Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 99/2005/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 09 tháng 5 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 99/2005/QĐ-TTG NGÀY 09 THÁNG 5 NĂM 2005 THÀNH LẬP VĂN PHÒNG THÔNG BÁO VÀ ĐIỂM HỎI ĐÁP QUỐC GIA VỀ VỆ SINH DỊCH TỄ VÀ KIỂM DỊCH ĐỘNG THỰC VẬT VIỆT NAM

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Để thực hiện nghĩa vụ minh bạch thông tin về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật khi Việt Nam gia nhập WTO;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam để giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đầu mối thực hiện các nghĩa vụ minh bạch hóa theo yêu cầu của Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); thông báo và hỏi đáp các nội dung và quy định về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật; yêu cầu các nước thành viên của WTO cung cấp thông tin về các biện pháp, thủ tục đánh giá rủi ro, về thanh tra, kiểm tra và các vấn đề liên quan khác về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật.

Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam gọi tắt là Văn phòng SPS Việt Nam.

Tên giao dịch tiếng Anh: Vietnam Sanitary and Phytosanitary Notification Authority and Enquiry Point.

Văn phòng SPS Việt Nam là đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Ngân hàng và Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Văn phòng SPS Việt Nam đặt tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số 02 phố Ngọc Hà, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Điều 2. Tổ chức bộ máy của Văn phòng SPS Việt Nam

1. Văn phòng SPS Việt Nam có Giám đốc và một số Phó Giám đốc. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật.

Văn phòng SPS có một số cán bộ chuyên trách, khi cần thiết được huy động thêm cán bộ của các đơn vị, cơ quan trong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giải quyết nhiệm vụ theo yêu cầu cụ thể.

2. Văn phòng SPS Việt Nam gồm các bộ phận:

a) Tổ Thư ký - Tổng hợp:

Biên chế Tổ Thư ký - Tổng hợp của Văn phòng SPS Việt Nam tính trong tổng biên chế được giao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b) Tổ công tác liên bộ: gồm 01 cán bộ lãnh đạo cấp Vụ, Cục làm đầu mối đại diện cơ quan và 01 chuyên viên chuyên trách để thực hiện việc thông báo và trả lời hoặc chuẩn bị các tài liệu liên quan theo phân công của Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam.

Các Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Thủy sản, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp và Bộ Nông nghiệp và Phát triên nông thôn có trách nhiệm cử 02 cán bộ, công chức thuộc mỗi Bộ theo quy định tại Điều này tham gia Tổ công tác liên bộ và thực hiện nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo Quy chế phối hợp và hoạt động của Văn phòng SPS Việt Nam.

c) Văn phòng SPS Việt Nam có các điểm hỗ trợ kỹ thuật đặt tại các cơ quan chức năng liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật), Bộ Y tế (Cục An toàn vệ sinh thực phẩm), Bộ Thủy sản (Cục Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và Thú y thủy sản, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản), Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) và Bộ Thương mại để làm nhiệm vụ cung cấp thông tin, giải đáp và thông báo về tiêu chuẩn, vệ sinh, an toàn thực phẩm và kiểm dịch.

Điều 3. Các Bộ liên quan trong phạm vi nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình, có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Văn phòng SPS Việt Nam; chỉ đạo, kiểm tra, chịu trách nhiệm giải quyết lĩnh vực công việc thuộc Bộ mình phụ trách theo nhiệm vụ được giao phục vụ cho công tác Thông báo và Hỏi đáp về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam theo quy định, yêu cầu về thời gian, biểu mẫu của Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật và Ban Thư ký WTO.

Điều 4. Nhiệm vụ cụ thể của các Bộ được quy định như sau:

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Làm đầu mối thông báo và hỏi đáp theo Điều 7 và Phụ lục B của Hiệp định về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật của WTO.

- Giúp Chính phủ chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các Bộ, ngành thực hiện chức năng quản lý nhà nước về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật của Việt Nam.

- Phân công trách nhiệm cho các tổ chức thuộc Bộ và đôn đốc, kiểm tra, chịu trách nhiệm về hoạt động của Văn phòng SPS Việt Nam; chủ trì, thực hiện thông báo và hỏi đáp các nội dung, quy định về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật trên cạn, các sản phẩm chế biến trong nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp (trừ thực phẩm chế biến đóng hộp trong công nghiệp).

2. Bộ Công nghiệp:

Chủ trì, chịu trách nhiệm chuẩn bị, cung cấp tài liệu để thông báo và hỏi đáp các nội dung, quy định về áp dụng các biện pháp liên quan đến vệ sinh thực phẩm đối với các sản phẩm chế biến công nghiệp theo thời gian, mẫu biểu quy định của WTO.

3. Bộ Thủy sản:

Chủ trì, chịu trách nhiệm chuẩn bị, cung cấp tài liệu để thông báo và hỏi đáp các nội dung, quy định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật dưới nước theo thời gian, mẫu biểu quy định của WTO.

4. Bộ Y tế:

Chủ trì, chịu trách nhiệm chuẩn bị, cung cấp tài liệu để thông báo và hỏi đáp các nội dung, quy định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực Bộ Y tế phụ trách theo thời gian và mẫu biểu quy định của WTO.

5. Bộ Khoa học và Công nghệ:

Chủ trì, chịu trách nhiệm chuẩn bị, cung cấp tài liệu để thông báo và hỏi đáp các nội dung, quy định về tiêu chuẩn chất lượng liên quan đến vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật theo thời gian và mẫu biểu quy định của WTO.

6. Bộ Thương mại :

Chủ trì, chịu trách nhiệm chuẩn bị, cung cấp tài liệu để thông báo và hỏi đáp các nội dung, quy định về hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa liên quan đến vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật theo quy định của WTO.

Điều 5. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm ban hành Quy chế hoạt động và quy định nhiệm vụ, chế độ làm việc cụ thể của Văn phòng SPS Việt Nam.

Điều 6. Kinh phí hoạt động của Văn phòng SPS Việt Nam được bố trí theo kế hoạch hàng năm cộng vào nguồn kinh phí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 7. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 8. Chủ tịch Uỷ banQuốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Vũ Khoan

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 99/2005/QĐ-TTg thành lập Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tế và kiểm dịch động thực vật Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 99/2005/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/05/2005
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Vũ Khoan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 13
  • Ngày hiệu lực: 02/06/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản