- 1Chỉ thị 33/CT-TTg năm 2014 về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho Lào do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật điều ước quốc tế 2016
- 3Thông báo 40/2016/TB-LPQT hiệu lực Hiệp định về hợp tác song phương giữa Việt Nam - Lào giai đoạn 2016-2020
- 4Nghị định 86/2021/NĐ-CP quy định về việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật
BỘ NGOẠI GIAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2023/TB-LPQT | Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2023 |
THÔNG BÁO
VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC
Thực hiện quy định tại Điều 56 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:
Nghị định thư về hợp tác đào tạo giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào giai đoạn 2022 - 2027, ký tại Viên Chăn ngày 11 tháng 01 năm 2023, có hiệu lực ngày 11 tháng 1 năm 2023.
Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Nghị định thư theo quy định tại Điều 59 của Luật nêu trên./.
| TL. BỘ TRƯỞNG |
NGHỊ ĐỊNH THƯ
VỀ HỢP TÁC ĐÀO TẠO GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO
Căn cứ Thỏa thuận Chiến lược hợp tác giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào giai đoạn 2021-2030 ký ngày 28 tháng 6 năm 2021;
Căn cứ Thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030” ký ngày 06 tháng 12 năm 2020;
Căn cứ Hiệp định về hợp tác song phương giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào giai đoạn 2021-2025 ký ngày 28 tháng 6 năm 2021;
Tiếp nối tinh thần hợp tác tại Nghị định thư về hợp tác đào tạo giữa chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào ký ngày 26 tháng 4 năm 2017;
Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào (sau đây gọi là hai Bên) thỏa thuận như sau:
Điều 1
Nguyên tắc chung
1. Hai Bên giao Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào phối hợp với các cơ quan liên quan tích cực triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021 - 2030” ký ngày 06 tháng 12 năm 2020 tại Việt Nam.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào phối hợp thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 05/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực giúp Lào; tăng cường giám sát và hàng năm đánh giá công tác quản lý, sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo.
3. Các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Nghị định thư này tuân thủ quy định pháp luật hiện hành của mỗi Bên và các điều ước quốc tế mà hai nước là thành viên.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào là cơ quan quản lý toàn diện lưu học sinh Lào, du học sinh Việt Nam và các đối tượng đào tạo được quy định tại Nghị định thư này.
Điều 2
Giải thích từ ngữ
1. Lưu học sinh Lào là công dân Lào học tập, nghiên cứu tại Việt Nam các trình độ trung học phổ thông, đại học, sau đại học, thực tập và bồi dưỡng ngắn hạn.
2. Du học sinh Việt Nam là công dân Việt Nam học tập, nghiên cứu tại Lào các trình độ đại học, sau đại học, và thực tập tiếng Lào.
3. Lưu học sinh Lào, du học sinh Việt Nam diện Hiệp định được nhận học bổng do ngân sách nhà nước cấp theo kế hoạch hợp tác hàng năm giữa hai Chính phủ Việt Nam và Lào.
4. Lưu học sinh Lào, du học sinh Việt Nam diện ngoài Hiệp định được nhận học bổng từ các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tài trợ theo thỏa thuận hoặc hợp đồng giữa các bên hoặc tự chi trả kinh phí.
Điều 3
Điều kiện về tuổi
1. Độ tuổi quy định cho lưu học sinh Lào và du học sinh Việt Nam diện Hiệp định như sau:
- Bậc Trung học phổ thông: không quá 18 tuổi tính đến ngày nộp hồ sơ.
- Trình độ Đại học: không quá 35 tuổi tính đến ngày nộp hồ sơ.
- Trình độ Thạc sĩ: không quá 40 tuổi tính đến ngày nộp hồ sơ.
- Trình độ Tiến sĩ: Không hạn chế tuổi đối với ứng viên nghiên cứu ngành chính trị - hành chính và không quá 45 tuổi đối với các ngành khác tính đến ngày nộp hồ sơ.
- Các khóa bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn không quá 50 tuổi tính đến ngày nộp hồ sơ.
2. Độ tuổi quy định đối với lưu học sinh Lào và du học sinh Việt Nam diện ngoài Hiệp định thực hiện theo yêu cầu của cơ sở đào tạo, các tổ chức, cá nhân tài trợ học bổng.
Điều 4
Điều kiện về sức khỏe
1. Lưu học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam và du học sinh Việt Nam sang học tập tại Lào phải có đủ sức khỏe theo quy định hiện hành của mỗi Bên.
2. Trước khi nhập học, người học phải kiểm tra sức khỏe, nếu phát hiện mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh xã hội, dương tính với chất ma túy, nữ sinh có thai, Bộ Giáo dục hai nước sẽ trao đổi thông qua đường ngoại giao để đưa người học về nước theo điều kiện thực tế.
3. Trong thời gian học tập, người học được hưởng chế độ bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe theo quy định hiện hành của Việt Nam và Lào.
Điều 5
Yêu cầu về hồ sơ
1. Hồ sơ dự tuyển của lưu học sinh Lào đi học tại Việt Nam các diện học bổng trong và ngoài Hiệp định phải được lập thành 03 bộ (01 bộ bằng tiếng Lào và 02 bộ bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh). Hồ sơ dự tuyển bao gồm:
- Phiếu đăng ký dự tuyển;
- Sơ yếu lý lịch có dán ảnh 4x6 (ảnh chụp không quá 06 tháng);
- Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp, theo quy định hiện hành của mỗi Bên;
- Chứng thực bản sao từ bản chính giấy khai sinh;
- Chứng thực bản sao từ bản chính bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương kèm theo bảng điểm (đối với ứng viên trung học phổ thông);
- Chứng thực bản sao từ bản chính bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương kèm theo bảng điểm (đối với ứng viên đại học);
- Chứng thực bản sao từ bản chính bằng tốt nghiệp và bảng điểm đại học hoặc tương đương (đối với ứng viên học thạc sỹ);
- Chứng thực bản sao từ bản chính bằng tốt nghiệp và bảng điểm thạc sỹ và đề cương nghiên cứu (đối với ứng viên nghiên cứu sinh).
2. Hồ sơ dự tuyển của du học sinh Việt Nam đi học tại Lào các diện học bổng trong và ngoài Hiệp định phải được lập thành 03 bộ (01 bộ bằng tiếng Việt và 02 bộ bằng tiếng Lào hoặc tiếng Anh). Hồ sơ dự tuyển thực hiện theo Nghị định số 86/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật và theo quy định của phía Lào.
Điều 6
Công tác tuyển chọn lưu học sinh Lào và du học sinh Việt Nam
1. Công tác tuyển chọn lưu học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam và du học sinh Việt Nam sang học tập tại Lào diện Hiệp định được thực hiện theo Kế hoạch hợp tác hàng năm giữa Chính phủ hai nước và Kế hoạch hợp tác hàng năm giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào.
2. Lưu học sinh Lào, du học sinh Việt Nam có nhiều thành tích trong học tập, tích cực hoạt động phong trào và có kết quả tốt nghiệp đạt loại giỏi trở lên, được ưu tiên xét chuyển tiếp học bậc cao hơn nếu được Bên cử đi học đồng ý đưa vào chỉ tiêu kế hoạch đào tạo của năm tiếp theo.
3. Bên cử đi đào tạo chuyển danh sách và hồ sơ của ứng viên cho Bên tiếp nhận ít nhất 01 tháng trước ngày khai giảng khóa học.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào là cơ quan hướng dẫn thủ tục nộp hồ sơ, tiếp nhận, kiểm tra tính xác thực của hồ sơ, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xét, duyệt hồ sơ và làm quyết định gửi về các cơ sở đào tạo theo chuyên ngành đã đăng ký.
5. Căn cứ quy định hiện hành, các thông báo tuyển sinh của hai Bộ Giáo dục diện Hiệp định, các cơ sở giáo dục Việt Nam và Lào chủ động xây dựng tiêu chí tuyển sinh lưu học sinh Lào, du học sinh Việt Nam diện ngoài Hiệp định và chỉ tiếp nhận khi có đủ điều kiện nhập học theo quy định hiện hành của mỗi Bên.
Điều 7
Điều kiện học tập đối với lưu học sinh Lào
1. Tất cả lưu học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam diện Hiệp định và ngoài Hiệp định đều phải có Quyết định cử đi học của Bộ Giáo dục và Thể thao Lào.
2. Lưu học sinh Lào nếu chưa biết tiếng Việt phải học dự bị tiếng Việt tại Lào (04) bốn tháng trước khi sang Việt Nam học tiếng Việt nâng cao trong thời gian tối đa (01) một năm học. Đối với lưu học sinh diện Hiệp định chi phí học dự bị tiếng Việt tại Lào được hỗ trợ từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào hằng năm.
3. Lưu học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam cần học bằng tiếng Việt (nếu đạt trình độ tiếng Việt bậc 4 trở lên theo khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài). Lưu học sinh Lào có thể đăng ký học bằng tiếng Anh tại các chương trình phù hợp (nếu đạt trình độ tiếng Anh từ bậc 4 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương).
4. Hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào thông báo rộng rãi về các đơn vị được tổ chức thi và cấp chứng chỉ tiếng Việt theo khung năng lực tiếng Việt dành cho người nước ngoài.
5. Lưu học sinh Lào phải học tất cả các môn học theo chương trình đào tạo của ngành học đăng ký đang được triển khai tại các cơ sở giáo dục đào tạo của Việt Nam (trừ môn học quốc phòng, an ninh).
6. Các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, sinh viên Lào được học thông qua phiên dịch.
7. Lưu học sinh Lào bậc trung học phổ thông:
- Thi tốt nghiệp trung học phổ thông được cộng điểm ưu tiên như học sinh trung học phổ thông Việt Nam thuộc diện 3 theo Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam;
- Trong quá trình học chương trình trung học phổ thông, lưu học sinh Lào diện Hiệp định được phép kéo dài thời gian họp tập và được cấp kinh phí tối đa 12 tháng. Nếu quá thời gian trên, lưu học sinh phải tự chịu trách nhiệm mọi chi phí phát sinh.
8. Lưu học sinh Lào học đại học, thạc sĩ, tiến sĩ:
- Đối với các ngành nghệ thuật, kiến trúc, mỹ thuật, xiếc và thể thao tại Việt Nam đều phải qua kiểm tra năng khiếu do Bộ Giáo dục và Thể thao Lào tổ chức.
- Sau khi hoàn thành chương trình học dự bị tiếng, lưu học sinh Lào phải tham dự kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Việt nếu đạt yêu cầu (đạt trình độ tiếng Việt bậc 4 trở lên theo khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài) sẽ được vào học tại các cơ sở đào tạo của Việt Nam. Trong trường hợp không đạt yêu cầu về trình độ tiếng Việt, lưu học sinh được phép học lại tối đa không quá 12 tháng và phải tự chịu trách nhiệm về mọi chi phí phát sinh trong thời gian học lại tiếng Việt.
- Đối với lưu học sinh Lào học đại học diện Hiệp định: được phép kéo dài thời gian học tập và được cấp kinh phí tối đa 12 tháng.
- Đối với lưu học sinh Lào học thạc sĩ diện Hiệp định: được phép kéo dài thời gian học tập và được cấp kinh phí tối đa 06 tháng.
- Đối với lưu học sinh Lào học tiến sĩ diện Hiệp định: được phép kéo dài thời gian học tập và được cấp kinh phí tối đa 12 tháng.
Điều 8
Điều kiện học tập đối với du học sinh Việt Nam
1. Du học sinh Việt Nam sang học tập tại Lào phải học bằng tiếng Lào. Nếu chưa biết tiếng Lào phải học dự bị tiếng Lào tại Lào (01) một năm học. Du học sinh diện Hiệp định được hỗ trợ kinh phí từ Chính phủ Lào và cấp bù sinh hoạt phí, phí đi lại của Chính phủ Việt Nam theo quy định.
2. Du học sinh Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình học dự bị tiếng Lào (đạt trung bình chung từ 3.0 theo thang điểm 4.0 của phía Lào trở lên) sẽ được vào học chuyên ngành tại các cơ sở đào tạo của Lào. Trong trường hợp không đạt yêu cầu về trình độ tiếng Lào, du học sinh được phép học lại tối đa không quá 12 tháng và phải tự chịu trách nhiệm về mọi chi phí phát sinh trong thời gian học lại tiếng Lào.
3. Trong quá trình đào tạo, các cơ sở đào tạo cần xây dựng chương trình đào tạo bổ sung kiến thức tiếng Lào chuyên ngành cho du học sinh Việt Nam.
4. Du học sinh Việt Nam phải học tất cả các môn học theo chương trình đào tạo đang được triển khai tại các cơ sở giáo dục đào tạo của Lào (trừ môn học quốc phòng, an ninh).
Điều 9
Quyền lợi và nghĩa vụ của người học
1. Tất cả lưu học sinh Lào học tập tại Việt Nam và du học sinh Việt Nam học tập tại Lào có quyền như sau:
- Bình đẳng về học tập như đối với công dân nước sở tại trừ môn học quốc phòng, an ninh;
- Tham gia mọi hoạt động hợp pháp theo quy định của nước sở tại;
- Hướng mọi quyền lợi theo quy định hiện hành của nước sở tại.
2. Nghĩa vụ của lưu học sinh Lào và du học sinh Việt Nam:
- Phải đăng ký trực tuyến trên hệ thống quản lý của Bộ Giáo dục hai nước trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày nhập học;
- Tuân thủ pháp luật và phong tục tập quán của nước sở tại;
- Thực hiện nghiêm túc các quy định của cơ sở đào tạo;
- Thực hiện nghiêm túc các quy định của ký túc xá và nơi cư trú;
- Góp phần tăng cường tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào và tình hữu nghị quốc tế.
Điều 10
Một số thỏa thuận khác
1. Hai Bên thống nhất đưa môn lịch sử mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam thành môn học (có thể là môn tự chọn) hoặc học theo chuyên đề, trải nghiệm ở các bậc học, các trường học tại Việt Nam và Lào.
2. Hai Bên tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ học lập và sinh hoạt của người học phù hợp với khả năng ngân sách của mỗi Bên.
3. Hai Bên thống nhất tiếp tục cử giáo viên Việt Nam sang giảng dạy tiếng Việt cho cán bộ các Bộ, ngành và học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục của Lào. Phía Lào chủ động phối hợp với phía Việt Nam trong việc đào tạo giáo viên dạy tiếng Việt để từng bước thay thế các giáo viên Việt Nam.
4. Hai Bên tiếp tục triển khai chương trình dạy song ngữ Lào - Việt tại Trường Song ngữ Nguyễn Du, Thủ đô Viêng Chăn và các trường phổ thông của Lào có nhu cầu và đủ điều kiện thực hiện.
5. Hai Bên đồng ý coi môn tiếng Việt là môn ngoại ngữ tự chọn thứ 2, được tổ chức dạy - học phù hợp theo điều kiện thực tế tại các cơ sở giáo dục của Lào, từng bước xem xét tiếng Việt là môn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông khi đủ các điều kiện thực hiện.
6. Hai bên thống nhất sử dụng bộ sách dạy tiếng Việt do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam biên soạn giai đoạn 2017 - 2021 tại tất cả các cơ sở giáo dục có dạy tiếng Việt tại Lào.
7. Hai Bên đồng ý tạo điều kiện thuận lợi cho con em người gốc Việt Nam định cư ở Lào có đủ điều kiện sang học tập tại Việt Nam như đối với học sinh Lào.
Điều 11
Giải quyết Sự bất đồng
Mọi sự bất đồng phát sinh trong quá trình triển khai được thực hiện, được giải quyết bằng thương lượng giữa hai bên.
Điều 12
Điều khoản cuối cùng
1. Nghị định thư hợp tác này có hiệu lực trong thời hạn 05 năm kể từ ngày ký. Nghị định thư có thể được sửa đổi, bổ sung theo sự thỏa thuận giữa hai Bên. Văn bản sửa đổi, bổ sung là một phần không tách rời của Nghị định thư.
2. Trong trường hợp Nghị định thư hết hiệu lực, các hoạt động hợp tác đang được triển khai trong khuôn khổ Nghị định thư vẫn tiếp tục được diễn ra cho đến khi các hoạt động này kết thúc.
3. Mỗi Bên có thể thông báo ý định về việc chấm dứt hiệu lực của Nghị định thư bằng cách thông báo cho Bên kia bằng văn bản qua đường ngoại giao trước 06 (sáu) tháng.
4. Làm tại Thủ đô Viêng Chăn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, ngày 11 tháng 01 năm 2023, thành 02 bản gốc, bằng tiếng Việt và tiếng Lào, các văn bản có giá trị pháp lý như nhau, mỗi bên giữ 01 bản.
THAY MẶT CHÍNH PHỦ | THAY MẶT CHÍNH PHỦ |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
- 1Thông báo hiệu lực của Thỏa thuận Hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam và Ô-xtrây-li-a
- 2Thông báo 25/2017/TB-LPQT hiệu lực Nghị định thư về hợp tác đào tạo giữa Việt Nam - Lào do Bộ ngoại giao ban hành
- 3Thông báo 11/2020/TB-LPQT hiệu lực của Thỏa thuận hợp tác về giáo dục giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục, Thanh niên và Khoa học Bun-ga-ri giai đoạn 2019-2023
- 1Thông báo hiệu lực của Thỏa thuận Hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam và Ô-xtrây-li-a
- 2Chỉ thị 33/CT-TTg năm 2014 về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho Lào do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Luật điều ước quốc tế 2016
- 4Thông báo 40/2016/TB-LPQT hiệu lực Hiệp định về hợp tác song phương giữa Việt Nam - Lào giai đoạn 2016-2020
- 5Thông báo 25/2017/TB-LPQT hiệu lực Nghị định thư về hợp tác đào tạo giữa Việt Nam - Lào do Bộ ngoại giao ban hành
- 6Thông báo 11/2020/TB-LPQT hiệu lực của Thỏa thuận hợp tác về giáo dục giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục, Thanh niên và Khoa học Bun-ga-ri giai đoạn 2019-2023
- 7Nghị định 86/2021/NĐ-CP quy định về việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật
Thông báo 02/2023/TB-LPQT hiệu lực của Nghị định thư về hợp tác đào tạo giữa Việt Nam - Lào giai đoạn 2022-2027
- Số hiệu: 02/2023/TB-LPQT
- Loại văn bản: Điều ước quốc tế
- Ngày ban hành: 11/01/2023
- Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Người ký: Nguyễn Kim Sơn, Phout Simmalavong
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 11/01/2023
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực