Hệ thống pháp luật

SẮC LỆNH

CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ SỐ 7/SL NGÀY 20 THÁNG 1 NĂM 1950

CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ HỒ CHÍ MINH

Chiểu Sắc lệnh số 57-SL ngày 3 tháng 5 năm 1946 quy định việc tổ chức các Văn phòng, các Nha và cơ quan thanh tra ở các Bộ,

Theo quyết nghị của Hội đồng Chính phủ;

RA SẮC LỆNH:

Điều 1: Văn phòng các Bộ và các cơ quan trực thuộc các Bộ, trừ Bộ Quốc phòng, nay tổ chức lại như sau:

I- Văn phòng:

Điều 2: Nay hợp nhất Văn phòng và Sự vụ các Bộ thành một bộ phận duy nhất gọi là Văn phòng Bộ.

Điều 3: Đứng đầu Văn phòng có một Đổng lý Văn phòng và có thể có một hay hai Phó đổng lý.

Đổng lý và Phó đổng lý Văn phòng do sắc lệnh bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng.

Điều 4: Những chức Đổng lý Sự vụ, Phó đổng lý Sự vụ, Chánh Văn phòng, Phó Văn phòng và Tham chính Văn phòng các Bộ từ nay bãi bỏ.

Điều 5: Văn phòng mỗi Bộ chia ra thành nhiều phòng.

Bốn phòng đầu chung cho các Bộ gọi theo số thứ tự là: Phòng 1, Phòng 2, Phòng 3 và Phòng 4.

Nhiệm vụ của các Phòng này ấn định như sau:

Phòng 1: Công văn đến, đi; mật mã; giao thông liên lạc; lưu trữ công văn; quản lý; vật liệu; tiếp tân, khánh tiết; hội nghị; khen thưởng và những việc linh tinh không thuộc phạm vi các phòng khác.

Phòng 2: Nhân sự; tài chính, ngân sách kế toán.

Phòng 3: Những việc có tính cách chung: kế hoạch; tuyên huấn; thi đua ái quốc; làm báo cáo; pháp chế; tu thư, thư viện; báo chí; thống kê.

Phòng 4: Theo dõi các công tác do Bộ hay các cơ quan thuộc Bộ nói ở điều 9 và điều 11; phụ trách những việc có tính cách chuyên môn một phần nào nhưng không quan trọng đến mức phải đặt một phòng riêng.

Điều 6: Ngoài bốn phòng chính nói ở điều 5, mỗi Bộ có thể tổ chức thêm một số phòng khác phụ trách những công tác đặc biệt riêng cho Bộ ấy mà xét chưa đến mức quan trọng để tổ chức thành một bộ phận đặt ngoài Văn phòng.

Những phòng này do nghị định của Bộ trưởng thiết lập sau khi được Hội đồng Chính phủ chuẩn y.

Điều 7: Mỗi phòng sẽ có một Trưởng phòng và, nếu cần, một Phó trưởng phòng.

Trưởng phòng và Phó trưởng phòng do nghị định của Bộ trưởng bổ nhiệm.

Điều 8: Các Bộ trưởng và Thứ trưởng có thể có mỗi người một Bí thư giúp việc.

Bí thư Bộ trưởng và Bí thư Thứ trưởng do nghị định Bộ trưởng bổ nhiệm.

II- Các Nha, Sở, Vụ, Viện:

Điều 9: Nha là một tổ chức phụ trách một ngành công tác của Bộ, có hệ thống dọc xuống địa phương.

Sở là một tổ chức chuyên về quốc gia kinh doanh.

Vụ là một tổ chức phụ trách một ngành công tác không có hệ thống dọc xuống địa phương.

Viện là một tổ chức có tính chất khảo cứu.

Các Nha, Sở, Vụ và Viện đều do sắc lệnh thành lập.

Điều 10:

Đứng đầu mỗi Nha, Sở, Vụ và Viện là một Giám đốc, và một Phó Giám đốc nếu cần.

Giám đốc và Phó Giám đốc đều do sắc lệnh bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng.

III- Các cơ quan khác trực thuộc Bộ:

Điều 11: Các Bộ có thể có những bộ phận trực thuộc khác như các Hội đồng, Ban, Đoàn, các Trường chuyên môn.

Điều 12: Các Hội đồng và các Trường chuyên môn, tuỳ theo sự quan trọng, sẽ do sắc lệnh hay nghị định thiết lập.

Các Ban, Đoàn đều do nghị định thiết lập.

Điều 13: Các điều khoản trái với sắc lệnh này, trừ sắc lệnh số 50-SL ngày 18 tháng 6 năm 1949 tổ chức Bộ Quốc phòng, đều bãi bỏ.

Điều 14: Các vị Bộ trưởng chiểu Sắc lệnh thi hành.

 

Hồ Chí Minh

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Sắc lệnh số 7/SL về việc tổ chức Văn phòng các bộ và các cơ quan trực thuộc các bộ do Chủ tịch nước Việt nam Dân chủ cộng hoà ban hành

  • Số hiệu: 7/SL
  • Loại văn bản: Sắc lệnh
  • Ngày ban hành: 20/01/1950
  • Nơi ban hành: Chủ tịch nước
  • Người ký: Hồ Chí Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/02/1950
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản