Hệ thống pháp luật

BAN BÍ THƯ
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 154-TB/TW

Hà Nội, ngày 20 tháng 2 năm 2014

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA BAN BÍ THƯ VỀ 5 NĂM THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 24-CT/TW, NGÀY 04/7/2008 CỦA BAN BÍ THƯ KHOÁ X VỀ PHÁT TRIỂN NỀN ĐÔNG Y VIỆT NAM VÀ HỘI ĐÔNG Y TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Tại phiên họp ngày 11/02/2014, sau khi nghe Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư khoá X về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới (Tờ trình số 157-TTr/BTGTW, ngày 16/12/2013), ý kiến của các cơ quan liên quan, Ban Bí thư đã thảo luận và kết luận:

1- Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, nền đông y Việt Nam và hoạt động của Hội Đông y đã có bước phát triển. Nhận thức của cán bộ và đảng viên về vai trò, vị trí của nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân đã được nâng lên. Hệ thống quản lý và khám, chữa bệnh đông y được củng cố và phát triển; nguồn nhân lực được tăng cường. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho đội ngũ thầy thuốc đông y được đẩy mạnh. Việc nuôi trồng, chế biến, sử dụng dược liệu và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực đông y cổ truyền bước đầu đã được quan tâm và đầu tư; coi trọng hoạt động kế thừa, bảo tồn các bài thuốc đông y quý. Hội Đông y các cấp có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng; hợp tác quốc tế về y, dược cổ truyền được mở rộng.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW còn một số hạn chế sau:

+ Việc tổ chức triển khai quán triệt Chỉ thị số 24-CT/TW phần lớn mới được thực hiện ở cấp tỉnh, thành phố. Chưa huy động được sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và của toàn xã hội vào các hoạt động thúc đẩy sự phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam.

- Thực hiện chủ trương kết hợp đông y với y học hiện đại trong đào tạo và nghiên cứu khoa học y, dược hiệu quả còn hạn chế. Công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học – công nghệ trong sản xuất giống cây thuốc, phát triển nguồn gen cây thuốc, phát hiện những tính năng, tác dụng mới của các dược liệu, tiêu chuẩn hoá, sản xuất, chế biến chưa được quan tâm đầu tư thoả đáng. Công tác quy hoạch, quản lý, nuôi trồng, khai thác, chế biến và thu mua dược liệu còn nhiều hạn chế.

- Công tác bảo đảm an ninh, bí mật quốc gia về các kinh nghiệm chữa bệnh đông y hiệu quả, các bài thuốc hay, các cây, con làm thuốc quý hiếm, bảo vệ các nguồn gen chưa được quan tâm đúng mức.

- Chưa xây dựng được chiến lược phát triển thuốc nam, chiến lược và chính sách tổng thể về đào tạo nguồn nhân lực đông y, nguồn ngân sách dành cho đào tạo còn hạn chế. Các thành phần kinh tế tham gia đầu tư nghiên cứu, đào tạo nhân lực, sản xuất, kinh doanh thuốc đông y còn hạn chế. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ thầy thuốc đông y, tuyến huyện, tuyến xã chưa được quan tâm đúng mức. Vai trò của Hội Đông y trong việc phát triển nền đông y Việt Nam và tham gia quản lý hành nghề còn bất cập.

2- Để tiếp tục củng cố và phát triển nền đông y Việt Nam, Ban Bí thư yêu cầu tập trung thực hiện một số nội dung sau:

- Tiếp tục quán triệt và triển khai Chỉ thị nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí của nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Cần xác định chỉ tiêu phát triển đông y trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương.

- Sớm khắc phục các hạn chế, yếu kém, vướng mắc trong phát triển nền đông y Việt Nam và hoạt động của Hội Đông y. Tăng cường đầu tư và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đông y, nhất là việc kết hợp đông y với y học hiện đại cho các cơ sở y tế tuyến huyện và tuyến xã. Xác định và triển khai các nhiệm vụ cụ thể trong công tác quản lý nhà nước, của ngành Y tế đối với sự bảo tồn, phát triển nền đông y. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là đẩy mạnh thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ, công nhận bản quyền các bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền trên cơ sở phân tích, chứng minh khoa học. Sớm xây dựng chiến lược phát triển thuốc nam, nhất là các cây, con làm thuốc quý hiếm. Có cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế và tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho hoạt động nuôi trồng các cây, con làm thuốc, chế biến dược liệu.

- Khuyến khích mọi người dân và các tổ chức tham gia tích cực vào hoạt động phát triển nền đông y để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân ngay tại cộng đồng. Quan tâm việc thành lập, nâng cao chất lượng, các phòng khám, chẩn trị đông y, trung tâm nghiên cứu, triển khai ứng dụng, kết hợp y học hiện đại với đông y.

- Công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y, dược cần quán triệt sâu sắc quan điểm kết hợp chặt chẽ giữa đông y với y học hiện đại. Xây dựng và thực hiện chuẩn đầu ra đối với học sinh, sinh viên được đào tạo về lĩnh vực này.

3- Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để phát triển nền đông y Việt Nam. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Y tế hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị và Thông báo kết luận này, định kỳ báo cáo Ban Bí thư.

 

 

T/M BAN BÍ THƯ




Lê Hồng Anh

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 154-TB/TW năm 2014 kết luận 5 năm thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y trong tình hình mới do Ban Bí thư ban hành

  • Số hiệu: 154-TB/TW
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 20/02/2014
  • Nơi ban hành: Ban Bí thư
  • Người ký: Lê Hồng Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản