NGÂN HÀNG QUỐC GIA | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 5261-TL/VB | Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 1958 |
THỂ LỆ
VỀ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN GIỮ VÀNG CHO NHÂN DÂN
Căn cứ điều 1 nghị định số 355-TTg ngày 16-07-1958 của Thủ tướng Chính phủ cấm các hiệu tư doanh và tư nhân không được buôn bán, tập trung có mục đích đầu cơ, xuất nhập khẩu các loại kim khí quý, ngọc trai và dùng các loại ấy để trao đổi, cầm cố, thanh toán nợ nần.
Căn cứ điều 7 nghị định nói trên quy định: “Mọi người đều có quyền cất giữ kim khí quý, ngọc trai, Ngân hàng quốc gia Việt Nam sẽ quy định thể lệ cấp giấy chứng nhận để bảo vệ quyền lợi cho người cất giữ và tránh sự gian lậu”.
Căn cứ điều 18 Thể lệ quản lý kim khí quý, đá quý, ngọc trai số 2154-TL/VB ngày 01-08-1958 của Ngân hàng quốc gia Việt Nam.
Căn cứ chỉ thị số 532-TTg ngày 11-12-1958 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp giấy chứng nhận giữ vàng cho nhân dân.
Để tăng cường việc quản lý vàng đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của những người có vàng.
Ngân hàng quốc gia Việt Nam quy định thể lệ cấp giấy chứng nhận giữ vàng cho nhân dân như sau:
Điều 1. – Những người Việt Nam hay kiều dân cư trú trên đất nước Việt Nam có số vàng từ 5 đồng cân tức 18 gờ-ram 75 trở lên (kể cả vàng ta và vàng tây) không kể đã làm thành đồ trang sức hay còn là vàng lá, vàng thoi, vàng nén, vàng vụn, vàng cốm, tiền vàng đúc từ các thời đại trước, v.v… đều phải xin giấy chứng nhận cất giữ.
Điều 2. – Giấy chứng nhận do Ngân hàng quốc gia hoặc cơ quan được ủy nhiệm cấp chỉ có giá trị hợp pháp về cất giữ vàng, không có giá trị cho việc vận chuyển, nhưng là một giấy tờ hợp pháp cần thiết phải có khi xin cấp giấy vận chuyển vàng. Những người có số vàng từ 5 đồng cân trở lên mà không có giấy chứng nhận thì coi là cất giữ vàng không hợp pháp, và phải xử lý theo điều 8 của nghị định số 355-TTg ngày 16-07-1958 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 3. – Muốn được cấp giấy chứng nhận cất giữ vàng, người có vàng phải kê khai đúng số vàng và các loại vàng mình hiện có, họ tên và địa chỉ với Ngân hàng quốc gia địa phương hoặc với Ủy ban hành chính khu phố, hay Ủy ban Hành chính xã nơi mình cư trú mà đã được Ngân hàng quốc gia ủy nhiệm việc cấp giấy chứng nhận.
Điều 4. – Những người có vàng, ở khu phố nào hoặc xã nào thì sẽ kê khai với Ủy ban Hành chính khu phố hoặc Ủy ban hành chính xã đó để xin cấp giấy chứng nhận cất giữ. Những người có nhiều vàng: ở Hà Nội từ 5 lạng trở lên, ở Hải Phòng và Nam định từ 2 lạng trở lên, ở các tỉnh khác từ 1 lạng trở lên, muốn trực tiếp xin giấy chứng nhận tại Ngân hàng, thì phải đến kê khai tại trụ sở Ngân hàng quốc gia nơi mình ở.
Điều 5. – Mỗi người có vàng chỉ được kê khai ở một nơi và một lần: người đã kê khai ở Ủy ban hành chính thì không kê khai tại Ngân hàng quốc gia và ngược lại, một số vàng của một người chỉ được kê khai và xin cấp một giấy chứng nhận, trừ trường hợp thay đổi nói ở điều 7 bản thể lệ này.
Điều 6. – Những trẻ em và những người vị thành niên, nếu có đeo đồ trang sức bằng vàng thì số tư trang đó coi như của cha mẹ và cha mẹ chịu trách nhiệm kê khai vào phần của mình.
Trường hợp không có cha mẹ (chết hoặc vắng mặt lâu ngày không có liên lạc) thì việc kê khai để cấp giấy chứng nhận giữ vàng do các em và người vị thành niên đó đứng khai và sẽ do chính quyền địa phương xét và quyết định ai sẽ đứng tên nhận cấp giấy chứng nhận giữ vàng cho hợp.
Điều 7. – Sau khi đã được cấp giấy chứng nhận rồi mà có sự thay đổi về số lượng và hình thức khối vàng như: cho nhau, chia gia tài, mua thêm, bán bớt, đem vàng nguyên đánh thành đồ trang sức, v.v… thì người có vàng phải đến Ngân hàng quốc gia xin chứng nhận sự thay đổi. Nếu là trường hợp cho nhau thì phải khai rõ: cho người nào, ở đâu, lý do cho, nếu là chia gia tài thì phải xuất trình giấy chia gia tài có chính quyền chứng thực.
Những người mới mua thêm, được người khác cho, hoặc được chia gia tài; v.v… nếu số vàng cộng lại từ 5 đồng cân trở lên phải đến ngay Ngân hàng quốc gia để xin cấp giấy chứng nhận cất giữ.
Điều 8. – Việc kê khai để cấp giấy chứng nhận nhận đợt đầu đối với mỗi tỉnh hay thành phố, chỉ tiến hành trong thời hạn nhất định do Ủy ban Hành chính tỉnh hay thành phố quyết định và loan báo cho nhân dân biết trước.
Trong đợt kê khai này nếu người nào không có lý do chính đáng mà không kê khai thì coi như là đã từ chối kê khai, sau này không được kê khai nữa, số vàng cất giữ sẽ coi là không hợp pháp và người có vàng có thể bị trường phạt như đã nói ở điều 2.
Điều 9. – Những người cố ý làm sai các điều quy định trong thể lệ này, gây khó khăn, tuyên truyền xuyên tạc làm cho nhân dân hoang mang hoặc xúi giục chống lại việc thực hiện chủ trương này của Chính phủ, sẽ tùy trường hợp nặng nhẹ, đưa ra truy tố trước pháp luật.
Điều 10. – Ủy ban Hành chính các thành phố, và các tỉnh có trách nhiệm vạch kế hoạch tuyên truyền giải thích và biện pháp, thực hiện, kết hợp với các cơ quan Quân, Dân, Chính, Đảng và lãnh đạo chặt chẽ chi nhánh Ngân hàng quốc gia địa phương để bảo đảm thi hành tốt chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và bản thể lệ này.
Điều 11. – Bản thể lệ này do Ngân hàng quốc gia Việt Nam trung ương ban hành và có hiệu lực kể từ ngày công bố và sẽ do Ngân hàng quốc gia Việt Nam trung ương bổ sung hoặc thay đổi.
| TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG QUỐC GIA VIỆT NAM |
- 1Nghị định 355-TTg năm 1958 quy định việc quản lý các loại kim khí quý, đá quý, ngọc trai do Thủ Tướng ban hành.
- 2Chỉ thị 532-TTg năm 1958 về việc cấp giấy chứng nhận giữ vàng cho nhân dân kê khai vàng do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
- 3Nghị định 631-TTg năm 1955 về quản lý vàng bạc do Thủ Tướng ban hành.
- 4Chỉ thị 223PH/VB năm 1958 hướng dẫn cấp giấy chứng nhận giữ vàng do Ngân hàng Quốc gia ban hành
Thể lệ 5261-TL/VB năm 1958 về cấp giấy chứng nhận giữ vàng cho nhân dân do Tổng giàm đốc Ngân hàng Quốc gia ban hành
- Số hiệu: 5261-TL/VB
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 12/12/1958
- Nơi ban hành: Ngân hàng quốc gia
- Người ký: Lê Viết Lượng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 1
- Ngày hiệu lực: 07/01/1958
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định