Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 158/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 26 tháng 5 năm 2022

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ LÊ VĂN THÀNH TẠI CUỘC HỌP VỀ VƯỚNG MẮC TRONG TRIỂN KHAI HỆ THỐNG THU PHÍ ĐIỆN TỬ KHÔNG DỪNG, CÁC DỰ ÁN/ TRẠM THU PHÍ BOT VÀ ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG KHAI THÁC LƯỠNG DỤNG MỘT SỐ SÂN BAY

Ngày 17 tháng 5 năm 2022, tại trụ sở Bộ Giao thông vận tải, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp về vướng mắc trong triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng, các dự án/trạm thu phí BOT và đánh giá khả năng khai thác lưỡng dụng một số sân bay. Về phía Bộ Giao thông vận tải có Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cùng lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công an, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ và đại diện các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; đại diện lãnh đạo: Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội, các nhà cung cấp dịch vụ thu phí điện tử không dừng (Công ty TNHH Thu phí tự động VETC và Công ty Cổ phần giao thông số Việt Nam). Sau khi nghe Bộ Giao thông vận tải báo cáo, ý kiến phát biểu của các cơ quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành kết luận như sau:

Đánh giá cao kết quả đã đạt được trong thời gian qua của Bộ Giao thông vận tải, các cơ quan, đơn vị về triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng. Đây là cố gắng của Bộ Giao thông vận tải trong khi phải triển khai đồng thời nhiều việc, đặc biệt là công tác quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng, khôi phục hoạt động vận tải sau các đợt dịch COVID-19. Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, các tuyến đường có lưu lượng giao thông lớn đều được lắp đặt hệ thống thu phí không dừng ETC bảo đảm duy trì chỉ 01 làn thu phí hỗn hợp (làn thu phí áp dụng cả hình thức điện tử không dừng và hình thức một dừng) trên mỗi chiều lưu thông; số lượng phương tiện tham gia dán thẻ đầu cuối tăng nhanh, trong thời gian 7 tháng vừa qua đã dán được gần 2 triệu phương tiện, nâng tổng số phương tiện tham gia dịch vụ đạt khoảng gần 3 triệu (chiếm hơn 65% tổng số phương tiện trên toàn quốc). Tuy nhiên, về tổng thể mục tiêu triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng chưa đạt yêu cầu về tiến độ, đặc biệt là việc lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các dự án do VEC quản lý triển khai quá chậm; còn lúng túng trong việc xử lý sự cố kỹ thuật liên quan thu phí điện tử tại dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã gây ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân. Bên cạnh đó, việc xử lý, giải quyết các vướng mắc bất cập dự án/trạm thu phí BOT tuy đã cố gắng nhưng còn chưa triệt để, cần sự phối hợp của các ngành, các cấp để giảm tối đa ảnh hưởng đến thu hút nguồn lực đầu tư theo hình thức PPP.

Để sớm hoàn thành các mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra đối với việc triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng và sớm xử lý vướng mắc đối với các dự án/trạm thu phí BOT, trong thời gian tới Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị liên quan cần tập trung một số nội dung sau:

1. Về hệ thống điện tử không dừng ETC:

a) Yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo các Nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ thu phí ETC khẩn trương lắp đặt các làn thu phí còn lại đảm bảo tại mỗi trạm thu phí chỉ duy trì 01 làn thu phí hỗn hợp, hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 năm 2022;

b) Bộ Giao thông vận tải phối hợp Ủy ban Quản lý vốn nhà nước quyết liệt chỉ đạo VEC hoàn thành lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng, nghiêm túc rút kinh nghiệm, nhận thức rõ đây là trách nhiệm, nghĩa vụ để bảo đảm hoàn thành mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VEC phải tập trung cao để hoàn thành lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các dự án do VEC quản lý. Đến 31 tháng 7 năm 2022 nếu không triển khai sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, bao gồm cả việc xem xét việc tạm dừng thu phí (xả trạm).

c) Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai các công việc trong quá trình thực hiện của Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.

d) Các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị kỹ lưỡng phương án tổ chức giao thông, phương án xử lý các tình huống sự cố; tổ chức tuyên truyền rộng rãi để triển khai thí điểm tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ áp dụng hình thức thu phí điện tử không dừng (chỉ phục vụ các phương tiện có đủ điều kiện tham gia dịch vụ thu phí điện tử không dừng); lưu ý không được ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, doanh nghiệp trong trường hợp các trạm thu phí xảy ra sự cố liên quan đến hệ thống thu phí.

đ) Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với các Nhà đầu tư BOT, Nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng tăng cường công tác điều tiết giao thông, xử phạt nghiêm các với các phương tiện đi vào làn thu phí không dừng khi không đủ điều kiện.

e) Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ thu phí điện tử không dừng, các nhà đầu tư BOT và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường hơn nữa các giải pháp để tăng tỷ lệ phương tiện ô tô dán thẻ ETC, phấn đấu đến tháng 9 năm 2022 đạt 80% đến 90%, tiến tới thu phí hoàn toàn tự động không dừng ETC trên cả nước.

2. Về vướng mắc của các dự án/trạm thu phí BOT:

a) Cơ bản thống nhất phương án đề xuất của Bộ Giao thông vận tải để có thể giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập của các dự án/trạm thu phí BOT; bảo đảm quyền lợi, lợi ích các bên theo quy định hợp đồng đã ký và quy định pháp luật; khơi thông, thu hút nguồn lực xã hội phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

b) Bộ Giao thông vận tải khẩn trương rà soát các nội dung liên quan, đặc biệt là cơ sở pháp lý, các quy định pháp luật; làm rõ giải pháp tổ chức thực hiện để bảo đảm không gây thất thoát vốn nhà nước như ý kiến của Bộ Công an nêu tại cuộc họp; hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5 năm 2022 để báo cáo Thường trực Chính phủ, Chính phủ xem xét trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.

c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu đề xuất nguồn vốn phù hợp, khả thi trong quá trình hoàn thiện báo cáo theo quy định của pháp luật.

3. Về đánh giá khả năng khai thác lưỡng dụng đối với một số sân bay:

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan sớm khảo sát, đánh giá khả năng khai thác lưỡng dụng đối với Sân bay Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và Sân bay Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), báo cáo Phó Thủ tướng trong tháng 5 năm 2022.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Bộ: GTVT, KHĐT, TC, XD, TP, TTTT;
- Ngân Hàng Nhà nước Việt Nam;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội;
- Công ty TNHH Thu phí tự động VETC;
- Công ty Cổ phần giao thông số Việt Nam;
- VPCP: BTCN, PCN Nguyễn Cao Lục, PCN Mai Thị Thu Vân, Trợ lý TTgCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, NC, PL, TH;
- Lưu: VT, CN (2). TTH

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Mai Thị Thu Vân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 158/TB-VPCP năm 2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về vướng mắc trong triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng, các dự án/ trạm thu phí BOT và đánh giá khả năng khai thác lưỡng dụng một số sân bay do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 158/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 26/05/2022
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Mai Thị Thu Vân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/05/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản