- 1Law no. 59/2005/QH11 of November 29, 2005 on investment
- 2Law no. 60/2005/QH11 of November 29, 2005 on enterprises
- 3Law No.52/2005/QH11 on environmental protection, passed by the National Assembly
- 4Law No. 13/2003/QH11 of November 26, 2003 Land Law
- 5Law No. 63/2006/QH11 of June 29, 2006 on real estate business
- 6Law No. 14/2008/QH12 of June 3, 2008, on enterprise income tax.
- 7Law No. 80/2006/QH11 of November 29, 2006, on technology transfer.
- 8Law No. 38/2005/QH11 of June 14, 2005, on Education.
- 9Law No. 45/2005/QH11 of June 14, 2005, on import tax and export.
- 10Law No. 56/2005/QH11 of November 29, 2005, on housing.
- 11Resolution No. 19/2008/QH12 of June 3, 2008, on pilot permission for foreign organizations and individuals to purchase and own residential houses in Vietnam.
- 12Law No. 21/2008/QH12 of November 13, 2008, on high technologies
- 13Law No. 16/2003/QH11 of November 26, 2003, on Construction.
- 14Law No. 34/2009/QH12 of June 18, 2009, amending and supplementing Article 126 of the housing Law and Article 121 of the land Law
- 15Decree No. 108/2009/ND-CP of November 27, 2009, on investment in the form of build-operate-transfer, build-transfer-operate or build-transfer contract
- 16Decision No. 71/2010/QD-TTg of November 09, 2010, promulgating the regulation on pilot investment in the public-private partnership form
- 17Decision No. 12/2011/QD-TTg of February 24, 2011, on development policy of a number of supporting industries
- 18Law No. 29/2013/QH13 dated June 18, 2013, science and technology
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 103/NQ-CP | Hà Nội, ngày 29 tháng 08 năm 2013 |
Thời gian qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (ĐTNN) đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của Việt Nam. Tính đến tháng 6 năm 2013, đã có 15.067 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký khoảng 218,8 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 106,3 tỷ USD. ĐTNN đã trở thành nguồn bổ sung quan trọng cho tổng vốn đầu tư xã hội (chiếm khoảng 23,3% tổng vốn đầu tư xã hội năm 2012), góp phần tăng năng lực sản xuất của một số ngành, đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, gia tăng kim ngạch xuất khẩu (chiếm khoảng 64% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012) và thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, đóng góp ngân sách (khoảng 3,7 tỷ USD năm 2012), phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo việc làm (trên 2 triệu lao động trực tiếp, từ 3-4 triệu lao động gián tiếp)... Đồng thời, ĐTNN cũng có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế; khơi dậy nguồn lực đầu tư trong nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước, đổi mới thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế. Thông qua hợp tác đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã tăng cường mối quan hệ chính trị, đối ngoại, phát triển quan hệ hữu nghị với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, đối tác trên thế giới.
Tuy nhiên, thu hút ĐTNN thời gian qua chưa đạt được một số mục tiêu kỳ vọng về thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghiệp hỗ trợ, đầu tư phát triển hạ tầng và chuyển giao công nghệ. Chất lượng của dự án ĐTNN nhìn chung chưa cao, giá trị gia tăng thấp, chủ yếu là quy mô vừa và nhỏ, sự tham gia đầu tư theo chuỗi sản xuất của các tập đoàn xuyên quốc gia còn hạn chế; một số doanh nghiệp ĐTNN sử dụng công nghệ lạc hậu; gây ô nhiễm môi trường; một số doanh nghiệp ĐTNN có biểu hiện sử dụng phương thức chuyển giá để trốn thuế, gây thất thu ngân sách; không đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động...
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hạn chế nêu trên là do hệ thống luật pháp chính sách còn nhiều quy định chưa đồng bộ, chồng chéo, thiếu nhất quán; Việt Nam chưa chủ động và chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đảm bảo cho ĐTNN vận hành một cách có hiệu quả như kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, hệ thống doanh nghiệp trong nước, quy hoạch, rào cản kỹ thuật hợp lý...
Việc thẩm tra, cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) trong một số trường hợp còn thiếu chặt chẽ, chưa tuân thủ đầy đủ quy hoạch và khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội... Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai dự án ĐTNN thiếu thường xuyên, chưa thực sự hiệu quả. Phương thức xúc tiến đầu tư (XTĐT) chậm được đổi mới, hoạt động XTĐT từ trung ương tới địa phương chưa có sự điều phối thống nhất, chặt chẽ, kém hiệu quả. Hình thức XTĐT tại chỗ thông qua việc hỗ trợ cho các dự án đã được cấp GCNĐT triển khai một cách thuận lợi chưa được chú trọng đúng mức. Môi trường đầu tư của Việt Nam đã bộc lộ một số hạn chế, làm cho tính cạnh tranh môi trường đầu tư Việt Nam giảm so với nhiều nước trong khu vực.
Trước tình trạng trên, để phù hợp với tình hình mới, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt các quan điểm, định hướng và tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI THỜI GIAN TỚI
- Kinh tế có vốn ĐTNN là một bộ phận của nền kinh tế Việt Nam, được Nhà nước khuyến khích phát triển lâu dài, được bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp và đối xử bình đẳng trên cơ sở hợp tác cùng có lợi, thực hiện theo đúng cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
- Đầu tư trực tiếp nước ngoài là nguồn lực quan trọng của nền kinh tế, cùng nguồn lực trong nước tạo nên sức mạnh tổng hợp để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tái cơ cấu nền kinh tế.
- Việc thu hút ĐTNN phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch và chỉ đạo tập trung, thống nhất của trung ương đi đôi với phân cấp hợp lý cho các địa phương trên cơ sở điều kiện kinh tế, xã hội và năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ...; đặc biệt chú trọng hiệu lực quản lý Nhà nước trong chức năng kiểm tra, giám sát, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
- Việc sửa đổi, điều chỉnh chính sách, pháp luật đầu tư nước ngoài phải đảm bảo nguyên tắc không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, ngày càng thuận lợi hơn và ưu đãi hơn.
a) Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về thu hút ĐTNN theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ hiện đại...
b) Tăng cường thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, doanh nghiệp phụ trợ; khuyến khích các dự án công nghiệp chuyển dần từ gia công sang sản xuất; lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có uy tín đầu tư phát triển thị trường tài chính; đồng thời, chú trọng đến các dự án có quy mô vừa và nhỏ phù hợp với từng ngành kinh tế, từng địa phương.
c) Khuyến khích, tạo điều kiện và tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp ĐTNN với nhau và với các doanh nghiệp trong nước.
d) Quy hoạch thu hút ĐTNN theo ngành, lĩnh vực, đối tác phù hợp với lợi thế của từng vùng, từng ngành để phát huy hiệu quả đầu tư của từng địa phương, từng vùng, phù hợp với quy hoạch chung, đảm bảo lợi ích tổng thể quốc gia và tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới.
a) Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư:
- Nghiên cứu, sửa đổi Luật Đầu tư phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và bối cảnh hội nhập quốc tế giai đoạn mới trên nguyên tắc Luật Đầu tư là căn cứ pháp lý điều chỉnh thống nhất về quy trình, thủ tục đầu tư và công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư. Các quy định chuyên ngành chỉ điều chỉnh những nội dung liên quan đến điều kiện hoạt động khi thực hiện dự án đầu tư và quản lý nhà nước theo chuyên ngành.
- Nghiên cứu, sửa đổi Luật Doanh nghiệp theo hướng tiếp tục tạo dựng khung pháp lý thuận lợi, minh bạch cho việc thành lập, hoạt động và chấm dứt các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
- Rà soát tổng thể hệ thống pháp luật hiện hành, trước hết là các luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh (như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Giáo dục, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở,...) theo hướng đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của Luật Đầu tư; nghiên cứu, đề xuất áp dụng hình thức ban hành một luật để sửa nhiều luật, ban hành một nghị định để sửa nhiều nghị định liên quan nhằm xử lý ngay các bất cập, chồng chéo.
- Quy định rõ hơn những đặc thù về thủ tục và điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài để một mặt tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư thông qua việc minh bạch hóa thủ tục; đồng thời, đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư.
- Rà soát các quy định pháp luật hiện hành quy định về hoạt động mua bán và sáp nhập có yếu tố nước ngoài hiện đang được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật để đồng bộ hóa và quy định cụ thể, rõ ràng hơn.
- Công bố lĩnh vực đầu tư có điều kiện, quy định cụ thể nội hàm của các điều kiện; hướng dẫn việc thực hiện và áp dụng các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam đối với một số ngành dịch vụ.
- Hướng dẫn quy định về đăng ký lại của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.
b) Tập trung sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư:
- Sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư bảo đảm tính hệ thống từ ưu đãi thuế (Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế xuất nhập khẩu), ưu đãi tài chính đến ưu đãi phi tài chính; thống nhất giữa chính sách thuế và chính sách đầu tư nhằm góp phần nâng cao tính cạnh tranh với các nước trong khu vực về thu hút ĐTNN; điều chỉnh đối tượng hưởng ưu đãi về thuế theo hướng gắn ưu đãi theo ngành, lĩnh vực ưu tiên với theo vùng lãnh thổ để thúc đẩy sự phân công lao động giữa các địa phương; thực hiện ưu đãi đầu tư có chọn lọc phù hợp với định hướng mới đối với thu hút ĐTNN; nghiên cứu, bổ sung ưu đãi đối với các dự án đầu tư trong Khu công nghiệp.
- Rà soát, bỏ bớt các hạn chế không cần thiết và cho phép tham gia nhiều hơn vào các thị trường vốn, thị trường tài chính trên nguyên tắc hiệu quả, nhưng chặt chẽ.
- Ngoài căn cứ xét ưu đãi theo lĩnh vực và địa bàn cần nghiên cứu bổ sung tiêu chí để xét ưu đãi đầu tư như: dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, dự án có giá trị gia tăng cao, dự án sử dụng nhiều nguyên liệu, vật tư trong nước và dự án cam kết chuyển giao công nghệ tiên tiến,...
c) Điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách nhằm khuyến khích nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng:
- Xem xét, sửa đổi, bổ sung Quyết định 71/2010/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2010 về quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (BTO), Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) theo hướng lồng ghép, thống nhất vào một Nghị định với nội dung minh bạch, rõ ràng, dễ áp dụng, phù hợp thông lệ quốc tế.
- Khẩn trương khắc phục những bất cập hiện nay trong vấn đề phí sử dụng kết cấu hạ tầng theo hướng đảm bảo khả năng thu hồi vốn đầu tư, nâng cao cam kết chuyển đổi ngoại tệ, tăng cường biện pháp hỗ trợ giải phóng mặt bằng tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư.
d) Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút ĐTNN vào công nghiệp hỗ trợ:
Trước mắt, thực hiện ngay việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới thay thế Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2011 về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ theo hướng:
- Quy định cụ thể, chi tiết ngành, sản phẩm thuộc công nghiệp hỗ trợ theo hướng tập trung vào một số ngành, sản phẩm trọng điểm.
- Quy định các tiêu chí xác định ngành, sản phẩm được hưởng ưu đãi theo diện công nghiệp hỗ trợ theo hướng đảm bảo rõ ràng, dễ hiểu, minh bạch.
- Nghiên cứu, nâng mức ưu đãi đủ sức hấp dẫn các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ theo Danh mục lĩnh vực và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ do Chính phủ ban hành, cũng như các dự án sử dụng nhiều nguồn cung cấp vật tư, nguyên liệu,... từ thị trường nội địa.
Đồng thời, cần nghiên cứu, xây dựng Luật khuyến khích và phát triển công nghiệp hỗ trợ.
đ) Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các dự án công nghệ cao và phù hợp vào Việt Nam, đồng thời đảm bảo kiểm soát công nghệ nhập khẩu:
- Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (Luật Khoa học và Công nghệ, Luật chuyển giao công nghệ) nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư các dự án công nghệ cao, hiện đại, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
- Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao công nghệ; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động này, ngăn chặn tình trạng chuyển giá qua hợp đồng chuyển giao công nghệ.
- Tăng cường công tác thực thi và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Khẩn trương triển khai các giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả của hệ thống bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên phạm vi quốc gia.
- Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao theo hướng điều chỉnh và cụ thể hóa tiêu chí công nghệ cao phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, có tính đến nhóm dự án có quy mô lớn, doanh thu hàng năm lớn, sử dụng nhiều lao động chất lượng cao...
- Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, kể cả máy móc, thiết bị đã qua sử dụng theo hướng tăng cường sử dụng các công cụ giám định, tái giám định; có các quy định về tiêu chuẩn nhập khẩu, chế tài đủ mạnh để loại bỏ các loại máy móc, thiết bị lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, tiềm ẩn ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe con người...
- Tăng cường các hoạt động quản lý nhà nước về kiểm soát máy móc, thiết bị, công nghệ nhập khẩu vào Việt Nam. Định kỳ tổ chức đánh giá trình độ công nghệ của các ngành, lĩnh vực để xác định lĩnh vực ưu tiên thu hút ĐTNN.
e) Hoàn thiện các quy định nhằm hướng dẫn và kiểm soát môi trường:
- Rà soát sửa đổi và hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiêu hao năng lượng, môi trường, về đánh giá tác động môi trường đối với các ngành, lĩnh vực đầu tư gây hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường.
- Ban hành quy định về phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và giám sát môi trường, quy định giới hạn lượng phát thải, doanh nghiệp phải công bố công khai thông tin về môi trường và giải pháp xử lý lượng phát thải.
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý môi trường. Đẩy mạnh việc hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Hoàn thiện các quy định về chế tài xử phạt vi phạm pháp luật đủ mức răn đe trong lĩnh vực môi trường. Nghiên cứu bổ sung chế tài xử phạt theo mức xả thải thực tế thay cho mức xử phạt theo khung tối đa, tối thiểu như hiện nay.
- Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực xử lý khí thải, nước thải, chất thải rắn và vệ sinh môi trường đô thị...
g) Hoàn thiện quy định nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả về quản lý ngoại hối, tín dụng:
- Xây dựng cơ chế giám sát tổng mức vay trong nước và vay nước ngoài của doanh nghiệp cổ vốn ĐTNN trong tương quan với tổng vốn đầu tư của dự án.
- Hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến công tác giám sát dòng vốn bằng tiền của các dự án có vốn ĐTNN (bao gồm dòng vốn góp bằng tiền, dòng vốn vay trong và ngoài nước).
h) Hoàn thiện quy định nhằm tăng cường công tác quản lý lao động trong các dự án ĐTNN:
- Xây dựng chương trình hành động cụ thể về việc đào tạo nguồn nhân lực và liên kết với các doanh nghiệp sử dụng lao động để đào tạo nghề phù hợp với yêu cầu sử dụng của các doanh nghiệp.
- Khuyến khích các doanh nghiệp ĐTNN đào tạo nghề cho người lao động tại doanh nghiệp.
- Quy định theo hướng tạo thuận lợi hơn đối với việc cấp phép cho lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam trong các lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn, trình độ, công nghệ cao mà lao động trong nước chưa đáp ứng được; đồng thời, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đào tạo lao động trong nước thay thế đối với các vị trí nghề nghiệp này.
- Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với lao động làm việc trong các dự án ĐTNN, tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định đối với lao động nước ngoài, kiên quyết xử lý nghiêm, đúng pháp luật đối với người nước ngoài làm việc bất hợp pháp tại Việt Nam.
i) Hoàn thiện quy định về đất đai, nhà ở:
- Nghiên cứu, soạn thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) theo hướng thu hẹp sự phân biệt giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước trong việc tiếp cận đất đai; quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố, tổ chức việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư để tạo quỹ đất “sạch” để chủ động điều tiết thị trường đất đai, cũng như làm cơ sở để chủ động thu hút đầu tư, tạo điều kiện tiếp cận quỹ đất đai của nhà đầu tư; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thiết lập cơ chế minh bạch, công khai trong quản lý và sử dụng đất đai.
- Đẩy mạnh công tác đấu giá, đấu thầu đất đai; tổng rà soát, phân loại các dự án sử dụng đất; kiên quyết thu hồi các diện tích mặt đất, mặt nước đã giao cho các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn ĐTNN không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả để đấu giá, đấu thầu hoặc giao cho các nhà đầu tư có tiềm lực tiến hành đầu tư, khai thác sử dụng có hiệu quả hơn.
- Nghiên cứu, sửa đổi bổ sung một số quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư; mở rộng phạm vi kinh doanh bất động sản đối với các nhà đầu tư nước ngoài; bổ sung quy định về hình thức góp vốn bằng quyền phát triển dự án,...
- Nghiên cứu, bổ sung cơ chế, chính sách để quản lý, xây dựng chế tài xử lý nhằm ngăn ngừa và hạn chế tình trạng chuyển giá của các dự án trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản thông qua thuê dịch vụ quản lý, thầu phụ...
- Tổng kết tình hình thực hiện Luật số 34/2009/QH12 về việc sở hữu nhà của người Việt Nam định cư ở nước ngoài và Nghị quyết 19/2008/QH12 của Quốc hội về việc thí điểm cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu căn hộ chung cư tại Việt Nam để xem xét việc mở rộng đối tượng người nước ngoài sở hữu bất động sản, nới lỏng điều kiện và đơn giản quy trình, thủ tục mua và sở hữu chung cư, nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư dự án tại Việt Nam được mua chung cư, nhà ở tại Việt Nam phù hợp với thời hạn dự án tại Việt Nam.
- Xây dựng chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động cùng với các nhà đầu tư khác tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê và đầu tư các hạ tầng xã hội liên quan.
k) Các bộ, ngành đánh giá cụ thể hơn về tác động của việc đến 2015, Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết mở cửa thị trường trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA) để thấy được những ngành, lĩnh vực, sản phẩm sẽ có thuận lợi hoặc những ngành, lĩnh vực, sản phẩm có khó khăn trong tương lai, từ đó có đối sách cụ thể.
2. Điều chỉnh một số nguyên tắc quản lý và phân cấp đầu tư
- Cơ quan cấp GCNĐT chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ đúng quy hoạch đối với các dự án khi cấp GCNĐT.
- Khẩn trương xây dựng cơ chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về ĐTNN nhằm tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phân cấp việc cấp GCNĐT nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, chịu trách nhiệm của địa phương, đồng thời đảm bảo quản lý thống nhất của trung ương, cụ thể như sau:
+ Bổ sung quy trình thẩm định đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, trong đó bao gồm cả các dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa, có tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng và quốc gia, dự án sử dụng diện tích đất lớn.
+ Về quy trình thẩm định: Cơ quan cấp GCNĐT chủ trì thẩm tra theo quy định hiện hành, trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo thẩm tra cùng hồ sơ liên quan; đồng thời, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định độc lập. Trên cơ sở hồ sơ và báo cáo thẩm tra của cơ quan cấp GCNĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định độc lập dự án đầu tư hoặc đối với dự án có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều địa phương thì tùy theo mức độ cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể lấy ý kiến của cơ quan cấp GCNĐT và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan, các chuyên gia và nhà khoa học,... Nội dung thẩm định tập trung vào các nội dung chính như: sự tuân thủ về quy trình, thủ tục thẩm tra và pháp luật có liên quan; ảnh hưởng, tác động của dự án đối với phát triển kinh tế xã hội của vùng, quốc gia và các ngành; tính khả thi của các nguồn lực cho dự án (lao động, kết cấu hạ tầng, điện, nguyên liệu,...); khả năng huy động vốn,... Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo thẩm định độc lập. Cơ quan cấp GCNĐT sẽ cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
- Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện việc phân cấp quản lý hoạt động ĐTNN trong các lĩnh vực như đất đai, công nghệ, môi trường, lao động, xuất nhập khẩu... để đề xuất các giải pháp khắc phục bất cập.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các dự án có vốn ĐTNN đã được cấp, điều chỉnh GCNĐT. Kiên quyết đình chỉ đối với những dự án đã được cấp hoặc điều chỉnh GCNĐT mà không phù hợp với quy hoạch, quy trình, thủ tục...
- Quy định chế tài đủ mạnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật (như không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo thống kê, không thực hiện tốt việc đảm bảo môi trường; không sử dụng đúng mục đích, đúng quy trình đối với đất đai, tài nguyên; không thực hiện nghiêm túc pháp luật về lao động...), kể cả doanh nghiệp và các cơ quan có thẩm quyền.
3. Hoàn thiện tiêu chí cấp Giấy chứng nhận đầu tư
Đối với dự án có quy mô lớn, có tác động lớn về kinh tế, xã hội, cơ quan cấp GCNĐT cần chú trọng xem xét, đánh giá về khả năng huy động vốn của nhà đầu tư, có các chế tài hoặc yêu cầu đặt cọc để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ triển khai dự án đúng tiến độ. Đối với các dự án ĐTNN khai thác khoáng sản, việc chọn nhà đầu tư phải gắn khai thác với chế biến sâu, tạo ra giá trị gia tăng cao bằng việc sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại và hệ thống xử lý môi trường phù hợp để sử dụng nguồn tài nguyên có hiệu quả. Đối với một số địa bàn, khu vực có liên quan trực tiếp đến an ninh quốc phòng, cần lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài phù hợp để đảm bảo hài hòa lợi ích về kinh tế và an ninh quốc phòng,... Các Bộ, ngành cần quy định chi tiết, rõ ràng các tiêu chí, điều kiện đầu tư trong lĩnh vực phụ trách làm căn cứ cho việc cấp phép và quản lý sau cấp phép (suất đầu tư, tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật, công nghệ, môi trường,...).
4. Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư
- Hoạt động XTĐT cần gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội quốc gia; có sự điều phối chung thống nhất của Trung ương đối với các hoạt động XTĐT trong cả nước về nội dung, thời gian, địa điểm; được thực hiện theo kế hoạch và theo định hướng thu hút ĐTNN nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động XTĐT.
- Hàng năm và từng thời kỳ, trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và đặc thù, lợi thế của từng vùng, địa phương cũng như xu hướng của dòng vốn ĐTNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến các Bộ ngành, ban hành tiêu chí hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch XTĐT. Các Bộ, ngành, địa phương trên cơ sở tiêu chí do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành để xây dựng kế hoạch XTĐT theo từng năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, thống nhất, điều phối chung (về nội dung, thời gian, địa điểm,...) và hướng dẫn phối hợp; khắc phục tình trạng chồng chéo, kém hiệu quả.
- Tăng cường XTĐT đối với các tập đoàn lớn, đa quốc gia; đồng thời, chú trọng XTĐT đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
- Thường xuyên cập nhật, nghiên cứu xu hướng đồng vốn ĐTNN và các đối tác tiềm năng để chủ động tiếp cận và xúc tiến giới thiệu các dự án đầu tư. Nghiên cứu chính sách và phương thức thích hợp để tiếp cận, vận động, thu hút đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia đầu tư vào những dự án quy mô lớn, có tính lan tỏa và tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội.
- Đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ có tiềm năng đầu tư vào Việt Nam cần tăng biên chế, bố trí đủ kinh phí, điều kiện làm việc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các đại diện XTĐT ở nước ngoài.
- Khi tiến hành XTĐT ở nước ngoài, trong những trường hợp cần thiết (như: địa bàn XTĐT có nhiều nhà ĐTNN quan tâm, đối tác quan trọng, quy mô hoạt động XTĐT lớn hoặc có nhiều địa phương cùng đi XTĐT ở nước ngoài vào cùng thời gian và địa điểm,...) thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức Đoàn hoặc tham gia để hỗ trợ và trình bày về các chính sách chung, còn các Bộ, ngành, địa phương sẽ trình bày về lợi thế, đặc thù, tiềm năng và sự hỗ trợ của ngành, địa phương mình.
- Coi trọng XTĐT tại chỗ, theo đó, cần tăng cường hỗ trợ các dự án đã được cấp GCNĐT để các dự án này triển khai hoạt động một cách thuận lợi, có hiệu quả; tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư giải quyết kịp thời những kiến nghị hợp lý của doanh nghiệp ĐTNN nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Phải coi việc XTĐT tại chỗ là kênh quan trọng và thông qua các nhà đầu tư đã thành công tại Việt Nam để trình bày về kinh nghiệm đầu tư tại Việt Nam và giới thiệu về môi trường đầu tư tại Việt Nam.
5. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư
- Định kỳ hàng Quý phải rà soát, phân loại các dự án ĐTNN để có hướng xử lý thích hợp đối với những dự án có khó khăn.
- Các cơ quan cấp phép đầu tư phải tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án ĐTNN trên địa bàn để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tìm giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn; đôn đốc các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai hoặc chưa tuân thủ các cam kết; đồng thời, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình cấp phép và quản lý dự án ĐTNN của các cơ quan cấp GCNĐT để chấn chỉnh công tác cấp phép và quản lý sau cấp phép, tập trung vào các nội dung: Việc tuân thủ các quy trình, quy định của pháp luật trong quá trình tiếp nhận Hồ sơ, thẩm tra, cấp phép; việc quy định các ưu đãi đối với các dự án; việc thực hiện trách nhiệm kiểm tra, giám sát sau cấp phép,...
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ quản lý chuyên ngành cùng các cơ quan cấp GCNĐT tăng cường phối hợp, rà soát, khi cần thiết thì tiến hành kiểm tra đối với các dự án ĐTNN, đặc biệt lưu ý các dự án thuộc các nhóm: có quy mô lớn; chiếm diện tích đất lớn; dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường; dự án tiêu tốn năng lượng; các dự án nhạy cảm khác,... Trong quá trình kiểm tra, giám sát, khi phát hiện sai phạm thì tùy theo mức độ có thể kiến nghị cơ quan cấp GCNĐT thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án chậm triển khai, vi phạm quy định của pháp luật,... hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ Quyết định cấp Giấy chứng nhận đầu tư của cơ quan cấp GCNĐT.
- Xây dựng Hệ thống thông tin quốc gia về ĐTNN để giúp cho công tác giám sát được liên tục, chặt chẽ; thường xuyên cập nhật và phân loại tình hình thu hút, hoạt động ĐTNN để phục vụ cho công tác quản lý, điều hành và hoạch định chính sách của các cơ quan nhà nước các cấp.
- Rà soát, chấn chỉnh công tác giải quyết tranh chấp liên quan đến ĐTNN.
1. Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết này; khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan để thực hiện Nghị quyết theo quy định.
2. Các Bộ, ngành thường xuyên rà soát, công bố lĩnh vực đầu tư có điều kiện và hướng dẫn áp dụng trong lĩnh vực quản lý nhà nước của mình; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan xây dựng Danh mục các dự án kêu gọi thu hút vốn ĐTNN theo ngành, trong đó có ngành công nghiệp hỗ trợ; đánh giá tình hình thực hiện việc phân cấp quản lý hoạt động đầu tư trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành và đề xuất giải pháp khắc phục bất cập; cập nhật, tổng hợp số liệu, phân tích đánh giá tình hình đầu tư giúp cho công tác quản lý nhà nước về ĐTNN theo chuyên ngành; tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật chuyên ngành do bộ, ngành mình quản lý nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án ĐTNN và kịp thời đề xuất điều chỉnh chính sách.
3. Các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân; thực hiện cơ chế khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh trong việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Bám sát tình hình thực tế, chủ động theo dõi, đánh giá để có biện pháp xử lý linh hoạt, kịp thời hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền những giải pháp chỉ đạo, điều hành bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, đôn đốc, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình, kết quả triển khai thực hiện các nội dung nêu tại Nghị quyết này. Khi cần thiết, có thể đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung, của Nghị quyết và phân công thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế./.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ |
PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 103/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐỊNH HƯỚNG NÂNG CAO HIỆU QUẢ THU HÚT, SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TRONG THỜI GIAN TỚI
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ)
TT | Nội dung công việc | Cơ quan phối hợp | Thời hạn trình Thủ tướng Chính phủ | Hình thức văn bản |
I | Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
| ||
1 | Soạn thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh thu hút ĐTNN của Việt Nam, đồng thời hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư. | Các Bộ, ngành, địa phương | Năm 2014 | Luật |
2 | Soạn thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) nhằm tiếp tục tạo dựng khung pháp lý thuận lợi, minh bạch cho việc thành lập, hoạt động và tổ chức quản lý của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. | Các Bộ, ngành, địa phương | Năm 2014 | Luật |
3 | Soạn thảo Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 101/2006/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2006 về việc đăng ký lại, chuyển đổi và đăng ký đổi Giấy chứng nhận đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. | Các Bộ, ngành, địa phương | Quý III/2013 | Nghị định |
4 | Soạn thảo Nghị định của Chính phủ về việc ban hành Danh mục lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư áp dụng chung, thống nhất để thay thế các Danh mục lĩnh vực, địa bàn ban hành tại các văn bản pháp luật hiện hành. | Các Bộ, ngành, địa phương | Quý I/2014 | Nghị định |
5 | Rà soát hệ thống pháp luật, trước hết là các luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh để đề xuất phương án hoàn thiện theo hướng đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với Luật Đầu tư; nghiên cứu hình thức dùng một luật để sửa nhiều luật về các nội dung liên quan đến hoạt động ĐTNN. | Các Bộ, ngành, địa phương | Năm 2014 | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ |
6 | Soạn thảo Nghị định mới trên cơ sở lồng ghép nội dung và thay thế Quyết định 71/2010/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2010 về quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và Nghị định 108/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (BTO), Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) với những nội dung sửa đổi, bổ sung theo hướng minh bạch, rõ ràng, dễ áp dụng, phù hợp thông lệ quốc tế. | Các Bộ, ngành, địa phương | Quý IV/2013 | Nghị định |
7 | Nghiên cứu, đề xuất việc tham gia Công ước Washington về giải quyết tranh chấp đầu tư giữa Nhà nước và công dân của Nhà nước khác (ICSID). | Các Bộ, ngành và địa phương | Năm 2014 | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ |
8 | Soạn thảo, trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định ban hành Quy chế quản lý nhà nước về XTĐT theo hướng bảo đảm cho hoạt động XTĐT được thực hiện một cách thống nhất, có hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội. | Bộ ngành, địa phương | Quý III/2013 | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
9 | Xây dựng Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về ĐTNN theo hướng tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trung ương, giữa trung ương và địa phương về quản lý hoạt động ĐTNN | Bộ ngành, địa phương | Quý IV/2013 | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
10 | Xây dựng Hệ thống thông tin quốc gia về ĐTNN | Bộ ngành, địa phương liên quan | Quý IV/2013 |
|
11 | Xây dựng Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi ĐTNN. | Bộ ngành, địa phương | Quý IV/2013 | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
12 | Nghiên cứu pháp luật, chính sách liên quan đến ĐTNN của một số nước trong khu vực, so sánh với Việt Nam | Bộ ngành, địa phương liên quan | Quý IV/2013 | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ |
13 | Nghiên cứu xu hướng đầu tư của một số đối tác chiến lược | Bộ ngành, địa phương liên quan | Quý III/2013 | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ |
II | Bộ Tài chính |
|
|
|
1 | Xây dựng đề án thành lập Quỹ cơ sở hạ tầng được đầu tư theo hình thức PPP. | Các Bộ ngành, địa phương liên quan | Quý IV/2013 | Đề án trình Thủ tướng Chính phủ |
2 | Ban hành quy định về quy trình, thủ tục giải ngân và quản lý phần vốn tham gia của Nhà nước đối với các dự án PPP. | Các Bộ ngành, địa phương liên quan | Quý IV/2013 |
|
3 | Nghiên cứu, bổ sung lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được hưởng ưu đãi đầu tư đủ sức hấp dẫn. | Các Bộ ngành, địa phương liên quan | Quý IV/2013 | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ |
III | Bộ Tư pháp |
|
|
|
1 | Soạn thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ cải cách tổng thể thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. | Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ ngành liên quan | Quý I/2014 | Nghị quyết |
2 | Soạn thảo Quy chế phối hợp và phân công trách nhiệm giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ (các Bộ, ngành, địa phương) và nhà đầu tư nước ngoài | Các Bộ, ngành và địa phương | Quý IV/2013 | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
3 | Rà soát và đề xuất phương án nâng cao năng lực của các cơ quan xét xử, trọng tài, Luật sư của Việt Nam. | Các Bộ, ngành và địa phương | Quý IV/2013 | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ |
4 | Đẩy nhanh tiến độ soạn thảo Nghị định về hòa giải thương mại | Các Bộ, ngành và địa phương | Năm 2014 | Nghị định |
IV | Bộ Công Thương |
|
|
|
1 | Tổng hợp, báo cáo về các bất cập hiện nay trong quá trình đàm phán và triển khai thực hiện các dự án BOT trong lĩnh vực năng lượng và đề xuất hướng xử lý. | Các Bộ, ngành và địa phương | Quý IV/2013 | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ |
2 | Nghiên cứu, đề xuất giải pháp đồng bộ theo hướng làm rõ các quy định, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung pháp luật có liên quan để tăng cường tính hấp dẫn thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ. | Bộ ngành liên quan | Quý IV/2013 | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ |
3 | Nghiên cứu xây dựng Luật khuyến khích và phát triển công nghiệp hỗ trợ | Các Bộ, ngành liên quan | Quý III/2014 | Luật |
4 | Soạn thảo văn bản hướng dẫn căn cứ, trình tự, thủ tục để xác định đối tượng là người nước ngoài di chuyển nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với WTO. | Các Bộ, ngành, địa phương | Quý IV/2013 | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ |
5 | Đánh giá cụ thể tác động của việc Việt Nam thực hiện đầy đủ Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA) vào năm 2015 | Các Bộ, ngành, địa phương | Năm 2014 | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ |
V | Bộ Xây dựng |
|
|
|
1 | Đề xuất các chính sách cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nhiều lao động cùng với các nhà đầu tư khác đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê và đầu tư công trình hạ tầng liên quan. | Các Bộ, ngành và địa phương | Quý IV/2013 | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ |
2 | Nghiên cứu, sửa đổi bổ sung một số quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khi nhà nước giao dự án; mở rộng phạm vi kinh doanh bất động sản đối với các nhà đầu tư nước ngoài; ban hành quy định về hình thức góp vốn bằng quyền phát triển dự án trong dự án liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài; huy động vốn từ khách hàng... | Các Bộ, ngành và địa phương |
| Luật |
3 | Nghiên cứu, bổ sung cơ chế, chính sách để quản lý, xây dựng chế tài xử lý nhằm ngăn ngừa và hạn chế tình trạng chuyển giá của các dự án trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản thông qua việc chuyển nhượng vốn, thuê dịch vụ quản lý, thầu phụ... | Các Bộ, ngành và địa phương | Quý IV/2013 | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ |
4 | Tổng kết tình hình thực hiện Luật số 34/2009/QH12 và Nghị quyết 19/2008/QH12 của Quốc hội về việc thí điểm cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu căn hộ chung cư tại Việt Nam để xem xét việc mở rộng đối tượng sở hữu bất động sản, nới lỏng hơn nữa điều kiện mua và sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. | Các Bộ, ngành và địa phương | Quý IV/2013 | Luật/Nghị quyết của Quốc hội |
VI | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
|
|
|
| Rà soát, sửa đổi Nghị định 73/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục cho phù hợp với thực tiễn. | Các Bộ, ngành và địa phương | Quý IV/2013 | Nghị định |
VII | Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
|
|
|
1 | Soạn thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhằm khắc phục tối đa những bất cập hiện nay trong việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. | Các Bộ, ngành, địa phương | Quý IV/2013 | Nghị định |
2 | Soạn thảo Luật Dạy nghề (sửa đổi) theo hướng tăng cường sự hỗ trợ và ưu đãi đối với việc gắn kết việc đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp ĐTNN | Các Bộ, ngành, địa phương |
| Luật |
3 | Đề xuất định hướng chính sách khuyến khích đào tạo nhân lực kỹ thuật cao; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp ĐTNN đào tạo lao động Việt Nam thay thế lao động nước ngoài; khuyến khích hợp tác với cơ sở đào tạo của Việt Nam (trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề...) để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. | Các Bộ, ngành, địa phương | Quý IV/2013 | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ |
4 | Xây dựng quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở dạy nghề đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế, và nhu cầu của các dự án đầu tư nước ngoài. | Các Bộ, ngành, địa phương | Quý IV/2013 | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ |
5 | Xây dựng chương trình hành động cụ thể về việc đào tạo nguồn nhân lực và liên kết cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp sử dụng lao động. | Các Bộ, ngành, địa phương | Quý IV/2013 | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ |
IX | Bộ Khoa học và Công nghệ |
|
|
|
1 | Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Công nghệ cao, tập trung sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao quy định tại các điểm (b) và (d) Khoản 1 Điều 18 Luật Công nghệ cao | Bộ, ngành liên quan | Năm 2014 | Luật |
2 | Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chuyển giao công nghệ nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao công nghệ; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động này. | Bộ, ngành liên quan | Năm 2014 | Luật |
3 | Soạn thảo Thông tư quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, kể cả máy móc, thiết bị đã qua sử dụng theo hướng tăng cường sử dụng các công cụ giám định, tái giám định; có các quy định về tiêu chuẩn nhập khẩu, chế tài đủ mạnh để loại bỏ các loại máy móc, thiết bị lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, tiềm ẩn ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe con người... | Các Bộ, ngành, địa phương | Quý IV/2013 | Thông tư |
4 | Hướng dẫn cụ thể việc thực hiện cơ chế hậu kiểm xác định tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao. | Các Bộ, ngành, địa phương | Quý I/2014 | Văn bản hướng dẫn của Bộ |
5 | Nghiên cứu, đề xuất chính sách nhằm ngăn ngừa và hạn chế tình trạng chuyển giá trong các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp có vốn ĐTNN thông qua hợp đồng chuyển giao công nghệ... | Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư | Quý IV/2013 | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ |
6 | Nghiên cứu, đề xuất biện pháp thành lập tổ chức liên kết hoặc liên doanh để nghiên cứu và phát triển (R&D) trong các doanh nghiệp ĐTNN có công nghệ cao; xây dựng cơ chế, chính sách nâng cao trình độ công nghệ của khu vực DN trong nước. | Các Bộ, ngành, địa phương | Quý IV/2013 | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ |
X | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
|
|
|
1 | Xem xét khả năng cân đối chung về ngoại tệ trong dài hạn để xác định mức bảo lãnh, hỗ trợ chuyển đổi ngoại tệ cho các dự án BOT và các dự án quan trọng trong lĩnh vực năng lượng, kết cấu hạ tầng giáo thông, xử lý chất thải và các dự án PPP được cân đối ngoại tệ theo Điều 16 Luật Đầu tư nhằm thu hút ĐTNN trong các lĩnh vực này. | Bộ Tài chính, Bộ Công Thương | Quý IV/2013 | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ |
2 | Hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến công tác giám sát dòng vốn bằng tiền của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN (bao gồm dòng vốn góp bằng tiền, dòng vốn vay trong nước và vay ngoài nước). | Bộ ngành liên quan | Quý I/2014 | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ |
3 | Xây dựng cơ chế giám sát tổng mức vay trong nước và vay nước ngoài của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN trong tương quan với tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp. | Bộ ngành liên quan | Quý I/2014 | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ |
XI | Bộ Tài nguyên và Môi trường |
|
|
|
1 | Soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 69/2009/NĐ-CP nhằm hướng dẫn, điều chỉnh giãn lộ trình tăng giá đất; quy định cụ thể hệ số hỗ trợ thu hồi đất theo từng mục đích đất sử dụng quy định tại Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. | Bộ Tài chính | Quý IV/2013 | Nghị định |
2 | Rà soát, hoàn thiện chính sách giải phóng mặt bằng đất đai đảm bảo dự án triển khai thuận lợi, đúng tiến độ, quy định rõ trách nhiệm chính quyền các cấp, nhà đầu tư. | Các Bộ, ngành, địa phương | Quý I/2014 | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ |
3 | Rà soát các quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo liên kết với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên đất để thực hiện các dự án đầu tư đã có trong quy hoạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng. | Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương | Quý II/2014 | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ |
XII | Bộ Giao thông vận tải |
|
|
|
1 | Xây dựng các Bản thông tin chi tiết dự án (project profiles) đối với các dự án hạ tầng giao thông thuộc Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài | Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành và địa phương. | Quý IV/2013 | Các Bản thông tin chi tiết dự án do Bộ công bố |
2 | Rà soát, đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông và dự án BOT trong lĩnh vực giao thông | Các Bộ, ngành và địa phương. | Quý I/2014 | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ |
XII | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
|
|
|
1 | Nghiên cứu, đề xuất quy hoạch về các vùng nguyên liệu, các cụm chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy sản theo hướng hiện đại, tăng giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, thủy sản Việt Nam cùng đề xuất các cơ chế hỗ trợ. | Các Bộ, ngành và địa phương. | Quý I/2014 | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ |
2 | Xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư của ngành nông nghiệp, thủy sản. | Các Bộ, ngành và địa phương. | Quý IV/2013 | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ |
3 | Xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với việc nhập khẩu, phân phối các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, các chế phẩm nông nghiệp,... | Các Bộ, ngành và địa phương. | Quý IV/2013 | Văn bản hướng dẫn của Bộ |
XIII | UBND cấp tỉnh |
|
|
|
1 | Soạn thảo Quy hoạch của địa phương về phát triển nhà ở xã hội làm căn cứ kêu gọi đầu tư nước ngoài. | Bộ Xây dựng | Quý II/2014 | Báo cáo Bộ Xây dựng |
2 | Danh mục các dự án kêu gọi thu hút vốn ĐTNN của địa phương. | Bộ ngành liên quan | Quý IV/2013 | Báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
3 | Thường xuyên rà soát, cập nhật tình hình triển khai và các vướng mắc của các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án quy mô lớn, sử dụng nhiều đất, dự án tiêu tốn năng lượng, dự án có nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm môi trường hoặc có tiềm ẩn ảnh hưởng an ninh quốc gia, các dự án nhạy cảm khác,... để phối hợp công tác quản lý nhà nước về đầu tư và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. | Các Bộ ngành liên quan | Định kỳ 06 tháng và theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư | Báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ ngành liên quan |
4 | Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thường xuyên các sở, ban, ngành trực thuộc trong việc xử lý những sự việc cụ thể liên quan đến dự án ĐTNN trên địa bàn để đôn đốc, hỗ trợ trong việc cấp phép, triển khai dự án có vốn ĐTNN; đảm bảo việc cấp phép phải đúng pháp luật, đúng quy hoạch và các cam kết quốc tế. | Các Bộ ngành liên quan | Hàng năm |
|
5 | Khẩn trương hoàn chỉnh và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp có vốn ĐTNN trên địa bàn trong Hệ thống thông tin quốc gia về ĐTNN. | Các Bộ ngành liên quan | Hàng năm | Báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
6 | Thực hiện đầy đủ công tác hậu kiểm theo chức năng, đặc biệt lưu ý đối với các vấn đề rà soát tiến độ thực hiện dự án, chuyển giá, ô nhiễm môi trường, gian lận đầu tư,...; xử lý dứt điểm dự án không triển khai thực hiện hoặc hết hạn, dự án mà nhà đầu tư bỏ trốn để tạo cơ hội cho nhà đầu tư mới; tăng cường sử dụng các công cụ tài chính (báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập), cơ chế giám định, cơ chế định giá... để nâng cao hiệu quả công tác giám sát hoạt động đầu tư. | Các Bộ ngành liên quan | Hàng năm |
|
7 | Rà soát, lập danh mục và nêu các vướng mắc của các dự án đã hết hạn mà chưa thu hồi GCNĐT báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phối hợp quản lý và có hướng xử lý | Bộ Kế hoạch và Đầu tư | Quý IV/2013 | Báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
8 | Rà soát các trường hợp tranh chấp và có khả năng xảy ra tranh chấp để phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành liên quan cùng hỗ trợ Doanh nghiệp tránh để tình trạng khiếu kiện kéo dài ảnh hưởng môi trường đầu tư và đề xuất hướng xử lý | Các Bộ ngành liên quan | Hàng năm | Báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
- 1Resolution No. 19/NQ-CP dated March 18, 2014, on major tasks and solutions for improving the business environment and national competitiveness
- 2Directive No. 1617/CT-TTg of September 19, 2011, strengthening of implementation and correcting of management of foreign direct investment in the coming days
- 3Resolution No. 13/NQ-CP of April 7, 2009, on orientations and solutions to attract and manage foreign direct investment in the coming time
- 4Circular No.01/2001/TT-NHNN, guiding the management of foreign exchange in the overseas direct investment by Vietnamese enterprises, promulgated by the State Bank.
- 1Resolution No. 19/NQ-CP dated March 18, 2014, on major tasks and solutions for improving the business environment and national competitiveness
- 2Law No. 29/2013/QH13 dated June 18, 2013, science and technology
- 3Directive No. 1617/CT-TTg of September 19, 2011, strengthening of implementation and correcting of management of foreign direct investment in the coming days
- 4Decision No. 12/2011/QD-TTg of February 24, 2011, on development policy of a number of supporting industries
- 5Decision No. 71/2010/QD-TTg of November 09, 2010, promulgating the regulation on pilot investment in the public-private partnership form
- 6Decree No. 108/2009/ND-CP of November 27, 2009, on investment in the form of build-operate-transfer, build-transfer-operate or build-transfer contract
- 7Law No. 34/2009/QH12 of June 18, 2009, amending and supplementing Article 126 of the housing Law and Article 121 of the land Law
- 8Resolution No. 13/NQ-CP of April 7, 2009, on orientations and solutions to attract and manage foreign direct investment in the coming time
- 9Law No. 21/2008/QH12 of November 13, 2008, on high technologies
- 10Law No. 14/2008/QH12 of June 3, 2008, on enterprise income tax.
- 11Resolution No. 19/2008/QH12 of June 3, 2008, on pilot permission for foreign organizations and individuals to purchase and own residential houses in Vietnam.
- 12Law No. 80/2006/QH11 of November 29, 2006, on technology transfer.
- 13Law No. 63/2006/QH11 of June 29, 2006 on real estate business
- 14Law No.52/2005/QH11 on environmental protection, passed by the National Assembly
- 15Law No. 56/2005/QH11 of November 29, 2005, on housing.
- 16Law no. 59/2005/QH11 of November 29, 2005 on investment
- 17Law no. 60/2005/QH11 of November 29, 2005 on enterprises
- 18Law No. 38/2005/QH11 of June 14, 2005, on Education.
- 19Law No. 45/2005/QH11 of June 14, 2005, on import tax and export.
- 20Law No. 13/2003/QH11 of November 26, 2003 Land Law
- 21Law No. 16/2003/QH11 of November 26, 2003, on Construction.
- 22Circular No.01/2001/TT-NHNN, guiding the management of foreign exchange in the overseas direct investment by Vietnamese enterprises, promulgated by the State Bank.
Resolution No. 103/NQ-CP of August 29, 2013, on orientations to increase efficiency of attracting, using and managing foreign direct investments in future
- Số hiệu: 103/NQ-CP
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 29/08/2013
- Nơi ban hành: Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 29/08/2013
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực