Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 984/QĐ-BVHTTDL | Hà Nội, ngày 12 tháng 03 năm 2013 |
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Quyết định số 63/2008/QĐ-TTg ngày 19 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Du lịch trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Thông báo về Kết luận số 252/TB-VPCP ngày 13/7/2012 của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch tại cuộc họp ngày 04/7/2012; Căn cứ Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 17/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”;
Sau khi trao đổi, thống nhất với Bộ Công Thương, tiếp thu ý kiến của các Bộ ngành, địa phương liên quan và xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt và ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình kích cầu du lịch gắn với việc thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ năm 2013.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Giao Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của các Bộ ngành, địa phương liên quan tổ chức phổ biến, triển khai thực hiện.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Thủ trưởng các Cục, Vụ, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
KÍCH CẦU DU LỊCH GẮN VỚI VIỆC THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH DỊCH VỤ NĂM 2013
(Ban hành theo Quyết định số 984/QĐ-BVHTTDL ngày 12/3/2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Thực hiện chủ trương xây dựng Chương trình kích cầu du lịch năm 2013 nêu tại Thông báo số 252/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch tại cuộc họp Ban Chỉ đạo ngày 04 tháng 7 năm 2012 và Quyết định số 2769/QĐ-BVHTTDL ngày 26 tháng 7 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc ban hành Kế hoạch triển khai Thông báo số 252/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ ngành, địa phương liên quan xây dựng Chương trình kích cầu Du lịch gắn với việc thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ năm 2013 (gọi tắt là Chương trình kích cầu du lịch năm 2013) với các nội dung sau:
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH
Năm 2012 là năm đầy khó khăn đối với các ngành kinh tế, trong đó có ngành Du lịch. Tác động của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu và bất ổn chính trị thế giới tiếp tục ảnh hưởng tới Du lịch Việt Nam. Những khó khăn kinh tế của nhiều nước Châu Âu là thị trường nguồn quan trọng đã ảnh hưởng tới lượng khách đi du lịch ra nước ngoài. Tình hình kinh tế trong nước cũng có nhiều khó khăn, tác động mạnh mẽ tới lĩnh vực du lịch. Tình hình thiên tai, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động du lịch. Theo dự báo của nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn tiếp tục diễn biến không mấy khả quan trong năm 2013, thậm chí khó khăn hơn năm 2012, đòi hỏi mỗi quốc gia, mỗi ngành phải nỗ lực cao độ để vượt qua khó khăn, thách thức to lớn hiện nay. Do đó, việc đề ra Chương trình kích cầu du lịch nhằm kích thích nhu cầu du lịch để thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch và thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ trong năm 2013 là cần thiết.
Để kích cầu du lịch hiệu quả, điều quan trọng là cần phải cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao tính chuyên nghiệp và thái độ thân thiện trong phục vụ khách du lịch để tăng lợi thế cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường thu hút khách du lịch. Đối với khách du lịch nội địa, ảnh hưởng suy thoái kinh tế vừa là thách thức, vừa là cơ hội, bởi nhóm khách có thu nhập trung bình sẽ khó lựa chọn các gói du lịch xa, tốn kém mà chi phí máy bay đắt đỏ nên họ sẽ dịch chuyển sang các điểm đến gần, giá rẻ, ngắn ngày. Các khách sạn, hãng hàng không, hãng lữ hành, sẽ dựa vào tâm lí này để đưa ra những gói kích cầu mới (giảm giá mùa thấp điểm hay ưu đãi dịch vụ) để thu hút du khách.
Mặc dù phải chịu nhiều khó khăn, thách thức cả khách quan và chủ quan, với lợi thế về ổn định chính, trị, an ninh, an toàn xã hội, sự phong phú, đa dạng về tài nguyên du lịch, Du lịch Việt Nam có cơ hội thúc đẩy nhu cầu du lịch của cả khách quốc tế và nội địa trong năm 2013. Để phát huy thế mạnh, đồng thời vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy nhu cầu du lịch và tăng trưởng khách du lịch nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế từ hoạt động du lịch, đóng góp nhiều hơn vào ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại và nhiều ngành kinh tế dịch vụ khác phát triển cần thiết ban hành và triển khai Chương trình kích cầu du lịch năm 2013.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Công Thương, các bộ ngành và địa phương liên quan xây dựng Chương trình kích cầu du lịch gắn với việc thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ. Việc triển khai Chương trình kích cầu du lịch mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch trong năm 2013 là rất cần thiết vừa giúp ngành Du lịch vượt qua khó khăn, tăng trưởng và phát triển, vừa góp phần thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, qua đó giúp nền kinh tế đất nước vượt qua giai đoạn đầy khó khăn trước tác động của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu có thể vẫn tiếp tục diễn ra trong năm 2013. Việc triển khai Chương trình kích cầu du lịch này cững chính là hành động cụ thể triển khai Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 17/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
II. MỤC ĐÍCH VÀ MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Mục đích
1.1. Xây dựng và triển khai đồng bộ Chương trình kích cầu du lịch nhằm tận dụng cơ hội, đối phó với những khó khăn, thách thức nhằm thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch trong năm 2013, gắn kết phát triển du lịch với phát triển thương mại dịch vụ, kích cầu tiêu thụ hàng hóa nội địa, đặc biệt là các hàng hóa được sản xuất tại các địa phương, góp phần khắc phục những khó khăn kinh tế trong nước, hỗ trợ các ngành thương mại dịch vụ phát triển và tạo đà tăng trưởng du lịch bền vững trong các năm tiếp theo.
1.2. Thu hút sự quan tâm và nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, các nhà cung ứng dịch vụ và người dân về du lịch thông qua nội dung các hoạt động triển khai tại các địa phương trong cả nước nhằm tạo sự hưởng ứng tích cực của toàn ngành Du lịch trong việc triển khai Chương trình kích cầu du lịch này. Nâng cao vai trò của ngành Du lịch trong nền kinh tế quốc dân và thúc đẩy nhận thức về Du lịch như một ngành kinh tế quan trọng, mang lại hiệu quả tích cực về kinh tế và môi trường của đất nước.
1.3. Thu hút sự tham gia chủ động và tích cực của các doanh nghiệp lữ hành, các khách sạn, nhà hàng, các công ty vận chuyển, các khu, điểm du lịch, siêu thị, các trung tâm mua sắm và các khu vui chơi giải trí nhằm thúc đẩy nhu cầu du lịch nội địa và quốc tế.
2. Mục tiêu
- Thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch nội địa và tăng trưởng khách du lịch từ các thị trường trọng điểm nhằm tăng thu nhập từ du lịch đóng góp vào ngân sách quốc gia. Mục tiêu là góp phần đón được 7.2 triệu lượt khách quốc tế và 35 triệu lượt khách nội địa.
- Góp phần tạo dựng Việt Nam trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn và chất lượng đối với khách du lịch.
Chương trình kích cầu du lịch năm 2013 tập trung vào một số nội dung chính sau:
3.1. Chương trình đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế
3.1.1. Triển khai Chương trình kích cầu du lịch mới với trọng tâm tập trung vào các hãng lữ hành và báo chí nước ngoài chuyên viết về du lịch ở các thị trường trọng điểm và tiềm năng để tăng cường quảng bá mạnh mẽ điểm đến Việt Nam trên thị trường quốc tế. Để triển khai tốt chương trình này cần tổ chức các chương trình khảo sát điểm đến (FAMTRIP) cho các hãng lữ hành và báo chí nước ngoài chuyên viết về du lịch. Các chương trình PAMTRIP cần có sự hưởng ứng tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ du lịch:
a) Đối tượng tham gia: Lựa chọn các đơn vị kinh doanh sau:
- Các khách sạn từ 2 - 5 sao ở các vùng du lịch trong cả nước
- Các nhà hàng chuyên phục vụ khách du lịch
- Các doanh nghiệp lữ hành có uy tín
- Các hãng vận chuyển có uy tín
- Các điểm du lịch chất lượng và cửa hàng mua sắm đạt chuẩn
- Các hãng hàng không Việt Nam và một số hãng hàng không quốc tế
b) Nội dung tham gia:
- Cung cấp miễn phí các dịch vụ sẵn có của doanh nghiệp và đơn vị cho đoàn FAMTRIP.
- Tổ chức 1-2 FAMTRIP cho các Công ty lữ hành, các nhà báo du lịch ở các thị trường trọng điểm.
- Tổng cục Du lịch sẽ lựa chọn và chỉ định doanh nghiệp lữ hành làm đầu mối tổ chức chương trình FAMTRIP.
- Kết hợp chương trình đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế với các chương trình xúc tiến du lịch chung trong khuôn khổ hợp tác ASEAN.
c) Quyền lợi của các đơn vị tham gia:
- Được hưởng các ưu đãi của Nhà nước dành cho doanh nghiệp tham gia Chương trình kích cầu du lịch này.
- Được ưu tiên giảm chi phí vé máy bay của các hãng Hàng không tham gia Chương trình và một phần kinh phí tham dự các hội chợ, sự kiện, chương trình roadshow tại nước ngoài do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng cục Du lịch tổ chức.
- Được ưu tiên giảm kinh phí tham gia gian hàng tại các Hội chợ du lịch quốc tế do Tổng cục Du lịch tổ chức.
- Được giới thiệu miễn phí trên trang web của Chương trình kích cầu du lịch 2013 và trang web chính thức của Du lịch Việt Nam.
- Được ưu tiên tham dự các sự kiện du lịch trong nước.
- Được quảng bá hình ảnh chung trên Báo Du lịch, Tạp chí Du lịch, Báo Công Thương và các phương tiện thông tin đại chúng khác.
d) Các đơn vị đăng ký tham gia qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên địa bàn, sau đó Sở gửi danh sách chính thức tới Tổng cục Du lịch (Vụ Lữ hành).
3.1.2. Tổ chức các Chương trình giới thiệu quảng bá về điểm đến Việt Nam thông qua khẩu hiệu “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” tại các thị trường trọng điểm và tiềm năng ở nước ngoài
a) Triển khai tổ chức các sự kiện xúc tiến quảng bá điểm đến Việt Nam tại một số thị trường chính là Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông, Đông Bắc Á (Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan), Liên bang Nga và Đông Âu, Pháp và Tây Âu, Mỹ, Úc, Niu Di Lân và ASEAN. Phối hợp với Bộ Ngoại giao lồng ghép nội dung quảng bá du lịch Việt Nam vào các sự kiện Tuần/Ngày Việt Nam tổ chức tại Canada, Italia và Nhật Bản nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Các hãng Hàng không Việt Nam sẽ phối hợp tham gia các hoạt động của Tổng cục Du lịch và Bộ ngành liên quan tại nước ngoài. Hai bên sẽ trao đổi kế hoạch triển khai cụ thể.
b) Tổ chức giới thiệu các sự kiện, hoạt động của Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 và quảng bá điểm đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
- Phát động phong trào nghỉ phép năm đối với người lao động, tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa các kỳ nghỉ phép.
- Thúc đẩy nhu cầu du lịch nội địa nhân các ngày nghỉ, các ngày lễ lớn của dân tộc và các sự kiện của ngành Du lịch được tổ chức trong năm 2013.
- Thúc đẩy khách du lịch mua hàng hóa sản xuất tại Việt Nam thông qua các Chương trình “Tuần lễ hàng Việt” do Bộ Công Thương phát động. Các doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng đăng ký tham gia Chương trình kích cầu du lịch với Bộ Công Thương thông qua các Biểu cam kết bán hàng khuyến mại, giảm giá theo đúng quy định của pháp luật.
- Khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, vui chơi giải trí, các điểm mua sắm giảm giá dịch vụ cho khách du lịch từ 10 - 40% vào mùa thấp điểm.
- Khuyến khích các khu du lịch, khu vui chơi giải trí giảm 10 - 40% giá vé cho khách du lịch nội địa đi theo đoàn vào mùa thấp điểm.
- Khuyến khích các doanh nghiệp khách sạn áp dụng các chính sách khuyến mại khác để thu hút khách du lịch vào mùa thấp điểm như cung cấp miễn phí một phần dịch vụ (ví dụ, khách ở 3 đêm miễn phí một đêm, hoặc giảm giá các dịch vụ trong khách sạn cho khách lưu trú tại khách sạn).
- Khuyến khích người dân địa phương đăng ký cung cấp dịch vụ lưu trú tại nhà vào dịp tổ chức các sự kiện du lịch tại địa phương.
- Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Hãng Hàng không Jestar Pacific và Hãng Hàng không Vietjet Air phối hợp xây dựng giá cho chương trình tour nội địa, sẽ có mức giảm giá theo tính mùa vụ của đường bay, chú trọng giảm giá vào các giai đoạn thấp điểm của đường bay. Tổng cục Du lịch (Vụ Lữ hành) tham gia cùng các hãng Hàng không Việt Nam lựa chọn danh sách các doanh nghiệp lữ hành được cung cấp vé khuyến mại cho khách nội địa để cùng quảng bá và phát động du lịch nội địa.
- Các doanh nghiệp lữ hành làm việc với các Văn phòng của các hãng Hàng không Việt Nam tham gia Chương trình tại từng vùng để xây dựng kế hoạch phát động thị trường du lịch nội địa thông qua một số chương trình FAMTRIP dành cho các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa và báo chí khảo sát xây dựng các tour khuyến mại mới cho khách du lịch.
- Các hãng hàng không Việt Nam tham gia phối hợp tài trợ một số sự kiện du lịch trong năm trên cơ sở kế hoạch hành động cụ thể của Tổng cục Du lịch.
- Khuyến khích các hãng hàng không quốc tế có đường bay đến Việt Nam tham gia Chương trình kích cầu du lịch năm 2013.
- Thể hiện sự thân thiện với khách du lịch trên mọi miền đất nước. Nhân viên trực tiếp tiếp xúc với khách du lịch như nhân viên hàng không, xuất nhập cảnh và hải quan, nhân viên tại các khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, các điểm du lịch, các điểm mua sắm cũng như mọi người dân Việt Nam đều thể hiện sự thân thiện với khách du lịch.
- Cung cấp thông tin cho khách du lịch. Tổ chức cung cấp thông tin, bản đồ du lịch cho khách du lịch ngay tại các sân bay quốc tế lớn.
- Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa với khách du lịch tại các trung tâm du lịch và các điểm du lịch của địa phương.
- Phát động chiến dịch làm sạch môi trường du lịch với trọng tâm là tiếp tục triển khai Chiến dịch xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn du lịch, làm sạch nhà vệ sinh công cộng, các nhà hàng, quán ăn, trạm dừng chân tại tất cả thành phố, các trung tâm du lịch, các tuyến quốc lộ và các điểm du lịch của Việt Nam. Xây dựng nếp sống văn minh, sạch sẽ tại nơi công cộng, không xả rác, đổ nước ra đường, phố, bảo đảm vệ sinh môi trường, gỉảm thiểu tiến tới không còn tình trạng ăn xin, người chèo kéo và gạ gẫm lừa gạt, trêu chọc khách du lịch tại các tuyến điểm du lịch trong cả nước. Kêu gọi tài trợ để có chính sách khen thưởng kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân tham gia tích cực Chiến dịch này.
- Thực hiện quảng bá tại chỗ để nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư địa phương về vị trí, vai trò nhiều mặt của phát triển du lịch đối với phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đặc biệt là trong việc nâng cao mức sống và tạo việc làm cho người dân địa phương.
3.4. Phát động Chiến dịch bán hàng giảm giá vào mùa thấp điểm
a) Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị liên quan phát động chiến dịch bán hàng giảm giá vào mùa thấp điểm tại một số thành phố lớn và trung tâm du lịch ở Việt Nam. Các địa phương khác nếu có khả năng tổ chức sẽ đăng ký với Bộ Công Thương. Chiến dịch bao gồm các hoạt động sau:
- Khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động khuyến mại cho khách hàng trong mùa thấp điểm của ngành Du lịch.
- Khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký tham gia Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam tại Hà Nội (VITM), Hội chợ du lịch biển đảo 2013 tại Khánh Hòa và Hội chợ du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh - ITE HCMC 2013.
- Tổ chức các chương trình, sự kiện bán hàng giảm giá tại các địa phương (hội chợ khuyến mại, tháng khuyến mại, bốc thăm trúng thưởng, chiết khấu giảm giá, tặng thẻ ưu đãi mua sắm...). Tổ chức Chương trình bốc thăm trúng thưởng cho khách du lịch mua hàng tại các siêu thị, cửa hàng đã đăng ký chính thức tham gia Chương trình. Các tổ chức, cá nhân trong cả nước có thể đăng ký tham gia vào hoạt động này với mức giảm giá từ 10 - 50% trong các tháng khuyến mại.
- Chiến dịch bán hàng giảm giá được ủng hộ bằng nhiều cách như thẻ ưu đãi giảm giá hoặc vé mua sắm. Các siêu thị, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch, khu vui chơi giải trí đăng ký cung cấp thẻ ưu đãi hoặc vé mua sắm cho khách du lịch. Khách du lịch chỉ cần xuất trình hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân để nhận thẻ ưu đãi này.
b) Ưu đãi cho các đơn vị tham gia Chương trình:
+ Được giới thiệu miễn phí trên mạng Internet qua trang web của Chương trình kích cầu Du lịch.
+ Giới thiệu miễn phí tên doanh nghiệp trên các số của Báo Du lịch, Tạp chí Du lịch, Báo Văn hóa trong năm 2013.
+ Được giới thiệu trong các ấn phẩm quảng bá của Tổng cục Du lịch và Bộ Công Thương.
+ Được giới thiệu tại các Hội chợ Du lịch quốc tế mà Tổng cục Du lịch tham gia và các sự kiện xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương.
+ Được giới thiệu tại các sự kiện quảng bá về Chương trình kích cầu du lịch trong và ngoài nước.
+ Tặng kỷ niệm chương hoặc tổ chức lễ tuyên dương tổng kết cuối năm cho các đơn vị có nhiều hoạt động tích cực, năng động tham gia Chương trình kích cầu.
c) Đối tượng tham gia là các doanh nghiệp thương mại, ngân hàng, các doanh nghiệp lữ hành, siêu thị, cửa hàng mua sắm, cửa hàng thủ công mỹ nghệ, các điểm du lịch, khách sạn, khu vui chơi giải trí, nhà hàng, hãng vận chuyển và các hãng hàng không. Các đơn vị tham gia đăng ký với Sở Công Thương và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại các địa phương. Sau đó, các Sở thông báo chính thức cho Bộ Công Thương.
d) Tham gia của các Hãng hàng không như: Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Hãng hàng không Jestar Pacific, Hãng hàng không Vietjet Air và các hãng hàng không nước ngoài khác.
+ Phối hợp với cơ quan chức năng do Bộ Công Thương chỉ định và các đơn vị tham gia mời các đoàn FAMTRIP từ các thị trường trọng điểm tham gia khảo sát sản phẩm và viết bài khuyếch trương chiến dịch. Các hãng Hàng không Việt Nam đồng ký tài trợ vé máy bay cho các đoàn khách này.
+ Quảng bá Chương trình trên trang web và một số ấn phẩm của các hãng hàng không Việt Nam.
Cơ quan chức năng do Bộ Công Thương chỉ định phối hợp với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Hãng hàng không Jestar Pacific, Hãng hàng không Vietjet Air và một số hãng hàng không nước ngoài khác xây dựng Kế hoạch triển khai cụ thể.
- Tăng cường tổ chức các hoạt động khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch và tạo sản phẩm độc đáo thu hút khách du lịch, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp trong việc tổ chức các chương trình khảo sát xây dựng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của khu vực Đồng bằng sông Hồng nhân dịp Năm du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 và khu vực miền Trung - Tây Nguyên phục vụ Năm Du lịch quốc gia 2014. Khuyến khích các địa phương, đặc biệt là các địa phương là trọng điểm du lịch chủ động xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng hấp dẫn và tổ chức giới thiệu cho các doanh nghiệp lữ hành và báo chí.
- Xúc tiến thu hút khách du lịch MICE: Việt Nam đang trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch MICE. Vì vậy, Tổng cục Du lịch khuyến khích các địa phương, đặc biệt là các trọng điểm du lịch như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Mũi Né - Phan Thiết, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu đăng cai tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo quốc tế, có chính sách khích lệ hoặc giảm giá địa điểm tổ chức các sự kiện và một số dịch vụ liên quan nhằm thu hút khách du lịch MICE đến địa phương. Khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành xây dựng chào bán các tour cho khách du lịch MICE. Tổng cục Du lịch hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp trong công tác quảng bá thu hút khách du lịch MICE.
- Tổ chức phát động cuộc thi thiết kế quà tặng và hàng lưu niệm để bán cho khách du lịch. Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn các Sở Công Thương phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phát động cuộc thi ở các địa phương.
- Các địa phương tập trung tổ chức tốt các lễ hội dân gian để thu hút khách du lịch ngay trong dịp đầu xuân 2013 cũng như cả năm. Cần có các chương trình kết hợp tham dự lễ hội với các hoạt động tham quan các điểm du lịch tự nhiên và văn hóa lịch sử của địa phương.
- Phát động chiến dịch nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trong toàn ngành. Tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng dịch vụ du lịch tại các địa phương. Phát động chiến dịch nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển du lịch, đặc biệt là dịch vụ taxi trên toàn quốc để tăng tính văn minh, lịch sự trong dịch vụ này.
- Tổ chức các lễ hội ẩm thực, lễ hội trái cây và các sản vật hấp dẫn khách du lịch tại các địa phương. Hình thành phố ẩm thực tại các thành phố, trung tâm đô thị để thu hút khách du lịch. Những địa phương nào đã có khu phố ẩm thực cần phải hoàn thiện và nâng cấp chất lượng dịch vụ để phục vụ khách du lịch tốt hơn. Vận động tuyên truyền, khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp, khách sạn tích cực tham gia Chương trình Liên hoan ẩm thực Đồng bằng sông Hồng trong năm 2013.
- Tổ chức Hội thi hướng dẫn viên du lịch giỏi, lễ tân khách sạn giỏi trên toàn quốc và các cuộc thi vòng loại tại các địa phương là trọng điểm du lịch, qua đó khích lệ cán bộ nhân viên trong ngành Du lịch nâng cao trình độ, kỹ năng theo hướng ngày càng chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch.
- Khuyến khích các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên kết phát triển du lịch và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc để thu hút khách du lịch, đặc biệt là việc liên kết giữa các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2013 và các tỉnh Tây Nguyên và Trung Bộ phục vụ Năm Du lịch quốc gia 2014.
- Các doanh nghiệp lữ hành xây dựng nhóm các sản phẩm đặc trưng cho một số thị trường trọng điểm. Mỗi thị trường ít nhất có một tour khuyến mại đặc biệt, giới thiệu chào bán đến tận khách du lịch tiềm năng để tạo điểm nhấn thu hút khách. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ nhân viên phục vụ khách du lịch.
3.6. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá về Chương trình kích cầu du lịch năm 2013
- Tổ chức giới thiệu, quảng bá về Chương trình kích cầu du lịch trên các ấn phẩm du lịch của Tổng cục Du lịch, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các doanh nghiệp du lịch.
- Tổ chức tốt công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về Chương trình kích cầu du lịch, như tuyên truyền, quảng bá du lịch trên các ấn phẩm của Tạp chí Du lịch, Báo Du lịch và các phương tiện thông tin đại chúng khác.
- Tổ chức giới thiệu, quảng bá về Chương trình kích cầu du lịch trong các Chương trình phát động thị trường hoặc các Hội chợ Du lịch quốc tế ở các thị trường truyền thống và tiềm năng như Đức, Anh, Liên bang Nga và Đông Âu, Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Pháp, Thái Lan, Malaysia, Singapore.
- Xây dựng và quảng bá rộng rãi trong nước và quốc tế website của Chương trình kích cầu du lịch năm 2013. Website này cũng sẽ là cơ sở cho việc thực hiện chương trình trong các năm tiếp theo. Trong trang web này sẽ có phần nội dung tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về Chương trình kích cầu du lịch năm 2013 gồm các chức năng tra cứu, quảng bá thông tin du lịch Việt Nam về các sản phẩm du lịch, các dịch vụ, các điểm đến du lịch, các chính sách ưu đãi....(tập trung vào các thị trường mục tiêu để kích cầu du lịch). Đây sẽ là một trong những kênh truyền thông tiết kiệm và hiệu quả cho Chương trình kích cầu du lịch năm 2013.
IV. KINH PHÍ, KẾ HOẠCH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Kinh phí triển khai Chương trình kích cầu du lịch năm 2013 được huy động từ Chương trình xúc tiến du lịch, từ nguồn chi thường xuyên của Tổng cục Du lịch và các nguồn kinh phí khác của các Bộ, ngành, địa phương tham gia Chương trình trên cơ sở lồng ghép với các hoạt động, nhiệm vụ thường xuyên của các Bộ, ngành, địa phương. Ngoài ra, để tổ chức hiệu quả Chương trình, cần huy động thêm các nguồn kinh phí xã hội hóa từ tài trợ bên ngoài và từ các doanh nghiệp tham gia Chương trình.
2. Kế hoạch và thời gian thực hiện
- Chương trình kích cầu du lịch được thực hiện trong năm 2013, trong đó trọng điểm tập trung vào Quý III, Quý IV năm 2013.
- Quý I - Quý II/2013: Tổ chức triển khai phổ biến Chương trình tại 3 miền. Dự toán kinh phí trình duyệt. Xây dựng và hoàn thiện trang web về Chương trình kích cầu du lịch năm 2013. Tiếp nhận đăng ký tham gia của địa phương và doanh nghiệp.
- Quý II - Quý III/2013: Triển khai Chương trình trên phạm vi toàn quốc.
- Quý IV/2013: Tiếp tục triển khai và nắm tình hình để tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình.
3.1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Tổng cục Du lịch:
- Đầu mối trực tiếp làm việc với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương, các bộ ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo triển khai Chương trình kích cầu du lịch năm 2013.
- Phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Công Thương và các Hiệp hội ngành nghề trong lĩnh vực thương mại và du lịch trong quá trình triển khai Chiến dịch bán hàng giảm giá.
- Phối hợp chặt chẽ với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Hãng Hàng không Jestar Pacific và Hãng Hàng không Vietjet Air để triển khai các chương trình khuyến mại.
- Các đơn vị nòng cốt triển khai gồm Vụ Lữ hành, Vụ Khách sạn, Vụ Tài chính, Vụ Thị trường, Vụ Hợp tác Quốc tế và Trung tâm Thông tin du lịch do Vụ Lữ hành làm đầu mối. Các đơn vị khác thuộc Tổng cục Du lịch theo chức năng nhiệm vụ triển khai các nhiệm vụ thuộc chức năng theo Chương trình.
- Chỉ đạo Trung tâm thông tin du lịch xây dựng và hoàn thiện trang web riêng cho Chương trình kích cầu du lịch năm 2013. Trung tâm Thông tin Du lịch dự trù kinh phí hoàn thiện và vận hành trang web này.
- Đầu mối phối hợp, giải quyết tốt các vấn đề có tính liên ngành, liên địa phương trong quá trình triển khai Chương trình kích cầu du lịch năm 2013.
b) Cục Hợp tác quốc tế: Phối hợp với Tổng cục Du lịch triển khai một số nội dung liên quan đến xúc tiến quảng bá ở nước ngoài nằm trong Chương trình kích cầu du lịch năm 2013 và kết hợp tổ chức các chương trình xúc tiến quảng bá Chương trình kích cầu du lịch trong các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch ở nước ngoài trong năm 2013.
c) Cục Di sản văn hóa phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch tham mưu chỉ đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tốt các lễ hội dân gian và sự kiện văn hóa ở địa phương để thu hút khách du lịch.
d) Vụ Kế hoạch Tài chính: chủ động bố trí nguồn kinh phí trình Lãnh đạo Bộ giao cho Tổng cục Du lịch từ Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia để triển khai các hoạt động trong Chương trình kích cầu du lịch năm 2013.
3.2. Bộ Công Thương
- Đề nghị phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Hiệp hội ngành hàng, ngành nghề triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại gắn với Chương trình kích cầu du lịch; Tổ chức các Tuần lễ/ngày hàng Việt Nam tại các sự kiện văn hóa, du lịch của từng địa phương.
- Đề nghị quan tâm, chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của các địa phương và các Hiệp hội ngành nghề triển khai các hoạt động kích cầu du lịch gắn với hoạt động xúc tiến thương mại tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nơi có tiềm năng du lịch hấp dẫn.
- Đề nghị quan tâm chỉ đạo, phối hợp với Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, các Hiệp hội Thương mại, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các hãng Hàng không Việt Nam xây dựng Chiến dịch bán hàng giảm giá và Kế hoạch cụ thể chỉ đạo triển khai Chiến dịch bán hàng giảm giá; gắn kết quảng bá Chương trình kích cầu du lịch và hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại ở nước ngoài, đặc biệt là ở các thị trường du lịch trọng điểm; Cung cấp thông tin về nội dung Chiến dịch bán hàng giảm giá, danh sách và địa chỉ các đơn vị tham gia Chiến dịch bán hàng giảm giá cho Tổng cục Du lịch (Trung tâm Thông tin Du lịch) để đăng tải trên trang web của Chương trình kích cầu du lịch năm 2013.
- Đề nghị quan tâm chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ở địa phương là các trọng điểm du lịch tổ chức các cuộc thi thiết kế quà tặng là các sản vật từ các làng nghề thủ công truyền thống để bán cho khách du lịch.
- Đề nghị quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động bán hàng giảm giá; cung cấp thông tin về các hoạt động khuyến mại, giảm giá do các doanh nghiệp đăng ký để đăng tải trên website của Chương trình kích cầu du lịch năm 2013.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch tại nước ngoài để quảng bá cho các sản phẩm du lịch ở Việt Nam.
3.3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện triển khai hiệu quả Chương trình kích cầu du lịch ở địa phương:
+ Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch hưởng ứng tham gia Chương trình kích cầu du lịch năm 2013.
+ Chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan triển khai thực hiện Chiến dịch làm sạch môi trường du lịch với trọng tâm là xây dựng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn du lịch và làm sạch nhà vệ sinh công cộng dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, trung tâm đô thị và các tuyến điểm du lịch; ổn định giá vé tham quan tại các điểm di tích, danh thắng tại các điểm du lịch trên địa bàn.
+ Chỉ đạo triển khai Chiến dịch quảng bá tại chỗ đối với khách du lịch, có quà tặng là sản vật của địa phương tặng cho khách du lịch tới tham quan du lịch tại địa phương. Chỉ đạo triển khai cuộc thi thiết kế quà tặng và quà lưu niệm cho khách du lịch;
+ Chỉ đạo Đài Truyền hình và báo chí địa phương, kể cả báo mạng có chuyên mục giành riêng cho Chương trình kích cầu du lịch năm 2013.
+ Tạo điều kiện để các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện các chương trình, các hoạt động quảng bá điểm đến ra nước ngoài có hiệu quả.
+ Bãi bỏ quy định cấm hoặc cấp giấy phép con đối với xe vận chuyển khách du lịch (nếu có), tạo điều kiện cho xe vận chuyển khách du lịch được lưu thông thuận tiện trong và ngoài đô thị vào tất cả các giờ trong ngày.
- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương chỉ đạo triển khai hiệu quả Chiến dịch bán hàng giảm giá và chương trình “Tuần lễ hàng Việt” nằm trong Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại địa phương.
- Bố trí nguồn kinh phí để triển khai các hoạt động kích cầu du lịch trên cơ sở lồng ghép các hoạt động, nhiệm vụ thường xuyên ở địa phương.
3.4. Các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Xây dựng kế hoạch hưởng ứng tham gia Chương trình kích cầu du lịch 2013 trên cơ sở các chính sách cụ thể của mỗi địa phương và dự trù kinh phí triển khai Chương trình kích cầu du lịch trình Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố) phê duyệt. Vận động, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch trên địa bàn tham gia tích cực vào Chương trình ở địa phương.
- Các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có tiềm năng du lịch đăng ký Chương trình kích cầu du lịch cụ thể để thu hút khách đến địa phương. Tổng cục Du lịch sẽ hỗ trợ quảng bá điểm đến của địa phương. Các Sở đăng ký các chương trình khuyến mại du lịch nội địa với Tổng cục Du lịch.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên môi trường ở địa phương xây dựng kế hoạch trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã trên địa bàn tổ chức triển khai Chiến dịch làm sạch môi trường du lịch với trọng tâm là chiến dịch xây dựng nhà vệ sinh tiêu chuẩn du lịch và làm sạch nhà vệ sinh công cộng tại địa phương.
- Phối hợp với Sở Công Thương ở địa phương xây dựng Kế hoạch triển khai Chiến dịch bán hàng giảm giá, Chương trình “Tuần lễ hàng Việt” và cuộc thi thiết kế mẫu quà tặng và quà lưu niệm từ sản phẩm thủ công truyền thống tại địa phương, tổ chức đăng ký cho các doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn tham gia Chiến dịch bán hàng giảm giá, Chương trình “Tuần lễ hàng Việt” gửi về Bộ Công Thương.
- Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp du lịch và các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch trên địa bàn nghiêm túc thực hiện các cam kết khi đã đăng ký tham gia Chương trình này.
3.5. Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Thương mại và các hiệp hội liên quan
- Hiệp hội Du lịch Việt Nam chủ động tham gia cùng Tổng cục Du lịch tổ chức triển khai Chương trình kích cầu du lịch tới các doanh nghiệp thành viên, chỉ đạo các Hội du lịch tại địa phương hưởng ứng tham gia tích cực chương trình kích cầu du lịch này. Chỉ đạo Hiệp hội Lữ hành, Hiệp hội khách sạn phát động các doanh nghiệp lữ hành và khách sạn thành viên tham gia Chương trình kích cầu du lịch với các hình thức khuyến mại cụ thể và đăng ký chính thức với Tổng cục Du lịch (Vụ Lữ hành). Phát huy vai trò của Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Du lịch các địa phương trong việc tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch tại các Hội chợ Du lịch quốc tế được tổ chức tại Việt Nam nhằm khích lệ các doanh nghiệp tham gia kích cầu hiệu quả tại các Hội chợ này.
- Hiệp hội Du lịch các địa phương chủ động có kế hoạch khích lệ các thành viên tham gia Chương trình kích cầu du lịch tại địa phương.
- Đề nghị các Hiệp hội Thương mại và các Hiệp hội liên quan như Hiệp hội hàng tiêu dùng, Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, Hiệp hội tín dụng chủ động có Kế hoạch hưởng ứng khích lệ các thành viên tham gia Chương trình kích cầu du lịch năm 2013.
3.6. Các hãng hàng không tham gia Chương trình (Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Hãng Hàng không Jestar Pacific, Hãng Hàng không Vietjet Air và các hãng hàng không nước ngoài khác đăng ký tham gia Chương trình)
- Đề nghị phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương và các địa phương liên quan triển khai các nội dung Chương trình có sự tham gia của các hãng Hàng không.
- Đề nghị các hãng Hàng không tham gia vào Chương trình kích cầu du lịch năm 2013 có chính sách giảm giá vé máy bay cho các cán bộ, nhân viên đi thực hiện các Chương trình xúc tiến du lịch và thương mại trong và ngoài nước thuộc các đơn vị chức năng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công Thương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3.7. Các doanh nghiệp tham gia Chương trình
- Các doanh nghiệp (lữ hành, khách sạn, vận chuyển, siêu thị, cửa hàng, nhà hàng, khu điểm du lịch, cơ sở vui chơi giải trí,…) đăng ký tham gia Chương trình kích cầu du lịch năm 2013 trước ngày 20/4/2013 và thực hiện nghiêm các cam kết, đảm bảo thực hiện tốt chương trình khuyến mại cho khách du lịch.
- Các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các tour khuyến mại gửi về Tổng cục Du lịch (Vụ Lữ hành) để công bố chính thức trên trang web Chương trình.
- Các doanh nghiệp du lịch tiếp tục đẩy mạnh cung cấp thông tin, thông báo về dịch vụ và giá cả khuyến mại, thực hiện đúng cam kết để tạo thuận lợi cho khách du lịch, đồng thời tích cực nâng cao năng lực nghiệp vụ của đội ngũ quản lý, lao động tại doanh nghiệp, tăng cường xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới và nâng cấp chất lượng sản phẩm, dịch vụ hiện có; tránh tình trạng bớt xén dịch vụ hoặc cung cấp dịch vụ thấp hơn chào giá khuyến mại; hưởng ứng tham gia tích cực bằng các hành động cụ thể trong việc triển khai Chiến dịch xây dựng nhà vệ sinh tiêu chuẩn du lịch và làm sạch nhà vệ sinh công cộng.
- Các doanh nghiệp tham gia Chương trình phải ký cam kết. Trường hợp doanh nghiệp vi phạm cam kết, không thực hiện đúng những yêu cầu tham gia Chương trình sẽ bị loại khỏi danh sách tham gia Chương trình và bị thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và cơ quan thuế để không được hưởng ưu đãi của Chính phủ (nếu có) khi tham gia Chương trình.
4. Địa điểm tổ chức Chương trình kích cầu du lịch năm 2013
- Tổ chức triển khai Chương trình kích cầu du lịch năm 2013 trong cả nước, trong đó tập trung chủ yếu tại một số trọng điểm du lịch, dự kiến là: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cần Thơ, Lào Cai và một số điểm du lịch mới nổi như Hà Giang, Phú Yên, Đắc Lắc.
- Tổ chức các chương trình xúc tiến, quảng bá Chương trình kích cầu du lịch tại một số thị trường trọng điểm ở nước ngoài.
5. Chế độ kiểm tra, giám sát và báo cáo việc thực hiện Chương trình
5.1. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình
- Tổng cục Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng do Bộ Công Thương chỉ định và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình, bảo đảm Chương trình được thực hiện theo đúng yêu cầu, mục tiêu, nội dung, tiến độ, bảo đảm hiệu quả và theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
- Các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hỗ trợ đăng ký, kiểm tra và giám sát việc thực hiện cam kết của các doanh nghiệp đăng ký tham gia Chương trình này, các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc cam kết và chịu trách nhiệm trước các cơ quan quản lý nhà nước về nội dung mình đã cam kết.
5.2. Báo cáo việc thực hiện Chương trình
- Các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương định kỳ (hàng tháng, hàng quý) hoặc đột xuất báo cáo tình hình và kết quả triển khai thực hiện Chương trình về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Tổng cục Du lịch) và Bộ Công Thương; báo cáo tổng kết, đánh giá thực hiện Chương trình trên địa bàn trước ngày 31/12/2013.
- Tổng cục Du lịch chủ trì, phối hợp với các với các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện Chương trình báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Công Thương trong tháng 1/2014.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch, sự hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, chính quyền địa phương liên quan, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các Hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, thương mại trong cả nước và các phương tiện truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tin tưởng Chương trình kích cầu du lịch năm 2013 sẽ được triển khai thành công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch và thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, giúp ngành Du lịch và dịch vụ vượt qua khó khăn, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của các địa phương trong thời gian tới./.
- 1Quyết định 790/QĐ-BVHTTDL năm 2010 ban hành Chương trình kích cầu du lịch “Việt Nam - Điểm đến của Bạn” do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 2Quyết định 2404/QĐ-BVHTTDL năm 2013 phê duyệt Kế hoạch tuyên truyền về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 3Công văn 6326/VPCP-KGVX ý kiến chỉ đạo về Chương trình Kích cầu du lịch năm 2013 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 3423/QĐ-BVHTTDL năm 2014 về Chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề "Người Việt Nam du lịch Việt Nam - Mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc" do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 1Nghị định 185/2007/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch
- 2Quyết định 63/2008/QĐ-TTg về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng Cục du lịch trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 790/QĐ-BVHTTDL năm 2010 ban hành Chương trình kích cầu du lịch “Việt Nam - Điểm đến của Bạn” do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 4Nghị quyết 13/NQ-CP năm 2012 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường do Chính phủ ban hành
- 5Thông báo 252/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch tại cuộc họp Ban Chỉ đạo ngày 04 tháng 7 năm 2012 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6Chỉ thị 24/CT-TTg năm 2012 tăng cường thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 2404/QĐ-BVHTTDL năm 2013 phê duyệt Kế hoạch tuyên truyền về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 8Công văn 6326/VPCP-KGVX ý kiến chỉ đạo về Chương trình Kích cầu du lịch năm 2013 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 9Quyết định 3423/QĐ-BVHTTDL năm 2014 về Chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề "Người Việt Nam du lịch Việt Nam - Mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc" do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
Quyết định 984/QĐ-BVHTTDL về Chương trình kích cầu du lịch gắn với việc thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ năm 2013 do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- Số hiệu: 984/QĐ-BVHTTDL
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 12/03/2013
- Nơi ban hành: Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
- Người ký: Hồ Anh Tuấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra