Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
QUYẾT ĐỊNH
CHẤP THUẬN VÀ GIA NHẬP HIỆP ĐỊNH THÀNH LẬP TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI -(WTO)
CÁC BỘ TRƯỞNG
Ghi nhận rằng Điều XI và Điều XIV của Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (dưới đây gọi là "Hiệp định WTO") quy định chỉ các bên ký kết GATT 1947, kể từ khi Hiệp định WTO có hiệu lực, theo đó Bảng nhân nhượng và cam kết tạo thành phụ lục của GATT 1994 và Bảng cam kết cụ thể tạo thành phụ lục của Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (dưới đây gọi là GATS), có thể chấp nhận Hiệp định WTO;
Ghi nhận thêm rằng đoạn 5 Văn kiện cuối cùng về Những kết quả của Vòng đàm phán Thương mại đa biên Uruguay (dưới đây thứ tự gọi là “Văn kiện cuối cùng” và “Vòng Uruguay”) quy định rằng các Bảng của các Bên tham gia không phải là những bên ký kết GATT 1947 vào ngày Văn kiện cuối cùng được thông qua mà chưa hoàn thành và do đó sẽ được hoàn thành để gia nhập GATT 1947 và chấp thuận Hiệp định WTO;
Chú ý tới đoạn 1 của Quyết định về những biện pháp thuận lợi cho các nước chậm phát triển quy định các nước chậm phát triển được dành thêm thời gian một năm kể từ 15 tháng 4 năm 1994 để trình các Bảng (nhân nhượng và cam kết -ND) của họ theo yêu cầu của Điều XI Hiệp định WTO;
Thừa nhận rằng một số nước tham gia Vòng Uruguay đã áp dụng GATT 1947 trên cơ sở thực tế và trở thành các bên ký kết theo điều XXVI:5(c) của GATT 1947 đã không sẵn sàng trình các Bảng tương ứng với GATT 1994 và GATS;
Thừa nhận thêm rằng một số Quốc gia hoặc Lãnh thổ Hải quan riêng biệt không tham gia Vòng Uruguay có thể trở thành các bên ký kết GATT 1947 trước khi Hiệp định WTO có hiệu lực và rằng Các Quốc gia hoặc Lãnh thổ Hải quan riêng biệt sẽ có cơ hội đàm phán các Bảng tương ứng với GATT 1994 và GATS để có điều kiện chấp thuận Hiệp định WTO;
Cân nhắc đến một số Quốc gia hoặc Lãnh thổ có Hải quan riêng biệt không thể hoàn thành quá trình gia nhập GATT 1947 trước khi Hiệp định WTO có hiệu lực, hoặc không có ý định trở thành các bên ký kết GATT 1947 có thể mong muốn khởi đầu quá trình gia nhập WTO trước khi Hiệp định WTO có hiệu lực.
Thừa nhận rằng Hiệp định WTO không phân biệt dưới bất cứ dạng nào giữa các Thành viên WTO chấp nhận Hiệp định phù hợp theo điều XI và XIV với các Thành viên WTO gia nhập Hiệp định phù hợp theo điều XII và mong muốn đảm bảo rằng thủ tục gia nhập của các Quốc gia hoặc Lãnh thổ Hải quan riêng biệt chưa trở thành các bên ký kết GATT 1947 kể từ ngày Hiệp định WTO có hiệu lực là để tránh cho các Quốc Gia hoặc Lãnh thổ Hải quan riêng biệt đó khỏi những bất lợi hoặc chậm trễ không cần thiết;
QUYẾT ĐỊNH RẰNG
1. (a) Bất cứ bên ký kết nào của Văn kiện cuối cùng
- là đối tượng áp dụng đoạn 5 của Văn kiện cuối cùng, hoặc
- là đối tượng áp dụng đoạn 1 của Quyết định về Những biện pháp thuận lợi cho các nước chậm phát triển, hoặc - trở thành bên ký kết theo điều XXVI: 5(c) của GATT 1947 trước 15 tháng 4 năm 1994 và không sẵn sàng xây dựng các Bảng tương ứng vào GATT 1994 và GATS để đưa vào Văn kiện cuối cùng, và bất cứ Quốc gia hoặc Lãnh thổ Hải quan riêng biệt nào - trở thành một bên ký kết GATT 1947 giữa thời gian từ 15 tháng 4 năm 1994 đến ngày Hiệp định WTO có hiệu lực.
có thể gửi cho Uỷ ban trù bị để xem xét và phê duyệt Bảng nhân nhượng và cam kết với GATT 1994 và Bảng cam kết cụ thể với GATS.
(b) Phù hợp với điều XIV của Hiệp định WTO/Hiệp định này sẽ để ngỏ cho các bên ký kết GATT 1947 chấp thuận lộ trình được đệ trình và phê duyệt trước khi Hiệp định WTO có hiệu lực.
(c) Những điều khoản của tiểu đoạn (a) và (b) của đoạn này không làm phương hại đến quyền của các nước chậm phát triển nhất gửi các Bảng của mình trong thời hạn một năm kể từ 15 tháng 4 năm 1994.
2. (a) Bất cứ Quốc gia hoặc Lãnh thổ Hải quan riêng biệt nào cũng có thể yêu cầu Uỷ ban Trù bị đề nghị Hội nghị Bộ trưởng của WTO phê duyệt các điều khoản gia nhập Hiệp định WTO của mình phù hợp với điều XII của Hiệp định. Nếu yêu cầu đó do Quốc gia hoặc Lãnh thổ Hải quan riêng biệt đề ra trong quá trình tán thành GATT 1947, Uỷ ban Trù bị tuỳ mức độ thực tế sẽ cùng với Ban Công tác do các BÊN Ký KếT gatt 1947 lập ra để xem xét việc gia nhập của Quốc gia hoặc Lãnh thổ Hải quan riêng biệt đó.
(b) Uỷ ban Trù bị sẽ đệ trình báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng để xem xét yêu cầu đó. Báo cáo có thể bao gồm nghị định thư gia nhập, kể cả các Bảng nhân nhượng và các cam kết với GATT 1994 và Bảng cam kết cụ thể với GATS để Hội nghị Bộ trưởng phê duyệt. Báo cáo của Uỷ ban Trù bị sẽ được Hội nghị Bộ trưởng cân nhắc tới khi xem xét hồ sơ xin gia nhập của Quốc gia hoặc Lãnh thổ Hải quan riêng biệt có liên quan đến việc tham gia Hiệp định WTO.
QUYẾT ĐỊNH
VỀ THƯƠNG MẠI VÀ MÔI TRƯỞNG
CÁC BỘ TRƯỞNG,
Nhóm họp nhân dịp ký Văn kiện cuối cùng về những Kết quả của Vòng đàm phán thương mại đa biên Uruguay tại Marrakesh ngày 15 tháng 4 năm 1994,
Khẳng định lại lời mở đầu của Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) tuyên bố rằng “quan hệ của các thành viên trong lĩnh vực thương mại và nỗ lực kinh tế phải được hướng vào việc nâng cao mức sống, đảm bảo đầy đủ việc làm, thu nhập thực tế lớn và tăng vững chắc và nhu cầu có hiệu quả, mở rộng sản xuất và thương mại hàng hoá dịch vụ, trong khi cho phép sử dụng tối đa nguồn tài nguyên thế giới phù hợp với những mục tiêu phát triển có thể đạt được, tìm cách vừa bảo vệ và gìn giữ môi trường, vừa khuyến khích những biện pháp thực hiện điều đó một cách kiên trì theo nhu cầu và mối quan tâm liên quan ở các trình độ phát triển kinh tế khác nhau”.
Ghi nhận:
- Tuyên bố Rio về Môi trường và Phát triển, Chương trình nghị sự 21 và các phiên tiếp theo tại GATT, được phản ảnh trong tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng đại biểu CáC BÊN Ký KếT tại kỳ họp thứ 48 tháng 12 năm 1992, cũng như công việc của Nhóm Biện pháp Môi trường và Thương mại quốc tế, Uỷ ban Thương mại và Phát triển và Hội đồng đại biểu;
- Chương trình công tác được đề ra trong Quyết định về Thương mại dịch vụ và Môi trường; và
- Các điều khoản liên quan của Hiệp định về các khía cạnh có liên quan đến Thương mại của Quyền Sở hữu Trí tuệ,
Xem xét thấy rằng không có và cũng không cần có mâu thuẫn nào về chính sách giữa một bên là sự đề cao và giữ gìn hệ thống thương mại đa biên cởi mở, không phân biệt và công bằng với một bên là hành động bảo vệ môi trường và xúc tiến sự phát triển bền vững,
Mong muốn điều phối các chính sách trong lĩnh vực thương mại và môi trường, và điều đó không vượt quá thẩm quyền của hệ thống thương mại đa biên được hạn chế trong những chính sách thương mại và những khía cạnh có liên quan đến thương mại của chính sách môi trường có thể đưa đến những kết quả thương mại to lớn cho các thành viên,
Quyết định:
-hướng cuộc họp đầu tiên của Hội đồng toàn thể WTO vào việc thành lập Uỷ ban Thương mại và Môi trường mở rộng cho mọi thành viên của WTO để báo cáo lên kỳ họp nhị niên đầu tiên của Hội nghị Bộ trưởng sau khi WTO có hiệu lực là thời điểm xem xét công việc và các điều khoản tham chiếu của Uỷ ban dưới ánh sáng những khuyến nghị của Uỷ ban,
-rằng Quyết định TNC ngày 15 tháng 12 năm 1993 có phần quy định:
"(a) Đặc định hóa mối quan hệ giữa các biện pháp thương mại và các biện pháp môi trường nhằm khuyến khích sự phát triển bền vững;
(b) Đề ra những khuyến nghị thích hợp đối với bất cứ sự sửa đổi bổ sung điều khoản nào của hệ thống thương mại đa biên khi cần và phù hợp với bản chất mở, công bằng và không phân biệt của hệ thống, đặc biệt là;
- sự giám sát đối với những biện pháp thương mại được sử dụng cho các mục đích môi trường, đối với các khía cạnh có liên quan đến thương mại của các biện pháp môi trường có những tác động thương mại quan trọng và việc thực hiện có hiệu quả những kỷ luật đa biên chi phối các biện pháp này;”
- sự cần thiết có những quy định nhằm thúc đẩy những tác động qua lại tích cực giữa các biện pháp thương mại và môi trường để xúc tiến sự phát triển bền vững, có sự xem xét đặc biệt nhu cầu của các nước đang phát triển, đặc biệt trong đó là các nước chậm phát triển nhất; và
- tránh những biện pháp chủ nghĩa bảo hộ thương mại, tăng cường những kỷ luật đa biên có hiệu lực nhằm bảo đảm sự đáp ứng của hệ thống thương mại đa biên với những mục tiêu môi trường nêu ra trong Chương trình nghị sự 21 của Tuyên bố Rio, đặc biệt là Nguyên tắc 12; và
bên cạnh những lời mở đầu như trên, tạo nên các điều khoản tham chiếu của Uỷ ban Thương mại và Môi trường,
- rằng trong phạm vi của các điều khoản tham chiếu và với mục tiêu làm cho các chính sách thương mại quốc tế và môi trường có tác dụng hỗ trợ lẫn nhau, Uỷ ban sẽ đề cập những vấn đề dưới đây và bất cứ nội dung tương ứng nào liên quan đến các vấn đề đó cũng có thể được nêu ra:
- mối quan hệ giữa các điều khoản của hệ thống thương mại đa biên và các biện pháp thương mại vì mục tiêu môi trường, kể cả những biện pháp trần theo các thoả thuận môi trường đa biên;
- mối quan hệ giữa các chính sách môi trường liên quan đến các biện pháp thương mại và môi trường có tác động to lớn tới thương mại và các điều khoản của hệ thống thương mại đa biên;
- mối quan hệ giữa các điều khoản của hệ thống thương mại đa biên và:
(a) chi phí và thuế vì mục đích môi trường;
(b) những yêu cầu vì mục tiêu môi trường liên quan đến sản phẩm, kể cả các tiêu chuẩn và các quy định kỹ thuật, bao bì, nhãn hiệu và tái sinh;
-những điều khoản của hệ thống thương mại đa biên đối với sự minh bạch của các biện pháp thương mại được sử dụng vì mục tiêu môi trường và các biện pháp và yêu cầu về môi trường có tác động thương mại to lớn;
-mối quan hệ giữa cơ chế giải quyết tranh chấp trong hệ thông thương mại đa biên với cơ chế có trong các thoả thuận môi trường đa biên;
-tác động của các biện pháp môi trường đối với việc tiếp cận thị trường, nhất là trong quan hệ với các nước đang phát triển trong đó đặc biệt là các nước chậm phát triển nhất và những lợi ích môi trường trong việc xoá bỏ những hạn chế và bóp méo thương mại;
-giải pháp xuất khẩu những hàng cấm trong nội địa,
-rằng Uỷ ban Thương mại và Môi trường sẽ xem xét chương trình công tác nêu ra trong Quyết định về Thương mại trong Dịch vụ và Môi trường và các điều khoản liên quan của Hiệp định về các Khía cạnh liên quan đến Thương mại của Quyền Sở hữu Trí tuệ với tư cách là một bộ phận gắn liền với công tác đó trong phạm vi của các điều khoản tham chiếu nêu trên,
-rằng trong khi chờ đợi cuộc họp đầu tiên của Đại Hội đồng WTO, công tác của Uỷ ban Thương mại và Môi trường sẽ do Tiểu ban của Uỷ ban Trù bị của Tổ chức Thương mại Thế giới (PCWTO) thực hiện, mở rộng cho mọi thành viên ủy ban trù bị WTO,
-mời Tiểu ban của Uỷ ban Trù bị, Uỷ ban Thương mại và Môi trường khi được thành lập, cung cấp thông tin đầu vào cho các tổ chức hữu quan về những thoả thuận thích hợp liên quan các tổ chức chính phủ và phi chính phủ được nói ở điều V của WTO.
QUYẾT ĐỊNH
VỀ HỆ QUẢ TỔ CHỨC TÀI CHÍNH TỪ VIỆC THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH THÀNH LẬP TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI
CÁC BỘ TRƯỞNG,
Thừa nhận tầm quan trọng về vai trò và sự đóng góp của Tổ chức Thương mại Thế giới (dưới đây gọi là WTO) đối với thương mại quốc tế,
Mong muốn đảm bảo hoạt động có hiệu quả của Ban Thư ký WTO,
Thừa nhận rằng việc thực hiện những hệ quả của Vòng Uruguay sẽ mở rộng phạm vi và tính phức tạp của những nhiệm vụ thuộc Ban Thư ký, rằng cần phải nghiên cứu những tiềm ẩn sáng tạo chứa đựng trong những nhiệm vụ đó,
Khẳng định lại những tuyên bố của các vị Chủ tịch trước đây của CáC BÊN Ký KếT GATT và Hội đồng GATT lưu ý sự cần thiết phải cải thiện những điều khoản và điều kiện dịch vụ, kể cả tiền lương và trợ cấp hưu cho các nhân viên chuyên nghiệp của Ban Thư ký,
Lưu ý đối với WTO cần thiết phải có tính cạnh tranh trong những điều kiện dịch vụ dành cho nhân viên chuyên nghiệp để thu hút năng lực chuyên gia cần có,
Ghi nhận đề nghị của Ông Tổng Giám đốc là trong việc quy định những điều kiện dịch vụ của nhân viên WTO bao gồm cả tiền lương và trợ cấp hưu, cần phải tham khảo những điều kiện đó của Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới,
Ghi nhận điều VI của Hiệp định thành lập WTO, đặc biệt là đoạn 3 của điều đó giao quyền cho Tổng Giám đốc khi bổ nhiệm nhân viên của Ban Thư ký phải xác định nhiệm vụ của họ và những điều kiện dịch vụ phù hợp với các quy định do Hội nghị Bộ trưởng thông qua,
Khẳng định lại rằng việc uỷ nhiệm cho ủy ban trù bị đòi hỏi ủy Ban phải thực thi những chức năng cần có để đảm bảo hoạt động hữu hiệu của WTO ngay khi thành lập, kể cả việc chuẩn bị các khuyến nghị để tổ chức thẩm quyền của WTO xem xét, hoặc ở mức độ cần thiết đưa ra những quyết định, hoặc khi thích hợp, có những quyết định tạm thời đối với những vấn đề hành chính, ngân sách và tài chính kèm theo đề nghị của Ban Thư ký,
ở đây đồng ý rằng Uỷ ban Trù bị sẽ xem xét những thay đổi về tổ chức, những yêu cầu về nguồn nhân lực và những điều kiện dịch vụ của nhân viên được đề ra có liên quan đến việc thành lập WTO và thi hành những thoả thuận Vòng Uruguay, chuẩn bị những khuyến nghị và ở mức độ cần thiết đưa ra những quyết định đối với những điều chỉnh cần có.
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÀNH LẬP UỶ BAN TRÙ BỊ CỦA TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI
CÁC BỘ TRƯỞNG,
Xem xét đề nghị Thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (dưới đây gọi là “Hiệp định WTO” và “WTO”) và
Lưu ý đến mong muốn đảm bảo sự quá độ có trật tự chuyển sang WTO và hoạt động có hiệu quả của WTO kể từ ngày có hiệu lực,
Dưới đây thoả thuận như sau:
1. Thành lập theo đây một Uỷ ban Trù bị cho WTO (dưới đây gọi là “Uỷ ban”). Với năng lực cá nhân của mình, Ngài P.D. Sutherland được bổ nhiệm là Chủ tịch Uỷ ban.
2. Uỷ ban sẽ mở tất cả các Bên ký kết Văn kiện cuối cùng của Vòng đàm phán Thương mại đa biên Uruguay và bất cứ bên ký kết nào thích hợp để trở thành thành viên ban đầu của WTO phù hợp với điều XI của Hiệp định WTO tham gia.
3. Một Tiểu ban về Ngân sách, Tài chính và Hành chính do Chủ tịch CáC BÊN Ký KếT GATT làm chủ toạ và một Tiểu ban về Dịch vụ chịu trách nhiệm về công việc trù bị về các vấn đề GATS cũng được thành lập. Uỷ ban có thể thành lập các Tiểu ban bổ sung khi thích hợp. Quyền sáng lập viên của các Tiểu ban mở rộng cho tất cả các thành viên của Uỷ ban. Uỷ ban sẽ đặt ra các thủ tục cho mình và thủ tục cho các Tiểu ban.
4. Uỷ ban sẽ quyết định mọi vấn đề theo nguyên tắc đồng thuận.
5. Chỉ các thành viên của Uỷ ban là các bên ký kết GATT có thể trở thành Thành viên ban đầu của WTO theo điều XI và XIV của Hiệp định WTO mới có thể tham gia vào việc ra quyết định của Uỷ ban.
6. Uỷ ban và các Tiểu ban sẽ được Ban Thư ký GATT giúp việc.
7. Uỷ ban sẽ chấm dứt hoạt động ngay khi Hiệp định WTO có hiệu lực, tại thời điểm đó Uỷ ban sẽ chuyển các tài liệu lưu trữ và các khuyến nghị cho WTO.
8. Uỷ ban sẽ thực hiện các chức năng trên khi cần thiết nhằm bảo đảm cho WTO hoạt động hữu hiệu ngay vào ngày thành lập, kể cả những chức năng nêu dưới đây:
(a) các vấn đề hành chính, ngân sách và tài chính:
Chuẩn bị những khuyến nghị để tổ chức có thẩm quyền của WTO xem xét, hoặc ở mức độ cần thiết ra quyết định hoặc khi thích hợp ra quyết định tạm thời trước khi thành lập WTO, đối với những khuyến nghị do Chủ tịch Tiểu ban Ngân sách, Tài chính và Hành chính đệ trình như đã dẫn ở đoạn 3 trên, có sự cộng tác của Chủ tịch Uỷ ban GATT về Ngân sách, Tài chính và Hành chính có kèm theo đề nghị của Ban Thư ký về:
( i) thoả thuận về trụ sở nêu tại điều VIII:5 của Hiệp định WTO;
(ii) những quy định về tài chính, bao gồm cả những hướng dẫn về việc đánh giá sự đóng góp ngân sách của các thành viên WTO, phù hợp với tiêu chí nêu tại điều VII của Hiệp định WTO;
(iii) dự toán ngân sách cho năm hoạt động đầu tiên của WTO;
(iv) chuyển giao tài sản, kể cả các tài sản tài chính của ICITO/GATT sang WTO;
(v) chuyển giao nhân viên và những điều khoản và điều kiện của việc chuyển giao nhân viên GATT sang Ban Thư ký WTO; và
(vi)mối quan hệ giữa Trung tâm Thương mại Quốc tế và WTO.
(b) Các vấn đề về thể chế, thủ tục và pháp lý:
(i) Tiến hành việc xem xét và phê duyệt các lộ trình đã được đệ trình lên Uỷ ban phù hợp với “Quyết định về việc Chấp thuận và việc Gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới” và đề nghị điều khoản gia nhập phù hợp với đoạn 2 của Quyết định đó;
(ii) Đưa ra những đề nghị liên quan đến các điều khoản tham chiếu cho các tổ chức của WTO đặc biệt là các điều khoản được đặt ra trong điều IV của Hiệp định WTO và các nguyên tắc về thủ tục được viện dẫn nêu tại các điều khoản đó, có lưu ý đến đoạn 1 của điều XVI;
(iii) Để đưa những khuyến nghị tới Đại Hội đồng WTO liên quan đến những thoả thuận thích hợp trong quan hệ với các tổ chức khác được nêu tại điều V của Hiệp định WTO; và
(iv) Chuẩn bị và đệ trình WTO báo cáo hoạt động của Uỷ ban.
(c) Những vấn đề có liên quan đến hiệu lực của Hiệp định WTO và hoạt động của WTO trong phạm vi và chức năng của tổ chức này:
(i) Triệu tập và chuẩn bị Hội nghị triển khai;
(ii) Khởi xướng chương trình công tác xuất phát từ những kết quả của Vòng Uruguay như đã đề ra trong Văn kiện cuối cùng chẳng hạn như giám sát, trong Tiểu ban về Dịch vụ đã dẫn trong đoạn 3 nói trên, những cuộc đàm phán trong những ngành dịch vụ riêng biệt, và cũng để đảm nhiệm những công việc phát sinh từ những Quyết định của cuộc họp Marrakesh;
(iii) Thảo luận những đề xuất để đưa vào bổ sung cho chương trình nghị sự thuộc chương trình công tác của WTO;
(iv) Đưa ra những đề nghị liên quan đến thành phần của Tổ chức Giám sát Hàng Dệt phù hợp với tiêu chí nêu tại điều 8 của Hiệp định về Hàng Dệt và May mặc; và
(v) Triệu tập cuộc họp đầu tiên của Hội nghị Bộ trưởng hoặc Hội đồng toàn thể WTO khi họp lần đầu, và chuẩn bị dự kiến chương trình nghị sự cho cuộc họp đó.
THOẢ THUẬN
VỀ CÁC CAM KẾT TRONG DỊCH VỤ TÀI CHÍNH
Các nước tham gia Vòng đàm phán Uruguay đã được phép đưa ra các cam kết về dịch vụ tài chính theo Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (sau đây được gọi tắt là "Hiệp định") trên cơ sở một phương thức thay thế cho phương thức được quy định tại Phần III của Hiệp định. Các nước đã thống nhất rằng phương thức này có thể được áp dụng với những thoả thuận như sau:
(i) phương thức này không trái với các quy định của Hiệp định.
(ii) phương thức này không được làm tổn hại đến quyền của bất cứ thành viên nào trong việc xây dựng các cam kết cụ thể theo phương thức được quy định tại Phần III của Hiệp định.
(iii) các cam kết cụ thể đạt được sẽ được áp dụng trên cơ sở MFN.
(iv) không có sự tiền định nào được đặt ra về mức độ tự do hoá mà một nước thành viên tự cam kết theo Hiệp định.
Trên cơ sở đàm phán, và tuỳ thuộc vào các điều kiện và tiêu chuẩn được nêu rõ ở từng nơi, các nước Thành viên có quan tâm đã đưa ra bảng cam kết cụ thể của mình phù hợp với phương thức được trình bày dưới đây.
A. GIỮ NGUYÊN HIỆN TRẠNG (STANDSTILL)
Bất cứ điều kiện, hạn chế và tiêu chuẩn đối với các cam kết ghi dưới đây sẽ được giới hạn ở các biện pháp chưa phù hợp hiện hành.
B. TIẾP CẬN THỊ TRƯỜNG (MARKET ACCESS)
Độc quyền
1. Ngoài điều VIII của Hiệp định, các quy định sau sẽ áp dụng:
Mỗi nước Thành viên sẽ liệt kê trong bảng cam kết liên quan đến dịch vụ tài chính của mình các độc quyền hiện hành và sẽ nỗ lực loại bỏ chúng hoặc giảm phạm vi của chúng. Không phụ thuộc vào khoản 1(b) của Phụ lục về dịch vụ tài chính, khoản này được áp dụng cho các hoạt động được được dẫn chiếu đến tại khoản 1(b)(iii) của Phụ lục.
Các dịch vụ tài chính được mua bởi các thực thể công cộng
2. Không phụ thuộc vào Điều XIII của Hiệp định, mỗi Thành viên sẽ đảm bảo rằng các nhà cung cấp dịch vụ tài chính của bất kỳ một Thành viên khác được thành lập trên lãnh thổ của mình được hưởng đối xử Tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong việc mua sắm hay giành được dịch vụ tài chính của các thực thể công cộng của Thành viên đó trên lãnh thổ mình.
Thương mại qua biên giới
3. Mỗi nước thành viên sẽ cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tài chính không cư trú tại nước mình được cung cấp với tư cách là nhà cung cấp chính, hoặc thông qua một trung gian hoặc với tư cách là trung gian, và với các điều kiện và quy định mà đối xử quốc gia được áp dụng, những dịch vụ sau:
(a) Bảo hiểm rủi ro liên quan đến:
(i) Vận tải biển và vận tải hàng không thương mại và phóng tàu và vận tải vũ trụ (kể cả vệ tinh), trong đó bảo hiểm cho một phần hoặc toàn bộ các đối tượng sau đây: hàng hoá được vận tải, phương tiện vận chuyển hàng hoá và mọi liên đới trách nhiệm phát sinh từ chúng; và
(ii) Hàng hóa quá cảnh quốc tế;
(b) Tái bảo hiểm, tái nhượng và các dịch vụ bổ trợ cho các loại bảo hiểm được đề cập tại khoản 5(a)(iv) của Phụ lục.
©Việc cung cấp và truyền các thông tin tài chính và xử lý dữ liệu tài chính như đã đề câp khoản 5(a)(xv) của Phụ lục và các dịch vụ tư vấn, các dịch vụ bổ trợ khác, không kể trung gian, liên quan đến dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ tài chính khác như đề cập tại khoản 5(a) (xvi) của Phụ lục.
4. Mỗi nước thành viên sẽ cho phép những người cư trú tại nước mình được mua tại lãnh thổ của một nước thành viên bất kỳ khác các dịch vụ tài chính nêu tại :
(a) Tiểu mục 3(a);
(b) Tiểu mục 3(b); và
(c) Tiểu mục 5(a)(v) đến (xvi) của Phụ lục.
Hiện diện thương mại
5. Mỗi Thành viên sẽ cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính của một nước thành viên bất kỳ khác quyền được thành lập hoặc mở rộng tại lãnh thổ của mình, kể cả thông qua việc mua lại các xí nghiệp hiện có, một hiện diện thương mại.
6. Một Thành viên có thể áp đặt các quy định, điều kiện và thủ tục cho phép thành lập và mở rộng một hiện diện thương mại mà chúng không tạo ra sự vòng tránh nghĩa vụ theo khoản 5 của Thành viên đó và chúng phù hợp với các nghĩa vụ khác của Hiệp định.
Các dịch vụ tài chính mới
7. Một Thành viên sẽ cho phép các nhà cung cấp dịch vụ của một Thành viên bất kỳ khác thành lập trên lãnh thổ nước mình được chào bán mọi dịch vụ tài chính mới .
Truyền thông tin và xử lý thông tin
8. Không một Thành viên nào thực hiện những biện pháp ngăn cản việc truyền thông tin hay xử lý thông tin tài chính, kể cả việc truyền các dữ liệu bằng các thiết bị điện tử, hay, theo các quy định về nhập khẩu phù hợp với các hiệp định quốc tế, ngăn cản việc chuyển giao thiết bị nếu việc truyền thông tin, xử lý thông tin tài chính hoặc chuyển giao thiết bị là cần thiết để tiến hành hoạt động kinh doanh thông thường của một nhà cung cấp dịch vụ tài chính. Không có quy định nào tại khoản này hạn chế quyền của một Thành viên bảo vệ các dữ liệu cá nhân, bí mật riêng tư cá nhân và sự bí mật thông tin và tài khoản cá nhân với điều kiện quyền này không được sử dụng để vòng tránh các quy định của Hiệp định.
Nhập cảnh tạm thời của nhân viên
9. (a) Mỗi Thành viên sẽ cho phép các nhân sự dưới đây của một nhà cung cấp dịch vụ tài chính của một Thành viên bất kỳ khác đang hoặc đã thành lập một hiện diện thương mại tại lãnh thổ của Thành viên đó được nhập cảnh tạm thời vào lãnh thổ của mình:
(i) nhân viên quản lý cao cấp nắm giữ các thông tin tài sản cần thiết cho việc thành lập, kiểm tra và hoạt động của các dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ tài chính đó; và
(ii) Các chuyên gia trong hoạt động của nhà cung cấp dịch vụ đó.
(b) Tuỳ thuộc vào sự sẵn có của nhân sự lành nghề tại lãnh thổ của mình, mỗi Thành viên sẽ cho phép các nhân sự dưới đây gắn liền với một hiện diện thương mại của một nhà cung cấp dịch vụ tài chính của bất cứ một Thành viên bất kỳ khác được nhập cảnh tạm thời:
(i) Các chuyên gia về dịch vụ máy tính, viễn thông và kế toán của nhà cung cấp dịch vụ đó; và
(ii) Các chuyên viên pháp lý và thống kê.
Các biện pháp không phân biệt đối xử
10. Mỗi Thành viên sẽ nỗ lực loại bỏ hoặc hạn chế mọi ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đối với những nhà cung cấp dịch vụ tài chính của một Thành viên bất kỳ khác của:
(a) các biện pháp không phân biệt đối xử ngăn cản các nhà cung cấp dịch vụ tài chính chào bán trên lãnh thổ của Thành viên đó, theo hình thức do nước thành viên đó quy định, mọi dịch vụ tài chính mà nước thành viên đó cho phép;
(b) biện pháp không phân biệt đối xử hạn chế sự mở rộng hoạt động của các nhà cung cấp dịch vụ tài chính trên toàn bộ lãnh thổ của Thành viên đó;
(c) các biện pháp của một Thành viên, khi Thành viên đó áp dụng cũng các biện pháp đó đối với việc cung cấp cả dịch vụ ngân hàng lẫn chứng khoán, và một nhà cung cấp dịch vụ tài chính của một Thành viên bất kỳ khác tập trung các hoạt động của mình trong việc cung cấp các dịch vụ chứng khoán; và
(d) các biện pháp khác, mặc dù tôn trọng các quy định của Hiệp định, gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng của các nhà cung cấp dịch vụ tài chính của một Thành viên bất kỳ trong việc hoạt động, cạnh tranh hoặc thâm nhập vào thị trường của Thành viên đó;
miễn là bất cứ hành động nào được tiến hành theo khoản này sẽ không phân biệt một cách bất bình đẳng với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính của Thành viên tiến hành hành động đó.
11. Đối với các biện pháp không phân biệt đối xử được đề cập trong khoản 10(a), 10(b), một Thành viên sẽ cố gắng không giới hạn hay hạn chế mức cơ hội thị trường hiện tại cũng như các lợi ích mà các nhà cung cấp dịch vụ tài chính của tất cả các Thành viên khác đang được hưởng tại lãnh thổ của Thành viên đó, với điều kiện cam kết này không gây ra sự phân biệt đối xử bất bình đẳng đối với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính của Thành viên áp dụng các biện pháp đó.
C. ĐỐI XỬ QUỐC GIA
1. Theo các quy định và điều kiện áp dụng đối xử quốc gia, mỗi Thành viên sẽ dành cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính của một Thành viên bất kỳ khác đã được thành lập trên lãnh thổ của mình được tiếp cận các hệ thống trả tiền và thanh toán do các thực thể công cộng quản lý, và các phương tiện cấp vốn và tái cấp vốn chính thức sẵn có trong điều kiện kinh doanh thông thường. Khoản này không nhằm mục đích đề cập đến sự tiếp cận với các phương tiện cho vay nấc cuối cùng của nước thành viên đó.
2. Khi việc trở thành thành viên hoặc tham gia vào, hay tiếp cận tới, bất kỳ một cơ quan tự quản, thị trường giao dịch kỳ hạn hoặc chứng khoán, đại lý thanh toán, hoặc bất cứ một tổ chức hay hiệp hội nào khác, là yêu cầu bắt buộc của một Thành viên đối với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính của một Thành viên bất kỳ khác để cung cấp dịch vụ tài chính trên cơ sở bình đẳng với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính của Thành viên đó, hoặc khi Thành viên đó dành cho các đơn vị đó một cách trực tiếp hay gián tiếp những ưu đãi hay lợi thế trong việc cung cấp dịch vụ tài chính, thì Thành viên đó sẽ đảm bảo rằng các đơn vị đó dành đối xử quốc gia cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính của một Thành viên bất kỳ khác là người cư trú trên lãnh thổ của quốc gia đó.
D. ĐỊNH NGHĨA
Vì mục đích của phương thức này :
1. Nhà cung cấp dịch vụ tài chính không cư trú là nhà cung cấp dịch vụ tài chính của một Thành viên cung cấp dịch vụ tài chính vào lãnh thổ của một Thành viên khác từ một cơ sở nằm trên lãnh thổ của một Thành viên khác, bất kể nhà cung cấp dịch vụ đó có hay không có hiện diện thương mại tại lãnh thổ của Thành viên mà ở đó dịch vụ tài chính được cung cấp đến.
2. “Hiện diện thương mại” có nghĩa là một doanh nghiệp trong lãnh thổ của một Thành viên để cung cấp dịch vụ tài chính và bao gồm các công ty con sở hữu một phần hay toàn phần, liên doanh, hợp danh, sở hữu toàn phần, đại lý mượn danh, chi nhánh, đại lý, văn phòng đại diện hoặc các tổ chức khác.
Một dịch vụ tài chính mới là một dịch vụ mang tính chất tài chính, kể cả các dịch vụ liên quan đến các sản phẩm hiện hành hoặc mới hoặc cách thức theo đó một sản phẩm được chuyển giao, chưa được cung cấp bởi một nhà cung cấp dịch vụ bất kỳ tại lãnh thổ của nước một Thành viên cụ thể nhưng được cung cấp tại lãnh thổ của một Thành viên khác.
(Các văn bản này chỉ có giá trị tham khảo. Ngày ban hành trong văn bản này chỉ mang tính tương đối).
Quyết định năm 1994 chấp thuận và gia nhập hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới - (WTO)
- Số hiệu: Khôngsố11
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 15/04/1994
- Nơi ban hành: ***
- Người ký: ***
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 30/04/1994
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra