Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 998/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 19 tháng 06 năm 2014 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 22 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Xét đề nghị của Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 với nội dung như sau:
1. Ranh giới, diện tích và thời hạn lập quy hoạch chung:
Bao gồm ranh giới hành chính xã Hoành Mô và xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh với tổng diện tích tự nhiên khoảng 14.236 ha.
- Phía Bắc giáp khu Phòng Thành, thành phố cảng Phòng Thành, tỉnh Quảng Tây, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa;
- Phía Nam giáp xã Húc Động, huyện Bình Liêu và xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà;
- Phía Đông giáp xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà;
- Phía Tây giáp xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu.
Thời hạn quy hoạch: Đợt đầu đến năm 2020 và định hướng dài hạn đến năm 2030.
- Là khu kinh tế đa ngành, trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ, du lịch của vùng biên giới phía Bắc tỉnh Quảng Ninh;
- Là đô thị tổng hợp với không gian kiến trúc hiện đại, có bản sắc và đảm bảo các tiêu chí của đô thị loại V;
- Là cửa ngõ giao lưu hoạt động, trung chuyển thương mại quốc tế và đầu mối giao thông quan trọng trong khu vực miền núi Bắc bộ, vùng vành đai kinh tế vịnh Bắc bộ; thuận lợi cho việc thu hút, xúc tiến các hoạt động đầu tư trên cơ sở hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ tại khu vực cửa khẩu.
- Quy mô dân số: Hiện trạng 2010 khoảng 7.020 người; đến năm 2020 khoảng 10.000 người; đến năm 2030 khoảng 14.000 người.
- Quỹ đất đai: Tổng diện tích đất nghiên cứu quy hoạch 14.236 ha.
+ Giai đoạn đến năm 2020: Đất xây dựng các khu chức năng khu kinh tế khoảng 1.550 ha; đất khác khoảng 12.685 ha.
+ Giai đoạn đến năm 2030: Đất xây dựng các khu chức năng khu kinh tế khoảng 1.920 ha; đất khác khoảng 12.315 ha.
4. Định hướng phát triển không gian:
- Không gian dọc theo đường quốc lộ 18C và đường trục chính Hoành Mô - Đồng Văn được phát triển đô thị và các khu chức năng, tạo thành vùng xây dựng tập trung. Hình thành khu thương mại công nghiệp (phi thuế quan) dọc theo trục đường Hoành Mô - Đồng Văn; xây dựng các khu dịch vụ thương mại hỗn hợp gắn với các khu vực cửa khẩu Hoành Mô, khu trung tâm Hoành Mô và cửa khẩu Đồng Văn.
- Khu vực đồi thấp lân cận các tuyến đường Hoành Mô - Đồng Tâm, đường Đồng Văn - Khe Tiền, các quỹ đất thấp giáp ranh với vùng xây dựng tập trung bố trí các khu vực sản xuất theo mô hình trang trại, đồng thời là khu vực dự phòng phát triển ở giai đoạn dài hạn.
- Không gian núi cao hiện đang là rừng phòng hộ được bảo tồn, giữ gìn cảnh quan tự nhiên, tạo khung sinh thái bền vững. Các khu vực đất trống chưa khai thác có độ dốc lớn, khu vực lân cận vùng rừng phòng hộ được kiểm soát, hạn chế xây dựng nhằm tạo hệ thống cây xanh liên hoàn.
Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn được chia thành 3 vùng là vùng xây dựng tập trung; vùng phát triển phân tán kết hợp nông lâm nghiệp và dự phòng; vùng quản lý bảo tồn cảnh quan tự nhiên.
a) Vùng xây dựng tập trung:
- Khu cửa khẩu: Diện tích khoảng 33,3 ha; trong đó khu cửa khẩu Hoành Mô 20,3 ha; khu cửa khẩu Đồng Văn 13 ha. Bố trí các công trình như: Quốc môn, trạm Kiểm soát liên ngành, các cơ quan quản lý cửa khẩu, bãi đỗ xe, trạm gác;
- Khu hành chính, quản lý của Khu kinh tế: Vị trí xây dựng gần chợ Hoành Mô hiện tại, quy mô khoảng 1,8 ha;
- Khu thương mại, công nghiệp: Quy mô khoảng 93,1 ha, nằm dọc theo phía Nam trục đường Hoành Mô - Đồng Văn, được quản lý tập trung theo quy định về khu phi thuế quan; có các chức năng: Thương mại, kho tàng, dịch vụ tài chính, ngân hàng, vận tải, bảo hiểm, các khu chế xuất hàng hóa, các khu vực xúc tiến thương mại và các chức năng thích hợp khác;
- Khu logistic: Tổng quy mô khoảng 28 ha, bố trí thành 2 khu nằm sát cửa khẩu Hoành Mô và cửa khẩu Đồng Văn;
- Khu hỗn hợp thương mại dịch vụ, chợ đường biên: Gồm 3 cụm với tổng diện tích là 44,3 ha, gắn với các khu dân cư tại đô thị cửa khẩu Hoành Mô, đô thị trung tâm Hoành Mô và đô thị cửa khẩu Đồng Văn. Chức năng chính là văn phòng giao dịch, cửa hàng kinh doanh tổng hợp, nhà hàng, đầu mối tiếp nhận, phân phối hàng hóa... Nâng cấp mở rộng quy mô 2 chợ cửa khẩu hiện có tại Hoành Mô lên loại I và Đồng Văn lên loại II;
- Khu vực đô thị: Cơ sở hạ tầng tương đương đô thị loại V, bao gồm: Khu công trình công cộng đô thị quy mô khoảng 21,9 ha; khu công trình thương mại dịch vụ hỗn hợp quy mô khoảng 7,1 ha; các khu ở quy mô khoảng 107,6 ha, dân số đến năm 2030 khoảng 10.200 người.
Trong đó: Khu ở đô thị cửa khẩu Hoành Mô có quy mô khoảng 15,8 ha, dân số khoảng 2.200 người; khu ở đô thị trung tâm Hoành Mô có quy mô khoảng 43,3 ha, dân số khoảng 5.100 người; khu ở đô thị cửa khẩu Đồng Văn có quy mô khoảng 48,9 ha, dân số khoảng 2.900 người;
- Khu vực sản xuất kinh doanh: Quy hoạch 2 cụm sản xuất kinh doanh ở khu đô thị cửa khẩu Hoành Mô có quy mô là 18,2 ha và khu đô thị cửa khẩu Đồng Văn có quy mô là 8,2 ha; bố trí các cơ sở sản xuất, gia công sản phẩm, hàng hóa... phục vụ xuất, nhập khẩu;
- Khu du lịch: Hình thành khu du lịch sinh thái có quy mô khoảng 98 ha tại khu đỉnh Cao Ba Lanh; chức năng là du lịch tìm hiểu lịch sử, ngắm cảnh, nghỉ dưỡng, các dịch vụ du lịch leo núi...
b) Vùng xây dựng phân tán, phát triển nông lâm nghiệp và dự phòng:
- Khu vực xây dựng phân tán gồm các khu tái định cư và khu dân cư nông thôn hiện hữu, tổng quy mô đất đai khoảng 147,5 ha, dân số đến năm 2030 khoảng 3.850 người. Trong đó điểm dân cư Loòng Vài (xã Hoành Mô) có quy mô khoảng 30,8 ha, dân số khoảng 790 người; điểm dân cư Sông Moóc (xã Đồng Văn) có quy mô khoảng 27,1 ha, dân số khoảng 1.070 người. Các điểm dân cư phân tán có tổng quy mô khoảng 89,6 ha, dân số khoảng 1.990 người, giữ cấu trúc dân cư làng bản hiện trạng, hạn chế di dân tự do. Quỹ đất xây dựng khác có diện tích 114,9 ha, bao gồm khu vực du lịch tại Đồng Thắng, đất giao thông đối ngoại, giao thông nông thôn, đất đầu mối hạ tầng kỹ thuật và đất an ninh quốc phòng;
- Khu vực phát triển nông lâm nghiệp và dự phòng: Giữ lại 255,8 ha đất trồng lúa nước, 202,8 ha đất nông nghiệp khác để đảm bảo an ninh lương thực, giữ tập quán sản xuất và văn hóa địa phương. Quy hoạch khu trang trại và dự phòng phát triển chủ yếu tại xã Hoành Mô, một phần thuộc xã Đồng Văn với quy mô khoảng 865,3 ha, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Quỹ đất rừng sản xuất có quy mô khoảng 4.655,2 ha được khoanh vùng, tổ chức trồng cây tạo vùng nguyên liệu và bảo tồn quỹ vườn rừng đặc sản địa phương;
- Quỹ đất còn lại bao gồm đất mặt nước, đất cây xanh cách ly giao thông, ven các suối với quy mô khoảng 409,6 ha.
c) Vùng quản lý bảo tồn cảnh quan tự nhiên:
Vùng quản lý bảo tồn cảnh quan tự nhiên bao gồm các khu vực vành đai biên giới và khu vực rừng phòng hộ, khu vực đất chưa sử dụng có độ dốc và độ cao lớn lân cận vùng rừng phòng hộ. Quy mô diện tích toàn vùng khoảng 6.792 ha. Vùng rừng phòng hộ được bảo tồn tôn tạo nghiêm ngặt, không cho phép xây dựng công trình dân dụng, khuyến khích hoạt động mang tính nghiên cứu khoa học.
6. Tổ chức không gian kiến trúc:
a) Bố cục không gian
- Các trục không gian chính hình thành khung đô thị gắn với các đường: Quốc lộ 18C đến cửa khẩu; đường Hoành Mô - Đồng Văn; đường Đồng Văn - Khe Tiền, đường Lục Hồn - Đồng Tâm - Hoành Mô; khung cảnh quan tự nhiên gắn với hệ sông Tiên Yên, sông Đồng Mô, suối Đồng Văn;
- Các tuyến cảnh quan gồm các tuyến, dải các công trình theo địa hình hướng Đông - Tây của khu thương mại - công nghiệp; tuyến cảnh quan nông lâm nghiệp theo hướng Bắc - Nam ở khu vực Loòng Vài và Sông Moóc và các tuyến đường ven sông, suối, theo địa hình khai thác các không gian cảnh quan tự nhiên;
- Các điểm nhấn không gian gồm: Điểm cửa ngõ Tây Nam trên tuyến quốc lộ 18C hướng từ trung tâm huyện Bình Liêu, cửa ngõ Đông Bắc theo đường tỉnh 341 từ Bắc Phong Sinh tới; điểm nhìn xuống sông Đồng Mô, sông Tiên Yên, điểm nhìn đến các triền núi như núi Cao Ba Lanh, núi Bắc Cương;
- Không gian trọng tâm cần kiểm soát gồm khu cửa khẩu Hoành Mô, cửa khẩu Đồng Văn; trục cảnh quan của khu thương mại công nghiệp tại Hoành Mô; trung tâm các khu đô thị cửa khẩu Hoành Mô, Đồng Văn;
- Các công trình kiến trúc xây dựng mới có tính đặc trưng riêng như: Trung tâm thương mại, nhà làm việc liên ngành, Quốc môn, trụ sở cửa khẩu, trụ sở khu thương mại công nghiệp.
b) Giữ gìn tôn tạo và khai thác cảnh quan
- Đối với khu vực đô thị: Phát triển công trình kiến trúc mang đặc trưng địa phương, đảm bảo bán kính phục vụ đối với các công trình hạ tầng xã hội. Hạn chế san gạt lớn tại các vùng tự nhiên, tôn trọng cảnh quan;
- Đối với các khu vực dân cư ngoài đô thị: Bảo tồn cấu trúc làng, bản, nâng cấp cơ sở hạ tầng, khôi phục các hoạt động văn hóa gắn với không gian sản xuất truyền thống;
- Đối với hệ sinh thái: Bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, mở rộng và cải tạo các đoạn sông suối bị thu hẹp, bổ sung cũng như khai thác rừng có kiểm soát để cân bằng với phát triển.
Tổng diện tích đất tự nhiên của khu kinh tế là 14.236 ha, trong đó:
- Giai đoạn đến năm 2020: Đất xây dựng các khu chức năng khu kinh tế khoảng 1.550 ha. Bao gồm:
+ Đất dân dụng khoảng 244 ha, chiếm 15,77% đất xây dựng các khu chức năng, trong đó đất khu ở đạt 147 ha, bình quân 147 m2/người;
+ Đất không thuộc khu dân dụng khoảng 1306 ha, chiếm 84,23% đất xây dựng các khu chức năng, trong đó đất khu thương mại công nghiệp khoảng 52,3 ha;
+ Đất chức năng khác khoảng 12.686 ha, trong đó đất nông nghiệp khoảng 486 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 5.560 ha, đất rừng sản xuất và chức năng khác khoảng 6.640 ha.
- Giai đoạn đến năm 2030: Đất xây dựng các khu chức năng khu kinh tế khoảng 1.920 ha. Bao gồm:
+ Đất dân dụng khoảng 369 ha, chiếm 19,22% đất xây dựng các khu chức năng, trong đó đất khu ở đạt 255 ha, bình quân 135 m2/người;
+ Đất không thuộc khu dân dụng khoảng 1552 ha, chiếm 80,78% đất xây dựng các khu chức năng, trong đó đất khu thương mại công nghiệp khoảng 93,1 ha;
+ Đất chức năng khác khoảng 12.316 ha, trong đó đất nông nghiệp khoảng 458 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 5.560 ha, đất rừng sản xuất và chức năng khác khoảng 6.298 ha.
8. Định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật:
a) Chuẩn bị kỹ thuật
- San nền:
+ Đối với các công trình đã phê duyệt được tiếp tục triển khai theo dự án.
+ Đối với khu dự kiến xây mới:
. Khu vực đồi núi có độ dốc <15% được thiết kế xây dựng theo các thềm địa hình, xây dựng tường chắn hoặc taluy để đảm bảo nền ổn định không bị sạt lở;
. Khu vực ven suối cao độ san nền đảm bảo cách mép nước dâng cao nhất tối thiểu 30 m, cao độ khống chế tối thiểu bằng mức nước cao nhất +0,5 m;
. Đối với các công trình công cộng, sản xuất công nghiệp, cao độ nền khống chế lớn hơn mực nước lớn nhất từ 0,7 m đến 1,0 m.
- Thoát nước mưa:
+ Hướng thoát nước chính của toàn khu vực nghiên cứu ra sông Đồng Mô, sông Tiên Yên.
+ Lựa chọn hệ thống thoát nước là hệ thống thoát nước kiểu riêng giữa nước mưa và nước thải.
+ Các suối là trục tiêu chính, thoát ra sông Đồng Mô. Các cống thoát nước dọc các trục đường chủ yếu là đổ về các suối, một số tuyến cạnh sông sẽ thoát trực tiếp ra sông Đồng Mô.
+ Các đoạn sông, suối đi qua đô thị được kè để tránh sạt lở và tạo cảnh quan cho đô thị.
b) Giao thông:
- Giao thông đối ngoại:
+ Quốc lộ 18C: Giai đoạn ngoài năm 2030 tiếp tục nâng cấp mở rộng đạt tiêu chuẩn đường cấp II, đối với các khu vực địa hình cho phép.
+ Đường tỉnh 341: Nâng cấp, cải tạo kéo dài đoạn từ cửa khẩu Bắc Phong Sinh đến cửa khẩu Hoành Mô, quy mô đạt tiêu chuẩn cấp IV miền núi.
+ Đường Đồng Văn - Quảng Hà: Nâng cấp thành tuyến đường tỉnh để kết nối Hải Hà, đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái, quốc lộ 18A, quy mô đạt tiêu chuẩn cấp IV miền núi.
+ Đường hành lang biên giới: Xây dựng hoàn chỉnh tuyến hành lang biên giới theo hướng Bắc Luân - Bắc Sơn - Quảng Đức - Quảng Sơn - Đồng Tâm - Vô Ngại nối sang tỉnh Lạng Sơn đạt tiêu chuẩn cấp V, sau 2030 nâng cấp mở rộng đạt tiêu chuẩn đường cấp IV.
+ Đường tuần tra biên giới: Đoạn từ Hoành Mô đi Lạng Sơn duy trì tiêu chuẩn đường cấp V miền núi.
- Giao thông khu kinh tế:
+ Giao thông đô thị:
. Đường trục chính trung tâm kết nối cửa khẩu Hoành Mô với đường quốc lộ 18C có mặt cắt 40,0 m;
. Đường trục chính đô thị Hoành Mô - Đồng Văn: Nâng cấp tuyến đường hiện có lên quy mô mặt cắt ngang rộng 40,0 m;
. Đường liên khu vực liên kết các khu chức năng có quy mô mặt cắt ngang rộng 20,5 m - 26,0 m;
. Đường chính khu vực: Đối với đường xây dựng mới có chỉ giới từ 14,0 m - 18,0 m; đối với đường nâng cấp cải tạo chỉ giới từ 11,5 m - 15,5 m.
+ Giao thông nông thôn: Nâng cấp các tuyến đường vào các thôn bản đảm bảo tiêu chuẩn đường cấp V, VI miền núi.
+ Công trình vượt sông, đầu mối giao thông:
. Cầu Hoành Mô: Quy mô 4 làn xe tại khu vực ngầm nối cửa khẩu Hoành Mô và cửa khẩu Đồng Trung hiện tại;
. Cầu Hái Nạc: Quy mô 2 làn xe qua sông Tiên Yên;
. Dài hạn nghiên cứu xây dựng cầu qua sông Đồng Mô nối Đồng Văn với khu Phòng Thành.
. Bến, bãi đỗ xe: Xây mới 2 bến với quy mô 3,7 ha tại Hoành Mô và 2,8 ha tại Đồng Văn, trong đó bố trí kết hợp bến xe tải và bến xe khách, quy mô bến xe khách tối thiểu đạt loại 4.
c) Cấp nước:
- Tổng nhu cầu cấp nước cho khu kinh tế đến năm 2020 khoảng 3.000 m³/ngày đêm, đến năm 2030 khoảng 4.200 m³/ngày đêm.
Nguồn nước:
+ Khu vực tập trung cửa khẩu Hoành Mô, khu đô thị trung tâm Hoành Mô, cửa khẩu Đồng Văn và cụm sản xuất kinh doanh Đồng Văn: Suối Đồng Mô và nước suối Đồng Văn từ hồ chứa nước Đồng Văn.
+ Khu vực phân tán: Nguồn nước khe suối tại từng khu vực.
- Công trình đầu mối:
+ Trạm cấp nước số 1 công suất đến năm 2030 là 1.000 m³/ngày đêm. Nguồn nước suối Đồng Mô.
+ Trạm cấp nước số 2 công suất đến năm 2020 là 3.000 m³/ngày đêm, đến năm 2030 là 4.500 m³/ngày đêm. Nguồn nước sử dụng suối Đồng Văn thông qua hồ chứa nước Đồng Văn xây mới.
- Mạng lưới cấp nước sử dụng đường ống kích thước D100 mm - D300 mm, mạng vòng.
- Quy hoạch cấp nước khu dân cư phân tán: Sử dụng nước khe suối theo Quy hoạch cấp nước nông thôn mới đã xác định. Xây dựng các bể chứa nước tự chảy dẫn về các hộ tiêu thụ.
d) Cấp điện:
- Tổng nhu cầu điện cho khu kinh tế đến năm 2020 khoảng 20,3 MW; đến năm 2030 khoảng 31 MW.
- Nguồn điện:
+ Đến năm 2020: Sử dụng nguồn điện từ nguồn điện quốc gia qua trạm 110 kV Tiên Yên. Xây dựng bổ sung mạch 2 cho tuyến 35 kV lộ 371 hiện tại.
+ Đến năm 2030: Xây mới trạm nguồn 110 kV cho huyện Bình Liêu, bao gồm cả phụ tải của khu kinh tế Hoành Mô - Đồng Văn, công suất (2x40) MVA.
- Lưới điện:
+ Xây mới bổ sung mạch 2 cho đường dây 35 kV Tiên Yên - Bình Liêu - Hoành Mô, tương lai chuyển về vận hành ở điện áp 22 kV làm nhiệm vụ liên lạc.
+ Lưới điện trung áp hiện có: Giai đoạn đầu cần dịch chuyển tuyến về vỉa hè trục đường trung tâm.
+ Giai đoạn dài hạn: Xây dựng bổ sung 02 tuyến trung thế về Khu kinh tế.
đ) Thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang:
- Thoát nước thải:
+ Tổng lượng thải: Nước thải sinh hoạt, công cộng, thương mại dịch vụ xử lý tập trung khoảng 1.360 - 2.200 m³/ngày, xử lý phân tán 120 - 230 m³/ngày; nước thải khu sản xuất kinh doanh khoảng 472 m³/ngày, được xử lý riêng.
+ Khu vực xây dựng đô thị tập trung: Tận dụng địa hình tự nhiên, xây dựng cống tự chảy tối đa. Xây dựng trạm xử lý tập trung tại khu đô thị cửa khẩu Hoành Mô, công suất 2.200 m³/ngày, quy mô đất đai 0,5 ha.
+ Các cụm dân cư phân tán ở Loòng Vài, lưu vực Sông Moóc, các bản: Xử lý nước thải cục bộ, làm sạch tự nhiên và tái sử dụng cho nông nghiệp; xây dựng công trình Bioga kết hợp xử lý nước thải, chất thải.
+ Nước thải công nghiệp, sản xuất kinh doanh: Xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải riêng tại Đồng Văn công suất 146 m³/ngày; tại Hoành Mô có công suất 326 m³/ngày.
- Quản lý chất thải rắn:
+ Lượng thải: Chất thải rắn sinh hoạt, công cộng, thương mại dịch vụ khoảng 10 tấn/ngày; chất thải rắn công nghiệp, sản xuất kinh doanh 5,3 tấn/ngày.
+ Thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn, thu gom riêng chất thải nguy hại, chất thải vô cơ. Giai đoạn đầu xử lý tại khu xử lý chất thải rắn chung của huyện Bình Liêu, giai đoạn tương lai chuyển về khu xử lý Đông Ngũ, huyện Tiên Yên được quy hoạch phục vụ cho toàn vùng.
+ Chất thải hữu cơ được phân loại tại nguồn, tái sử dụng một phần, phần còn lại được thu gom chuyển đến khu xử lý chất thải rắn có quy mô 1 ha, bố trí mới tại xã Hoành Mô.
+ Chất thải vô cơ, nguy hại được đưa đi khu xử lý Đông Ngũ, huyện Tiên Yên.
- Quản lý nghĩa trang:
+ Nhu cầu đất nghĩa trang: 0,6 - 1,0 ha.
+ Khu vực đô thị: Xây mới 2 điểm nghĩa trang (gần bản Nà Sa và Phai Lầu). Xây dựng một nhà tang lễ, dự kiến bố trí gần bản Nà Choòng.
+ Khu vực nông thôn: Giai đoạn ngắn hạn sử dụng chung nghĩa trang hiện có, tương lai đưa về vị trí nghĩa trang xây dựng tập trung của Khu kinh tế.
e) Thông tin liên lạc:
- Nhu cầu: Đến năm 2020 khoảng 7.700 thuê bao; đến năm 2030 nhu cầu dịch vụ sẽ tích hợp đa loại hình thuê bao cố định, di động và internet.
- Định hướng phát triển:
+ Mạng điện thoại: Thay thế nâng cấp các điểm chuyển mạch có dung lượng từ 2.000 lines đến 5.000 lines. Xây dựng mới các điểm truy nhập thuê bao tại các bản Phai Lầu, Sông Moóc và Loòng Vài.
+ Mạng truyền hình: Phát triển dịch vụ truyền hình qua mạng cáp truyền hình hoặc đầu thu sóng truyền hình số mặt đất.
+ Mạng ngoại vi: Xây dựng hệ thống cống, bể cáp và hầm cáp chạy trên vỉa hè đường; hạ ngầm trên các trục đường chính.
+ Mạng truy nhập Internet: Phát triển theo 2 phương thức qua mạng cáp nội hạt và vô tuyến chủ yếu theo công nghệ NGN và công nghệ kết nối vô tuyến băng thông rộng Wimax.
9. Các giải pháp bảo vệ môi trường:
- Bảo vệ nguồn nước trong khu vực nghiên cứu quy hoạch.
- Thiết lập chương trình, kế hoạch, kiểm soát, giám sát chất lượng môi trường nước bằng các chỉ tiêu quan trắc thực tế.
- Bảo vệ hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên: Bảo vệ thảm thực vật khu vực có độ dốc lớn (>15%); trồng cây xanh, phục hồi cảnh quan sông Hoành Mô và sông Đồng Văn, bảo vệ hệ sinh thái ven suối, khu vực có độ dốc lớn; bảo vệ diện tích tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; không chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp ngoài khu vực xây dựng đã được quy hoạch.
- Các giải pháp về kỹ thuật, quản lý bảo vệ môi trường:
+ Đảm bảo thu gom 100% chất thải rắn phát sinh và xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung;
+ Kiểm soát việc khai thác các khu rừng cảnh quan để không gây các biến đổi lớn đến các kiểu hệ sinh thái tự nhiên;
+ Khoanh giữ, bảo vệ nghiêm ngặt, đảm bảo chất lượng của rừng phòng hộ.
- Bảo vệ và cải thiện môi trường các khu vực phát triển trọng điểm:
+ Xây dựng khu xử lý chất thải rắn và nhà máy xử lý nước thải phục vụ các cơ sở công nghiệp, khu sản xuất, khu dân cư trong Khu kinh tế;
+ Lựa chọn công nghệ tiên tiến để đầu tư vào các khu vực công nghiệp, sản xuất.
- Giải pháp bảo vệ môi trường đất và hệ sinh thái:
+ Phục hồi hệ sinh thái sau quá trình thi công xây dựng công trình tránh nguy cơ trượt lở, xói mòn;
+ Tăng cường phủ xanh đất trồng tại các khu vực dễ xảy ra các tai biến môi trường.
10. Quy hoạch xây dựng đợt đầu đến năm 2020:
- Ưu tiên phát triển tại khu vực đô thị, đầu tư xây dựng khu phi thuế quan và hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
- Các dự án ưu tiên đầu tư:
+ Xây dựng cầu Hoành Mô - Đồng Trung, đường Vô Ngại - Hoành Mô - Đồng Văn (Khe Tiền) - Quảng Hà, đường tỉnh 341 đi Bắc Phong Sinh, cầu qua sông Hoành Mô nối với Bắc Cương; tuyến điện 35kV Tiên Yên - Hoành Mô.
+ Đầu tư xây dựng tại các khu chức năng quan trọng: Xây dựng cơ sở hạ tầng khu phi thuế quan giai đoạn 1, quy mô 50,45 ha; xây dựng hạ tầng khung cho khu vực cửa khẩu và khu vực đô thị.
+ Xây dựng, cải tạo các công trình công cộng, quản lý: Khu quản lý cửa khẩu như trụ sở Hải quan, Biên phòng, Thuế, Kiểm dịch, Y tế, kho bãi hàng hóa...; xây mới trụ sở Ban quản lý khu kinh tế.
+ Nâng cấp, cải tạo chợ Hoành Mô và Đồng Văn.
+ Phát triển khu du lịch Cao Ba Lanh, Đồng Thắng.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh:
- Tổ chức công bố công khai Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030.
- Ban hành Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 được duyệt làm cơ sở quản lý đầu tư, xây dựng theo quy hoạch.
- Tổ chức rà soát việc lập, điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch xây dựng để cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư.
- Nghiên cứu, đề xuất các chính sách, cơ chế cụ thể nhằm thu hút, huy động nguồn vốn ưu tiên đầu tư cho phát triển Khu kinh tế.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. THỦ TƯỚNG |
- 1Quyết định 1580/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 2629/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 283/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 1065/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 15/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Long An, tỉnh Long An đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 1626/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 75/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 4095/QĐ-UBND năm 2015 Quy định về quản lý theo đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 1Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 2Luật xây dựng 2003
- 3Luật Quy hoạch đô thị 2009
- 4Quyết định 1580/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 2629/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 283/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 1065/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 15/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Long An, tỉnh Long An đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Quyết định 1626/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Quyết định 75/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Quyết định 4095/QĐ-UBND năm 2015 Quy định về quản lý theo đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Quyết định 998/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 998/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 19/06/2014
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Hoàng Trung Hải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 19/06/2014
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra