Hệ thống pháp luật

SẮC LỆNH

VỀ TỔ CHỨC TƯ PHÁP CÔNG AN CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ SỐ 131 NGÀY 20 THÁNG 7 NĂM 1946

CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Chiểu Sắc lệnh số 13 ngày 24-1-46 tổ chức các Toà án và ngạch Thẩm phán;

Chiểu Sắc lệnh số 51 ngày 17-4-46 ấn định thẩm quyền các Toà án và sự phân công giữa các nhân viên trong toà án;

Chiểu Sắc lệnh số 23 ngày 21-2-46 thành lập Việt Nam Cộng an vụ;

Sau khi đã hỏi ý kiến của Ban Thường trực Quốc hội và sau khi Hội đồng Chính phủ đã thoả thuận,

RA SẮC LỆNH:

Điều thứ 1

Cách tổ chức Tư pháp công an ấn định như sau này:

Điều thứ 2

Tư pháp công an có nhiệm vụ truy tầm tất cả các sự phạm pháp (đại hình, tiểu hình hoặc vi cảnh), sưu tập các tang chứng, bắt giao người phạm pháp cho các Toà án xét xử trong phạm vi luật pháp ấn định.

Điều thứ 3

Tư pháp công an gồm có những phụ trách Tư pháp công an và những Uỷ viên Tư pháp công an.

Phụ trách tư pháp công an là Dự thẩm, Biện lý và Phó Biện lý.

Uỷ viên Tư pháp công an là:

a) Về bên Toà án: Thẩm phán sơ cấp

b) Về bên Công an: Chủ sự và Phó chủ sự phòng Chính trị và phòng tư pháp: Trưởng ban chính trị và ban tư pháp cùng quận trưởng các quận Công an ở Hà Nội, Hai Phòng, Huế, Sài Gòn Chợ Lớn; Trưởng Ty Công an tỉnh, hay ở những tỉnh nhiều việc do Bộ Trưởng Bộ Nội vụ chỉ định, một Trưởng ban trong ty Công an sẽ thay Trưởng Ty công an.

c) Kiểm soát viên Kiểm lâm, Hoả xã, Thương chính và tất cả các viên chức mà pháp luật giao phó cho nhiệm vụ tư pháp công an đối với những việc phạm pháp riêng cho từng ngành.

Điều thứ 4

Ở trong đại hạt làng thì ban tư pháp xã phải thi hành những mệnh lệnh của các Thẩm phán theo như Điều 3 - đoạn 3, Sắc lệnh số 13 ngày 24 tháng giêng năm 1946 và được khám xét nhà các tư nhân theo như Điều thứ 6 Sắc lệnh số 13 kể trên.

Điều thứ 5

Tất cả các phụ trách Tư pháp công an và Uỷ viên Tư pháp công an về phương diện tư pháp công an đều đặt dưới quyền kiểm soát trực tiếp của Chưởng lý Toà Thượng phẩm.

Trong quản hạt một tỉnh, những uỷ viên tư pháp công an về phương diện Tư pháp công an đều đặt dưới quyền kiểm soát trực tiếp của biện lý hay Thẩm phán viên nào giữ chức Biện lý ở những tỉnh không có Biện lý.

Biện lý có quyền ra chỉ thị và kiểm soát công việc của tất cả các Uỷ viên Tư pháp công an.

Điều thứ 6

Phụ trách Tư pháp công an và Uỷ viên Tư pháp công an chỉ có quyền điều tra trong quản hạt của mình mà thôi. Nếu muốn điều tra về một việc gì ở ngoài quản hạt của mình thì phải gửi phái uỷ trạng.

Nếu uỷ viên tư pháp công an lưu động hay người được mệnh lệnh viết của uỷ viên tư pháp công an lưu động đi điều tra, thì 24 giờ sau khi điều tra ở một nơi nào phải gửi bản sao khám xét nhà và tịch thu tang vật cho Biện lý tỉnh mà mình vừa đi điều tra biêt.

Người được uỷ đi điều tra bên Công an phải là ở cấp khu trưởng hoặc tiểu đội trưởng giở lên.

Điều thứ 7

Muốn khám nhà ngoài trường hợp phạ pháp quả tang thì phải khám sau 6 giờ sáng và trước 6 giờ chiều. Nếu đã bắt đầu khám trước 6 giờ chiều thì vẫn có quyền tiếp tục việc khám nhà đến khi xong.

Trong các nhà mở cho công chúng tự do xuất nhập, thí dụ cao, hàng cà phê, nhà hay gá cờ bạc vân vân, thì giờ có thể khám nhà lùi đến lúc khách hàng hoặc người làm việc phạm pháp ra về hết.

Ngời ra phải gặp một trong ba trường hợp đặc biệt sau này, được vào nhà tư nhân ban đêm: cháy nhà, lụt hoặc có tiếng cầu cứu ở trong nhà phát ra.

Điều thứ 8

Biên bản khám nhà sẽ có hiệu lực nếu:

a) Dự thẩm đi cùng với lục sự; Biện lý hoặc Phó biện lý đi cùng với một viên chức trong công tố viên.

b) Uỷ viên tư pháp công an đi cùng với hai người công dân. Hai người này nên chọn trong các người thân thích với người bị khám nhà hay người lân lân bang thì hơn;

c) Các khu trưởng hoặc tiểu đội trưởng giở lên phải đi cùng với một uỷ viên trong uy ban khu phố hay thị xã và hai người công dân chọn trong các người thân thích người mà nhà bị khám hay người hàng xóm;

d) Đối với các ngành như Kiểm lâm, Thương chính, vân vân, thì uỷ viên tư pháp công an vẫn theo luật hiện hành cho từng ngành.

e) Ban tư pháp xã đi khám nhà phải có đủ ba người như đã định trong Điều thứ 2 Sắc lệnh số 13 ngày 24 tháng 1 năm 1946.

Điều thứ 9

Sau khi khám nhà, nếu bắt được hay không bắt được tang vật, đều phải có biên bản.

Biên bản này phải kê rõ đã tịch thu những tang vật gì, niêm phong như thế nào, giao cho ai.

Chủ nhà bị khám sẽ ký vào biên bản; chủ nhà vắng mặt thì thân nhân ký thay. Nếu chủ nhà hoặc thân nhân không chịu ký, không biết ký hoặc không thể ký được thì nói rõ trong biên bản.

Điều thứ 10

Bao nhiêu đơn khiếu nại, tố cáo, sau khi đã lập xong biên bản, đều phải gửi sang ông Biện lý. Chỉ có ông Biện lý mới có quyền tạm đình cứu một việc hay đưa việc phạm pháp ra phiên toà.

Dự thẩm có quyền nhận đơn của người bị thiệt hại đứng dân sự nguyên cáo về tiểu hình và đại hình; Thẩm phán sơ cấp có quyền nhận đơn của người bị thiệt hại đứng dân sự nguyên cáo về vi cảnh.

Điều thứ 11

Trước khi nhân việc, Uỷ viên Tư pháp công an phải tuyên thệ trước Toà án.

Điều thứ 12

Để thi hành nhiệm vụ của mình, các phụ trách tư pháp công an và các Uỷ viên Tư pháp công an có quyền trưng cầu binh lực trong những trường hợp và theo những thủ tục do luật pháp ấn định.

Điều thứ 13

Việc bổ sung, thăng thưởng và trừng phạt hành chính những Uỷ viên Tư pháp công an không phải là Thẩm phán viên để làm sau khi hỏi ý kiến của Biện lý và Chưởng lý.

Điều thứ 14

Các luật lệ nào trái với Sắc lệnh này đều bãi bỏ.

Điều thứ 15

Các ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp chịu uỷ nhiệm thi hành Sắc lệnh này.

 

Huỳnh Thúc Kháng

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Sắc lệnh số 131 về việc tổ chức Tư pháp Công an do Chủ tịch Chính phủ Việt nam dân chủ cộng hoà ban hành

  • Số hiệu: 131
  • Loại văn bản: Sắc lệnh
  • Ngày ban hành: 20/07/1946
  • Nơi ban hành: Chủ tịch nước
  • Người ký: Huỳnh Thúc Kháng
  • Ngày công báo: 03/08/1946
  • Số công báo: Số 31
  • Ngày hiệu lực: 04/08/1946
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản