Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 113/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 20 tháng 03 năm 2014

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ VĂN NINH TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG VỀ CẢI CÁCH CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG, BẢO HIỂM XÃ HỘI VÀ ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG

Ngày 17 tháng 3 năm 2014, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo Tờ trình Bộ Chính trị về việc triển khai Kết luận số 63-KL/TW ngày 27 tháng 5 năm 2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về “Một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020”. Sau khi nghe Bộ Nội vụ báo cáo và ý kiến phát biểu của các thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh kết luận như sau:

1. Giao Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo để hoàn thiện dự thảo Tờ trình Bộ Chính trị, trong đó cần chú ý:

a) Về tiền lương của khu vực doanh nghiệp:

- Tiếp tục thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng phù hợp với nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp phát triển, đảm bảo việc làm cho người lao động, Khi nền kinh tế phục hồi, phát triển khá hơn thì điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng ở mức cao hơn để đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu sớm hơn.

- Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế tiền lương đối với viên chức quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước quản lý (đã quy định tại Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ), đồng thời nghiên cứu, ban hành quy định về quản lý tiền lương đối với công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước.

- Bổ sung đánh giá về thực hiện mức lương tối thiểu trong các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp dân doanh; thực hiện trả lương cho người lao động và viên chức quản lý doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần.

b) Về tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang:

- Trên cơ sở báo cáo nguồn do Bộ Tài chính cung cấp, bổ sung thêm phương án điều chỉnh mức lương cơ sở theo khả năng ngân sách;

- Thang, bảng lương theo nguyên tắc bảng lương chung; bổ sung kết quả sơ bộ việc thực hiện Kết luận số 63-KL/TW về không bổ sung thêm các loại phụ cấp mới.

c) Về các nội dung xin ý kiến Bộ Chính trị:

Hoàn thiện dự thảo Tờ trình theo hướng tiếp tục triển khai Kết luận của Trung ương; thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng đối với khu vực doanh nghiệp và mức lương cơ sở đối với khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Phối hợp với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam rà soát nhanh việc thực hiện mức lương tối thiểu trong các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp dân doanh; thực hiện trả lương cho người lao động và viên chức quản lý doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần để gửi Bộ Nội vụ tổng hợp chung vào Tờ trình.

- Hoàn chỉnh các Đề án được phân công, trong đó cần đề xuất lộ trình thực hiện các chính sách về bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công. Các nội dung chưa có kết luận của Bộ Chính trị thì trình xin định hướng, các nội dung Bộ Chính trị đã kết luận thì thực hiện theo kết luận của Bộ Chính trị.

3. Bộ Tài chính tính toán nguồn lực theo hướng tích cực, vững chắc và trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc của bố trí ngân sách, gắn với lộ trình của các Đề án về cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công và lộ trình đổi mới cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.

4. Các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương xây dựng Đề án triển khai thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực quản lý đến năm 2020, trong đó xác định rõ lộ trình, dự kiến khu vực có thể tự đảm bảo nguồn chi trả tiền lương, mức lương thực hiện; tính toán sơ bộ nguồn kinh phí tạo ra được từ việc thực hiện đổi mới cơ chế sự nghiệp có thể sử dụng để cải cách tiền lương theo tinh thần Kết luận số 63-KL/TW để gửi Bộ Tài chính rà soát, tổng hợp nguồn và gửi Bộ Nội vụ tổng hợp chung vào Tờ trình.

5. Các thành viên Ban Chỉ đạo có ý kiến, sửa trực tiếp vào dự thảo và khẩn trương gửi về Bộ Nội vụ để hoàn chỉnh Tờ trình, trình Ban cán sự đảng Chính phủ xem xét, cho ý kiến tại cuộc họp ngày 21 tháng 3 năm 2014.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng CP, các PTTg CP;
- Các Bộ: NV, TC, QP, CA, LĐTBXH, TP, KHĐT, VHTTDL, KHCN, GDĐT, Y tế;
- Ban Tổ chức TW;
- Thành viên BCĐTW về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ: TH, KGVX, TKBT; TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KTTH (3b)

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Văn Tùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 113/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 113/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 20/03/2014
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Văn Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/03/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản