Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
---------

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------------

Số: 52

Hà Nội, ngày 22 tháng 4 năm 1946

 

SẮC LỆNH

CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Chiểu đề nghị của Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp,

Sau khi Hội đồng Chính phủ đã thoả hiệp;

RA SẮC LỆNH:

Điều 1. Hội là một đoàn thể có tính cách vĩnh cửu gồm hai hoặc nhiều người giao ước hiệp lực mà hành động để đạt mục đích chung; mục đích ấy không phải để chia lợi tức.

Điều 2. Cấm không được lập những hội có mục đích và hoạt động làm đồi bại phong tục, hại đến trật tự chung, hoặc đến sự án toàn của quốc gia.

Điều 3. Người sáng lập ra hội phải đủ 21 tuổi, là người xưa nay không có can án thường phạm trọng tội hay khinh tội bao giờ. Trước khi hoạt động, những người sáng lập ra hội phải làm giấy khai kèm theo hai bản điều lệ gửi cho Uỷ ban hành chính kỳ hoặc Bộ Nội vụ.

Uỷ ban hành chính kỳ hoặc Bộ Nội vụ, khi nhận được tờ khai và các bản điều lệ, sẽ phát biên lai.

Trong tờ khai phải kê rõ:

1- Tên hội

2- Mục đích hội

3- Trụ sở của hội và của các chi nhánh

4- Tên, tuổi, nghề nghiệp, chỗ ở của người quản trị hội.

Một bản tư pháp lý lịch của người sáng lập và quản trị hội sẽ định theo tờ khai ấy.

Trong bản điều lệ ít ra cũng phải định rõ các khoản sau này:

a) Mục đích của hội

b) Tên của hội

c) Hội sở ở đâu

d) Hội có thời hạn nhất định không

e) Thể lệ vào hội và ra hội

g) Nghĩa vụ và quyền lợi của các hội viên

h) Số tiền góp của hội viên và các khoản tiền mà hội có quyền thu nhập.

Sau này phàm mỗi khi có cần thay đổi hay thêm bớt khoản nào trong điều lệ thì cùng phải khai theo cách thức đã định ở đoạn trên.

Điều 4. 15 ngày sau khi nhận được tờ khai và điều lệ, Uỷ ban hành chính kỳ sẽ phải chuyển đệ cả hồ sơ và phát biểu ý kiến lên Bộ Nội vụ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ xét hồ sơ và nếu cho phép hội thành lập, sẽ ký nghị định cho phép.

Sau hạn 4 ngày kể từ hôm phát biên lai, nếu Bộ Nội vụ không trả lời ngăn cấm hội thành lập và hoạt động, thì hội sẽ coi như được thành lập.

Điều 5. Hội này đã được thành lập theo đúng thể lệ Sắc lệnh này, được tư cách pháp nhân như sau này:

a) Có đủ quyền tố tụng trước các Toà án, mà không phải xin phép trước

b) Đứng mua động sản và bất động sản

c) Thu tiền góp của các hội viên,

d) Sở hữu và quản trị bất động sản, song chỉ được có những bất động sản vừa vặn đủ dùng cho hội hoạt động mà thôi.

Điều 6. Nếu sau khi thành lập, mà hội muốn có chi nhánh và hội sở ở một tỉnh, phủ, huyện thì ngoài sự khai báo ở Uỷ ban hành chính kỳ hoặc ở Bộ Nội vụ theo Điều thứ 3 Sắc lệnh này, người quản trị còn phải khai tại Uỷ ban hành chính tỉnh, và kỳ 2 bản sao điều lệ với bản sao Nghị định của Bộ Nội vụ. Uỷ ban hành chính tỉnh sẽ cấp biên lại.

Điều 7. Không hội viên nào có thể bị cưỡng bách ở trong hội. Tuỳ ý hội viên muốn xin ra bao giờ cũng được, dù hội lập ra có thời hạn nhất định mặc lòng, miễn là hội viên xin ra hội đã thanh toán các trải khoản đối với hội, và đã báo trước một tuần lễ.

Điều 8. Các hội phải đăng ký vào một quyển sổ riêng, để ở trụ sở:

a) Ngày tháng và sổ các biên lại nhận được khi khai báo với các cơ quan hành chính theo Điều thứ 3 Sắc lệnh này,

b) Tất cả các sự thay đổi về điều lệ hoặc trong việc quản trị, giám đốc.

Sổ ấy, phải có chữ ký, từ trang đầu đến trang cuối của Chánh toà đệ nhị cấp nơi trụ sở.

Các nhà đương cục hành chính hoặc tư pháp có quyền đến tận nơi xem xét sổ đó. Tư nhân cũng có thể xin hội phát cho bản trích lục ở sổ miễn là chịu phí tổn.

Điều 9. Nếu hội lập trái với Điều thứ 3, hoặc hoạt động tuy Bộ Nội vụ đã ngăn cấm, thì toà trừng trị nơi trụ sở sẽ tuyên bố giải tán.

Nếu sáng lập hội viên, quản lý hoặc giám đốc kháng cáo, thì trong thời kỳ kháng cáo, hội cũng phải ngừng hoạt động.

Nếu hội đã bị giải tán, mà vẫn còn tiếp tục hoạt động, thì sáng lập hội viên, quản lý hoặc giám đốc, sẽ bị phạt tiền từ 100 đồng đến 1.000 đồng, và phạt tù từ 6 ngày đến 2 tháng, hoặc bị một trong hai thứ phạt đó. Các hội viên khác còn ở trong hội, sẽ bị phạt tiền từ 100 đồng đến 500 đồng và từ 6 ngày đến 1 tháng tù, hoặc bị một trong hai thứ phạt đó.

Điều 10. Nếu hội mua bất động sản trái thể lệ đã định ở Điều thứ 5 thì tư nhân hoặc biện lý nơi trụ sở, có quyền xin toà án đệ nhị cấp tuyên bố sự mua ấy vô giá trị, bất động sản ấy sẽ phải đem bán đấu giá và tiền thu được sẽ trả về quỹ của hội.

Điều 11. Nếu trái với Điều thứ 8, quản lý sẽ bị phạt tiền từ 15 đồng đến 100 đồng.

Điều 12. Những hội đã kể ở Điều thứ hai sẽ bị giải tán, và tài sản có thể bị tịch thu, do nghị định Bộ trưởng Bộ Nội vụ chiểu đồng ý Bộ Tư pháp.

Việc quản trị, thanh toán, sử dụng tài sản bị tịch thu ấy, sẽ ấn định sau bằng một nghị định Bộ trưởng Bộ Nội vụ chiểu đồng ý các Bộ Tư pháp và Tài chính.

Điều 13. Hội trưởng hoặc người quản lý các hội đã thành lập trước ngày ký Sắc lệnh này, phải theo thể lệ đã định ở Điều thứ 3 và thứ 4 trong hạn 30 hôm kể từ ngày ban hành Sắc lệnh này.

Điều 14. Sắc lệnh này sẽ thi hành cấp tốc theo Điều thứ 14 Sắc lệnh ngày 10 tháng 10 năm 1945.

Điều 15. Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính chiểu Sắc lệnh thi hành.

 

Hồ Chí Minh

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Sắc lệnh số 52 về việc quy định việc lập hội do Chủ tịch Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 52
  • Loại văn bản: Sắc lệnh
  • Ngày ban hành: 22/04/1946
  • Nơi ban hành: Chủ tịch nước
  • Người ký: Hồ Chí Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 17
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản