Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 134-TTg

Hà Nội, ngày 04 tháng 04 năm 1957 

 

THỂ LỆ TẠM THỜI

VỀ VIỆC LẬP VÀ XÉT DUYỆT KẾ HOẠCH THU CHI TÀI VỤ CỦA XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH

Điều 1. – Để hạch toán được chính xác số vốn cần thiết cho việc kinh doanh sản xuất và kiến thiết cơ bản, đồng thời sử dụng hợp lý toàn bộ nguồn tài chính của các ngành, các Bộ chủ quản xí nghiệp, các cơ quan chủ quản xí nghiệp và các xí nghiệp quốc doanh cơ sở (xí nghiệp quốc doanh nói trong thể lệ này là kể cả đơn vị kiến thiết) thi hành chế độ hạch toán kinh tế, đều phải theo quy định của thể lệ này mà lập ra kế hoạch thu chi tài vụ về tầt cả các khoản thu chi của xí nghiệp trong mỗi kỳ kế hoạch.

Các xí nghiệp quốc doanh cơ sở nào chưa có điều kiện thi hành chế độ hạch toán kinh tế thì chỉ lập bảng thăng bằng thu chi tài vụ đơn giản.

Điều 2. – Kế hoạch thu chi tài vụ của xí nghiệp quốc doanh phải căn cứ vào những chỉ tiêu trong kế hoạch kinh tế quốc dân sau đây của xí nghiệp: kế hoạch sản xuất, kế hoạch tiêu thụ, kế hoạch giá thành, kế hoạch lao động, kế hoạch tiền lương, kế hoạch cung cấp vật tư, kế hoạch kiến thiết cơ bản và phải căn cứ vào nhiệm vụ hạ giá thành, nhiệm vụ tăng tốc luân chuyển vốn lưu động để lập kế hoạch thu chi tài vụ, không được làm cao hơn hoặc thấp hơn.

Điều 3. – Các Bộ chủ quản xí nghiệp phải theo đúng bảng mẫu kế hoạch thu chi tài vụ do Bộ Tài chính quy định để tổng hợp và lập dự thảo kế hoạch thu chi tài vụ. Các cơ quan chủ quản xí nghiệp và các xí nghiệp cơ sở có thể tùy theo tính chất khác nhau mà theo bảng mẫu thống nhất của Bộ Tài chính hoặc theo bảng mẫu do Bộ chủ quản xí nghiệp quy định riêng sau khi được Bộ Tài chính đồng ý để lập kế hoạch thu chi tài vụ.

Điều 4. - Trình tự lập và xét duyệt kế hoạch thu chi tài vụ như sau:

1) Tất cả xí nghiệp quốc doanh cơ sở thi hành chế độ hạch toán kinh tế đều phải làm dự thảo kế hoạch thu chi tài vụ và bản giải thích cách lập kế hoạch ấy rồi gửi lên cơ quan chủ quản xí nghiệp cấp trên hai bản.

2) Cơ quan chủ quản xí nghiệp phải xét dự thảo kế hoạch thu chi tài vụ của các xí nghiệp cơ sở của mình, nếu thấy giá thành sản phẩm thương phẩm, lãi tiền khấu hao, mức vốn lưu động, khoản chi tiết về kiến thiết cơ bản v.v…không sát với thực tế hay tính nhầm thì phải sửa lại, và tổng hợp lập dự thảo kế hoạch thu chi tài vụ và bản giải thích cách lập kế hoạch ấy của cơ quan chủ quản xí nghiệp, gửi lên Bộ chủ quản xí nghiệp hai bản.

Trường hợp cơ quan chủ quản xí nghiệp kiêm việc cung cấp và tiêu thụ, thì phần kinh doanh ấy coi như một đơn vị xí nghiệp cơ sở riêng khi lập dự thảo kế hoạch thu chi tài vụ.

Khi cơ quan chủ quản xí nghiệp gửi dự thảo nói trên cho Bộ chủ quản xí nghiệp thì đồng thời phải sao gửi một bản dự thảo ấy cho Bộ Tài chính và kèm theo một bản dự thảo kế hoạch kinh tế quốc dân.

3) Bộ chủ quản xí nghiệp phải xét dự thảo kế hoạch thu chi tài vụ của cơ quan chủ quản xí nghiệp của mình, nếu thấy giá thành thương phẩm, lãi, tiền khấu hao, mức vốn lưu động, khoản chi về kiến thiết cơ bản v.v… không sát với thực tế hay tính nhầm thì phải sửa lại, và tổng hợp lập dự thảo kế hoạch thu chi tài vụ và bản giải thích cách lập kế hoạch ấy của Bộ chủ quản xí nghiệp, gửi đến Bộ Tài chính hai bản kèm theo một bản dự thảo kế hoạch kinh tế quốc dân của Bộ. Đồng thời Bộ chủ quản xí nghiệp cũng phải gửi một bản dự thảo kế hoạch thu chi tài vụ cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.

4). Thủ trưởng và cán bộ phụ trách tài vụ của Bộ chủ quản xí nghiệp, cơ quan chủ quản xí nghiệp và xí nghiệp cơ sở phải ký và đóng dấu vào dự thảo kế hoạch thu chi tài vụ của mình.

Điều 5. - Các xí nghiệp cơ sở, các cơ quan chủ quản xí nghiệp, các Bộ chủ quản xí nghiệp, khi lập và xét kế hoạch thu chi tài vụ, phải kết hợp việc nghiên cứu và cải tiến công tác quản lý kinh doanh, đảm bảo nghiêm chỉnh thi hành các công việc dưới đây:

1) Hạch toán toàn bộ thu chi cho chính xác, khai thác các lực lượng tiềm tàng, động viên hết thảy các nguồn vốn nội bộ.

2) Nâng cao hiệu suất lao động, hạ giá thành sản xuất, tiết kiệm phí tổn lưu thông hàng hóa, cải tiến quy cách, chất lượng để hoàn thành nhiệm vụ tích lũy vốn cho Nhà nước.

3) Động viên nguồn vốn nội bộ của đơn vị kiến thiết cơ bản, giảm bớt phí tổn linh tinh, tiết kiệm vật liệu xây dựng để hạ giá thành công trình xây dựng mở rộng quy mô kiến thiết cơ bản.

4) Quy định vốn lưu động cho chính xác, tăng tốc độ luân chuyển vốn lưu động trên cơ sở cải tiến công tác sản xuất, cung cấp và tiêu thụ.

5) Cải tiến công tác bộ phận quản lý xí nghiệp, triệt để thực hiện tiết kiệm để giảm bớt phí tổn quản lý xí nghiệp.

6) Giá các sản phẩm và các thứ vật liệu khi lập kế hoạch phải tính theo giá của Nhà nước thống nhất quy định. Nếu không có giá thống nhất quy định thì sẽ căn cứ theo giá thực tế khi lập kế hoạch, không được nâng cao giá mua vật liệu, định thấp giá bán sản phẩm.

Điều 6. – Ngày, tháng gửi kế hoạch thu chi tài vụ do Bộ Tài chính cùng với các Bộ có liên quan căn cứ vào tình hình khác nhau của mỗi năm để quy định cụ thể.

Điều 7. – Bộ Tài chính xét kỹ dự thảo kế hoạch thu chi tài vụ của Bộ chủ quản xí nghiệp lập ra, nếu thấy kế hoạch giá thành sản phẩm thương phẩm, lãi, tiền khấu hao, mức vốn lưu động, khoản chi về kiến thiết cơ bản, v.v… không sát với thực tế hay tính nhầm thì phải sửa lại. Đồng thời Bộ Tài chính căn cứ vào dự thảo kế hoạch thu chi tài vụ của các Bộ chủ quản xí nghiệp đã được sửa lại để xác định số tiền cấp phát của dự toán Nhà nước cho từng Bộ chủ quản xí nghiệp và xác định số tiền của mỗi Bộ chủ quản xí nghiệp phải nộp cho dự toán Nhà nước, để ghi vào dự thảo tổng dự toán Nhà nước.

Tất cả những khoản cấp phát của dự toán Nhà nước cấp cho Bộ chủ quản xí nghiệp và tất cả những khoản nộp cho dự toán Nhà nước của Bộ chủ quản xí nghiệp ghi trong dự thảo tổng dự toán Nhà nước phải khớp với những con số ghi trong kế hoạch thu chi tài vụ đã được Bộ Tài chính sửa lại.

Bộ Tài chính cần trình lên Thủ tướng phủ bản dự thảo tổng dự toán Nhà nước kèm theo dự thảo kế hoạch thu chi tài vụ để xét duyệt.

Điều 8. – Sau khi dự thảo tổng dự toán Nhà nước đã được Thủ tướng phủ duyệt, thì Bộ Tài chính sẽ duyệt kế hoạch thu chi tài vụ của các Bộ và thông tri cho từng Bộ chủ quản xí nghiệp để thi hành. Các Bộ chủ quản xí nghiệp căn cứ theo kế hoạch thu chi tài vụ đã được duyệt, để duyệt kế hoạch thu chi tài vụ của các cơ quan chủ quản xí nghiệp và thông tri cho từng cơ quan chủ quản xí nghiệp để thi hành. Các cơ quan xí nghiệp căn cứ theo kế hoạch thu chi tài vụ đã được duyệt để duyệt kế hoạch thu chi tài vụ của các xí nghiệp cơ sở và thông tri cho từng xí nghiệp cơ sở để thi hành.

Điều 9. – Để xét duyệt kế hoạch thu chi tài vụ, Bộ Tài chính được quyền hỏi, xem và nghiên cứu mọi tài liệu có liên quan cần thiết cho việc xét duyệt như báo biểu kế toán, các kế hoạch và các báo biểu thống kê v.v… của các Bộ chủ quản xí nghiệp, cơ quan chủ quản xí nghiệp và các xí nghiệp cơ sở.

Bộ Tài chính cần phái cán bộ đến xí nghiệp cơ sở, cơ quan chủ quản xí nghiệp, và các Bộ chủ quản xí nghiệp để tìm hiểu và kiểm tra tình hình lập dự thảo thu chi tài vụ tại chỗ; nếu cần Bộ Tài chính có thể nêu những kiến nghị với cơ quan sở quan.

Điều 10. – Nếu đã bắt đầu vào năm kế hoạch mà dự thảo tổng dự toán Nhà nước chưa được duyệt, thì sau khi đựợc Bộ Tài chính đồng ý, các Bộ chủ quản xí nghiệp có thể thông tri cho các cơ quan chủ quản xí nghiệp và các xí nghiệp cơ sở tạm thời thi hành theo như dự thảo kế hoạch thu chi tài vụ. Chi về kiến thiết cơ bản thì có thể tạm thời thi  hành theo con số kiểm tra về cấp phát Nhà nước đã ban bố.

Điều 11. – Sau khi kế hoạch thu chi tài vụ của Bộ chủ quản xí nghiệp đã được duyệt, nếu vì thay đổi kế hoạch sản xuất, cung cấp, tiêu thụ và kế hoạch kiến thiết cơ bản mà phải tăng thêm hoặc giảm bớt khoản tiền nộp cho dự toán và khoản cấp phát của dự toán thì phải theo trình tự lập và xét duyệt kế hoạch thu chi tài vụ đã quy định để đề nghị và xét duyệt.

Điều 12. – Khi xí nghiệp cơ sở nhận được kế hoạch thu chi tài vụ đã được duyệt thì phải sao gửi cho Ngân hàng quốc gia ở nơi mà xí nghiệp mở tài khoản những con số trong bảng kế hoạch thu chi tài vụ mà Ngân hàng quốc gia cần thiết để lập kế hoạch về tiền. Ngoài ra khi đơn vị kiến thiết nhận được kế hoạch thu chi tài vụ đã được duyệt thì còn phải sao gửi cho Ngân hàng cấp phát kiến thiết cơ bản ở địa phương những bảng có liên quan mà cơ quan cầp phát cần thiết để giám đốc việc cấp phát kiến thiết cơ bản.

Điều 13. – Các Bộ chủ quản xí nghiệp, các cơ quan chủ quản xí nghiệp và các xí nghiệp cơ sở có trách nhiệm xét, lập cho chính xác và nộp kịp thời bảng kế hoạch thu chi tài vụ. Nếu có những hành động cố ý nâng cao giá thành kế hoạch, hạ thấp lợi nhuận kế hoạch, kéo dài kỳ luân chuyển vốn lưu động, v.v…, làm ảnh hưởng tới kế hoạch kinh tế quốc dân và làm cho việc chấp hành tổng dự toán Nhà nước không được chính xác, thì các cơ quan có liên quan sẽ truy cứu trách nhiệm và tùy trường hợp lỗi nặng nhẹ mà xét xử những người phạm lỗi.

Điều 14.- Bộ Tài chính và các Bộ chủ quản xí nghiệp chịu trách nhiệm thi hành thể lệ này.

Đối với các xí nghiệp quốc doanh do địa phương quản lý thì Ủy ban Hành chính tỉnh, thành phố, khu Tự trị, sẽ căn cứ vào thể lệ này để quy định cụ thể việc lập và xét duyệt kế hoạch thu chi tài vụ cho sát tình hình, báo cáo với Bộ Tài chính để duyệt y rồi thi hành.

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ



 
Phạm Văn Đồng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thể lệ tạm thời số 134-TTg về việc lập và xét duyệt kế hoạch thu chi tài vụ của xí nghiệp quốc doanh do Phủ Thủ tường ban hành

  • Số hiệu: 134-TTg
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 04/04/1957
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản