Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 178/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 08 tháng 7 năm 2021

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC TRƯƠNG HÒA BÌNH TẠI CUỘC HỌP VỀ XÂY DỰNG TRUNG TÂM TÀI CHÍNH KHU VỰC VÀ QUỐC TẾ TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Ngày 26 tháng 6 năm 2021, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ tại thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cùng Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp về xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự cuộc họp có đồng chí Phan Văn Mãi, Phó Bí thư thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, các lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sau khi nghe Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh báo cáo, ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến các chuyên gia và trên cơ sở ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có ý kiến kết luận như sau:

1. Báo cáo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua đã xác định phương hướng, nhiệm vụ giải pháp phát triển đối với thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có nhiệm vụ "nghiên cứu và thiết lập cơ chế đặc thù thúc đẩy phát triển thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế", do đó việc nghiên cứu, lập Đề án xây dựng trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh là có cơ sở, cần thiết và cần sớm triển khai thực hiện để hình thành trung tâm tài chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Giao Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp, ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề án theo nhiệm vụ được giao tại văn bản số 2726/VPCP-KTTH ngày 22 tháng 4 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ, trong đó, lưu ý một số nội dung sau:

a) Nghiên cứu, làm rõ nội hàm trung tâm tài chính hiện đại, cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn khách quan về phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của nhà đầu tư trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, kết nối, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh, các loại hình thương mại, dịch vụ... hiện đại trong thời đại kinh tế số để xác định rõ thành phố Hồ Chí Minh hội đủ, đáp ứng các điều kiện để xây dựng và hình thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế theo chủ trương của Đảng.

b) Rà soát khung khổ pháp lý, thể chế, chính sách liên quan đến hình thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế để đề xuất cấp thẩm quyền bổ sung, ban hành mới. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham gia, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để chủ động đề xuất các cơ chế vượt trội, thông thoáng để thu hút nhà đầu tư theo đúng chủ trương đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII xác định.

c) Nghiên cứu, xác định quy mô của trung tâm tài chính hiện đại phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung vào 03 nội dung đột phát về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, trong đó xác định:

- Thể chế là nội dung quan trọng, cần đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ, công khai, công bằng, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, nhất là về các lĩnh vực liên quan đến tài chính, ngân hàng, đất đai, thuế, bảo hiểm, xuất nhập cảnh, cơ chế xử lý tranh chấp, cơ chế trọng tài, tòa án và pháp luật áp dụng...

- Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ về giao thông, đất đai, quy hoạch, phát triển công nghệ thông tin với lộ trình, quy mô phù hợp, tính đến cả tầm nhìn phát triển dài hạn.

- Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua phát triển đồng bộ các trường đại học, viện nghiên cứu... đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

d) Nghiên cứu lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm, có khả năng kết nối với các tập đoàn tài chính, các quỹ, các nhà đầu tư lớn trên thế giới để tham gia trong quá trình lập Đề án và đầu tư vào trung tâm tài chính theo quy định pháp luật trong tương lai; nghiên cứu các bài học thành công trong việc phát triển và vận hành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

3. Về tổ chức thực hiện:

a) Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao để nắm bắt cơ hội xây dựng trung tâm tài chính khu vực, hướng tới là trung tâm tài chính quốc tế, trong đó tập trung tạo sự đồng thuận và ủng hộ xã hội; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quá trình tổ chức thực hiện, những vấn đề phát sinh.

b) Các Bộ, ngành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước Việt Nam có trách nhiệm tham gia, hỗ trợ và kiểm tra, giám sát thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng Đề án có chất lượng và khả thi.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: KHĐT, TC, CT, TP, TNMT;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- UBND thành phố Hồ Chí Minh;
- VPCP: BTCN, PCN Mai Thị Thu Vân,
các Vụ: TH, PL, QHQT;
- Lưu: VT, KTTH (3).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Mai Thị Thu Vân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 178/TB-VPCP năm 2021 về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp về xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 178/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 08/07/2021
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Mai Thị Thu Vân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản