Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số : 99/2005/QĐ-UB

TP.Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 06 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH CHO VIỆC DI DỜI CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT GÂY Ô NHIỄM VÀO CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TẬP TRUNG VÀ CỤM CÔNG NGHIỆP

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003 và các Văn bản hướng dẫn thi hành;
Căn cứ Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2003 và các Văn bản hướng dẫn thi hành;
Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường ngày 10 tháng 01 năm 1994;
Căn cứ Nghị định số 93/2001/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ về phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng;
Căn cứ Quyết định số 74/2005/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về sử dụng tiền chuyển quyền sử dụng đất, tiền bán nhà xưởng và các công trình khác khi tổ chức kinh tế phải di dời trụ sở, cơ sở sản xuất - kinh doanh theo quy hoạch;
Căn cứ Nghị quyết số 22/2002/NQ-HĐ ngày 29 tháng 6 năm 2002 của Hội đồng nhân dân thành phố về đề án di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào các khu công nghiệp tập trung;
Xét đề nghị của Ban chỉ đạo công tác di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường thành phố tại Tờ trình số 631/TTr-BCĐ ngày 10 tháng 6 năm 2005;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về một số chính sách tài chính cho việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào các khu công nghiệp tập trung và cụm công nghiệp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 68/2005/QĐ-UB ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố.

Đối với các cơ sở sản xuất - kinh doanh đã chấp hành tốt việc di dời từ năm 2002 đến nay, được thực hiện bổ sung theo Quy định ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo công tác di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường thành phố, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Công nghiệp, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Xây dựng, Thủ trưởng các sở - ngành có liên quan, Cục trưởng Cục thuế, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất, Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển đô thị, Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố, Tổng Giám đốc các Tổng Công ty, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Tổng Giám đốc và Giám đốc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải di dời vào các khu công nghiệp tập trung và cụm công nghiệp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận :
- Như Điều 3
- Văn phòng Chính phủ
- Bộ Tài chính
- Bộ Tư pháp
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
- Quỹ Hỗ trợ phát triển Việt Nam
- Thường trực Thành ủy
- Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố
- Ủy ban nhân dân thành phố
- Văn phòng Thành ủy
- Chi nhánh các NHTM, NHĐT,
 NHCP trên địa bàn thành phố
- VPHĐ-UB: Các PVP
- Các tổ NCTH, TH (3b)
- Lưu (CNN-T) D.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Lê Thanh Hải

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH CHO VIỆC DI DỜI CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT GÂY Ô NHIỄM VÀO CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TẬP TRUNG VÀ CỤM CÔNG NGHIỆP
(Kèm theo Quyết định số  99 /2005/QĐ-UBND ngày  13 tháng  6 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố)

1Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng :

1. Đối tượng áp dụng :

Là các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu-thủ công nghiệp, chăn nuôi, chế biến thủy - hải sản, lương thực, thực phẩm, v.v… gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Trung ương và thành phố quản lý, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, hợp tác xã, tổ sản xuất, hộ sản xuất cá thể (sau đây gọi tắt là cơ sở sản xuất) phải di dời theo quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố.

2. Phạm vi :

Chính sách ưu đãi theo Quy định này được áp dụng đầy đủ cho các cơ sở sản xuất được thành lập trước khi Luật bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành ngày 10 tháng 01 năm 1994. Các cơ sở sản xuất thành lập sau khi Luật bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành được hưởng mức hỗ trợ bằng 50% mức hỗ trợ (đối với các loại hỗ trợ bằng tiền) cho các cơ sở sản xuất thành lập trước khi Luật bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành.

Điều 2. Nguyên tắc :

1. Phân định rõ trách nhiệm, mục tiêu và quyền lợi giữa Nhà nước và các cơ sở sản xuất. Trong đó, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất thực hiện được việc di dời; các cơ sở sản xuất phải xác định đây là trách nhiệm đồng thời cũng là quyền lợi của mình, phải chủ động, tích cực giải quyết việc gây ô nhiễm môi trường ở cơ sở của mình, hoặc tổ chức thực hiện ngay việc di dời vào các khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố hoặc các địa điểm khác theo quy hoạch của các tỉnh (nếu nằm trong danh sách phải di dời).

2. Ban chỉ đạo công tác di dời là cơ quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố về chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất cần phải di dời và tháo gỡ những vướng mắc, trở ngại cho cơ sở sản xuất phải di dời. Ban chỉ đạo di dời không làm thay chức năng, nhiệm vụ của các sở - ngành thành phố và quận - huyện trong việc tổ chức thực hiện và đôn đốc di dời.

3. Chính sách ưu đãi này áp dụng từ nay đến hết năm 2006. Sau thời gian này, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ áp dụng các biện pháp mạnh để xử phạt hành chánh hoặc cưỡng chế đối với các trường hợp gây ô nhiễm môi trường và không thực hiện kế hoạch di dời đã được thành phố công bố.

Chương 2:

CÁC CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI

Điều 3. Chính sách hỗ trợ về vốn và lãi vay đầu tư xây dựng cơ sở mới:

3.1. Việc sử dụng nguồn tiền thu được khi chuyển quyền sử dụng đất, tiền bán nhà xưởng và các công trình khác; tiền chuyển mục đích sử dụng đất; tiền bồi thường đất; tiền hỗ trợ đất của cơ sở sản xuất được thực hiện theo Quyết định số 74/2005/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ.

3.2. Chính sách hỗ trợ lãi vay trong trường hợp các cơ sở sản xuất có vay vốn để đầu tư xây dựng cơ sở mới, hoặc vay vốn để thuê mướn, chuyển nhượng nhà xưởng tại địa điểm mới hoặc hợp đồng thuê mướn, chuyển nhượng nhà xưởng theo hình thức “Hợp đồng trả chậm” có tính lãi trả chậm:

3.2.1. Đối với các cơ sở sản xuất phải di dời theo quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố :

+ Trường hợp các cơ sở sản xuất chưa chuyển nhượng được mặt bằng nhà xưởng cũ hoặc đã chuyển nhượng rồi nhưng vẫn thiếu vốn (hoặc không có mặt bằng nhà xưởng để chuyển nhượng vì trước đây thuê mướn nay phải trả lại cho chủ sở hữu) phải vay thêm một phần hay toàn bộ vốn để đầu tư xây dựng (hoặc vay vốn để thuê mướn, chuyển nhượng nhà xưởng tại địa điểm mới) sẽ được ngân sách thành phố cấp hỗ trợ 100% lãi vay, nhưng không quá 9%/năm.

+ Đối với doanh nghiệp Nhà nước thuộc thành phố quản lý nếu có vay vốn để trả tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc trả tiền thuê đất tại địa điểm mới, thành phố sẽ xem xét hỗ trợ cho doanh nghiệp 100% lãi vay, nhưng không quá 9%/năm, diện tích đất được hỗ trợ lãi vay trong trường hợp này được tính tối đa bằng diện tích đất tại địa điểm cũ phải di dời mà doanh nghiệp đang quản lý và sử dụng.

+ Trường hợp các cơ sở sản xuất (không đủ điều kiện để vay vốn đầu tư), nhưng được các khu công nghiệp tập trung và cụm công nghiệp cho thuê nhà xưởng hoặc cho chuyển nhượng nhà xưởng có sẵn theo “Hợp đồng có tính lãi suất trả chậm” sẽ được thành phố hỗ trợ 100% lãi suất trả chậm, nhưng tối đa không quá 9%/năm (trường hợp này không vay vốn cho nên không bù lãi vay mà thay vào đó là áp dụng cơ chế bù lãi suất trả chậm).

+ Thời gian hỗ trợ lãi vay cho các trường hợp nêu trên được tính tối đa không quá 2 (hai) năm .

3.2.2. Đối với các cơ sở sản xuất được quy hoạch xử lý ô nhiễm tại chỗ (không phải di dời) : Khi thực hiện việc đầu tư hệ thống xử lý ô nhiễm, được ưu tiên cho vay không lãi suất từ Quỹ giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp, tiểu-thủ công nghiệp của thành phố để thực hiện. Việc cho vay trong trường hợp này được thực hiện theo quy chế quản lý Quỹ của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.

Điều 4. Chính sách ưu đãi về thuế :

Chính sách ưu đãi về thuế được thực hiện theo Luật thuế và các Văn bản bản hướng dẫn hiện hành.

Điều 5. Chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tập trung và cụm công nghiệp cho các cơ sở sản xuất di dời thuê :

5.1. Thành phố cho phép các đơn vị có chức năng đầu tư hạ tầng thuộc các thành phần kinh tế thực hiện đầu tư xây dựng khu công nghiệp tập trung và cụm công nghiệp để tiếp nhận các cơ sở sản xuất di dời theo quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố.

5.2. Để giảm giá thành đầu tư khi tính giá cho thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp tập trung và cụm công nghiệp phục vụ các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm phải di dời, ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ 100% lãi vay đầu tư, nhưng không quá 9%/năm, đối với các hạng mục công trình hoặc công trình sau đây:

+ Xây dựng hệ thống giao thông ;

+ Xây dựng nhà máy xử lý nước thải trung tâm ;

+ Các công trình phúc lợi phục vụ cán bộ, công nhân, viên chức của cơ sở sản xuất, như nhà trẻ, mẫu giáo, phòng khám bệnh.

5.3. Thời gian hỗ trợ lãi vay không quá 5 (năm) năm kể từ khi đơn vị thực hiện việc vay vốn và trả lãi vay.

5.4. Trường hợp đặc biệt sẽ do Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định từng dự án cụ thể trên cơ sở đề xuất của Ban chỉ đạo công tác di dời ô nhiễm.

Điều 6. Chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ :

6.1. Trường hợp các cơ sở sản xuất không phải là doanh nghiệp Nhà nước thuê đất hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp tập trung và cụm công nghiệp mà không có giá ưu đãi như quy định tại Điều 5 trên đây, được hỗ trợ 200.000 đồng/m2 tiền thuê đất tại địa điểm mới, diện tích đất được hỗ trợ trong trường hợp này được tính tối đa bằng 1,2 lần diện tích đất tại địa điểm cũ phải di dời mà các cơ sở sản xuất đang quản lý và sử dụng .

6.2. Riêng các cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ, vốn ít, tổ chức sản xuất

theo kiểu gia đình, được hỗ trợ 1.000.000 đồng/lao động đối với những cơ sở sản xuất chuyển đổi ngành nghề hoặc ngừng sản xuất trong năm 2003; hỗ trợ 800.000đồng/lao động đối với những cơ sở sản xuất chuyển đổi ngành nghề hoặc ngừng sản xuất trong năm 2004, năm 2005 và năm 2006.

Điều 7. Chính sách hỗ trợ lãi vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ cán bộ, công nhân, viên chức của cơ sở sản xuất phải di dời theo quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố tại cơ sở mới :

Đối với các cơ sở sản xuất có quy mô vừa và lớn, sử dụng nhiều công nhân, nếu có vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê hoặc bán cho cán bộ công nhân, viên chức của mình, được hỗ trợ một phần lãi vay với mức 3%/năm; thời gian hỗ trợ lãi vay tối đa không quá 3 (ba) năm.

Điều 8. Chính sách hỗ trợ đối với số lao động mới được tuyển dụng:

Thành phố khuyến khích các cơ sở sản xuất quan tâm tuyển dụng nhiều lao động có hộ khẩu thường trú tại quận-huyện thuộc thành phố Hồ Chí Minh; mức hỗ trợ là 300.000 đồng/lao động (đối với số lao động mới được tuyển dụng trong thời gian từ năm 2002 đến hết năm 2006).

Số tiền hỗ trợ này các cơ sở sản xuất được chi phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao tay nghề cho số lao động mới được tuyển dụng nói trên.

Điều 9. Chính sách hỗ trợ đối với lao động nghỉ việc khi doanh nghiệp Nhà nước phải di dời theo quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố :

Được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ “về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước” và các Văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 10. Chính sách hỗ trợ di dời khác :

Để khuyến khích, động viên kịp thời đối với các cơ sở sản xuất thực hiện di dời, thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi quy định theo Quy định này, giao Quỹ giảm thiểu ô nhiễm môi trường của thành phố hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất tích cực thực hiện sớm việc di dời như sau :

10.1. Nếu các cơ sở sản xuất thực hiện di dời và thực tế hoạt động ở địa điểm mới từ năm 2002 được hỗ trợ tối đa là 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng, tùy theo số lao động bình quân được sử dụng trong năm, cụ thể là :

+ Đối với cơ sở sản xuất sử dụng số lao động bình quân trong năm trên 500 người sẽ được hỗ trợ số tiền là 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng;

+ Đối với cơ sở sản xuất sử dụng số lao động bình quân trong năm từ 400 đến 500 người được hỗ trợ số tiền là 400.000.000 (bốn trăm triệu) đồng;

+ Đối với cơ sở sản xuất sử dụng số lao động bình quân trong năm từ 300 đến dưới 400 người được hỗ trợ số tiền là 300.000.000 (ba trăm triệu) đồng;

+ Đối với cơ sở sản xuất sử dụng số lao động bình quân trong năm từ 200 đến dưới 300 người được hỗ trợ số tiền là 200.000.000 (hai trăm triệu) đồng;

+ Đối với cơ sở sản xuất sử dụng số lao động bình quân trong năm từ 100 đến dưới 200 người được hỗ trợ số tiền là 100.000.000 (một trăm triệu) đồng;

+ Đối với cơ sở sản xuất sử dụng số lao động bình quân trong năm từ 50 đến dưới 100 người được hỗ trợ số tiền là 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng;

+ Đối với cơ sở sản xuất sử dụng số lao động bình quân trong năm từ 10 đến dưới 50 người được hỗ trợ số tiền là 30.000.000 (ba mươi triệu) đồng;

+ Đối với cơ sở sản xuất sử dụng số lao động bình quân trong năm dưới 10 lao động được hỗ trợ 1.000.000 đồng/lao động nếu trường hợp di dời trong năm 2002 và 800.000 đồng/lao động nếu thực hiện việc di dời từ năm 2003 đến năm 2005.

10.2. Nếu cơ sở sản xuất thực hiện di dời và thực tế hoạt động ở địa điểm mới trong năm 2003 thì mức hỗ trợ bằng 50% mức hỗ trợ quy định áp dụng cho năm 2002 (nêu ở điểm 10.1 trên đây), trừ trường hợp chỉ có dưới 10 lao động.

10.3. Nếu cơ sở sản xuất thực hiện di dời và thực tế hoạt động ở địa điểm mới trong năm 2004, năm 2005 và năm 2006 thì mức hỗ trợ bằng 30% mức hỗ trợ quy định áp dụng cho năm 2002 (nêu ở điểm 10.1 trên đây), trừ trường hợp chỉ có dưới 10 lao động.

Số tiền hỗ trợ nêu ở điểm 10.1, 10.2, 10.3, các cơ sở sản xuất được sử dụng để chi phí cho việc di dời như : Tháo dỡ máy móc, nhà xưởng, vận chuyển đến địa điểm mới, trợ cấp khó khăn cho cán bộ, công nhân, viên chức do phải ngừng sản xuất để di dời.

Chương 3:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11. Tổ chức thực hiện :

11.1. Ban chỉ đạo di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường thành phố có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quy định về trình tự, thủ tục pháp lý khi thực hiện các chính sách ưu đãi và tổ chức thực hiện ngay các nội dung đã được quy định tại Quyết định này đến các đối tượng có liên quan thực hiện.

11.2. Thủ trưởng các sở-ngành thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện có nhiệm vụ phổ biến đầy đủ các chính sách ưu đãi này đến các đối tượng phải di dời để triển khai thực hiện.

11.3. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc phải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp thực tế, Ban chỉ đạo di dời, Thủ trưởng các sở - ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện và các cơ sở sản xuất phải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giải quyết./.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 99/2005/QĐ-UB về một số chính sách tài chính cho việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào các khu công nghiệp tập trung và cụm công nghiệp do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 99/2005/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/06/2005
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Thanh Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/06/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 09/08/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản