Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 126/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 26 tháng 5 năm 2011 |
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG NINH
Ngày 21 tháng 5 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Ninh; thăm Nhà máy chế tạo thiết bị nâng hạ của Xí nghiệp cơ khí Quang Trung. Cùng đi với Thủ tướng có các đồng chí: Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Hoàng Văn Phong, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng Chính phủ và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, sau khi nghe đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và một số đề nghị của Tỉnh, ý kiến bổ sung của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận như sau:
Đánh giá cao nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh trong 5 năm qua đã đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực, có nhiều cách làm hay, sáng tạo, tạo ra thế và lực mới để đưa Quảng Ninh phát triển nhanh và bền vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP bình quân 5 năm (2006-2010) đạt 12,7%; thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.330 USD; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (tỷ trọng công nghiệp và xây dựng - dịch vụ chiếm 94,2%; nông nghiệp 5,8%; tốc độ đô thị hóa 55%); huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, gắn với xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững;
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quân tâm chú trọng và có bước tiến bộ; đời sống nhân dân được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,5%; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; công tác cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, xây dựng hệ thống chính trị, cải thiện môi trường đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Tuy nhiên, Quảng Ninh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là chưa khai thác tốt, hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Tỉnh; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu; tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn cao (30%); tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng chưa bền vững, chất lượng dịch vụ chưa cao...
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Năm 2011 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, Quảng Ninh cần tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong thời gian qua, khắc phục các hạn chế, tồn tại để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; trong thời gian tới, Tỉnh cần tập trung thực hiện một số việc sau:
1. Tập trung chỉ đạo hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra của năm 2011 với tốc độ tăng trưởng trên 13%. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội theo nội dung Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn duy trì sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, du lịch và dịch vụ; đồng thời rà soát cắt giảm đầu tư công và kiểm soát chặt chẽ giá cả.
2. Để Quảng Ninh phát triển nhanh và bền vững, Tỉnh cần tập trung rà soát khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh về ngành công nghiệp khai thác than, cơ khí đóng tàu, nhiệt điện, xi măng, dịch vụ du lịch, kinh tế cửa khẩu, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư khai thác có hiệu quả các loại hình dịch vụ du lịch, Khu công nghiệp - cảng biển Hải Hà, Khu kinh tế Vân Đồn, nuôi trồng hải sản chất lượng cao và các ngành, lĩnh vực mà Tỉnh có lợi thế, phối hợp với Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam rà soát lại quy hoạch, thăm dò, đánh giá trữ lượng than để tập trung đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện nhưng cần lựa chọn công nghệ phù hợp để bảo vệ môi trường, sớm đưa Quảng Ninh là một trung tâm nhiệt điện lớn của đất nước.
3. Huy động mọi nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực: giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục - đào tạo và văn hóa xã hội; đẩy nhanh tốc độ hóa đô thị bảo đảm đồng bộ và bền vững, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có trình độ cao phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
4. Phát triển kinh tế phải gắn với giải quyết tích cực các vấn đề xã hội, y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững; phòng chống buôn lậu qua biên giới, gian lận thương mại có hiệu quả, giảm tai nạn giao thông; tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
A. Đối với một số đề nghị của Tỉnh
1. Về Sân bay Vân Đồn: đồng ý về chủ trương cho phép đầu tư theo hình thức BOT, hoặc các hình thức thích hợp khác; về nguyên tắc khi sân bay hoàn thành được đón các chuyến bay quốc tế; giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Tỉnh hoàn tất quy hoạch, đề xuất phương án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Về đầu tư kinh doanh khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài trong dự án Khu du lịch, dịch vụ và vui chơi giải trí tổng hợp quy mô lớn tại khu kinh tế Vân Đồn (trên 4 tỷ USD): đồng ý về chủ trương, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Tỉnh, báo cáo Chính phủ để xin ý kiến Bộ Chính trị.
3. Về Khu kinh tế Móng Cái - Hải Hà: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm thẩm định Đề án và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 6 năm 2011.
4. Về một số công trình giao thông:
- Tuyến đường Hạ Long nối với đường cao tốc 5B Hải Phòng: đồng ý nguyên tắc đầu tư theo hình thức nhà nước - tư nhân (PPP); Bộ Giao thông vận tải làm việc với Tỉnh để thống nhất về quy hoạch, thiết kế cơ sở.
- Tuyến đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái: Tỉnh cần tiếp tục đàm phán với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); Bộ Ngoại giao đưa nội dung này vào chương trình làm việc với Trung Quốc để ủng hộ dự án. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Tỉnh tiếp tục kêu gọi đầu tư theo các hình thức đầu tư phù hợp.
- Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thiện dự thảo Hiệp định xây dựng cầu Bắc Luân II, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với Tỉnh tiến hành đàm phàn với phía Trung Quốc.
- Về cảng biển Cẩm Phả: Giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với Tỉnh nghiên cứu phương án xây dựng cảng tổng hợp Hòn Nét trong tổng thể cụm cảng số 1; đồng thời, Tỉnh nghiên cứu khai thác có hiệu quả cảng nước sâu Cái Lân hiện có.
- Đồng ý về nguyên tắc việc chuyển giao cảng Hòn Gai cho Tỉnh Quảng Ninh quản lý và khai thác. Tỉnh làm việc thống nhất với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (VINASHIN) để xử lý cụ thể. Trường hợp có vướng mắc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
5. Về đầu tư xây dựng một số công trình kè biên giới: đồng ý, Tỉnh lựa chọn các công trình quan trọng, cấp bách ứng vốn ngân sách địa phương làm trước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí vốn kế hoạch hàng năm hoàn trả cho Tỉnh.
4. Về việc hỗ trợ có mục tiêu theo Kết luận số 47 của Bộ Chính trị: giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách nhà nước hàng năm tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành hỗ trợ cho Tỉnh.
B. Đối với đề nghị của Xí nghiệp cơ khí Quang Trung
1. Về hỗ trợ đầu tư Phòng thí nghiệm để nghiên cứu khoa học công nghệ và kiểm tra chất lượng sản phẩm: giao Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Đề án cụ thể, trong đó xác định rõ mục đích, tính chất, loại hình, cơ chế đầu tư và quy chế hoạt động của phòng thí nghiệm, cơ chế hỗ trợ, trình Thủ tướng Chính phủ.
2. Về Cảng nổi nước sâu đa năng và tàu chở ô tô: giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn Xí nghiệp cơ khí Quang Trung lập Đề án cảng nổi nước sâu đa năng và tàu chở ô tô, tính toán cụ thể các mặt về khoa học, công nghệ, nguồn vốn, địa chỉ áp dụng, hiệu quả và cơ chế, chính sách hỗ trợ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Về sáng chế sử dụng năng lượng từ sóng biển: giao Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn Xí nghiệp cơ khí Quang Trung xây dựng Dự án nghiên cứu, chế tạo, ứng dụng sáng chế vào thực tế, có đánh giá kết quả, và đề xuất cơ chế hỗ trợ cụ thể, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
4. Về vay vốn ưu đãi để hoàn thiện dây chuyền đồng bộ của Dự án chế tạo thiết bị nâng hạ: đồng ý về nguyên tắc, thực hiện theo Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm; Danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2015.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và các Bộ, ngành liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Quyết định 10/2009/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Nghị quyết 11/NQ-CP năm 2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội do Chính phủ ban hành
- 3Thông báo 213/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh do Văn phòng Chính phủ ban hành
Thông báo 126/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 126/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 26/05/2011
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Phạm Văn Phượng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 26/05/2011
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra