảnh hưởng trật tự xã hội.

Giải quyết tốt khiếu nại của công dân vừa là bảo đảm dân chủ, vừa bảo đảm kỷ cương pháp luật, đồng thời là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của các cấp chính quyền. Để làm tốt công tác này, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó cần lưu ý:

1. Đối với 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài:

- Yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cùng các cấp chính quyền phải tập trung chỉ đạo sâu sát, giải quyết từng vụ việc cụ thể; phải lập hồ sơ đầy đủ thông tin (nội dung, diễn biến, quá trình giải quyết), trên cơ sở đó lập Hội đồng tư vấn để thẩm định (tùy từng trường hợp, có thể mời Mặt trận, đoàn thể và Luật sư tham gia); nếu giải quyết sai thì phải nhận thiếu sót, giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật; nếu không sai thì kết luận, thông báo công khai để mọi người dân biết; những trường hợp đời sống khó khăn thì có chính sách hỗ trợ cụ thể; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và cập nhật, nối mạng để các cơ quan chức năng Trung ương có thông tin đầy đủ, trả lời nhất quán.

- Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan lập các tổ công tác về các địa phương có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo để phối hợp cùng chính quyền địa phương đối thoại công khai, thống nhất phương án giải quyết bảo đảm có lý, có tình, đúng quy định của pháp luật, công khai phương án giải quyết để mọi người được biết. Đối với những trường hợp cố tình không chấp nhận phương án giải quyết đúng pháp luật, bị kẻ xấu lợi dụng kích động thì phải tiếp tục giải thích, vận động, thuyết phục, nếu cố tình không chấp hành thì áp dụng các biện pháp hành chính theo đúng quy định của pháp luật.

2. Việc thu hồi đất phải thực hiện chặt chẽ, phải căn cứ quy hoạch và thực hiện đúng quy hoạch được phê duyệt, công khai cho người dân biết. Đặc biệt, việc thu hồi đất để xây dựng các khu kinh tế, khu đô thị thương mại phải chặt chẽ, rõ ràng, công khai, minh bạch từ bước quy hoạch đến phê duyệt, quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường thiệt hại, hỗ trợ, bố trí tái định cư; phải được thẩm định, bảo đảm đúng chính sách, pháp luật, sát thực tế và phải tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của đa số người dân. Khi lên phương án bồi thường thiệt hại, hỗ trợ, bố trí tái định cư phải mời Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân tham gia ý kiến, kiên trì vận động người dân chấp hành. Trường hợp bắt buộc phải cưỡng chế thu hồi cần có phương án chặt chẽ, đúng pháp luật; tuyệt đối không sử dụng vũ khí, không sử dụng lực lượng Quân đội tham gia cưỡng chế.

3. Yêu cầu Bộ Tài Nguyên và Môi trường cùng các cơ quan chức năng phải khẩn trương nghiên cứu để sửa đổi hoặc kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi những bất cập trong Luật và Nghị định về đất đai để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân có đất bị thu hồi, nhà đầu tư và Nhà nước; hoàn thiện quy định về cưỡng chế thu hồi đất.

4. Các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp cần phải xây dựng chế độ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và cơ chế phối hợp khoa học, hợp lý, rõ ràng để người dân theo dõi, giám sát, hạn chế việc thực hiện không đúng, tiêu cực, vụ lợi; cần bố trí những cán bộ có tâm đức, có trình độ thường xuyên làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thanh tra Chính phủ chủ trì cùng Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ, ngành đưa đầy đủ nội dung các vụ việc khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc tồn đọng kéo dài, phức tạp lên trang tin điện tử (Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương) để sử dụng chung trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

5. Ủy ban nhân dân các cấp, đặc biệt chính quyền cơ sở đều phải chủ động nắm chắc tình hình, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người; phải có biện pháp ngăn chặn, đấu tranh kiên quyết theo quy định của pháp luật với các đối tượng lợi dụng xúi giục, kích động hoặc vì động cơ vụ lợi, thậm chí thu tiền, "ăn chia" tiền của dân. Trường hợp xảy ra khiếu kiện đông người thì phải cử người có thẩm quyền, trách nhiệm vận động công dân trở về địa phương, các cơ quan chức năng Trung ương phối hợp cùng địa phương xem xét, giải quyết cụ thể; phải vừa vận động, thuyết phục người dân, vừa đấu tranh, xử lý những đối tượng xấu cầm đầu, xúi giục, kích động.

6. Đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí khi đưa tin các vụ việc khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là khiếu nại đông người phải trung thực, đầy đủ, chính xác, khách quan để góp phần vào sự ổn định chính trị - xã hội.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng (để b/c);
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý Thủ tướng,
các Vụ TH, NC, KTTH, KTN, ĐP, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KNTN (5b); HD.212

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Quang Thắng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 179/TB-VPCP kết luận của thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 179/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 16/05/2012
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Quang Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/05/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản